Hà Giang

Vang mãi điệu Then

14:57, 12/08/2019

BHG - “Dây vải hay dây tơ/Tiếng đàn Tính lọt vào tai, vào ruột/Tiếng vang lên ngọn núi cao cao vút/Vượn trố mắt nhìn trượt chân ngã, quên con…” – Đó là những vần thơ miêu tả về sự hấp dẫn của tiếng đàn Tính và làn điệu Then, một loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung và trên địa bàn tỉnh ta nói riêng. Tiếng đàn ngân nga, dìu dặt cùng giọng hát mượt mà, trầm bổng vang lên trong những nếp nhà sàn chắc hẳn sẽ đủ sức níu giữ bước chân của bất kỳ ai đã một lần đặt chân đến những bản làng của đồng bào Tày, Nùng.

Học viên lớp hát Then – đàn Tính xã Phú Linh (Vị Xuyên).
Học viên lớp hát Then – đàn Tính xã Phú Linh (Vị Xuyên).

Hát Then, đàn Tính là một loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian đặc sắc đã hiện hữu rất lâu đời trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng. Tương truyền, hát Then là điệu hát của thần tiên truyền lại, đàn Tính còn được gọi là đàn Then, tức Thiên (có nghĩa là trời). Nếu Si, Lượn là làn điệu dân ca giao duyên chỉ có lời, thì Then là hình thức nghệ thuật tổng hợp; có lời, có nhạc và có biểu diễn. Then được hát vào những dịp trọng đại của làng bản, như: Lễ hội Lồng Tồng, Lễ cầu mùa…, và Then cũng được hát trong cuộc sống thường ngày, trong lao động, sản xuất của đồng bào. Có lẽ vì vậy mà hát Then, đàn Tính luôn có sức sống mãnh liệt và sự lôi cuốn kỳ lạ trong đời sống của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng.

Bước chân lên nếp nhà sàn nhỏ xinh giữa bốn bề cây trái và đồng ruộng tươi tốt; bà Xuân Thị Đều, thôn Nà Trừ, xã Phú Linh (Vị Xuyên) đón khách tới nhà bằng tiếng đàn Tính trầm bổng cùng điệu Then mượt mà. “Hát Then, hát Lượn cùng khách quý/ Dù xa xôi nhưng cũng cảm thấy gần…”. Những thanh âm trong trẻo, dìu dặt vang lên bên bếp lửa hồng khiến chúng tôi ai nấy đều cảm thấy lâng lâng, hòa quyện trong từng câu hát. Bà Đều cho biết: “Từ nhỏ, tiếng đàn Tính cùng điệu hát Then đã ngấm vào máu và trở thành một phần cuộc sống không chỉ của riêng tôi mà của hầu hết người Tày ở mảnh đất Phú Linh này. Dù cuộc sống còn bộn bề khó khăn, nhưng chúng tôi chưa bao giờ ngừng đam mê với điệu Then truyền thống của dân tộc mình. Chính những điệu Then đằm thắm, mượt mà đã giúp chúng tôi vơi bớt mệt nhọc sau những ngày lao động vất vả”.

Những năm gần đây, nhiều địa phương trong tỉnh đã chú trọng đến việc thành lập các câu lạc bộ hát Then – đàn Tính và mở các lớp truyền dạy cho thế hệ trẻ; điển hình như các xã: Kim Thạch, Phú Linh, Linh Hồ, Túng Bá (Vị Xuyên). Có dịp tham dự một lớp dạy hát Then – đàn Tính cho các học viên của xã Phú Linh, từ các cụ già cho đến những em nhỏ, ai cũng phấn khởi, say sưa với những làn điệu Then. Dưới sự hướng dẫn cần mẫn và tận tình của các nghệ nhân, từng lời hát Then được cất lên “tròn vành rõ chữ”. Nghệ nhân Hoàng Đức Thăng, người trực tiếp truyền dạy hát Then tại xã Phú Linh cho biết: “Say mê hát Then từ nhỏ, tôi luôn trăn trở làm thế nào để tiếng đàn Tính, điệu Then của người Tày luôn được gìn giữ và được đông đảo bạn bè bốn phương biết đến. Tôi đã truyền dạy hát Then ở nhiều xã của huyện Vị Xuyên, Bắc Mê và cả sáng tác những lời Then mới trên làn điệu truyền thống. Khi những bài Then, bài Lượn do tôi sáng tác, chuyển thể được lớp trẻ hào hứng đón nhận, tôi lại thấy công việc “truyền lửa” của mình dù giản dị, nhưng rất có ý nghĩa; góp phần một phần nhỏ bé đánh thức ngọn lửa đam mê văn hóa truyền thống trong thế hệ trẻ hôm nay”.

