Nhà giáo Ưu tú Vũ Thị Ý, người đưa đò thầm lặng trên miền đá xám

13:00, 04/12/2021

BHG - Hơn 30 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục trên miền đá xám Mèo Vạc, năm 2021 cô giáo Vũ Thị Ý, sinh năm 1970, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú tiểu học Xín Cái, huyện Mèo Vạc vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Nhận danh hiệu của cả cuộc đời mình, nhưng chị Ý rất khiêm tốn cho biết, mỗi chúng tôi lên với vùng cao chỉ đơn giản là một người thầy, người cô và phải làm tròn trách nhiệm công dân với miền đất khó khăn này.

Tâm sự với chúng tôi, chị Ý nhớ lại những năm tháng đầy vất vả. Chị sinh ra, lớn lên ở xã khó khăn Bạch Ngọc, Vị Xuyên. Những năm thời bao cấp, cánh con trai trong xã chị học đến cấp II là thưa dần, lên đến cấp III rất ít và chị là học sinh nữ duy nhất học hết cấp III. Đi theo ước mơ làm cô giáo, chị đăng ký theo học hệ sư phạm 12 +2 tại trường sư phạm Hà Giang. Hoàn cảnh khó khăn, tại trường sư phạm, chị mới tập những vòng xe đạp đầu tiên trong cuộc đời mình. Ngày ấy, cuộc sống khó khăn, không nhiều người chọn nghề giáo bởi đồng lương hạn chế. Hà Giang là địa bàn rất thiếu giáo viên, các huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh…, lại càng thiếu, vì thế tốt nghiệp sư phạm, chị Ý được phân lên Mèo Vạc công tác. 

Chị Ý kể, ngày nhận quyết định lên Mèo Vạc, gia đình không ai muốn tôi đi lên nơi xa tít và lặng lẽ này. Mẹ tôi thương con còn dặn, nếu khổ quá thì về với mẹ con à. Những năm 1990 của thế kỷ trước, Hà Giang là địa bàn vừa bước ra khỏi chiến tranh, KT – XH rất khó khăn. Vì thế, kỷ niệm trong chuyến đi đầu tiên lên Mèo Vạc dạy học với tôi là ký ức không quên. Tôi tạm biệt gia đình, bắt xe từ Vị Xuyên lên Mèo Vạc. Hành trình chỉ có 170km, nhưng mất đến 2 ngày tôi mới đến được Mèo Vạc. Lúc đó, lên Mèo Vạc và các huyện vùng cao Hà Giang chỉ có loại xe ô tô mà bà con vẫn hay gọi đùa là xe “chuồng gà”. Tôi phải cố mới lên được chiếc xe chen chúc đến ngột thở, cộng với đường xá quá xấu, xe lắc tứ phía khiến tôi say mềm như sợi bún. Anh lái xe lo cho tính mạng của hành khách, cứ đến đoạn nguy hiểm là lại thúc bà con xuống đi bộ cho an toàn, tôi không bước nổi xuống xe, đành phó mặc, nằm im trên xe, trong đầu lơ mơ nghĩ, bằng giá nào cũng phải đến được Mèo Vạc. Tôi mệt lả đặt chân đến Mèo Vạc đúng khi trời tối, hai ngày trên đường đá ngày ấy mà cứ ngỡ như lênh đênh trên biển, cuối cùng tôi đã đến nơi và trở thành cô giáo của Mèo Vạc như hôm nay. 

Những hình ảnh về Nhà giáo Ưu tú Vũ Thị Ý (trong clip có hình ảnh tư liệu)

[video(66570)]

Cô giáo Vũ Thị Ý đến từng nhà ở các thôn, bản vận động các gia đình tạo điều kiện cho con đến trường
Cô giáo Vũ Thị Ý đến từng nhà ở các thôn, bản vận động các gia đình tạo điều kiện cho con đến trường
Lớp học ấm áp của cô Ý ở xã biên giới Xín Cái
Lớp học ấm áp của cô Ý ở xã biên giới Xín Cái

