Nguồn cảm hứng mang tên "Tam giác mạch"

07:30, 02/11/2020

BHG - Vùng cực Bắc đang bước vào những ngày Thu đẹp nhất, hoa Tam giác mạch (TGM) đã nở trên Cao nguyên đá. Loài hoa tinh khôi, dịu dàng bung nở giữa bạt ngàn đá núi đã trở thành nguồn cảm hứng, thu hút bước chân lữ khách tìm về.  

Du khách bên hoa Tam giác mạch.
Du khách bên hoa Tam giác mạch.

Cao nguyên đá Đồng Văn mỗi độ Thu về như choàng lên tấm áo mới khi những thảm hoa TGM đua nhau khoe sắc. Chẳng ai ngờ giữa vùng đất cao nguyên cằn cỗi, mịt mùng đá xám lại có thể mọc lên loài hoa thân thảo dịu dàng đến thế. Hoa có khi bạt ngàn cả một cánh đồng, khi mọc chênh vênh bên hốc đá, đôi lúc thẹn thùng, e ấp bên những căn nhà trình tường mộc mạc. Hoa trải dài bên đường đi như dòng sông uốn lượn mềm mại quanh triền núi. Hoa như đậu trên vai áo, hoa đung đưa theo nhịp váy xoè của cô gái xuống chợ. Trong tiết trời se lạnh miền sơn cước, sương Thu giăng lối, những cánh hoa TGM khi tỏ, khi mờ, bồng bềnh như miền cổ tích. Để rồi lúc sương tan, cả cánh đồng hoa bừng lên sắc hồng thơ mộng; đủ khiến bao người vượt hàng nghìn cây số để đắm mình trong không gian thơ mộng và đã mắt với màu hồng say đắm ấy. Vẻ đẹp đó đã tạo nguồn cảm hứng, để lại trong lòng du khách những nỗi nhớ trên hành trình về miền cực Bắc Tổ quốc.

Hoa Tam giác mạch thung lũng Sủng Là (Đồng Văn).       Ảnh: PHẠM HOAN
Hoa Tam giác mạch thung lũng Sủng Là (Đồng Văn). Ảnh: PHẠM HOAN

Hoa TGM đã trở thành nguồn cảm hứng thu hút du khách đến Hà Giang. Anh Nguyễn Tuấn Anh, du khách đến từ Nam Định vừa trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khi chinh phục Cao nguyên đá chia sẻ: “Lần đầu tiên nhìn thấy hoa TGM tôi đã có thiện cảm, vẻ đẹp của hoa có sức hút rất đặc biệt, giản dị nhưng đầy lôi cuốn. Sức sống ấy có lẽ cũng như chính con người Hà Giang, can trường vượt qua nhiều khó khăn, vươn lên bám đất biên cương. Bất ngờ hơn khi biết TGM còn là cây lương thực của đồng bào vùng cao. Với tôi, hoa TGM không chỉ đẹp ở bề ngoài mà còn ở cái kiêu hãnh, chắt chiu nhựa sống làm đẹp cho đời”. 

Em bé người Mông và hoa Tam giác mạch.
Em bé người Mông và hoa Tam giác mạch.

Lên miền cực Bắc Hà Giang những ngày Thu dịu dàng, du khách không chỉ nhớ mãi màu hoa TGM xen lẫn giữa đá núi trập trùng mà còn lưu giữ những cảm xúc thiêng liêng. Đứng bên Cột cờ Lũng Cú, giữa không gian bao la, mơ màng để gió biên giới thổi căng lồng ngực. Bất giác trong mỗi người dâng trào niềm tự hào và trách nhiệm cống hiến, xây dựng quê hương giàu đẹp.

Sở hữu vẻ đẹp miên man, hoang dại, hoa TGM đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận của các thi nhân. Đã có không ít tác phẩm nghệ thuật, MV ca nhạc, phim truyện lấy bối cảnh Cao nguyên đá mùa hoa TGM.  Nhà thơ Ngô Bá Hòa (Hà Nội), sau chuyến công tác Hà Giang, chiêm ngưỡng hoa TGM mang lại cho anh nhiều ấn tượng mạnh mẽ. Anh tâm sự: “Đã đi nhiều nơi, đặt chân đến nhiều vùng đất, nhưng Hà Giang để lại ấn tượng sâu sắc bởi sự hùng vĩ của đất trời và những bông hoa TGM rạng rỡ, mềm mại nảy sinh từ những điều gai góc nhất. Mảnh đất này khiến cho người ta choáng ngợp bởi cái nhìn đầu tiên và mong muốn lưu lại thật lâu để khám phá. Con người Hà Giang thì bao lâu nay vẫn như vậy, sống can trường, tĩnh lặng nhưng trong lòng mang đầy những khát khao, nghị lực”. 

