Hà Giang

Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số

11:15, 01/11/2021

BHG - Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non (MN), học sinh tiểu học (TH) người dân tộc thiểu số (DTTS) đã trở thành “chìa khóa” quan trọng trong công tác giáo dục của huyện Bắc Quang, mở ra cơ hội học tập, lĩnh hội tri thức cho trẻ em người DTTS.

Góc chợ quê của cô, trò Trường Mầm non Vĩnh Phúc (Bắc Quang) góp phần kích thích sự phát triển ngôn ngữ tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số.
Góc chợ quê của cô, trò Trường Mầm non Vĩnh Phúc (Bắc Quang) góp phần kích thích sự phát triển ngôn ngữ tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số.

Huyện Bắc Quang hiện có 19 dân tộc cùng sinh sống. Trong đó, đồng bào DTTS chiếm gần 74% cơ cấu dân số toàn huyện. Trẻ em DTTS vốn đã quen giao tiếp trong môi trường tiếng “mẹ đẻ”. Tại một số địa phương, nhất là xã vùng III, đường giao thông đi lại khó khăn, dân cư phân tán, chủ yếu tập trung người DTTS thì cơ hội giao tiếp bằng tiếng Việt của trẻ cũng trở nên khó khăn. Để từng bước tháo gỡ trở ngại này, khi ra lớp, trẻ MN, học sinh TH người DTTS được tăng cường tiếng Việt. Điều này nhằm đảm bảo cho các em có kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình giáo dục MN và TH. Từ đó, tạo tiền đề quan trọng trong học tập, lĩnh hội tri thức của các cấp học tiếp theo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đóng góp vào sự phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS cũng như sự tiến bộ, phát triển của địa phương – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bắc Quang Hoàng Thị Thu Hiền chia sẻ.

Mô hình “Sự tích dưa hấu Mai An Tiêm” của Trường Mầm non Vô Điếm (Bắc Quang)  được trưng bày, giới thiệu tại Đại hội Đảng bộ huyện Bắc Quang, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Mô hình “Sự tích dưa hấu Mai An Tiêm” của Trường Mầm non Vô Điếm (Bắc Quang) được trưng bày, giới thiệu tại Đại hội Đảng bộ huyện Bắc Quang, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Ra lớp đúng độ tuổi (3 tuổi) được ví như “thời điểm vàng” để tăng cường tiếng Việt cho trẻ em DTTS. Chính bởi vậy, cấp ủy, chính quyền, ngành GD&ĐT huyện đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, vận động phụ huynh đưa trẻ ra lớp đúng độ tuổi với nhiều hình thức phong phú, như: Trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với phụ huynh; tuyên truyền thông qua các buổi họp (phụ huynh, phụ nữ, họp thôn…), phát tờ rơi hay truyền thông trên loa phát thanh. Nhờ đó, tỷ lệ huy động trẻ 3-5 tuổi đi mẫu giáo đạt 99,05%; trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%.

Phòng GD&ĐT huyện Bắc Quang chỉ đạo các trường học trực thuộc huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng, tu sửa cơ sở vật chất, tăng cường học liệu, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, xây dựng môi trường tiếng Việt cho trẻ. Nhờ đó, cảnh quan môi trường sư phạm đều xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện với trẻ; trang trí phòng, lớp học đảm bảo tính thẩm mỹ, thân thiện, phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Hiện nay, huyện Bắc Quang có 398 phòng học cấp MN, không còn phòng học nhờ, học mượn. Cấp TH có tổng số 573 phòng học. Trong đó, ngành GD&ĐT huyện huy động nguồn kinh phí xã hội hóa 2,4 tỷ đồng để xây dựng 8 phòng học kiên cố, nâng tổng số phòng học kiên cố lên 373 phòng.

Nhằm giúp trẻ mạnh dạn hơn trong giao tiếp, các trường học chú trọng xây dựng góc hoạt động, kích thích sự phát triển ngôn ngữ tiếng Việt. Trong đó, góc tiếng Việt hay thư viện thân thiện được bố trí đảm bảo mỹ quan, trang bị hệ thống kệ, giá sách phù hợp, trong tầm tay và tầm mắt, giúp học sinh dễ quan sát, lấy, cất sau khi sử dụng. Đã có 30 trường TH được trang cấp các đầu truyện (trị giá 2,5 triệu đồng/trường) để bổ sung cho góc tiếng Việt và thư viện thân thiện. Góc văn hóa truyền thống, chợ quê, khu vườn cổ tích, khu vui chơi phát triển vận động... thường xuyên được bổ sung đồ dùng, đồ chơi cho trẻ hoạt động. Hơn nữa, còn được thiết kế sáng tạo, gần gũi, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, giúp trẻ có môi trường học tập, vui chơi và tăng cường giao tiếp với bạn bè.

