Hà Giang

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc ở Hoàng Su Phì

15:30, 08/10/2021

BHG - Hoàng Su Phì là huyện vùng cao biên giới, nơi sinh sống của 14.625 gia đình, thuộc 13 dân tộc, trong đó dân tộc Nùng và Dao chiếm đa số. Sự đa dạng về thành phần dân tộc cùng với điều kiện sống tương đối cách biệt đã hình thành những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo và phong phú. Nhận thức được vai trò, ý nghĩa của việc duy trì, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực này để phục vụ sự nghiệp xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, an ninh - quốc phòng.

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT huyện trải nghiệm kỹ năng sống trong môi trường quân đội tại Đồn Biên phòng Thàng Tín (Hoàng Su Phì). 						Ảnh: Trọng Đạt
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT huyện trải nghiệm kỹ năng sống trong môi trường quân đội tại Đồn Biên phòng Thàng Tín (Hoàng Su Phì). Ảnh: Trọng Đạt

Căn cứ văn bản, hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh, BTV Huyện ủy đã ban hành các nghị quyết, đề án về phát triển văn hóa gắn với du lịch theo từng giai đoạn, sát với điều kiện thực tiễn của địa phương. Một trong những quan điểm, nhận thức mang tính quyết định, đó là xác định các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện phải được ưu tiên bảo tồn, khai thác để xây dựng thành sản phẩm phục vụ phát triển du lịch của huyện. Bên cạnh việc tăng thêm thu nhập cho gia đình trong các làng văn hóa du lịch cộng đồng, hoạt động này đã giúp người dân thấy được các giá trị cốt lõi của văn hóa truyền thống, góp phần khơi dậy lòng tự tôn, tự hào dân tộc, từ đó có ý thức hơn trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Từ năm 2014, việc duy trì, bảo tồn, phục dựng và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc được triển khai mạnh mẽ và thiết thực hơn với chủ trương hướng mạnh về cơ sở, trong đó cộng đồng các dân tộc đóng vai trò chính trong việc tổ chức và duy trì các hoạt động văn hóa dân gian gắn với các kỳ cuộc, sự kiện chính trị của đất nước và địa phương. Đặc biệt là các hoạt động văn hóa - văn nghệ dân gian trong khuôn khổ Tuần văn hóa du lịch theo định kỳ hàng năm gắn với dịp lúa chín đã trở thành sinh hoạt văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, huyện phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch rà soát các vốn văn hóa truyền thống để lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch đưa vào danh mục Văn hóa phi vật thể Quốc gia, như: Lễ hội Quyãs Hiéng dân tộc Dao xã Hồ Thầu, Tết Khu cù tê dân tộc La Chí, Lễ cúng rừng dân tộc Nùng...

Giai đoạn từ năm 2016 – 2020, các Hội nghệ nhân dân gian của huyện đã mở 26 lớp truyền dạy văn hóa truyền thống, như: Mối quan hệ ứng xử trong giao tiếp, nguồn gốc gia phả dòng tộc; các tri thức dân gian, làn điệu dân ca, dân vũ, biểu diễn khèn dân tộc Mông; truyền dạy chữ Nho và chữ Nôm... Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các hạt nhân văn hóa, văn nghệ dân gian, từ năm 2011, huyện triển khai cơ chế hỗ trợ 5 triệu đồng cho mỗi Hội nghệ nhân dân gian để duy trì hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Từ năm 2017, huyện triển khai có hiệu quả việc đưa văn hóa truyền thống vào truyền dạy trong các nhà trường theo Đề án giáo dục kĩ năng sống và văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số cho học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2016 - 2020. 

Các danh lam thắng cảnh, di tích, di sản của huyện cũng được quan tâm bảo tồn, gìn giữ và phát huy, phục vụ sự nghiệp xây dựng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đến nay đã có 9 di tích, di sản, trong đó có 4 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng cấp tỉnh và 4 di sản văn hóa cấp Quốc gia. Ngoài ra còn nhiều sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng độc đáo của nhân dân các dân tộc trong huyện có nguy cơ bị mai một được giới thiệu với Trung ương và các ngành chức năng của tỉnh để phục dựng, bảo tồn như: Lễ cúng Ao tiên thôn Thượng, xã Đản Ván; Lễ cúng Hoàng Vần Thùng của cộng đồng dân tộc Cờ Lao thôn Tả Chải, xã Túng Sán; Lễ nhảy bói của dân tộc Dao áo dài xã Nam Sơn; Lễ báo hiếu của dân tộc Nùng, xã Pố Lồ.

Có thể nói, những kết quả trong công tác duy trì, bảo tồn, phục dựng và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc của huyện Hoàng Su Phì đã góp phần tích cực trong việc cải tạo, bài trừ các hủ tục, xây dựng nếp sống văn hóa ở cơ sở, đồng thời là nhân tố quan trọng để phát triển du lịch, từng bước xây dựng huyện ngày một giàu mạnh, văn minh. 

Trần Trí Nhân (Hoàng Su Phì)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cát Bà vào top vườn quốc gia phải tới

Buzzfeed giới thiệu Cát Bà không chỉ có những chuyến du thuyền hấp dẫn mà còn là khu dự trữ sinh quyển với hệ động thực vật đa dạng. Sau hơn một năm qua chỉ du lịch nội địa, nhiều quốc gia bắt đầu nới lỏng các quy định và mở cửa đón khách quốc tế. Buzzfeed gợi ý 10 vườn quốc gia đẹp trên thế giới để du khách lên kế hoạch du lịch sau đại dịch.

30/09/2021
Những bậc thang vàng Hoàng Su Phì

BHG - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết "Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng...

29/09/2021
Say trên mùa "vàng"

BHG - Trong tiết thu tháng 8 âm lịch, trời bắt đầu mát dần, nắng vàng trải đều khắp các triền núi. Lúa trên những thửa ruộng bậc thang nhuộm một màu vàng rực rỡ làm say đắm lòng người.

29/09/2021
10 điểm đến ở Việt Nam được khách nước ngoài đánh giá tốt

Hội An (Quảng Nam), Sa Pa (Lào Cai) và Hà Nội được nhiều du khách nước ngoài đánh giá là những điểm chụp ảnh du lịch đẹp bậc nhất Việt Nam, theo số liệu từ Booking.

28/09/2021