Những ngày tháng đầu tiên trong đời giáo viên, cô giáo Vũ Thị Ý gắn bó với Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Mèo Vạc. Đây là những năm tháng Hà Giang chú trọng việc xóa mù chữ rồi tiếp đó là phổ cập tiểu học. Cô Ý nhớ lại, ngay từ mùa đông đầu tiên giá rét ở Mèo Vạc, tôi đã cùng các đồng nghiệp tăng cường vào các xã vùng sâu, vùng xa của huyện để xóa mù chữ. Những ngày tháng đi tăng cường không quên, đi cả ngày mới tới nơi, có thời điểm ở mấy tháng trời trên bản với rất nhiều kỷ niệm về sự khó khăn, vất vả. Nhưng kỷ niệm nhớ nhất với tôi là một lần vào thôn, trời tối nên chúng tôi ngủ nhờ tại nhà một người dân, cả đêm không ngủ vì lạ nhà, người bị ngứa, sáng dậy nhìn xuống phía dưới là cả một chuồng gà. Bà con ở các thôn tuy nghèo, nhưng sống rất tình cảm, mỗi lần chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ dạy xóa mù chữ, được điều trở về trường, bà con vẫn tha thiết muốn giữ các cô giáo ở lại. 

Những năm tháng nhớ nhà dần qua đi, đất lạ dần hóa thành quê hương. Đã từng có những cơ hội giúp cô Ý có thể chuyển về Vị Xuyên dạy học, nhưng đất và người Mèo Vạc đã níu cô ở lại. Năm 2003, cô Ý được điều chuyển sang Trường Tiểu học thị trấn. Và đến năm 2010, cô Ý xung phong chuyển vào Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học xã Xín Cái. Đây là một trong 3 xã biên giới của huyện, cô Ý tâm sự, Xín Cái nổi tiếng với gió rét mùa đông, có những hôm sương mù dày đặc cả ngày. Đường từ huyện vào đây có cảnh quan cực kỳ hùng vĩ, nhưng không hề dễ đi và không hề gần. Có những sáng thức dậy, lấy gáo vục xuống bể nước mà thấy cứng ngắc, nghe queng một cái mà ngỡ như vừa va phải sắt, những luống bắp cải buổi sớm đóng băng như những bông hoa thủy tinh. Trong những năm tháng ấy, nhìn học trò quần áo mỏng, gầy gò mà thương lắm. Có hôm trời lạnh, các con cóng tay không đưa nổi bút. Thầy trò nhà trường phải thường xuyên đi xin quần áo, ủng, tất, giày, mũ…, thấy các con thiếu gì là xin cái đó, cũ mới không quan trọng, miễn là để các con đủ ấm. Những cố gắng của chúng tôi đã được đền đáp, các con đến lớp và ở lại trường học là điều chúng tôi yên tâm nhất. 

Thầy Đỗ Văn Long, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Xín Cái, cho biết: Vượt lên những năm tháng đầy thiếu thốn ở Mèo Vạc, cô giáo Vũ Thị Ý luôn tâm huyết, gắn bó với nghề. Cô là người rất quan tâm đến học trò, đặc biệt là những em có hoàn cảnh khó khăn. Là tổ trưởng chuyên môn, cô Ý luôn có những sáng kiến, nghiên cứu đổi mới phương pháp dạy và học, được ứng dụng vào thực tế giảng dạy và được Phòng Giáo dục nhân rộng trong huyện, như: Sử dụng đồ dùng trực quan trong dạy học môn toán ở lớp 1 đầu cấp; Một số biện pháp nâng cao hiệu quả dạy môn tập đọc lớp 2... Các sáng kiến, nghiên cứu đều hướng đến việc khắc phục những khó khăn của trẻ em vùng cao, còn gặp khó khăn trong việc nói tiếng phổ thông.

Trong điều kiện của vùng cao, duy trì việc học đã khó, việc phát hiện, thúc đẩy các em có học lực khá vươn lên giỏi càng khó hơn. Nhưng cô Ý đã cùng với các đồng nghiệp tích cực phát hiện, rèn rũa được nhiều học trò giỏi. Ở các mái trường cô đã dạy, có nhiều học trò con em đồng bào các dân tộc được cô dạy đã đạt học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp huyện... 

Các đồng nghiệp của cô Ý ở xã Xín Cái chia sẻ với tôi, cô Vũ Thị Ý luôn có tinh thần đoàn kết, chân thành và khiêm nhường. Cô luôn có tinh thần giúp đỡ, động viên đồng nghiệp phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, được bạn bè đồng nghiệp quý mến, phụ huynh tin tưởng, học sinh kính trọng. Cô thực sự là tấm gương giàu nghị lực để mọi người cùng học tập. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng đến nay hai vợ chồng cô Ý đã nuôi dạy 2 người con, trong đó 1 cháu học cao đẳng, 1 cháu học cao học.

