Bài trừ tập tục lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số - Kỳ đầu: Dai dẳng tập tục lỗi thời, lạc hậu

08:55, 24/11/2021

BHG - Không ít tập tục lỗi thời (lạc hậu) trong việc cưới, tang, sinh hoạt và đời sống… tồn tại dai dẳng trong một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), trở thành rào cản kìm hãm sự phát triển tiến bộ của xã hội. Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc vận động nhân dân xóa bỏ các tập tục lạc hậu, phát huy truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp, giàu bản sắc của mỗi dân tộc.

Xóa bỏ tập quán lạc hậu là tiền đề quan trọng để đồng bào DTTS xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. (Trong ảnh: Phụ nữ Dao tích cực tham gia các hoạt động quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cam Sành).
 Phụ nữ Dao tích cực tham gia các hoạt động quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cam Sành. Ảnh TL

Hà Giang – mảnh đất biên cương, địa đầu cực Bắc Tổ quốc là nơi hội tụ 19 dân tộc anh em cùng chung sống. Tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm 87,7% cơ cấu dân số toàn tỉnh, trong đó dân tộc Mông chiếm 34,46%, Tày (22,43%), Dao (14,82%), Kinh (12,30%), Nùng (9,51%), còn lại là các dân tộc khác; có 9 dân tộc còn gặp nhiều khó khăn và 5 dân tộc có khó khăn đặc thù, gồm: Pu Péo, Bố Y, Cờ Lao, Lô Lô, Pà Thẻn.

Xuyên suốt quá trình phát triển, mỗi dân tộc đều có những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, phản ánh chân thực đời sống văn hóa của dân tộc mình qua từng thời kỳ lịch sử. Đó là các phong tục tập quán tốt đẹp, làn điệu dân ca, dân vũ làm say lòng người, các lễ hội phong phú, sinh động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Không những vậy, tỉnh ta luôn quan tâm đến việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc với nhiều hoạt động đa dạng, như: Bảo tồn tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội dân gian, nghi lễ truyền thống… Nhờ đó, nhiều nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng truyền thống của đồng bào được bảo tồn và phát huy, tạo nên sắc màu văn hóa vô cùng độc đáo cho mảnh đất địa đầu Tổ quốc.

Tuy nhiên, với các yếu tố đặc thù về vị trí địa lý, địa bàn cư trú, phong tục tập quán, trình độ dân trí nên một số vùng đồng bào DTTS ở tỉnh ta còn tồn tại các tập tục lạc hậu, lỗi thời, không phù hợp với cuộc sống hiện nay, trở thành “gánh nặng” truyền đời đối với các cộng đồng người và là rào cản của sự tiến bộ xã hội. Ví như tình trạng “kéo vợ”, “bắt vợ” tồn tại trong một bộ phận đồng bào dân tộc Mông, xảy ra chủ yếu vào dịp Tết Nguyên đán. Nam thanh niên “kéo vợ” bằng hình thức cưỡng ép, gây bức xúc dư luận xã hội. Nhiều thiếu nữ không thích người con trai kéo mình nhưng vẫn bị kéo về làm vợ khi chưa đủ tuổi kết hôn, dẫn đến mâu thuẫn trong gia đình, hôn nhân thiếu hạnh phúc. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính của nạn tảo hôn. Thêm vào đó, việc chưa đủ tuổi kết hôn sẽ không được chính quyền cấp xã làm thủ tục đăng ký kết hôn nên không thể tách hộ và đăng ký khai sinh cho con. Do vậy, hầu hết các cặp tảo hôn đều sống chung với bố mẹ, làm gia tăng gánh nặng kinh tế cho gia đình.

Một đám tang của người Mông ở xã Pải Lủng (Mèo Vạc) còn mổ nhiều gia súc, gây lãng phí về kinh tế và ảnh hưởng đến môi trường (Ảnh Trần Kế).
Một đám tang của người Mông ở xã Pải Lủng (Mèo Vạc) còn mổ nhiều gia súc, gây lãng phí về kinh tế và ảnh hưởng đến môi trường. Ảnh: Trần Kế.

Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, giai đoạn 2015 – 2020 toàn tỉnh có 40.631 cặp kết hôn, trong đó, 2.947 cặp tảo hôn (chiếm 7,25%); 69 cặp kết hôn cận huyết thống (chiếm 0,17%). Hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống khiến chất lượng dân số suy giảm, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực, là hậu quả của nghèo đói, thất học, suy giảm chất lượng cuộc sống; trở thành rào cản đối với sự phát triển tiến bộ của xã hội cũng như sự phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS.

Theo Chủ tịch Hội nghệ nhân dân gian xã Nậm Ban (Mèo Vạc) Lục Thanh Minh: Tục thách cưới cao trong hôn nhân có chiều hướng giảm nhưng vẫn tồn tại, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình cảm hai bên gia đình. Đơn cử như ở Nậm Ban, trước đây, không ít thế hệ đồng bào Giáy quan niệm “thách cưới càng cao, hạnh phúc của đôi trẻ càng bền chặt”. Bởi vậy, có trường hợp nhà gái thách cưới nhà trai 120 kg lợn, 7 đôi gà, 12 – 15 đồng tiền bạc kèm theo tiền mặt, kiềng bạc đeo cổ, vòng tay bạc, 100 lít rượu, 90 kg gạo tẻ để nấu cơm, 90 kg gạo nếp để làm bánh phục vụ đám cưới. Ngoài ra, nhà trai còn phải sắm thêm một số lễ vật khác như 1 gánh bánh dày, 1 gánh xôi, 1 gánh bánh rán... Rồi đám cưới được tổ chức linh đình trong nhiều ngày, gây lãng phí, tốn kém về kinh tế, dẫn đến tình trạng nợ nần và nghèo khó. Bên cạnh đó, một số ít hộ người Mông vẫn thách cưới với số tiền cao, trung bình từ 50 – 80 triệu đồng.

Trong đồng bào DTTS, việc tổ chức đám tang dài ngày tuy giảm ở nhiều vùng, nhiều dân tộc nhưng có địa phương, đám tang vẫn để quá 48 giờ, thậm chí kéo dài đến 7 ngày. Việc phúng viếng, đi lễ, trả lễ trong tổ chức đám tang còn tồn tại những tập quán rườm rà, gây lãng phí. Với quan niệm “làm ma to” là thể hiện lòng biết ơn, sự hiếu thảo đối với người khuất nên có những gia đình giết mổ từ 3 – 5 con trâu, bò; hàng chục con lợn, dê; hàng trăm con gia cầm phục vụ đám tang. Điều này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế hộ, khiến không ít gia đình lao đao vì nợ nần, thậm chí khánh kiệt về kinh tế sau đám hiếu. Bởi, theo phong tục đồng bào Mông, con cháu đến cúng lễ báo hiếu bằng bò, lợn, dê và bắt buột phải mổ thịt toàn bộ sau khi làm lễ. Nhiều gia đình trong số đó không có trâu, bò thì bán ruộng, đất đổi lấy trâu, bò mang đi làm lễ, dẫn đến mất đất sản xuất, rơi vào hộ nghèo… Bên cạnh đó, không ít dòng họ chưa thực hiện việc đưa người chết vào áo quan. Trên địa bàn huyện Mèo Vạc, đồng bào Mông có khoảng 10 dòng họ chính và hơn 200 chi họ khác nhau. Thời điểm trước năm 2020 có hơn 150 chi họ chưa đưa người chết vào áo quan mà treo trên cáng, để dài ngày trong nhà. Ngoài ra, tình trạng chôn người chết quá nông, chôn đầu nguồn nước hoặc gần nhà (tiện cho việc chăm sóc) gây ô nhiễm môi trường và phản cảm...

