Hà Giang

"Nốt nhạc yêu" trên miền đá xám

09:32, 29/04/2021

BHG - “Trước đây ta đã thề với nhau/Giữa chợ tình Khâu Vai/Nay em lại để quả Pao rơi xuống đất/Xin hỏi gió người yêu của ta đâu?/Xin em đừng đau khổ/Không làm rẫy sẽ làm ruộng/Không thành vợ sẽ thành người yêu”... Tiếng khèn môi da diết, xốn xang chàng trai gửi đến người yêu của mình trong đêm chợ “phong lưu” trên miền đá lay động trái tim bao người. 

Lễ dâng hương miếu Ông, miếu Bà tại Lễ hội Chợ tình Khâu Vai hàng năm.
Lễ dâng hương miếu Ông, miếu Bà tại Lễ hội Chợ tình Khâu Vai hàng năm.

Tháng 3 (âm lịch), thêm một mùa hẹn ước lứa đôi, những chàng trai, cô gái trên Cao nguyên đá Đồng Văn lại váy áo xúng xính xuống chợ. Phiên chợ hơn 100 năm qua không ai bán, mua thứ gì. Những người già nhất ở Khâu Vai kể rằng: Ngày xưa, nàng Út và chàng Ba yêu nhau say đắm nhưng không lấy được nhau nên luôn khao khát, trăn trở và đau đáu về hạnh phúc lứa đôi. Ông, bà luôn mong hậu thế có được tình yêu trọn vẹn. Vì thế, Chợ tình Khâu Vai giờ đây không chỉ là không gian gặp gỡ của các cặp đôi yêu nhau nhưng không đến được với nhau, mà trở thành nơi hò hẹn của tình yêu đôi lứa. Nhiều người khi về Chợ tình Khâu Vai, thành tâm nguyện cầu về tình yêu, hạnh phúc đều được toại nguyện, nhiều bạn trẻ về đây chơi chợ, tình cờ gặp nhau rồi cũng nên duyên vợ chồng... Câu chuyện tình đẹp mà đẫm nước mắt của chàng Ba và nàng Út không mang vẻ kỳ bí, huyễn hoặc mà mộc mạc, chân thành, mang đậm nét văn hóa truyền thống sâu sắc của đồng bào các dân tộc trên Cao nguyên đá. Bởi thế, hơn 100 mùa Xuân đi qua kể từ ngày đôi tình nhân gạt nước mắt, quyết chia tay để cứu hai dòng họ khỏi một cuộc hỗn chiến; giá trị nhân văn của Chợ tình Khâu Vai đã vượt ra khỏi không gian “cổng trời”, lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng, được nhiều du khách thập phương tìm đến.

Những năm gần đây, để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Chợ tình Khâu Vai được tỉnh xây dựng thành sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, gọi mời với nhiều hoạt động trải nghiệm kỳ thú. Lễ hội Chợ tình Khâu Vai năm nay với chủ đề “Phiên chợ tình ca” được tổ chức quy mô cấp tỉnh, diễn ra từ ngày 6 - 8.5 (tức ngày 25-27.3 âm lịch), tại khu vực Mê cung đá, xã Khâu Vai và sân vận động huyện Mèo Vạc. Chương trình khai mạc được truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam; Đài truyền hình kỹ thuật số VCT và Đài PT- TH tỉnh. Trong khuôn khổ lễ hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động hấp dẫn như: Hội thi người đẹp miền Cao nguyên đá; Lễ dâng hương miếu Ông, miếu Bà; Lễ cầu duyên tại miếu Ông, miếu Bà; Lễ cầu an cho người dân và du khách tại Mê cung đá, xã Khâu Vai; giao lưu văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống với nội dung trình diễn thổi khèn Mông; hát dân ca dân tộc Nùng, Giáy; múa trống đồng, múa kéo nhị, điệu nhảy trên cây của dân tộc Lô Lô; múa nón, múa khăn, múa kiếm của dân tộc Giáy; hát đối giao duyên qua ống dây, thổi khèn Mông của dân tộc Mông và các trò chơi dân gian truyền thống như: Thi leo cột chinh phục tình yêu; thi đánh yến, ném pao, tung còn, bắn nỏ, đếm ngón tay, địu nước từ giếng nước tình yêu, thi đua lợn đen Lũng Pù, thi giã bánh dày…

