Tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc

09:12, 05/06/2020

BHG - Làng văn hóa du lịch cộng đồng (VHDLCĐ) nơi địa đầu Tổ quốc vốn hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp riêng có. Và nay, vẻ đẹp này thêm kiều diễm khi tỉnh ta đặt mục tiêu đến năm 2025: Xây dựng các Làng VHDLCĐ trở thành trung tâm bảo tồn, phát huy và khai thác giá trị văn hóa truyền thống của 19 dân tộc anh em. Qua đó, không chỉ giới thiệu đến nhân dân, khách du lịch trong nước và quốc tế mà còn là nơi tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, gắn với phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ) bền vững.

Phụ nữ Tày – Làng Văn hóa Du lịch cộng đồng thôn Tha (xã Phương Độ - thành phố Hà Giang) làm sản phẩm lưu niệm.
Phụ nữ Tày – Làng Văn hóa Du lịch cộng đồng thôn Tha (xã Phương Độ - thành phố Hà Giang) làm sản phẩm lưu niệm.

Cộng đồng 19 dân tộc anh em đều có kho tàng văn hóa độc đáo, là nguồn tài nguyên phong phú, giá trị để phát triển DLCĐ nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc. Từ năm 2017, tỉnh ta đã tập trung phát triển loại hình này theo hướng bền vững, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Cách làm này đã chứng minh phương thức tốt nhất để cộng đồng dân cư vừa làm du lịch, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa. Đến nay, toàn tỉnh có 13 làng văn hóa du lịch tiêu biểu thuộc 9 huyện, thành phố đạt 10/10 tiêu chí theo Tuyên bố Panhou. Quá trình sinh hoạt, hoạt động của các Làng VHDLCĐ đã góp phần tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc; xây dựng thôn, bản phát triển về kinh tế, cải thiện cảnh quan môi trường tự nhiên, nhất là qua mô hình dịch vụ lưu trú (Homestay). Điển hình trong đó, Làng VHDLCĐ thôn Nậm Hồng (xã Thông Nguyên – Hoàng Su Phì) đang khai thác 2 cơ sở lưu trú dịch vụ chất lượng cao (Hoàng Su Phì Logde và Hoàng Su Phì Bungalow) gồm 23 bungalow (kiểu nhà một tầng) chất lượng, tương đương 2 sao với tổng số 16 phòng, công suất phòng đạt từ 60 – 70%, chủ yếu phục vụ khách nước ngoài lưu trú...

Đặc biệt, tại các làng VHDLCĐ, nhiều nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được phục hồi bản sắc gốc với những nghi lễ, lễ hội truyền thống độc đáo, như: Nhảy lửa, Cầu mùa, Cấp sắc, Gầu tào, Lồng Tồng… Không những vậy, các loại hình múa, âm nhạc trong một số DTTS vốn phong phú, đa dạng nay phát triển đến đỉnh cao, như các hình thức dân vũ của đồng bào Lô Lô, Tày, Mông, Dao. Đặc biệt, hoạt động DLCĐ ở một số làng, bản của đồng bào DTTS bước đầu tạo thu nhập ổn định cho người dân với thu nhập hàng chục đến hàng trăm triệu đồng/hộ/năm. Nhiều địa chỉ, như: Làng VHDLCĐ thôn Pả Vi Hạ (xã Pả Vi – Mèo Vạc), Nặm Đăm (xã Quản Bạ - Quản Bạ), Lũng Cẩm Trên và Lô Lô Chải (thuộc 2 xã Sủng Là, Lũng Cú – Đồng Văn) hay thôn Tha, Hạ Thành (xã Phương Độ - thành phố Hà Giang),… đã tạo diện mạo mới cho ngành du lịch của tỉnh; trở thành điểm đến quen thuộc của du khách trên hành trình khám phá mảnh đất tộc Bắc của Tổ quốc.

Tuy nhiên, việc phát triển du lịch thiếu định hướng cùng nhiều nguyên nhân khác đang khiến văn hóa đồng bào DTTS đứng trước nguy cơ mai một. Thực tế, để phục vụ du khách, không ít phong tục tập quán, sinh hoạt văn hóa của đồng bào DTTS được dàn dựng, tái hiện nhưng không giữ được vẻ đẹp vốn có mà có sự hòa tạp. Xu hướng thương mại hóa trong hoạt động du lịch cũng khiến nhiều nét đẹp văn hóa không được bảo tồn nguyên gốc, như: Trang phục truyền thống của một số dân tộc vốn là sản phẩm được làm thủ công bằng vải tự dệt, thêu tay, nay thay thế bằng các loại vải nhập khẩu hay trang phục may sẵn. Một số văn hóa vật thể, phi vật thể, như: Nghề truyền thống, hoạt động dân ca, dân vũ, phong tục tập quán, nhà ở,… đứng trước nguy cơ mai một. Tại các làng VHDLCĐ chỉ còn một số nhà truyền thống theo từng dân tộc (như nhà sàn của đồng bào Tày, Giấy; nhà đất của người Mông, Lô Lô, Dao đỏ) còn lại đa số được xây dựng theo kiến trúc hiện đại, mái fibro xi-măng hoặc mái tôn. Vì vậy, đã phần nào phai nét truyền thống vốn có của đồng bào các dân tộc. Mặt khác, mỗi dân tộc có một loại hình văn học dân gian độc đáo (truyện cổ, ca dao, tục ngữ) - những sản phẩm sáng tạo tinh thần, chứa đựng tri thức, tình cảm, tâm lý, nhân sinh quan, thế giới quan của các cộng đồng xuyên suốt chiều dài lịch sử. Tuy nhiên, chưa dân tộc nào có công trình sưu tầm, biên soạn, nghiên cứu một cách hệ thống về di sản văn học dân gian của mình…