Đặc biệt, dù là đám hiếu, hỉ hay lễ nghi tín ngưỡng và đời sống hàng ngày, không ít người có thói quen sử dụng nhiều rượu, làm bê trễ sản xuất, gây tốn kém tiền bạc, tổn hại sức khỏe, ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi, thậm chí gây mất an ninh trật tự tại địa phương. Trong đời sống hàng ngày của một bộ phận đồng bào DTTS còn tồn tại tập quán lạc hậu, như: Chuồng trại gia súc làm ngay trước cửa nhà, gần nhà hoặc dưới gầm nhà sàn gây mất vệ sinh, tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Không những vậy, nhiều gia đình còn tổ chức làm Then, cúng ma giải hạn khi có người ốm đau mà không đưa đến cơ sở y tế để được chăm sóc sức khỏe. Thêm một điều đáng lưu ý, vấn nạn tự tử để giải quyết mâu thuẫn hoặc bế tắc trong cuộc sống còn xảy ra, để lại nhiều hệ lụy thương tâm, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội cũng như các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Trong giai đoạn 2016 – 2020, toàn tỉnh xảy ra 389 vụ tự tử, làm 361 người chết. Riêng 10 tháng đầu năm 2021 có 98 vụ tự tử làm 99 người chết (tăng 29 vụ và tăng 32 người chết so với cùng kỳ năm 2020)...

Thực tế cho thấy, tập tục lạc hậu tuy chiếm tỷ lệ nhỏ, tồn tại rải rác tại các thôn, bản vùng sâu, xa, vùng DTTS, nơi điều kiện KT-XH khó khăn nhưng tiềm ẩn nguy cơ lan rộng, dễ bị kẻ xấu lợi dụng, gây kích động, chia rẽ. Không ít tập quán tồn tại qua nhiều thế hệ, trở thành thói quen của cộng đồng, khó có thể từ bỏ dù đã lỗi thời, lạc hậu. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với cả hệ thống chính trị trong việc nghiên cứu cách thức giúp can thiệp cải tạo, bài trừ các tập quán lạc hậu, xây dựng môi trường sống văn minh, tiến bộ và nhân văn.

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG

Kỳ cuối: “Gạn đục khơi trong” vì Hà Giang phát triển


Cùng chuyên mục

Hà Giang bắt đầu đón khách du lịch trở lại

BHG - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) vừa thông báo việc đón khách du lịch quay trở lại tỉnh trong tình hình mới bắt đầu từ ngày 23.11.2021 theo Quyết định số 2473/QĐ-UBND ngày 22.11.2021 của UBND tỉnh về việc phân loại cấp độ dịch Covid -19 trên địa bàn tỉnh cho đến khi có quyết định thay thế.

24/11/2021
Thêm yêu Hà Giang qua ca khúc "Đường về Tây Côn Lĩnh"

BHG - Đến Hà Giang, có một dải đất biên cương miền Tây đầy nắng gió, nhưng cũng đầy kiên cường, luôn cuốn hút, mê say lòng người. Dãy núi Tây Côn Lĩnh là điểm nhấn ở miền Tây Hà Giang, được coi là nóc nhà của vùng Đông Bắc Việt Nam. Khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, những giá trị văn hóa cực kỳ đặc sắc, con người và thiên nhiên cùng hòa quyện tạo nên những chất thi vị trong cuộc sống nơi đây.

23/11/2021
Ngày Nhà giáo đặc biệt

BHG - Tháng 11 về trong niềm tri ân, sự ngưỡng vọng của bao lớp thế hệ học trò dành cho thầy, cô giáo của mình. Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 năm nay diễn ra thật đặc biệt, bởi bục giảng vắng bóng thầy, cô, sân trường vắng tiếng học trò, không có các hoạt động chào mừng, nhiều giáo viên, học sinh đang phải gồng mình chiến đấu với dịch Covid – 19. Nhưng hơn tất cả, tấm lòng tri ân chân thành, sâu sắc của của học trò và xã hội vẫn luôn vẹn nguyên dành cho những "người lái đò" thầm lặng. 

22/11/2021
Gìn giữ bản sắc văn hóa trong trường học
BHG - Tỉnh ta luôn quan tâm gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc tại địa phương; nhiều trường học đã đưa trang phục truyền thống của dân tộc làm đồng phục cho học sinh mặc vào đầu tuần, cuối tuần, những ngày lễ lớn; giúp các em hiểu rõ, yêu quý và tự hào về những nét đẹp trang phục riêng của dân tộc mình ngay từ khi còn nhỏ. 
 
22/11/2021