Sau 30 năm được học cô Vũ Thị Ý tại Trường Nội trú huyện, anh Chu Quyết, ở thị trấn Mèo Vạc hiện đã là một cán bộ huyện vẫn nhớ như in những ngày được cô uốn nắn từng nét chữ, từng cái ăn, cái mặc, cách ứng xử. Anh Quyết xúc động cho biết, sự tận tình như người mẹ của cô Ý đã giúp bao học trò nội trú như anh vươn lên, có nhiều bạn giờ đã thành đạt, làm cán bộ huyện, lãnh đạo các xã. Chúng tôi luôn nhớ ơn cô Ý cũng như các thầy cô đã dìu dắt mình!

Lặng lẽ cống hiến cho sự nghiệp trồng người trên miền đá tai mèo biên cương, cô giáo Ý đã 8 lần được công nhận là Chiến sĩ Thi đua cơ sở. Cô được công nhận Danh hiệu Giáo viên giỏi cấp tỉnh; được nhận nhiều Bằng khen của Bộ GD&ĐT, của UBND tỉnh, nhiều giấy khen của huyện về thành tích xuất sắc trong công tác dạy và học. Năm 2018, cô được tỉnh trao Huy hiệu Vì sự nghiệp phát triển tỉnh Hà Giang. Cô giáo Vũ Thị Ý xứng đáng với Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú mà Chủ tịch nước trao tặng. 

Nhóm PV Huy Toán, Minh Đức


Cùng chuyên mục

Hà Giang có một tác phẩm đoạt giải Nhất cuộc thi ảnh "Không gian Di sản văn hóa Việt Nam"

BHG - Vừa qua, tại Hà Nội, đã diễn ra Lễ bế mạc và trao giải cuộc thi và triển lãm ảnh "Không gian Di sản văn hóa Việt Nam". Sau hơn 5 tháng phát động (1.6.2021 – 31.10.2021), mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, song Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng, nhiệt tình tham gia của các nghệ sỹ nhiếp ảnh và các tác giả không chuyên trên toàn quốc. Với 1.700 tác phẩm ảnh của 204 tác giả, bao gồm ảnh bộ và ảnh đơn, trải qua 3 vòng chấm kĩ lưỡng từ Hội đồng Giám khảo, kết quả có 52 tác phẩm lọt vào vòng chung kết.

30/11/2021
Kích cầu du lịch bằng "Hành trình biên cương Xanh"

BHG - Để xây dựng ngành Du lịch Hà Giang phát triển bền vững; đáp ứng yêu cầu mong mỏi của thị trường khách du lịch trong nước cũng như quốc tế; đưa du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo công ăn việc làm cho người dân. Hiệp hội Du lịch tỉnh triển khai dự án "Hành trình biên cương Xanh" từ nay đến hết năm 2026 với nhiều hoạt động du lịch trên các cung đường, điểm dừng chân nổi bật; trồng 10.000 cây xanh trên các tuyến du lịch vùng biên, phát triển môi trường hoạt động kinh doanh du lịch văn minh, lịch sự và chuyên nghiệp.

29/11/2021
Học sinh thành phố Hà Giang sẵn sàng quay trở lại trường học

BHG - Sau khi thành phố Hà giang đã cơ bản khống chế được dịch Covid- 19, đưa thành phố trở về "vùng xanh". Thực hiện chỉ đạo của tỉnh và thành phố Hà Giang về việc cho học sinh trở lại trường bắt đầu từ thứ 2, ngày 29.11.2021.

29/11/2021
Hà Giang - điểm đến an toàn, thân thiện

BHG - Cuối tháng 10 vừa qua, tỉnh ta ghi nhận đợt dịch Covid-19 bùng phát mạnh nhất từ trước đến nay, tuy nhiên chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt. Căn cứ kết quả phân loại cấp độ dịch trên địa bàn của UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có thông báo đón du khách trở lại Hà Giang từ ngày 23.11.2021 theo phương châm xây dựng điểm đến an toàn, thân thiện, đảm bảo phòng, chống dịch cho du khách và người dân.

29/11/2021