Để góp phần thực hiện hiệu quả việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ, huyện Bắc Quang quan tâm đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ viên chức quản lý (VCQL), giáo viên (GV) bằng nhiều hình thức, như: Học tập kinh nghiệm tại các trường xây dựng mô hình điểm về tăng cường tiếng Việt cho trẻ; dự giờ; bồi dưỡng kiến thức, nội dung, kỹ năng thực hiện chuyên đề, giúp cán bộ quản lý, GV thực hiện hiệu quả chương trình sách giáo khoa mới đảm bảo mục tiêu môn Tiếng Việt… Chỉ từ năm 2017 đến nay, huyện Bắc Quang đã tổ chức 5 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho 663 VCQL, GV MN dạy trẻ em vùng DTTS; 4 lớp dạy tiếng dân tộc cho 47 VCQL, GV dạy trẻ em vùng DTTS. Thông qua việc đào tạo “GV song ngữ” hoặc bố trí GV cùng DTTS với trẻ hay sắp xếp cộng tác viên ngôn ngữ tại các trường học đã góp phần quan trọng hỗ trợ quá trình truyền đạt tiếng Việt cho trẻ em DTTS, nhất là nhóm nhà trẻ. Qua đó, giúp trên 21,5 nghìn lượt trẻ MN và hơn 9,9 nghìn lượt học sinh TH được tăng cường tiếng Việt…

Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang Ngô Văn Hiếu cho biết, để tăng cường ngôn ngữ tiếng Việt cho trẻ em MN, học sinh TH người DTTS, huyện tiếp tục triển khai đồng bộ nhóm giải pháp trọng tâm, như: Tập trung truyền thông về tăng cường tiếng Việt cho trẻ; huy động trẻ em người DTTS trong độ tuổi ra lớp và đi học chuyên cần; bổ sung, thay thế các thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi cho các nhóm lớp vùng đặc biệt khó khăn; lựa chọn, nhân rộng mô hình điểm tại các trường học. Trên cơ sở đó, phấn đấu đến năm 2025 đạt 100% số trẻ em MN được tập trung tăng cường tiếng Việt; hàng năm, 100% học sinh TH người DTTS được tăng cường tiếng Việt.

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xúc động bài thơ của một người cha có con bị nhiễm Covid-19

BHG - Những ngày qua, Tp. Hà Giang và một số nơi trong tỉnh đã có các ca bệnh Covid-19. Trong đó, có những ca bệnh là các em học sinh, trẻ nhỏ. Trong hoàn cảnh như vậy, nhiều em nhiễm bệnh, ít hoặc không có triệu chứng đang được cách ly tại nhà và phải một mình ở trong phòng cách li của gia đình. Thương con, nhưng vì để đảm bảo phòng chống dịch, nhiều bậc phụ huynh cũng không thể gần gũi để vỗ về, động viên con. Anh Nguyễn Thái Hùng, ở địa bàn phong tỏa phường Ngọc Hà, Tp. Hà Giang...

31/10/2021
Đọc thơ ở Sơn Vĩ

BHG - Những năm trước khi con đường Hạnh Phúc chưa thông sang Mèo Vạc và đường liên xã từ trung tâm huyện lên Xín Cái, Thượng Phùng, Sơn Vĩ chỉ là đường mòn, ngựa thồ. Đồng bào Sơn Vĩ phải vượt Mã Pì Lèng sang chợ Đồng Văn để mua muối, dầu thắp sáng, hạt giống, bê con, dê giống… về phục vụ sinh hoạt, phát triển kinh tế.

30/10/2021
Hang Bó Mỳ điểm nhấn của Làng Văn hóa thôn Khun

BHG - Làng Văn hóa thôn Khun, xã Bằng Lang (Quang Bình) là một trong những nơi không chỉ tập trung nhiều nét đặc sắc văn hóa dân tộc thiểu số nơi đây mà còn chứa nhiều vẻ đẹp tiềm ẩn, phù hợp cho những du khách yêu thích du lịch mạo hiểm, trải nghiệm trong hang đá tự nhiên chứa nhiều nhũ đá kỳ lạ mà còn có loài cá hiếm Dầm xanh.

29/10/2021
Sở Văn hóa TT&DL quảng bá, kích cầu du lịch Hà Giang sau đại dịch Covid-19

BHG - Trong các ngày từ 26-29, Sở Văn hóa TT&DL phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các doanh nghiệp lữ hành, cơ quan báo chí trung ương và địa phương tổ chức khảo sát, quảng bá và kích cầu sản phẩm du lịch của Hà Giang.

29/10/2021