Sản xuất nông nghiệp và tín ngưỡng của người La Chí

15:18, 24/07/2021

BHG - Người La Chí có lịch sử sinh sống lâu đời ở Hà Giang. Do cư trú trên địa bàn có địa hình phức tạp, hầu hết là khu vực núi cao, độ dốc lớn, cách xa trung tâm nên hoạt động sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu kinh tế của người La Chí. Họ giỏi nghề khai khẩn và làm ruộng bậc thang, trồng lúa nước. Cũng từ phương thức canh tác ấy đã hình thành những phong tục, tập quán, tín ngưỡng liên quan đến nông nghiệp trong đời sống văn hóa tinh thần của người La Chí với các nghi lễ mang tính đặc trưng độc đáo.

Người La Chí xã Bản Phùng (Hoàng Su Phì) canh tác lúa kết hợp nuôi cá Chép ruộng.
Người La Chí xã Bản Phùng (Hoàng Su Phì) canh tác lúa kết hợp nuôi cá Chép ruộng.

Người La Chí là một trong những tộc người có truyền thống lâu đời và nhiều kinh nghiệm về canh tác nông nghiệp, nhất là trồng lúa nước. Qua tìm hiểu quá trình hình thành ruộng bậc thang trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì và tại các hộ người La Chí cho thấy, cách đây trên dưới 300 năm, người La Chí đã biết khai phá và canh tác lúa nước trên những thửa ruộng bậc thang tại 2 huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần - sớm hơn khoảng 100 năm so với các dân tộc khác cùng địa bàn cư trú. Trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp của người La Chí thì cây lúa nước là loại cây trồng chủ yếu, chiếm tỷ lệ trên 70% trong tổng số các sản phẩm nông nghiệp, đồng thời là nguồn lương thực chính phục vụ nhu cầu đời sống hàng ngày. 

Sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên với độ rủi ro cao. Vì vậy, họ có nhiều tín ngưỡng và nghi lễ độc đáo liên quan đến lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nhằm cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Qua tìm hiểu, trong một năm, người La Chí thường tổ chức 4 nghi lễ liên quan đến chu kỳ mùa vụ. 

Đầu tiên là Lễ mở kho xin giống, được tổ chức vào tháng 4 âm lịch hàng năm. Người La Chí quan niệm rằng, sau khi mùa vụ thu hoạch xong họ sẽ làm lễ gửi hồn của cây lúa và các loại hoa màu để Hoàng Vần Thùng giữ hộ cho đến vụ gieo cấy năm sau. Đây là một khoảng thời gian dài nhàn rỗi, hồn của cây lúa thường ngủ quên chưa tỉnh giấc. Do vậy, gia đình phải làm Lễ mở kho xin giống, giúp cho cây trồng phát triển tươi tốt, gia đình có vụ mùa bội thu và chỉ sau khi tổ chức xong lễ này thì các gia đình mới được cấy lúa vụ mới.

Sau khi làm Lễ mở kho xin giống, tùy theo mỗi gia đình mà họ lựa chọn ngày gieo cấy khác nhau và tránh trùng với ngày giỗ của ông, bà, cha, mẹ đã khuất. Khi chọn được ngày phù hợp thì thông báo cho họ hàng, làng xóm đến giúp theo hình thức đổi công. Sau khi cấy xong toàn bộ các thửa ruộng thì các gia đình tổ chức Lễ cúng vụ cấy. Lễ cúng này nhằm cầu mong cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt.

Theo quan niệm của người La Chí, trước khi gặt, bao giờ các gia đình cũng phải tổ chức Lễ cúng mừng cơm mới, sau đó mới được gặt. Bà con làm Lễ mừng cơm mới để cúng báo tổ tiên, tạ ơn trời đất, thần linh đã phù hộ một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, giúp bản làng có một vụ mùa bội thu. Lễ cúng này được tổ chức vào đầu tháng 9 âm lịch, trước khi tổ chức thu hoạch lúa. Các lễ vật gồm: Rượu hoẵng, thịt chim, cá Chép ruộng. Trong quan niệm người La Chí, chỉ sau khi cúng cơm mới thì các gia đình mới được đem thóc mới thu hoạch vào nhà và ăn cơm nấu từ gạo mới. Đồng thời trước khi cúng cơm mới thì không được đốt rơm rạ vì khi đó hồn lúa vẫn còn ở trên cây rơm, cây rạ, nếu đốt thì năm sau sẽ bị mất mùa. 

