Nơi ấy… Trường Sa - Kỳ 2: Linh thiêng Tổ quốc nơi đảo xa

14:44, 07/08/2019

BHG - Đến với Trường Sa, những ấn tượng mạnh đọng lại trong mỗi chúng tôi là tình yêu biển đảo, lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc. Giữa mênh mông biển cả, những ngôi chùa, những tượng đài, những Cột mốc chủ quyền là biểu tượng linh thiêng của Tổ quốc nơi đảo xa.

Đến quần đảo Trường Sa lần này, chúng tôi có dịp ghé thăm các chùa Song Tử Tây, Sơn Linh (đảo Sơn Ca), Nam Huyên (đảo Nam Yết). Hoạt động đầu tiên của các đoàn công tác ra thăm đảo, đều đến chùa dâng hương lễ Phật, cầu mong quốc thái, dân an. Những ngôi chùa có kiến trúc đậm nét truyền thống; trước mỗi cổng chùa là 2 lá cờ: Cờ Tổ quốc và cờ Phật giáo cùng tung bay trước gió..

Chùa Sơn Linh trên Đảo Sơn Ca.                                                        Ảnh: PHƯƠNG HOA
Chùa Sơn Linh trên Đảo Sơn Ca. Ảnh: PHƯƠNG HOA

Anh Trần Minh Thuần, Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146 (Lữ đoàn Trường Sa), Đoàn trưởng Đoàn công tác, kể: Không biết từ bao giờ, những ngư dân Việt Nam đi đánh cá ở Trường Sa đã dựng lên một số ngôi miếu nhỏ. Sau này, ở những nơi đó, phật tử trong cả nước đã đóng góp để trùng tu thành nơi thờ Phật khang trang.

Anh Vũ Duy Khánh, Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 146, cũng cho biết: Không chỉ ở Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, mà các đảo Trường Sa lớn, Phan Vinh, Sinh Tồn, cũng có chùa. Ngày tết, ngày Rằm, bộ đội và người dân vẫn đi chùa lễ Phật cầu an. Ngư dân ở vùng khác đi đánh cá gần đảo, cũng dành thời gian vào chùa lễ Phật. Chùa ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa không chỉ là công trình kiến trúc, văn hóa tâm linh mà còn là “Cột mốc chủ quyền” của Việt Nam. Những ngôi chùa đã giúp quân và dân Trường Sa thêm ấm lòng khi hướng về đất mẹ.

Chị Hương - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai, chia sẻ: Giữa trời biển bao la, hòa trong tiếng sóng biển, nghe tiếng chuông chùa ở đảo thật xúc động. Cảm giác bồi hồi khó tả, như vẫn đang ở làng quê giữa đất liền Việt Nam.

Bên Cột mốc chủ quyền trên đảo.                                       Ảnh: P.H
Bên Cột mốc chủ quyền trên đảo. Ảnh: P.H

Ở các chùa đều có sư chủ trì. Để phục vụ tốt đời sống sinh hoạt tâm linh của quân và dân trên đảo, hàng năm Giáo hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa cử các nhà sư ra đảo phụng sự Phật pháp, mong muốn đóng góp cùng với quân và dân trên đảo xây dựng cuộc sống bình yên. Rất gần gũi với cán bộ, chiến sĩ ở đảo, không chỉ thực hiện các công việc ở chùa, các nhà sư trụ trì cũng luôn cùng với người dân tham gia các hoạt động của bộ đội ở đảo, như: Chào cờ sáng thứ 2 hàng tuần, những ngày lễ; trồng cây xanh, hoặc đón khách từ đất liền ra thăm và các hoạt động thiện nguyện khác. Hôm chúng tôi đến đảo, các nhà sư cũng ra cầu cảng đón rồi tiễn đoàn công tác và cán bộ, chiến sĩ về đất liền.

Cùng với ngọn Hải đăng, những ngôi chùa, từ xa nổi bật trên nền cây xanh ở 2 đảo Song Tử Tây, Nam Yết là 2 tượng đài Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn uy nghiêm hướng ra biển Đông. Tượng được tạc bằng đá trắng nguyên khối, đây là nơi giáo dục tư tưởng cho bộ đội và nhân dân, là biểu tượng tâm linh tạo nên sức mạnh tinh thần và động viên cán bộ, chiến sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Vào những ngày lễ, tết, cán bộ, chiến sĩ trên đảo tổ chức dâng hương tưởng nhớ vị tướng lỗi lạc, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, danh tướng của nhân loại.

Nét riêng của đảo Sơn Ca so với các đảo khác ở quần đảo Trường Sa, chính là tượng đài và Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Công trình là niềm vinh dự, tự hào lớn của tập thể cán bộ, chiến sĩ trên đảo Sơn Ca.

