Một lần gặp Hổ

23:50, 04/02/2022

Xuân 2022 - Nghe các cụ kể chuyện về những con Hổ khét tiếng... Hổ thọt ba chân; Hổ ăn thịt người, mỗi mạng người ăn xong thì tai nó sẽ bị rách một miếng như là bị bấm để đánh dấu. Vậy mà có những con khi người ta bắn được, hoặc bẫy được có đến mấy vết trên tai như vậy. Rồi đến chuyện có chín con ngựa thồ hàng đi cùng nhau thì con đi giữa bị Hổ vồ... Vì thế mới có chuyện mọi người đi vào rừng phải đi chẵn chứ không nên đi lẻ, vì đi lẻ thì Hổ hay vồ người đi giữa... Rồi cách nhận biết có Hổ ở gần hay xa vân vân và vân vân. Mỗi lần như vậy bọn trẻ chúng tôi sán lại gần nghe mà thấy toát mồ hôi. Những điều các cụ nói vừa có vẻ hoang đường, nhưng cũng có vẻ như đã được đúc kết từ thực tế.

ảnh minh họa
ảnh minh họa

Còn nhớ, có một lần vào tầm tháng 11  âm lịch, được mẹ cho đi cùng làm bạn lên rừng vầu để đào măng. Lúc ấy tôi tầm 10 hay 11 tuổi gì đó. Trước khi bước vào rừng Vầu, tôi cùng mẹ bôi quả Bồ hòn vào bàn chân, kẽ chân để chống vắt cắn. Vừa bôi mẹ vừa dặn: Bây giờ măng đã mọc nhô “tai” lên rồi, đừng sờ vào nó nhé. Tôi đáp: Vâng ạ! Tôi biết ý mẹ dặn kiêng, vì tôi cũng đã được nghe các cụ nói: Chớ sờ tai măng vầu mới nhú, sờ vào là Hổ nó đến ngay... Trong thâm tâm tôi không tin điều đó. Thế rồi hai mẹ con vừa len lỏi trên rừng Vầu, cầm que khều cỏ, tìm nơi đất nứt để đào măng đang nhú. Tôi cũng  cầm que quét và phát hiện mấy chỗ đất nứt và mẹ cũng đến đào được mấy củ măng, một lúc sau tôi thấy một cái tai măng nhô lên khỏi mặt đất trông nó thật đẹp. Tôi reo lên và mẹ cũng vừa kịp đến. Mẹ hỏi: Nó đâu, to không? Tôi lấy tay chỉ và nói: Đây này, to lắm. Vừa nói tôi vuốt vào cái tai măng. Mẹ hất tay tôi bằng cán thuổng, đau điếng và quát: Đã bảo không được làm thế mà!!! Tôi vừa sực nhớ lời mẹ dặn thì… thôi rồi. Sau tiếng quát mắng của mẹ, ở phía đầu rừng vầu có tiếng gì ầm ầm, rung chuyển cây cối. Những khóm lá dong bị lật tung trắng xóa; những vạt chè khổng lồ lúp xúp bị gẫy rạp... Đó là một cuộc rượt đuổi. Tôi nhìn thấy con phóng đi trước màu vàng sẫm nhỏ hơn, con lao mình theo sau to và dài hơn, cách con đi trước gần chục sải tay cũng màu vàng sẫm nhưng có những vệt vằn đen... Hai con vật đuổi nhau làm náo loạn cả khu rừng. Những con chim Chào mào rừng kêu thất thanh, bay loạn xạ. Những con chim Tu rúc đang ăn quả cũng giật mình kêu hoảng loạn. Mấy con Sóc cũng bất ngờ bị đánh động vừa kêu lạc giọng vừa thi nhau nhảy lên cành cao... Cành lá khô gẫy bay, rơi lả tả...

Mẹ kéo tôi ngược dốc núi, vừa kéo vừa la hét theo kiểu đuổi thú, vừa chặt những cây chuối rừng ầm ầm đổ, bập những dóng của cây Vầu già tạo thành mõ gõ liên hồi trận. Tôi sẵn có chiếc thuổng của mẹ,  thấy có mô đá mồ côi liền bẩy mấy hòn to bằng cái dậu đựng thóc, chúng lăn xuống tạo thành vệt, ầm ầm lao xuống nơi hai con vật vừa phóng qua. Mấy hòn đá lăn quả thật hiệu quả, nó chẳng những tạo ra âm thanh áp đảo mà theo đà dốc mỗi lúc tăng thêm động năng cho nó, có hòn bay văng cao và xa vào bụi nứa”! Nếu con vật to vằn dài lao theo sau mà “dính” phải hòn đá ấy chắc cũng đi đời nhà nó... Sau trận gõ mõ, chặt chuối và nhất là trận đá lăn khu rừng trở lại yên tĩnh. Tôi và mẹ cũng thấy vững tâm hơn và tiếp tục tìm kiếm măng. Lâu lâu mẹ lại hô lên mấy tiếng và gõ cây vầu. Tôi cũng định bắt chước mẹ nhưng mẹ ra hiệu không được...