Đến khoảng tháng 10 âm lịch hàng năm, bà con sẽ tổ chức Lễ đóng kho, sau khi đã thu hoạch xong lúa, ngô và các loại hoa màu khác, kết thúc một năm canh tác, sản xuất. Mục đích nhằm gửi phần hồn các loại giống cây trồng vào kho của Hoàng Vần Thùng để Hoàng Vần Thùng giữ hộ cho đến vụ gieo cấy năm sau.

Ngày nay, đồng bào La Chí ở các địa phương trong tỉnh vẫn duy trì và thực hành các nghi lễ tín ngưỡng liên quan đến nông nghiệp. Qua đó, góp phần dệt nên bản sắc văn hóa độc đáo, đồng thời tạo “sợi dây” gắn kết cộng đồng trong đồng bào dân tộc La Chí.

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG


Cùng chuyên mục

Những cột mốc chủ quyền

BHG - Nếu nhìn ngắm kỹ trên tấm bản đồ hành chính tỉnh Hà Giang, trong mắt tôi, Pà Vầy Sủ chính là phần đuôi của loài sư tử khổng lồ ở chốn sơn lâm này. Từ ngã ba Tân Quang (Bắc Quang) vào Hoàng Su Phì 64 km mà có đến 1.009 đoạn cua gấp, khúc khuỷu, hiểm trở. Từ Hoàng Su Phì vào Xín Mần 40 km đèo dốc. Dòng suối Đỏ phía sau dào dạt mà ai đó sáng tạo ra cái tên rất gợi: "Dòng suối màu hoa đào", lúc ẩn, lúc hiện dưới rừng thông Mã Vĩ ngút ngàn. Bên trái dòng sông Chảy đã trong xanh trở lại dưới cái nắng đầu ngày trong vắt…

24/07/2021
Công bố Quyết định thành lập Trường PTDT Nội trú THCS và THPT huyện Xín Mần

BHG - Sáng 23.7, tại Hội trường trung tâm huyện Xín Mần, Sở GD&ĐT phối hợp với UBND huyện Xín Mần tổ chức Lễ Công bố Quyết định thành lập Trường PTDT Nội trú THCS và THPT huyện Xín Mần. Dự buổi lễ có các đồng chí: Nguyễn Thế Bình, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở GD&ĐT; Hoàng Nhị Sơn, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Xín Mần; Thường trực Huyện ủy – HĐND – UBND huyện; đại diện Trường Đại học Kinh tế - Quản trị Kinh doanh (Đại học Thái Nguyên); các cơ quan, ban, ngành của huyện.

23/07/2021
Công bố Quyết định thành lập Trường PTDTNT – THCS và THPT huyện Hoàng Su Phì

BHG - Chiều 22.7, tại trụ sở UBND huyện Hoàng Su Phì, Sở GD&ĐT phối hợp với UBND huyện Hoàng Su Phì tổ chức Lễ Công bố quyết định thành lập Trường PTDTNT – THCS và THPT huyện Hoàng Su Phì. Dự buổi lễ có các đồng chí: Nguyễn Thế Bình, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở GD&ĐT; Vàng Đình Chiến, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Hoàng Su Phì; Thường trực Huyện ủy – HĐND – UBND huyện, các phòng, ban của huyện cùng các thầy, cô giáo nhà trường.

22/07/2021
13 vùng đất tuyệt đẹp giúp du khách "cai nghiện" công nghệ

Tắt điện thoại, máy tính và tạm quên email, bạn cần một khoảnh khắc để ngắt kết nối với thế giới và dành thời gian thư giãn trong thời đại công nghệ luôn hiện diện mọi lúc mọi nơi.

22/07/2021