Sẵn sàng vào năm học mới

07:15, 23/08/2021

BHG - Ngày 23.8, học sinh toàn tỉnh bước vào năm học mới. Trong bối cảnh dịch Covid – 19 đang diễn biến phức tạp, ngành chức năng và các địa phương đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên và phương án phòng, chống dịch, đảm bảo điều kiện để các em đến trường an toàn.

Đoàn viên, thanh niên huyện Vị Xuyên giúp Trường PTDT nội trú sắp xếp phòng học.
Đoàn viên, thanh niên huyện Vị Xuyên giúp Trường PTDT nội trú sắp xếp phòng học.

Năm học này, huyện Vị Xuyên có 77 trường học, 27.818 học sinh, tăng 860 học sinh so với năm học trước. Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành là 2.101 người. Trưởng Phòng GD&ĐT Lê Thị Thuận cho biết: “Để sẵn sàng cho ngày tựu trường, huyện tích cực đầu tư xây mới, nâng cấp, sữa chữa các trường học, mua sắm trang thiết bị dạy học; hợp đồng tuyển dụng giáo viên. Các cơ sở giáo dục tích cực tuyển sinh lớp đầu cấp đạt và vượt kế hoạch đề ra; hướng dẫn phụ huynh chuẩn bị đầy đủ sách giáo khoa, đặc biệt là bộ sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 theo chương trình Giáo dục phổ thông mới; chuẩn bị mọi điều kiện ăn, ở, sinh hoạt cho học sinh bán trú, nội trú, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng môi trường sư phạm xanh, sạch, đẹp; phun khử khuẩn các trường học, đảm bảo phòng, chống dịch hiệu quả khi học sinh tựu trường”.

Tại huyện Đồng Văn, công tác chuẩn bị năm học mới được các cấp, ngành, cơ sở giáo dục chuẩn bị chu đáo; đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, sách giáo khoa; tập huấn nâng cao trình độ cho cán bộ, giáo viên, đặc biệt là các giáo viên dạy chương trình lớp 2 và lớp 6; điều động, luân chuyển cán bộ, giáo viên đảm bảo đủ số lượng người làm việc cho các đơn vị trường học; một số giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng để dạy một số môn học, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên.

Cán bộ, giáo viên Trường THPT Lê Hồng Phong chuẩn bị nước sát khuẩn, khẩu trang y tế, máy đo thân nhiệt đảm bảo công tác phòng, chống dịch khi học sinh tựu trường.
Cán bộ, giáo viên Trường THPT Lê Hồng Phong chuẩn bị nước sát khuẩn, khẩu trang y tế, máy đo thân nhiệt đảm bảo công tác phòng, chống dịch khi học sinh tựu trường.

Tại Trường THPT Lê Hồng Phong (thành phố Hà Giang), công tác chuẩn bị năm học mới đã hoàn tất. Thầy giáo Ngô Duy Viễn, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Năm học này, trường có 1.150 học sinh, trong đó có 416 học sinh lớp 10, vượt chỉ tiêu kế hoạch tuyển sinh. Trường đã rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị, kịp thời sửa chữa, đảm bảo phục vụ tốt việc dạy và học. 100% giáo viên có mặt đầy đủ; còn 6 em học sinh đi thăm thân tại các địa phương có dịch, nhà trường đã liên hệ với gia đình, đề nghị đưa các em về địa phương kịp thời gian tựu trường nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch; mỗi lớp học đều bố trí 2 lọ nước sát khuẩn tay, yêu cầu toàn bộ cán bộ, giáo viên, học sinh thực hiện nghiêm thông điệp 5K; tổ chức tổng vệ sinh và phun khử khuẩn toàn bộ khuôn viên, lớp học”.

