Nơi ấy… Trường Sa - Kỳ 4: Rau vẫn xanh và hoa vẫn nở giữa trùng khơi

17:00, 08/08/2019

BHG - Đến với các điểm đảo, đặc biệt là các đảo nổi thuộc quần đảo Trường Sa, ngoài các công trình phục vụ cuộc sống, thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ; khách sẽ được chiêm ngưỡng màu xanh cây trái, của sắc hoa trên đảo. Nhờ tình yêu, lòng quyết tâm của quân, dân và sự chung sức của cả nước nên rau vẫn xanh và hoa vẫn nở giữa muôn trùng biển khơi.

 Những cây đu đủ trĩu quả ở đảo Song Tử Tây.                                                                                     Ảnh: PHƯƠNG HOA
Những cây đu đủ trĩu quả ở đảo Song Tử Tây.             Ảnh: PHƯƠNG HOA

Trồng và chăm sóc cây là một kỳ công với những người chiến sĩ nơi đảo xa. Việc gieo trồng, nhân giống bảo vệ các loại cây bóng mát, cây ăn quả, rau xanh đã trở thành phong trào sâu rộng, tạo ý thức tự giác của quân và dân trên đảo Trường Sa. Vượt qua bão tố, nắng hạn, dưới bàn tay người lính, những mầm xanh của các loại cây vẫn đua nhau nảy lộc, cứ lớn dần lên, xanh tươi tỏa bóng mát nơi đảo xa; khẳng định sức sống mãnh liệt đang từng ngày sinh sôi, nảy nở trên mảnh đất tiền tiêu của Tổ quốc.

Trường Sa có nhiều loài cây, như: Phong ba, Bão táp, Mù u, Nhàu,  Bàng quả vuông, Tra (hay còn gọi là Nho biển), Phi lao và dừa... Đảo Nam Yết giờ được mệnh danh là đảo dừa, bởi những hàng dừa xanh tốt chạy dài trên đảo, trong khuôn viên, giữa các nhà. Những cây dừa chùm trĩu quả. Trên đảo Nam Yết có một cây Bàng vuông tám nhánh rất đẹp, đảo Song Tử Tây có cây Phong ba và cây Mù u trên đảo Sơn Ca đã được phong tặng cây Di sản. Anh Trần Minh Thuần, Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146, chia sẻ: Việc công nhận cây Di sản không chỉ khẳng định chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Trường Sa, mà đây còn là vinh dự, trọng trách lớn lao của người lính nơi đảo xa. Chúng tôi xác định: Bảo vệ cây xanh, cây Di sản cũng chính là bảo vệ Cột mốc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Ra Trường Sa, chúng tôi được tham dự buổi lễ phát động trồng cây ở Đảo Sơn Ca. Cây trồng xuống đều phải được che chắn cẩn thận, tận dụng nguồn nước sinh hoạt để tưới thường xuyên, hố trồng được ủ lá và cây mục trước đó; mỗi cây giao cho 1 bộ phận chăm sóc, đảm bảo cây sống và phát triển. Được biết, mỗi cây xanh được trồng ở đây đều lưu giữ nhiều kỷ niệm, dấu ấn của người lính đảo.

Rau xanh trên đảo Đá Thị.                                            Ảnh: PH
Rau xanh trên đảo Đá Thị.                      Ảnh: PH

Màu xanh trải rộng, ở các đảo nổi, có những con đường tới chùa, tới các khu nhà của bộ đội xanh rợp bóng cây. Các đảo cũng thành nơi “đất lành chim đậu”, khi có đàn cò biển đã dừng chân và sinh sôi, nảy nở ở lại đảo, như đàn cò ở mỗi cánh đồng quê Việt Nam, nối tình cảm đất liền và đảo xa.

Bất chấp sóng gió, những thiếu thốn về đất trồng, nước tướii, các điểm đảo vẫn tràn ngập màu xanh. Những ngọn rau vẫn xanh mướt, cây vẫn đơm hoa kết trái giữa trùng khơi đầy nắng gió, tựa ý chí của người lính nơi đảo xa. Để có những ngọn rau xanh ấy, phải tốn bao công sức của bộ đội. Đất được chuyển ra từ đất liền, chứa trong các chậu nhựa đặc biệt, hộp xốp. Giống rau cũng theo mùa vụ từ đất liền ra. Điều đặc biệt ở Trường Sa là cây rau ngót và mùng tơi luôn xanh tốt quanh năm. Trung tá Phạm Thế Nhương, Chỉ huy Trưởng đảo Sơn Ca, chia sẻ: Đất ở đảo đầy cát, vụn san hô, để đất tơi xốp, giàu chất dinh dưỡng, lá cây xanh trên đảo rụng xuống, những cọng rau xanh hay gốc rau già sau khi thu hoạch, nếu không sử dụng được cho vật nuôi sẽ được bộ đội băm nhỏ, rải dưới gốc rau hoặc ủ 1 thời gian rồi đem bón.

Nếu như ở đảo Song Tử Tây, Nam Yết có vườn rau “lộ thiên”, thì ở đảo khác cũng có vườn được làm khá kiên cố, đặc biệt là ở các đảo chìm. Vườn được làm với hệ thống khung thép chống gỉ, xung quanh được che kín bằng tôn mạ kẽm màu, bên trên là các lớp lưới chống bão gió, nước biển. Nếu như không được giới thiệu, có lẽ chẳng ai biết đó là vườn rau. Bước qua cánh cửa sắt khá nặng, hiện ra trước mắt chúng tôi một vườn rau xinh xinh xanh tốt với nhiều chủng loại, như: Cải bẹ, rau muống, mồng tơi, ngót... tất cả đều được trồng trong những chậu lớn bằng nhựa tổng hợp, được sắp xếp rất quy củ. Do vườn nhỏ xíu, mỗi khi tưới hoặc thu hoạch, chỉ được 1-2 người thay nhau vào.