Một lúc sau, thấy một số người cùng làng cũng đi tìm măng, trong đó có một người có súng. Đến đây thì tôi yên tâm lắm rồi. Măng đã đầy sọt, mọi người đi xuống núi nơi có hai con vật đuổi nhau. Mẹ giục tôi đi cùng tốp đầu. Chuyện trò râm ran. Bác có súng đi sau cùng. Đến chỗ bôi thuốc chống vắt, bác ấy hắt hơi ba lần và nói với mọi người rằng: Có con Hổ vừa đi qua đây, mùi của nó như mùi nước măng chua còn nguyên mới. Mọi người bắt đầu cảnh giác. Một số người lấy hai mảnh cật nứa chà vào nhau nghe ê buốt đến tận chân răng… Khi về đến đầu làng, mẹ tôi kể với mọi người về chuyện hai con vật rượt đuổi nhau. Bác có súng nói đó là là Hổ đuổi con Hoẵng đấy, chắc nó không vồ được con Hoẵng, vì có người  đã cứu nó. Hóa ra là vậy. Mẹ còn khen tôi dũng cảm và nhanh trí. Mấy hòn đá lăn thật sự có hiệu quả đem lại sự răn đe với con Hổ và củng cố sức mạnh của con người.

Đó là lần đầu tiên và duy nhất tôi nhìn thấy Hổ ở quê mình. Thật tuyệt vời lại thấy nó đang đuổi bắt mồi. Có lẽ vì gặp tôi và mẹ nên đã làm “hỏng việc” của nó. Nhưng tôi tự hào vì có thể mình đã cứu được một sinh linh hiền lành lúc đó.  Nghĩ những chuyện các cụ nói về con Hổ không phải quá hoang đường. Mẹ còn giải thích cho tôi biết vì sao không cho tôi hô hoán  là vì nếu tôi cũng hô thì con Hổ sẽ không sợ người nữa và trẻ con là đối tượng mà nó thích trêu ngươi.

Sau này lớn, có lúc đã trở thành một thợ săn thú rừng, tôi từng mong được một lần gặp Hổ, nhưng không bao giờ gặp lại được nữa. Hổ ở rừng quê tôi đã tiệt diệt. Rừng vầu ngày xưa đã thành rừng trồng cây lấy gỗ... Kể câu chuyện gặp Hổ trên rừng với các cháu, tôi đã trở thành ông cụ mất rồi! 

Hoàng Kiệm


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Sự tích cây nêu
Xuân 2022 - Ngày xưa, ở lưng chừng núi hẻo lánh phía Bắc, có một làng người Dao với vài nóc nhà, cuộc sống gắn liền với nương rẫy, di cư quanh vùng. Dưới chân núi, là một làng người Tày với khoảng hơn chục nóc nhà, họ sống nhờ cày cấy với mấy thửa ruộng ven theo con suối chảy qua giữa làng.
31/01/2022
Độc đáo bánh Tết truyền thống của người Tày Yên Minh
BHG - Bên những dãy núi cao quanh năm mây phủ, những dòng sông uốn lượn, nơi đồng ruộng thênh thang trĩu hạt, người Tày Hà Giang đã định cư sinh sống từ bao đời nay. Trên những thửa ruộng bậc thang của quê hương, họ đã cùng người Dao, người Mông… trồng cấy để tạo nên những hạt gạo thơm ngon phục vụ bữa ăn hàng ngày và làm ra những loại bánh truyền thống đặc sắc…
31/01/2022
Hà Giang cùng đất nước vào Xuân
BHG - Nhân dịp Xuân mới Nhâm Dần 2022, Báo Hà Giang nhận được nhiều tâm tư, cảm xúc của bạn đọc gần xa. Một trong số đó là bài thơ Hà Giang cùng đất nước vào Xuân của tác giả Lê Quang Minh. Xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc!
31/01/2022
Lễ cấp sắc của người Dao đỏ
BHG - Thôn Lùng Vài xã Phương Độ có tổng số 75 hộ dân, 100% đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Trong những năm qua, phát huy tiềm năng sẵn có của địa phương để phát triển kinh tế, với độ cao hơn 700 mét so với mặt nước biển, có khu rừng nguyên sinh, khí hậu mát mẻ quanh năm đây là điều kiện phù hợp cho người dân trong thôn trồng cây thảo quả dưới tán rừng. Tận dụng lợi thế đó, những năm qua người dân trong thôn đã phát triển mạnh diện tích trồng thảo quả, nhờ đó đời sống người dân được nâng lên. Cùng với đó, bản sắc văn hóa của người dân nơi đây được giữ gìn, trong đó có Lễ cấp sắc.
30/01/2022