Đặc sắc văn hóa Lô Lô ở Đồng Văn

15:00, 01/06/2021

BHG - Cao nguyên đá Đồng Văn là nơi hội tụ của gió, của mây trời, là nơi sinh sống của nhiều đồng dân tộc thiểu số với nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Trong đó, người Lô Lô luôn giữ nguyên bản sắc, những nét riêng vốn có, tinh hoa dân tộc thuần túy vẫn mãi lưu truyền, không bị mai một theo dòng chảy của thời gian.

Người Lô Lô thôn Đoàn Kết, xã Sủng Là thêu trang phục truyền thống. (Ảnh chụp trước 25.4.2021).
Người Lô Lô thôn Đoàn Kết, xã Sủng Là thêu trang phục truyền thống. (Ảnh chụp trước 25.4.2021).

Người Lô Lô ở huyện Đồng Văn hiện nay có 885 người, sống tập trung ở các xã, thị trấn như: Lũng Táo, Lũng Cú, Sủng Là, Đồng Văn… Người dân sống dựa vào những nương ngô được trồng trên núi đá tai mèo chênh vênh, hiểm trở. Dù thiếu thốn về vật chất nhưng người Lô Lô luôn sống trong không khí âm nhạc vui tươi, bên những cây khèn, nhị, hồ, thanh la và những điệu múa làm say đắm biết bao du khách thập phương gần xa. Trong những ngày lễ, Tết, thanh niên nam nữ say sưa ngồi hát giao duyên bên những phiên chợ, chia sẻ yêu thương, trao nhau những ánh mắt ấm áp, để xua đi giá lạnh nơi miền đá.

Người Lô Lô quan niệm rằng, vạn vật đều có linh hồn được sinh ra là để chở che cho con người, họ rất yêu quý, trân trọng núi rừng, muôn thú. Lễ cưới diễn ra trang trọng, nhà trai mang đồ lễ gồm 1 con bò, 3 con lợn to, 5 con Gà trống thiến, 1 túi gạo, 1 chai rượu… đến nhà gái để cúng thông báo với tổ tiên. Ngay ngoài cửa nhà gái đã chuẩn bị sẵn rượu ngô được rót vào những bát to để tỏ lòng yêu quý. Sau đó 2 bên sẽ hát Đối, lúc nhà trai ra về thì nhà gái quyến luyến đong đầy bằng những bát rượu ngô thơm nồng.

Thổi khèn trong ngày vui vào nhà mới. (Ảnh chụp trước 25.4.2021).
Thổi khèn trong ngày vui vào nhà mới. (Ảnh chụp trước 25.4.2021).

Với quan niệm người đã khuất sẽ bắt đầu 1 cuộc sống mới ở thế giới khác, nên trong những đám tang của người Lô Lô có nhiều nghi thức độc đáo như: Hóa trang, nhảy múa, nhào lộn… thể hiện đạo hiếu, tỏ lòng thành kính tiễn đưa người quá cố về sum họp với tiên tổ. Họ luôn ghi nhớ tới người đã khuất vào những ngày rằm các tháng 3, 4, 7, 9, 12 tổ chức cúng cơm, chỉ những người có uy tín trong dòng họ mới được đứng lên thắp hương trên bàn thờ.

Người Lô Lô luôn có quan điểm “Mọi vật có thể đổi thay theo năm tháng, nhưng giá trị bản sắc văn hóa không thể phai mờ” luôn gìn giữ những nét riêng vốn có, truyền thụ lại những phong tục, tập quán cho con cháu trong gia đình, dòng họ. Những cô bé lên 5, lên 7 đã được mẹ chỉ dạy cho cách thêu, may váy áo. Những đường nét trên trang phục truyền thống rất nhiều họa tiết cầu kỳ tượng trưng cho trời, đất, núi rừng. Trang phục của người Lô Lô với chiếc khăn quấn ngang đầu, những sợi tua nhiều sắc màu từ đỏ, cam, vàng, đính thêm những hạt cường lóng lánh thể hiện bầu trời cùng các vị tinh tú. Những đường diềm trang trí tượng trưng cho sự tuần hoàn của mặt trăng, mặt trời về không gian và thời gian. Để làm ra 1 bộ trang phục đẹp phải mất gần 4 năm thêu tay.