Những lá mùng tơi to bằng cái quạt, những luống rau cải xanh tốt, hàng đu đủ sai trĩu quả (có những quả đu đủ đường kính hơn 20 cm, ngọt lừ), dần dần trở thành một cái gì đó riêng của Trường Sa. Đến Trường Sa, ngoài uống nước dừa, ăn đu đủ, có đảo khách cũng được thưởng thức ổi, khế, roi, nhãn như ở đất liền.

Cây di sản ở đảo Song Tử Tây .                               Ảnh: PH
Cây di sản ở đảo Song Tử Tây . Ảnh: PH

Cùng với hoa Bàng quả vuông, loài cây gắn bó với Trường Sa là một biểu tượng rất mực thiêng liêng trong mỗi người lính đảo, trên đảo tiền tiêu, những loại hoa: Phong lan, Sứ (hoa Đại), Giấy, Phượng vĩ, Súng… rực rỡ hơn ở đất liền. Những cây Bàng quả vuông sừng sững, vững vàng, có sức sống mãnh liệt, thì những đóa hoa của nó lại dịu dàng hết mức. Giống như hoa Quỳnh chỉ nở trong đêm, hoa Bàng vuông cũng vậy. Ban ngày, Bàng vuông là những nụ trắng muốt, đêm về bung tỏa sắc hương. Trong tán lá ấy có từng chùm, từng chùm nụ, lác đác có những chùm quả non đung đưa theo gió. Gần sáng, những cơn gió nhẹ,  nhụy tím, cánh trắng lần lượt, lần lượt bung rơi, hoa tím trắng khắp đảo. Lác đác, vẫn còn những đóa Bàng vuông nở muộn, dưới sắc nắng mềm mại, dịu dàng tô thêm vào bức tranh đảo sắc màu tuyệt đẹp. Sắc hoa như làm dịu đi cái nắng, cái gió, cái dữ dội của biển khơi, như sẻ chia, tiếp sức cho những người lính trẻ nơi đảo xa. Sắc màu hoa Giấy, hoa Súng hồng, tím, trắng cũng có nhiều ở đảo nổi. Tùy điều kiện không gian của đơn vị, có đảo trồng trong chậu, nhưng có đảo xây bể trồng hoa. Quanh đảo, bên những gốc Bàng vuông, Mù u hay ban công các nhà, là những giàn hoa Phong lan khoe sắc.

Cùng với hoa Bàng quả vuông, trên đảo tiền tiêu, vẫn những loài hoa ấy, như rực rỡ hơn, phải chăng càng bão dông, mặn mòi của biển, hoa càng khoe sắc, cây càng tốt tươi, cũng như ý trí của người lính nơi đảo xa.

Phóng sự của: Hoa Sim

Kỳ cuối: Ươm những “mầm xanh” trên đảo
[links()]

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Mèo Vạc bảo tồn văn hóa gắn phát triển du lịch

BHG - Xác định phát triển du lịch (DL) là một trong những hướng đi mang tính "mũi nhọn", nhằm khai thác lợi thế, nâng cao đời sống người dân, thời gian qua huyện Mèo Vạc đã tích cực bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống và thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ thúc đẩy phát triển ngành "công nghiệp không khói".

 

31/07/2019
Hãy bình chọn cho cô gái Tày của miền đất Hà Giang tại Cuộc thi Hoa hậu thế giới – Việt Nam

BHG - Vượt qua vòng Chung kết cuộc thi Miss world Việt Nam (Hoa hậu thế giới – Việt Nam) khu vực phía Bắc, thí sinh Nông Thúy Hằng, cô gái Tày của miền đất Hà Giang đã lọt vào Chung kết Hoa hậu thế giới – Việt Nam 2019 được tổ chức tại Đã Nẵng từ 22.7 – 3.8. Đây là lần đầu tiên Hà Giang có một thí sinh lọt vào chung kết một cuộc thi sắc đẹp quốc gia danh tiếng. Không những thế, thí sinh Nông Thúy Hằng mang số báo danh 171 còn là một trong những người đẹp được đánh giá cao tại vòng chung kết khu vực phía Bắc bởi vẻ đẹp nhẹ nhàng và tài năng được thể hiện qua các phần thi.

 

31/07/2019
Triển vọng Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Khố Mỷ

BHG - Thôn Khố Mỷ cách trung tâm xã Tùng Vài (Quản Bạ) 6 km, đường giao thông đi lại thuận tiện, 100% là người Mông sinh sống, có khí hậu ôn hòa, địa hình bằng phẳng, nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn, trong đó có hang Khố Mỷ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia... Hội tụ nhiều yếu tố để gây dựng Làng văn hóa du lịch cộng đồng (LVHDLCĐ) dân tộc Mông...

31/07/2019
Kỳ vĩ ruộng bậc thang Hoàng Su Phì

BHG - Kỳ vĩ và đa sắc màu, đó là đặc điểm nổi bật của quần thể ruộng bậc thang được xếp hạng Danh thắng cấp Quốc gia ở huyện Hoàng Su Phì. Với nhiều du khách yêu quý Hà Giang, mảnh đất phía Tây này luôn là điểm đến không thể bỏ qua, nhất là vào dịp mùa nước đổ và mùa lúa chín. Hệ thống ruộng bậc thang Hoàng Su Phì vào 2 mùa này sẽ làm nao lòng bất kỳ ai được chiêm ngưỡng bởi sự kỳ công tạo tác của con người, kết hợp với núi rừng hoang sơ đã tạo ra một vẻ đẹp hài hòa ít nơi nào sánh được.

 

27/07/2019