Em Nám Hồng Hạnh, 10 tuổi, học viên nhỏ tuổi nhất của lớp dạy hát Then – đàn Tính xã Phú Linh chia sẻ: “Mới đầu học em cũng cảm thấy khó vì không chỉ học hát mà còn phải học đàn nữa. Nhưng với sự chỉ bảo tận tình của các nghệ nhân, càng học em càng thấy đam mê và muốn học nhiều hơn nữa các điệu Then truyền thống của dân tộc mình. Bây giờ em đã biết đàn và hát một số điệu Then cơ bản, đến lớp học em còn dạy lại cho các bạn cùng lớp nữa”.

Thế mới thấy, tiếng đàn Tính và điệu Then đã trở thành sợi dây gắn kết cộng đồng, thắt chặt tình đoàn kết giữa các thế hệ, gìn giữ cho nếp nhà, nếp bản yên vui. Giữa bộn bề vất vả mưu sinh, những bàn tay lam lũ, tảo tần quanh năm với đồng ruộng, bỗng trở nên khéo léo, mềm mại khi dạo trên dây đàn và thảnh thơi cất vang tiếng hát, xua tan những mỏi mệt, lo toan của cuộc sống thường ngày. Ngày nay, cây đàn Tính vẫn được treo trang trọng trong những nếp nhà sàn; bao tiết mục hát Then, hát Lượn của quê hương vẫn theo chân lớp lớp diễn viên đi khắp nơi trong và ngoài tỉnh hòa thanh với dân ca các dân tộc khắp mọi miền đất nước, để tiếng đàn Tính, điệu Then còn vang vọng mãi ngàn đời!

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Mèo Vạc bảo tồn văn hóa gắn phát triển du lịch

BHG - Xác định phát triển du lịch (DL) là một trong những hướng đi mang tính "mũi nhọn", nhằm khai thác lợi thế, nâng cao đời sống người dân, thời gian qua huyện Mèo Vạc đã tích cực bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống và thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ thúc đẩy phát triển ngành "công nghiệp không khói".

 

31/07/2019
Hãy bình chọn cho cô gái Tày của miền đất Hà Giang tại Cuộc thi Hoa hậu thế giới – Việt Nam

BHG - Vượt qua vòng Chung kết cuộc thi Miss world Việt Nam (Hoa hậu thế giới – Việt Nam) khu vực phía Bắc, thí sinh Nông Thúy Hằng, cô gái Tày của miền đất Hà Giang đã lọt vào Chung kết Hoa hậu thế giới – Việt Nam 2019 được tổ chức tại Đã Nẵng từ 22.7 – 3.8. Đây là lần đầu tiên Hà Giang có một thí sinh lọt vào chung kết một cuộc thi sắc đẹp quốc gia danh tiếng. Không những thế, thí sinh Nông Thúy Hằng mang số báo danh 171 còn là một trong những người đẹp được đánh giá cao tại vòng chung kết khu vực phía Bắc bởi vẻ đẹp nhẹ nhàng và tài năng được thể hiện qua các phần thi.

 

31/07/2019
Triển vọng Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Khố Mỷ

BHG - Thôn Khố Mỷ cách trung tâm xã Tùng Vài (Quản Bạ) 6 km, đường giao thông đi lại thuận tiện, 100% là người Mông sinh sống, có khí hậu ôn hòa, địa hình bằng phẳng, nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn, trong đó có hang Khố Mỷ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia... Hội tụ nhiều yếu tố để gây dựng Làng văn hóa du lịch cộng đồng (LVHDLCĐ) dân tộc Mông...

31/07/2019
Nơi ấy… Trường Sa - Kỳ cuối: Ươm những "mầm xanh" trên đảo

BHG - Khi mới đặt chân lên đảo Song Tử Tây, chúng tôi đã bị thu hút và có cảm giác thân thuộc, gần gũi bởi được nghe tiếng trống trường; giữa bốn bề sóng biển, tiếng trẻ bi bô đánh vần thực sự xúc động. Ở đảo có các gia đình trẻ từ đất liền ra lập nghiệp, tạo thành tổ dân phố nhỏ xinh xinh. Để trẻ em không bị thiệt thòi so với đất liền và các hộ dân yên tâm bám đảo, bám biển, Trường Tiểu học Song Tử Tây được thành lập. Việc dạy và học theo chương trình chung của Bộ Giáo dục...

11/08/2019