Nhiều căn nhà cổ trình tường bằng đất, lợp ngói âm dương được xây dựng từ hơn 200 về trước, cột nhà được làm bằng những cây Sa mộc có tuổi đời gần trăm năm, cầu thang trong nhà thường có 9 - 11 bậc, nhà trình tường có đặc tính ấm vào mùa Đông, mát vào mùa Hè; tường rào xung quanh nhà được dựng lên bằng những viên đá xanh tự nhiên. Chị Đào Lam Giang, đến từ Hưng Yên tâm sự: Tôi lên thăm Đồng Văn đã nhiều lần, để lại cho tôi sâu sắc nhất vẫn là những nét văn hóa của người Lô Lô, những phong tục vẫn nguyên vẹn, không bị pha trộn theo nhịp sống phát triển của xã hội. Những chiếc vòng bạc lấp lánh, tạo thêm điểm nhấn cho những bộ trang phục được thêu bằng tay cầu kỳ, nhìn những ngôi nhà vững bền theo năm tháng càng khâm phục ý chí của người xưa. Người dân sống vô tư hiếu khách, lúc nào cũng thân thiện vơi du khách thập phương.

Trưởng phòng Dân tộc huyện Đồng Văn, Nguyễn Văn Chiểu cho biết: Huyện luôn cố gắng bảo toàn các giá trị truyền thống, nét văn hóa cổ xưa, luôn động viên những thế hệ sau cố gắng phát huy những bản sắc vốn có, tránh bị mai một. Ngoài ra, tạo điều kiện cho các làng nghề truyền thống mở rộng phát triển và tìm kiếm thị trường, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người dân. Thời gian tới, tiếp tục chú trọng phát triển làng văn hóa homestay ở các thôn có người Lô Lô sinh sống, giúp du khách trải nghiệm các nét văn hóa, ẩm thực, đời sống thường ngày của người dân.

Người Lô Lô ở Đồng Văn đã mang đến cho các lữ khách gần xa những nét riêng mà không nơi nào có được, thôi thúc sự khám phá trải nghiệm. Những ai đã từng ghé qua nơi đây luôn thương nhớ và muốn trở lại để được đắm mình trong không gian văn hóa độc đáo cổ xưa.

Bài, ảnh: ĐỨC NINH


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hoàng Su Phì vào mùa "đánh thức" những thửa ruộng bậc thang

BHG - Sau những cơn mưa lớn đầu mùa hè, những thửa ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì được "đánh thức". Trên các hệ thống ruộng bậc thang được công nhận di tích Quốc gia nơi đây lại rộn ràng tiếng người hòa trong tiếng ve râm ran ngày hè.

31/05/2021
Ruộng bậc thang trong đời sống của đồng bào rẻo cao Hoàng Su Phì

BHG - Để có thể canh tác lúa nước trên địa hình đồi núi dốc, từ hàng trăm năm về trước, đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì đã sáng tạo, khai phá và hình thành nên những thửa ruộng bậc thang. Việc khai phá ruộng được nối tiếp qua nhiều thế hệ với những vốn tri thức dân gian riêng có được lưu truyền, bởi vậy với đồng bào rẻo cao Hoàng Su Phì, những thửa ruộng bậc thang không chỉ đơn thuần là nơi canh tác lúa mà là cả công trình nghệ thuật, là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, tín ngưỡng độc đáo của các dân tộc.

31/05/2021
Nơi lưu giữ làn điệu dân ca Tày

BHG - Đến với Bắc Mê, du khách có thể chiêm ngưỡng khung cảnh non nước hữu tình với những phong tục sinh hoạt văn hóa đặc sắc cùng nhiều làn điệu dân ca phong phú, thể hiện lối sống, tình cảm của các dân tộc. Tuy nhiên, theo dòng chảy của xã hội, những làn điệu dân ca ngày nay đang dần mai một. Để giữ gìn những làn điệu dân ca, câu lạc bộ (CLB) hát Then thôn Bản Lạn đang tích cực phát huy những giá trị văn hóa và truyền thụ cho thế hệ trẻ.

31/05/2021
Những món ăn đặc sắc của người Mông ở Đồng Văn

BHG - Huyện Đồng Văn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, mang nhiều bản sắc riêng về ngôn ngữ, văn hóa, ẩm thực. Trong đó, người Mông có nhiều món ăn lạ, ngon, hấp dẫn thu hút nhiều thực khách đến thưởng thức hương vị đặc trưng chỉ có nơi miền đá; tình cảm, tâm tình của con người nơi đây gửi gắm vào trong từng món ăn, thể hiện lòng hiếu khách của đồng bào miền cực Bắc.

30/05/2021