Tượng đài Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn trên đảo Nam Yết. 					Ảnh: PHƯƠNG HOA
Tượng đài Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn trên đảo Nam Yết. Ảnh: PHƯƠNG HOA

Bức tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp được xây dựng từ đầu năm 2016 đặt trang trọng tại vị trí đẹp nhất của công viên,  hướng về đất liền, phía sau là bức tường có hình lá cờ Tổ quốc, cùng đó gắn 103 tấm ảnh về cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; về truyền thống Hải quân và Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Thượng tá Phạm Văn Thọ, Chính trị viên đảo Sơn Ca, cho biết: Khi biết tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, cán bộ, chiến sĩ trên đảo cũng tổ chức Lễ tang. Để tưởng nhớ Đại tướng, cán bộ chiến sỹ đảo xây dựng vườn hoa mang tên Đại tướng. Địa điểm xây dựng trước đây là bãi đất trống khô cằn bởi gió, cát, cán bộ, chiến sĩ đã không quản khó khăn, vất vả, kiên trì trồng và chăm sóc từng cây non. Không phụ công bộ đội, khu công viên nay đã thành vườn cây xanh mát, được điểm tô thêm những chùm hoa bởi các loại cây hoa do các tổ chức, cá nhân ở mọi miền Tổ quốc gửi tặng.

Không chỉ cán bộ, chiến sĩ trên đảo Sơn Ca mà với các đoàn công tác tới đảo, đều đến thăm công viên và thắp hương trước tượng đài Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cũng nơi đây, đảo Sơn Ca thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giáo dục truyền thống, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của bộ đội.

Những Cột mốc chủ quyền sừng sững hiên ngang với lá cờ đỏ sao vàng tung bay giữa biển Đông - biểu tượng của chủ quyền Quốc gia với những vĩ độ, kinh độ được thừa nhận dựa theo Công ước Quốc tế, khẳng định đanh thép chủ quyền hợp pháp, không thể tranh chấp trên biển Đông. Cũng như những cột mốc quốc giới ở đất liền, những Cột mốc chủ quyền trên các đảo được dựng xây bằng máu, nước mắt, mồ hôi, sự hy sinh của biết bao thế hệ người dân và cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam .

Nắng nóng cháy da. Trên đảo, đứng ngoài trời vài phút để chụp ảnh, chúng tôi phải mặc áo chống nắng, nhưng 2 tay vẫn bỏng rát. Vậy mà, bên Cột mốc chủ quyền, những chiến sĩ vào ca gác vẫn đứng nghiêm trang bồng súng, thật dáng khâm phục sự rèn luyện của họ.

Không ai bảo ai, khi đến với Trường Sa, với các điểm đảo mọi người đều lưu lại ít nhất một bức ảnh bên những Cột mốc chủ quyền. Cảm giác được đứng bên cạnh Cột mốc chủ quyền của Tổ quốc nơi đảo xa, được chạm tay vào cột mốc thật lạ, thiêng liêng và xúc động xen lẫn tự hào.

Chùa, tượng đài và Cột mốc chủ quyền - những ấn tượng không phai mờ để lại trong mỗi chúng tôi là tình yêu biển đảo, lòng yêu nước và niềm tự hào về Tổ quốc nơi đảo xa.

Hoa Sim

Kỳ 3: Thắm tình quân – dân

[links()]


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Triển vọng Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Khố Mỷ

BHG - Thôn Khố Mỷ cách trung tâm xã Tùng Vài (Quản Bạ) 6 km, đường giao thông đi lại thuận tiện, 100% là người Mông sinh sống, có khí hậu ôn hòa, địa hình bằng phẳng, nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn, trong đó có hang Khố Mỷ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia... Hội tụ nhiều yếu tố để gây dựng Làng văn hóa du lịch cộng đồng (LVHDLCĐ) dân tộc Mông...

31/07/2019
Hãy bình chọn cho cô gái Tày của miền đất Hà Giang tại Cuộc thi Hoa hậu thế giới – Việt Nam

BHG - Vượt qua vòng Chung kết cuộc thi Miss world Việt Nam (Hoa hậu thế giới – Việt Nam) khu vực phía Bắc, thí sinh Nông Thúy Hằng, cô gái Tày của miền đất Hà Giang đã lọt vào Chung kết Hoa hậu thế giới – Việt Nam 2019 được tổ chức tại Đã Nẵng từ 22.7 – 3.8. Đây là lần đầu tiên Hà Giang có một thí sinh lọt vào chung kết một cuộc thi sắc đẹp quốc gia danh tiếng. Không những thế, thí sinh Nông Thúy Hằng mang số báo danh 171 còn là một trong những người đẹp được đánh giá cao tại vòng chung kết khu vực phía Bắc bởi vẻ đẹp nhẹ nhàng và tài năng được thể hiện qua các phần thi.

 

31/07/2019
Mèo Vạc bảo tồn văn hóa gắn phát triển du lịch

BHG - Xác định phát triển du lịch (DL) là một trong những hướng đi mang tính "mũi nhọn", nhằm khai thác lợi thế, nâng cao đời sống người dân, thời gian qua huyện Mèo Vạc đã tích cực bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống và thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ thúc đẩy phát triển ngành "công nghiệp không khói".

 

31/07/2019
Độc đáo trang phục dân tộc Bố Y

BHG - Với 19 dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn tỉnh, mỗi dân tộc đều có một trang phục mang màu sắc, đậm chất riêng và được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Trong đó, trang phục của dân tộc Bố Y luôn được mọi người ca ngợi về sự đặc sắc, duyên dáng và thanh lịch; nhưng ít ai biết được, để có bộ trang phục đặc biệt như vậy, người phụ nữ đã phải khéo léo kết hợp từng chi tiết để tạo nên hình ảnh rất riêng của người Bố Y.

 

27/07/2019