Năm học 2021 – 2022, toàn tỉnh có trên 820 cơ sở giáo dục, với trên 254.000 trẻ mầm non, mẫu giáo, học sinh phổ thông, học viên bổ túc văn hóa và 18.358 cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên, nhân viên. Hầu hết các nhà giáo có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn; 65,6% nhà giáo có trình độ đào tạo đạt chuẩn theo Luật Giáo dục năm 2019. Năm học này tiếp tục là năm học “đặc biệt”, được dự báo gặp nhiều khó khăn do dịch Covid – 19 diễn biến hức tạp. Để chủ động và đảm bảo các điều kiện tốt nhất khi học sinh tựu trường, ngành Giáo dục đã tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trực tiếp giảng dạy lớp 2 và lớp 6 theo chương trình sách giáo khoa mới. Tổ chức Hội thảo trực tuyến giới thiệu sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 và cấp cho các cơ sở giáo dục nghiên cứu, đề xuất lựa chọn. UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông; phối hợp với các nhà xuất bản và các công ty phát hành sách chủ động cung cấp đủ số lượng sách giáo khoa. Các địa phương tập trung đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, đảm bảo điều kiện dạy và học. Đến nay, tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp học đạt trên 61%. Trước ngày 20.8, tất cả cơ sở giáo dục được các địa phương sử dụng làm khu cách ly tập trung phòng, chống dịch Covid - 19 được tháo dỡ giường, kê lại bàn ghế và vệ sinh, dọn dẹp sạch sẽ, phun khử khuẩn, bàn giao cho nhà trường để chuẩn bị năm học mới. Năm học này, ngành Giáo dục có thêm niềm vui mới khi tỉnh quyết định thành lập các trường PTDT nội trú THCS&THPT các huyện: Xín Mần, Đồng Văn, Bắc Mê, Hoàng Su Phì, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục địa phương.

Toàn tỉnh hiện thiếu trên 2.600 giáo viên theo định mức, đặc biệt đối với các cấp học dạy 2 buổi/ngày. Để giải “bài toán” khó này trong điều kiện thực hiện tinh giản biên chế hiện nay, ngành Giáo dục và các huyện, thành phố đã luân chuyển, sắp xếp giáo viên hợp lý, chuyển giáo viên từ nơi thừa về nơi thiếu; tuyển dụng, hợp đồng thêm giáo viên; đào tạo giáo viên có thể dạy nhiều môn và bố trí ngân sách trả thêm giờ cho giáo viên, nhờ vậy, cơ bản đáp ứng được yêu cầu về công tác dạy và học.

Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thế Bình cho biết: “Đảm bảo điều kiện để học sinh đến trường an toàn, Sở đã phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch trong trường học; chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và sách giáo khoa mới; xây dựng bài giảng khối lớp 2 và lớp 6, Sở sẽ thành lập các tổ công tác trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn, dự giờ, rút kinh nghiệm; rà soát chế độ, chính sách cho cán bộ, giáo viên và học sinh, đề xuất với tỉnh hỗ trợ học sinh thuộc các xã đã ra khỏi danh sách xã đặc biệt khó khăn; sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục; tiếp tục thành lập các trường PTDT nội trú THCS&THPT; chú trọng giáo dục kỹ năng sống và đưa văn hóa truyền thống vào truyền dạy trong các trường học; huy động tối đa các nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 2021-2025”.

Bài, ảnh:  BIỆN LUÂN

 


Cùng chuyên mục

Khuyến học, khuyến tài theo gương Bác

BHG - Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về học tập và học tập suốt đời là tài sản vô cùng quý giá của nhân dân ta. Người đã nói "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu" và hạ quyết tâm "Phải làm cho dân tộc Việt Nam trở nên một dân tộc thông thái".

21/08/2021
Không khai giảng tập trung để phòng, chống dịch Covid-19

BHG - Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành công văn số 3347/UBND-VHXH về việc hướng dẫn các đơn vị trường học trong tỉnh triển khai công tác năm học mới và tổ chức khai giảng trong điều kiện phòng chống Covid-19.

21/08/2021
Lời dạy của Bác thấm trong từng bài giảng

BHG - Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu", không có tri thức, hiểu biết, con người sẽ luôn lệ thuộc, bất lực trước những thế lực và sức mạnh cản trở sự phát triển. Bởi vậy, trong buổi nói chuyện với hơn 1,7 vạn đồng bào tại Quảng trường 26.3 khi Người lên thăm Hà Giang năm 1961, Người căn dặn: "Đồng bào phải cố gắng xóa nạn mù chữ, phải biết đọc, biết viết thì làm ăn mới tiến bộ".

20/08/2021
Một vài tìm hiểu về tên gọi và sự hình thành mảnh đất Hà Giang

BHG - Có thể khẳng định, trải qua hàng ngàn năm lịch sử, vùng đất Hà Giang ghi đậm dấu ấn của công cuộc dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam. Những dấu tích thời kỳ đá cũ được tìm thấy ở một số di chỉ khảo cổ cho thấy, cư dân nguyên thủy đã hiện diện ở nơi đây trên 8 vạn năm trước. Quá trình phát triển của cư dân trên đất Hà Giang được tiếp tục ghi nhận với nhiều di chỉ, hiện vật được phát hiện ở thời kỳ đồ đá mới, đồ đồng và các giai đoạn về sau...

19/08/2021