Cùng với hạn chế trên, toàn tỉnh hiện có 39 làng nghề và làng nghề truyền thống được công nhận, thuộc 34 xã/9 huyện, thành phố với hơn 2.100 hộ tham gia. Trong đó, nghề truyền thống tại các làng VHDLCĐ chủ yếu là nghề trồng bông, dệt vải, thêu dệt thổ cẩm, mộc, rèn, đúc nông cụ, chế tác nhạc cụ dân tộc... Một số nghề còn lưu giữ toàn bộ quy trình sản xuất truyền thống, như: Nghề dệt vải theo hình thức khép kín (từ khâu trồng bông, tách hạt, se sợi, dệt, nhuộm vải) với 9 công đoạn để tạo thành bộ trang phục của người La Chí hay nghề thêu, dệt lanh, thổ cẩm của dân tộc Mông, Dao, Lô Lô... Tuy nhiên, các nghề truyền thống chưa thực sự phát triển; mẫu mã sản phẩm chưa đáp ứng thị khiếu khách du lịch; do đó, chưa khai thác hết không gian làng nghề truyền thống. Điều này trở thành thách thức không nhỏ trong việc phát triển du lịch làng nghề và nghề truyền thống tại các Làng VHDLCĐ…

Từ thực tế trên, tháng 4 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Đề án: “Bảo tồn văn hóa truyền thống và nâng cao chất lượng dịch vụ tại các làng VHDLCĐ trên địa bàn tỉnh đến năm 2025”. Đề án được nghiên cứu, đánh giá trên cơ sở kết quả hoạt động của các làng VHDLCĐ thời gian qua, dưới góc độ văn hóa và du lịch. Đặc biệt, các giải pháp đề xuất có tính khả thi và bền vững, khi đi vào cuộc sống sẽ góp phần thực hiện mục tiêu kép: Phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị văn hóa truyền thống cộng đồng 19 dân tộc nơi địa đầu Tổ quốc.

Bài, ảnh:  PHƯƠNG THÙY


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Ngôi làng cổ tích hơn 700 năm không khói bụi và tiếng còi xe

Làng Giethoorn được biết đến là Venice của Hà Lan. Địa danh đẹp như cổ tích suốt 700 năm không có đường đi, người dân nơi đây kết nối với nhau bằng thuyền qua những kênh đào. Nằm cách thủ đô Amsterdam 120 km, ngôi làng bé nhỏ Giethoorm được biết đến như "Venice của Hà Lan" với hệ thống kênh đào chằng chịt và hàng trăm cây cầu gỗ. Ngôi làng được xây dựng khoảng năm 1230 bởi một nhóm người Địa Trung Hải di cư. 

29/05/2020
Vẻ đẹp nguyên sơ của quốc đảo ngoài khơi Ấn Độ Dương

Quốc đảo Mauritius với vẻ đẹp nguyên sơ, được coi như viên ngọc thô của châu Phi. Điểm du lịch hấp dẫn ngoài khơi Ấn Độ Dương này còn chưa được nhiều người biết tới. Những bờ biển đẹp ngoài khơi Ấn Độ Dương. Quốc đảo Mauritius có diện tích nhỏ, nằm lẻ loi ngoài khơi Ấn Độ Dương, là điểm đến được ví như viên ngọc thô trên lục địa đen.

 

28/05/2020
Rừng san hô quanh núi lửa ngầm dưới biển Sicily

Các nhà khoa học đã tìm thấy một rừng rạn san hô với cảnh quan ngoạn mục, những loài bọt biển ăn thịt quý hiếm cùng nhiều loài chưa từng thấy trong khu vực núi lửa quanh Sicily. Các vùng nước sâu ngoài khơi bờ biển của quần đảo Aeolian phần lớn chưa được khám phá. Đây là nơi có sự đa dạng sinh học phong phú, nhưng cũng đang chịu nhiều nguy cơ từ hoạt động của con người trong khu vực.

 

27/05/2020
Khám phá hang động băng lớn nhất thế giới ở Áo

Sở hữu chiều dài 42 km, Eisriesenwelt ở Werfen (Áo) được biết tới là hang động băng lớn nhất thế giới. Hang động đá và đá vôi tự nhiên Eisriesenwelt nằm ở Werfen (Áo), cách thành phố Salzburg khoảng 40 km về phía nam. Đây là hang động băng lớn nhất thế giới, thu hút khoảng 200.000 du khách ghé thăm mỗi năm. Mặc dù sở hữu chiều dài 42 km, khách du lịch chỉ được phép tham quan một km đầu tiên vì không gian bao phủ hoàn toàn bởi băng, phần còn lại trong hang được hình thành từ đá vôi.

 

26/05/2020