Hà Giang

Đặc sắc điệu múa Bắt rùa của người Dao đỏ

15:36, 02/04/2021

BHG - Người Dao đỏ có lịch sử sinh sống lâu đời trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì. Cho đến nay, họ vẫn gìn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc thông qua các nghi lễ tín ngưỡng, các trò chơi, điệu múa dân gian. Trong đó, có một điệu múa phổ biến trong các sinh hoạt văn hoá của cộng đồng người Dao đó là điệu múa Bắt rùa (Piéo tổ) - Điệu múa được xem như phương tiện giao tiếp, kết nối giữa con người với thần linh, tổ tiên trong tín ngưỡng của người Dao đỏ Hoàng Su Phì.

Điệu múa Bắt Rùa của người Dao Đỏ Hoàng Su Phì.
Điệu múa Bắt Rùa của người Dao Đỏ Hoàng Su Phì.

Trong bất cứ nghi lễ, sinh hoạt tín ngưỡng nào của người Dao, âm nhạc và các điệu múa là thứ không thể thiếu. Chúng góp phần tạo nên không khí, sự hấp dẫn, huyền ảo cho các nghi lễ. Đây cũng là điểm nhấn đặc biệt, thu hút sự quan tâm của du khách khi đến tham quan, du lịch tại các bản người Dao. Nguồn gốc sự ra đời của điệu múa bắt nguồn từ truyền thuyết: Từ xa xưa, các bản người Dao đang đoàn kết, sinh sống yên vui, mùa màng tươi tốt, trâu, bò, lợn, gà đầy đàn… thì bỗng một ngày xuất hiện một con rùa yêu quái đến quấy nhiễu, phá hoại mùa màng, gieo rắc bệnh tật cho người và gia súc, gia cầm. Để trừ họa cho dân, những người đàn ông khỏe mạnh phải chung sức, đồng lòng đánh đuổi rùa yêu quái, từ đó trò đánh đuổi rùa đã được diễn xướng thành điệu múa Bắt rùa. 

Với cộng đồng người Dao đỏ, điệu múa Bắt rùa là niềm tự hào của dân tộc. Bởi chúng không hề giống với bất cứ điệu múa nào của các dân tộc khác. Điệu múa diễn ra với các bước cơ bản gồm: Xuất phát; cuốn vòng vây để bắt rùa; chọc cây vào hang để xua rùa; bắt rùa; đưa rùa về nhà; đặt rùa lên bàn để cân; xâu thịt rùa; chia thịt rùa.

Để thực hiện điệu múa này phải có nhiều đàn ông cùng tham gia. Khi múa, người ta để một chiếc ghế hoặc một chiếc bàn nhỏ ở giữa làm tâm, sau đó từng tốp, mỗi tốp từ 6 - 7 người là nam giới thay nhau múa. Trên tay mỗi người cầm một nhạc cụ: Trống, thanh la, chuông nhạc, phách… để vừa múa vừa chơi nhạc cụ, tạo nên một điệu múa không lời rất nhộn nhịp.

Thông thường, người cầm trống đi trước để lấy nhịp, tiếp theo là người cầm thanh la, chuông nhạc, phách. Họ đi theo vòng tròn ngược chiều kim đồng hồ, vừa đi vừa lấy chân trái làm trụ để nhún theo tiếng nhạc, đồng thời sau khi múa 3 vòng đầu thì cứ sau 1/4 vòng lại quay tiếp một vòng tròn nhỏ nhằm thể hiện động tác vây bắt rùa.

Khi thực hiện điệu múa, cứ sau mỗi vòng xoay nhỏ thì cả tốp lại cúi xuống, chụm đầu vào và ngó xuống phía dưới chiếc ghế đặt ở tâm, vừa gõ dồn dập các nhạc cụ trên tay rồi đồng thanh hô to. Ở vòng quay nhỏ cuối cùng của điệu múa thì những người múa dùng dùi, trống, phách, chuông nhạc hoặc dùng tay vừa chọc vừa khua xuống phía dưới chiếc bàn ở tâm điểm, sau đó lại quay vòng tròn để thể hiện những động tác bắt rùa, xẻ thịt và chia phần.

Trong điệu múa này, bằng những động tác quay vòng, nhún chân và sử dụng khả năng biểu cảm của khuôn mặt trên nền âm thanh rộn ràng của các nhạc cụ, tạo nên không khí vui nhộn, hấp dẫn. Đặc biệt là những động tác vểnh tai nghe ngóng, tìm rùa, rồi giả bộ ngã thể hiện con rùa quá to cùng sự nhịp nhàng ăn khớp của các loại nhạc cụ gây thích thú cho người xem. 

Nếu như trước đây, điệu múa thường chỉ được thực hiện trong các nghi thức tín ngưỡng, thì ngày nay được thực hiện trong các hoạt động lễ tiệc của bản làng hoặc vào buổi tối bên bếp lửa để phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa, văn nghệ của du khách.

Với âm thanh sôi động của các loại nhạc cụ và động tác múa uyển chuyển nhưng không kém phần mạnh mẽ, điệu múa đã tái hiện hoạt động săn bắt, hái lượm của xã hội loài người; thể hiện tinh thần đoàn kết, sức mạnh tập thể của con người trước thiên nhiên mênh mông, bí hiểm và đầy bất trắc, cũng như sự gan dạ, mưu trí, sức khỏe và sự khéo léo của con người trong lao động, sản xuất. Cho đến nay, dù đời sống kinh tế ngày càng khấm khá, nhưng cộng đồng người Dao đỏ ở Hoàng Su Phì vẫn gìn giữ điệu múa Bắt rùa và lưu truyền từ đời này sang đời khác để nhắc nhở thế hệ sau về tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường, gan dạ trong lao động, sản xuất và trong cuộc sống thường ngày. 

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nhân rộng cách làm hay trong giáo dục kĩ năng sống cho học sinh

BHG - Đề án Giáo dục kĩ năng sống (KNS) và văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số cho học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020 đạt nhiều kết quả tích cực; trang bị cho các em nhiều kiến thức, thái độ và KNS tốt, phù hợp để chủ động ứng xử các tình huống trong cuộc sống; qua đó xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo từ cơ sở được nhân rộng.

31/03/2021
Nhiếp ảnh gia Việt Nam đoạt giải tại Sony World Photography Awards 2021

Nữ nhiếp ảnh gia Việt Nam Khánh Phan đã vinh dự giành chiến thắng tại một hạng mục của Sony World Photography Awards 2021 - giải thưởng nhiếp ảnh uy tín được tổ chức thường niên từ năm 2008 đến nay.

31/03/2021
10 tòa nhà đẹp nhất theo tỷ lệ vàng

Dựa trên tỷ lệ vàng, các nhà nghiên cứu đưa ra bảng xếp hạng những tòa nhà đẹp nhất. Trong đó, khách sạn Marina Bay Sands ở Singapore xếp thứ 2, sau nhà thờ St Paul của Anh.

30/03/2021
Ra mắt Diễn đàn xe du lịch Việt Nam khu vực tỉnh Hà Giang

BHG - Sáng 29.3, tại thành phố Hà Giang, Diễn đàn xe du lịch Việt Nam tổ chức lễ ra mắt tại khu vực tỉnh Hà Giang. Dự lễ ra mắt có đồng chí Nguyễn Hồng Hải, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở VHTT&DL; đông đảo thành viên thuộc các tỉnh, thành phố trên cả nước.

29/03/2021