Khôi phục hương vị Tết cổ truyền

12:19, 06/02/2021

BHG - Những hình ảnh tưởng chừng bị lãng quên bởi thời gian và cuộc sống hiện đại như: Gói bánh chưng, trang trí cây nêu, mâm ngũ quả, viết câu đối, trò chơi dân gian… đậm màu Tết cổ truyền của dân tộc đã được các trường, cấp học trên địa bàn tỉnh khôi phục và xây dựng lại một cách chân thật, sống động thông qua hoạt động trải nghiệm thực tế tại trường. Từ hoạt động thiết thực đó đã giúp học sinh hình dung và tuyên truyền sâu rộng cho thế hệ trẻ về nét đẹp của dân tộc.

Học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, thị trấn Yên Phú (Bắc Mê) gói bánh chưng.
Học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, thị trấn Yên Phú (Bắc Mê) gói bánh chưng.

Nằm trong những hoạt động ngoại khóa của trường, vào dịp Tết đến Xuân về, thầy và trò Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, thị trấn Yên Phú, huyện Bắc Mê lại háo hức, tất bật chuẩn bị hướng tới Tết cổ truyền. Như sự chờ mong đó, trong dịp Tết Nguyên đán 2021, nhà trường đã tiến hành các chương trình “Quà tết yêu thương”; “Chợ tết quê em” với các hoạt động như: Trình diễn thời trang dân tộc; trưng bày các vật dụng trong đời sống tinh thần, lao động sản xuất, sản phẩm đặc trưng; gói bánh chưng, bánh giò với hơn 6 gian hàng. Đặc biệt, tại học kỳ 1, nhà trường đã tiến hành phát động chương trình “Nuôi lợn tiết kiệm” do tập thể và các em học sinh trong trường thực hiện, tiết kiệm được hơn 10 triệu đồng, số tiền trên đã trở thành món quà Tết ý nghĩa cho hơn 50 học sinh hoàn cảnh khó khăn có Tết vui vẻ cùng gia đình.

Trẻ em Trường Mầm non Họa My (thành phố Hà Giang) tham gia các trò chơi dân gian.
Trẻ em Trường Mầm non Họa My (thành phố Hà Giang) tham gia các trò chơi dân gian.

Không chỉ ở bậc học phổ thông, tại những trường mầm non trên địa bàn tỉnh, các bé cũng hòa mình vào không gian ngày Tết với sự chuẩn bị công phu của các cô. Chia sẻ về hoạt động của trường, cô Nguyễn Thị Nguyên, Hiệu trưởng Trường Mầm non Họa My, thành phố Hà Giang (TPHG) cho biết: “Tại Ngày hội Xuân cho các bé, nhà trường đã phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh trang trí, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất. Qua đó, tạo không khí hào hứng, vui tươi, phấn khởi cho trẻ và phụ huynh, mang đến sân chơi lý thú, bổ ích, thu hút giáo viên, phụ huynh và trẻ cùng tham gia. Giáo dục trẻ lòng tự hào về truyền thống văn hóa Việt Nam, hiểu biết về ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Nâng cao chất lượng giáo dục trẻ trong nhà trường, tạo được sự tin tưởng, phối kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường và phụ huynh…”. 

Trên tay được cầm chiếc bánh do chính mình làm ra, với khuôn mặt hào hứng, phấn khởi, bé Nguyễn Hiền Dương, học sinh lớp 5 tuổi A, Trường Mầm non Họa My, TPHG chia sẻ: “Năm nay chúng con được các cô cho gói bánh chưng, qua đó con biết được về nguyên liệu và các bước làm bánh với lá dong, gạo nếp, đỗ, thịt. Chúng con còn được bố, mẹ mua cho những bộ quần áo dài rất đẹp. Chiếc bánh này con sẽ mang về nhà khoe với ông, bà và bố ở nhà…”.

Sự háo hức của học sinh như được truyền cho cha mẹ, nhiều phụ huynh đã xin nghỉ làm để đến trải nghiệm các hoạt động, chị Nguyễn Thị Liên, phụ huynh học sinh Nhóm trẻ Em bé hạnh phúc, TPHG chia sẻ: “Con của mình nay mới học lớp 2 tuổi, nhưng từ mấy tuần nay, bé thường về kể những hoạt động trên lớp: Gói bánh chưng, làm mứt, trang trí thiệp… cùng với đó là những sản phẩm được mang về, bé khoe ríu rít và rất hào hứng. Theo kế hoạch về hoạt động tổ chức Tết cho các bé, tôi đã xin nghỉ làm để cùng bé tham gia các hoạt động. Quả thực, khi được trải nghiệm cùng con, mình cũng thấy háo hức, phấn khởi, thấy không khí Tết như về rất gần, bao lo toan cuộc sống cũng tan biến. Đây thực sự là hoạt động vô cùng ý nghĩa không chỉ đối với các con mà còn nhắc mọi thế hệ về nét đẹp vốn có, tồn tại lâu đời của dân tộc…”.

Đánh giá về các hoạt động, đồng chí Nguyễn Thị Hương Giang, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết: “Với ý nghĩa rèn luyện niềm tự hào, gìn giữ bản sắc dân tộc, các hoạt động hướng tới Tết cổ truyền đã được các trường lựa chọn và tổ chức đặc sắc. Qua đó, rèn luyện kỹ năng sống, giúp các em hình thành tính tập thể, biết chia sẻ. Để tiếp tục phát huy hiệu quả từ chương trình ngoại khóa, Phòng sẽ phối hợp và đẩy mạnh thêm nhiều hoạt động tại các trường học nhằm mang đến một nền giáo dục tốt nhất cho học sinh…”.

Bài, ảnh: Hoàng Yến


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đặc sắc di sản văn hóa dân tộc Dao Hoàng Su Phì

BHG - Là huyện nằm phía Tây của tỉnh Hà Giang với 12 dân tộc cùng sinh sống. Trong đó, đồng bào dân tộc Dao huyện Hoàng Su Phì hiện nay đang được người dân bảo tồn, lưu giữ nhiều loại hình độc đáo, mang nét đặc trưng riêng biệt.

29/01/2021
Mèo Vạc phát huy vai trò Hội Nghệ nhân dân gian

BHG - Thường xuyên được củng cố, kiện toàn và không ngừng được nâng cao về chất lượng, các Hội Nghệ nhân dân gian (NNDG) trên địa bàn huyện Mèo Vạc ngày càng phát huy tốt vai trò trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đồng thời đẩy lùi, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu trong cộng đồng dân cư.

29/01/2021
Lễ nhảy lửa của người Dao đỏ xã Thượng Sơn được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

BHG - Tối 27.1, tại xã Thượng Sơn, UBND huyện Vị Xuyên tổ chức lễ đón nhận và công bố quyết định Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia cho Lễ nhảy lửa của người Dao đỏ. Dự buổi lễ có đồng chí Trần Đức Quý, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở VHTT và DL; Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ huyện Vị Xuyên cùng đông đảo du khách và bà con nhân dân xã Thượng Sơn.

 

28/01/2021
Đại hội đại biểu Hội Khuyến học tỉnh lần thứ IV

BHG - Sáng 27.1, Hội Khuyến học tỉnh tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Dự đại hội có các đồng chí: Hoàng Văn Vịnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố.

 

27/01/2021