Sau chuyến đi đó, cây bút trẻ Ngô Bá Hòa sáng tác và ra mắt công chúng yêu thơ tác phẩm “Về miền đá tìm em”. Thể hiện cảnh sắc thiên nhiên Hà Giang thơ mộng và nét đẹp của hoa TGM lôi cuốn thông qua những lời thơ mộc mạc, giản dị nhưng đậm chất tình: “Đá chiếu hình ảnh em trên đỉnh Mã Pì Lèng/Mây thả bóng dáng em giữa tấm gương Nho Quế/Em để hồng trong đá, những trầm tích trổ hoa/Vượt ghềnh đá vực sâu, dòng Nho Quế thẳm sâu/Mùi hương TGM, TGM mạch hồng xanh/Giấu hương em trong nụ, anh về Cao nguyên đá…”. Bài thơ được nhạc sĩ Ngô Sĩ Ngọc phổ nhạc và trở thành ca khúc hay về Hà Giang. Không chỉ có “Về miền đá tìm em”, còn rất nhiều tác phẩm lấy hoa TGM làm cảm hứng sáng tác, như: “Mùa hoa TGM” (Nguyễn Anh Trí), “Hoa trên đá” (Phan Quốc Bảo), “Hoa của đá” (Lâm Tiến Mạnh)… Những tác phẩm đó như minh chứng thêm sức hấp dẫn, chất tình, chất thơ và ngọn nguồn lôi cuốn của hoa TGM. 

Năm nay, tròn 10 năm Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn được Unesco công nhận; năm thứ 6 Lễ hội Hoa TGM được tổ chức nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa, xây dựng hình ảnh hoa TGM thành sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương. Và hoa TGM đã trở thành “sứ giả” du lịch Hà Giang. 

Bài, ảnh: PHẠM HOAN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Ký sự "Bản tình ca của đá" – Tập 1: Đất lắng nghe

BHG - Hà Giang – vùng đất của thiên nhiên kỳ vĩ, hoang sơ, của vẻ đẹp văn hóa đa dạng, của những bí ẩn đang chờ các du khách khám phá. Để giúp quý vị và các bạn hiểu rõ hơn về mảnh đất địa đầu Tổ quốc, Báo Hà Giang trân trọng giới thiệu series 5 tập ký sự "Bản tình ca của đá", thuộc chương trình truyền hình "Việt Nam trong tôi" do VTV sản xuất.

30/10/2020
Đồng Văn chuẩn bị Lễ hội Hoa Tam giác mạch

BHG - Lễ hội Hoa Tam giác mạch (TGM) lần thứ 6 diễn ra vào cuối tháng 11 tới với nhiều hoạt động chính tại huyện Đồng Văn. Đây là cơ hội nhằm tôn vinh những giá trị đặc sắc, hình ảnh đẹp về con người, các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống, khai thác tiềm năng du lịch sẵn có cũng như tiếp tục quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện Đồng Văn đến với du khách.

 

29/10/2020
Hang Tiên được xếp hạng Danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia

BHG - Vừa qua, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 3076/QĐ-BVHTTDL về xếp hạng hang Tiên, thôn Chì, xã Xuân Giang, huyện Quang Bình là Danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia. Hang Tiên nằm trong lòng dãy núi đất xen lẫn đá vôi, có rừng cây bao phủ. Hang được hình thành do quá trình kiến tạo địa chất (Karst), đá vôi bị rửa lũa bởi nước mưa len qua hệ thống khe nứt.

29/10/2020
Hội thi giáo viên tiểu học dạy giỏi cấp tỉnh năm học 2020 - 2021

BHG - Chiều 28.10, tại Trường THPT Lê Hồng Phong, thành phố Hà Giang, Sở Giáo dục – Đào tạo tổ chức khai mạc Hội thi giáo viên tiểu học dạy giỏi cấp tỉnh lần thứ IX, năm học 2020 - 2021.

29/10/2020