Đặc biệt, du khách đến với Chợ tình Khâu Vai còn được tham quan, trải nghiệm, thưởng thức ẩm thực tại không gian trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương và các gian hàng ẩm thực; khám phá thung lũng hoa Tam giác mạch, hoa Sao nhái; đi bộ chinh phục Vách đá thần Mã Pì Lèng; hóa thân thành chàng Ba, nàng Út; trải nghiệm cưỡi ngựa về chợ tình tìm bạn; tham quan, chụp ảnh Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi; đi thuyền trên dòng Nho Quế ngắm hẻm vực Tu Sản… Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho lễ hội đang được các cấp, ngành triển khai mạnh mẽ; đảm bảo các điều kiện về an ninh, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch. 

Khâu Vai là phiên chợ “phong lưu” độc đáo, riêng có của Hà Giang. Trải qua thời gian, sự phát triển của kinh tế thị trường và sự mai một của nền văn hóa truyền thống, nhưng Khâu Vai vẫn là “nốt nhạc yêu” rất riêng, rất độc đáo trên miền đá, không bị trộn lẫn với bất kỳ phiên chợ “phong lưu” nào khác mà bất kỳ ai cũng nên tìm về một lần trong đời để khám phá, trải nghiệm và nguyện cầu hạnh phúc.

Bài, ảnh: Biện Luân


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Ngân tiếng khèn Mông

BHG - Từ bao đời nay, cây khèn đã trở thành một yếu tố quan trọng trong đời sống, sinh hoạt văn hóa, thể hiện rõ nhất về tâm linh, tín ngưỡng, truyền thống của đồng bào Mông vùng cao. Nó được ví như linh hồn người Mông. 

28/04/2021
Khai mạc Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tỉnh Hà Giang lần thứ nhất năm 2021

BHG - Sáng 27.4, tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ tỉnh, Sở LĐTB&XH tổ chức khai mạc Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tỉnh Hà Giang thứ nhất năm 2021. Dự có đồng chí Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở LĐTB&XH; các giảng viên, chuyên gia Viện Khoa học Giáo dục nghề nghiệp, Viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định, Đại học Công nghệ Hà Nội, Đại học Hùng Vương, Đại học Kinh tế kỹ thuật cùng 34 nhà giáo tiêu biểu xuất sắc đại diện cho 355 nhà giáo của 10 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.

27/04/2021
"Hương Mộc miên" bức tranh tình thơ mộng của Cao nguyên đá

BHG - Hà Giang mảnh đất địa đầu của Tổ quốc với những cảnh dẹp thiên nhiên kỳ vĩ, mang những bản sắc, dòng chảy văn hoá đặc sắc... Núi đôi Quản Bạ gắn với truyền thuyết về Tiên nữ giáng trần và câu chuyện tình yêu bất tử với chàng trai người Mông, tình mẫu tử thiêng liêng in dấu giữa đất trời. 

26/04/2021
Cổ trà Shan tuyết trên đỉnh Tây Côn Lĩnh

BHG - Vùng chè Shan tuyết Hà Giang đã được Hội Chè thế giới ITC (Luân Đôn) và Hội Chè Việt Nam xác nhận là vùng chè hữu cơ khổng lồ lớn nhất Việt Nam (gần 20.000 ha), sinh trưởng ở độ cao từ 700 - 1.700 m so với mặt nước biển. Có rất nhiều cây chè tuổi đời trên dưới 100 năm, đặc biệt có những cây chè hoang dã cổ thụ hơn 900 năm tuổi, đặc biệt quý giá về phẩm cấp, được tôn vinh là danh trà số một của đất Việt...

26/04/2021