Làm báo nơi địa đầu Tổ quốc

15:54, 21/06/2019

BHG - Có nhiều đồng nghiệp ở các cơ quan báo bạn khi đến với Hà Giang đều chia sẻ: Làm báo ở đây quá vất vả, đường xá đi lại rất khó khăn. Đối với chúng tôi - những người làm báo nơi địa đầu Tổ quốc đang nỗ lực hết mình để giữ “bút sắc, lòng trong”, thông tin đến độc giả những tin tức, bài viết “đúng, trúng, hay”. Bởi ai cũng hiểu rằng, khi đã gắn bó với “nghề nguy hiểm” sẽ tôi luyện cho người làm báo tâm lý vững vàng trước gian khó.

Phóng viên Văn Long (người cầm máy ảnh) tác nghiệp trong vùng dịch tả lợn châu Phi.
Phóng viên Văn Long (người cầm máy ảnh) tác nghiệp trong vùng dịch tả lợn châu Phi.

Nhắc đến Hà Giang chắc hẳn ai cũng biết đến địa phương gian khổ bậc nhất cả nước, với địa hình núi non hiểm trở, giăng lũy, giăng thành; thời tiết khắc nghiệt, khiến đời sống đồng bào các dân tộc nơi đây gặp nhiều khó khăn. Đó cũng chính là thử thách với những người làm báo như chúng tôi khi hàng ngày tác nghiệp tại cơ sở. Mùa mưa, vùng núi đá thường xuyên xảy ra lở đá, lũ ống, lũ quét; vùng núi đất luôn đối diện với sạt lở, giao thông bị chia cắt, cô lập bất cứ lúc nào… Những hiểm nguy đó, luôn tiềm ẩn trên mỗi cung đường tác nghiệp của phóng viên. Chúng tôi hiểu rằng, làm nghề báo nếu không đi cơ sở, trực tiếp tìm hiểu vấn đề thì khi viết sẽ gây nhàm chán cho bạn đọc. Vì thế, phóng viên dù là nam hay nữ; làm lâu năm hay mới vào nghề cũng tự xác định tìm cho mình những bài viết mang hơi thở cuộc sống.

Phóng viên Đài PT- TH tỉnh vượt suối đến cơ sở.
Phóng viên Đài PT- TH tỉnh vượt suối đến cơ sở.

Anh em phóng viên Báo Hà Giang mỗi khi có dịp được ngồi cùng nhau đều chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi về những chuyến công tác tại cơ sở. Mỗi câu chuyện, luôn có những kỷ niệm khó quên. Với tôi, nhớ những ngày đầu vào nghề, được cơ quan phân công theo dõi thông tin trên địa bàn huyện Đồng Văn, hỗ trợ Nhà báo An Dương – một trong những nhà báo kỳ cựu của Báo Hà Giang bây giờ. Tôi không thể nào quên cảm giác lần đầu đi xe máy trên cung đường uốn lượn như sợi dây thừng vắt bên lưng núi; hay những con đường dẫn vào thôn lởm chởm đá; mặt đường chỉ là một chiếc rãnh nhỏ rộng hơn một bánh xe máy. Có những buổi chiều, trời đổ mưa không thể di chuyển được nên đành ngủ nhờ lại nhà dân. Cũng may khi vào thôn, tôi thường được một đồng chí cán bộ xã đi cùng nên dễ nói chuyện với đồng bào, ngủ lại ở nhà dân cũng là một trải nghiệm thú vị đối với mỗi phóng viên; được thưởng thức mèn mén, uống rượu ngô, nhất là ăn thịt treo – đây là những món ăn đặc trưng của người dân vùng cao thiết đãi khách quý. Mới đầu ăn mèn mén không hề dễ, nhưng khi được dạy cách ăn mới có thể cảm nhận được vị ngọt từ ngô hòa quyện với vị thơm ngậy của thịt. Mọi người thường có câu “Đồng Văn bọ chó, gió Thượng Phùng” để nói về “đặc sản” của vùng đất Cao nguyên đá thời đó. Chẳng biết may mắn hay không, nhưng tôi đều được trải nghiệm sự khắc nghiệt của hai vùng đất này. Bây giờ cuộc sống đã có nhiều thay đổi, đời sống người dân dần được nâng cao; bọ chó cũng ít đi, nhưng “gió Thượng Phùng” (Mèo Vạc) dường như…, lại nhiều thêm, nhất là vào mùa Đông, nơi đây luôn hứng chịu thời tiết giá rét khiến cây cỏ héo úa.

Phòng Phóng viên Báo Hà Giang được ví như “Sư đoàn thép” khi luôn có những phóng viên không sợ khó, sợ khổ; dám dấn thân vào hiểm nguy để mang đến cho độc giả những thông tin chân thực, kịp thời. Dù nắng cháy hay mưa sa, không chỉ những phóng viên nam trẻ, khỏe mà những nhà báo nữ như: Biện Luân, Thu Phương, Lê Hải, Nguyễn Phương…, cũng sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ; như người “chiến sỹ” chấp hành mệnh lệnh, sẵn sàng xách ba-lô lên và đi. Phóng viên Báo Hà Giang hiện nay hầu hết là người dưới xuôi lên công tác, nhưng luôn xác định gắn bó với nghề, cống hiến bằng niềm đam mê và bầu nhiệt huyết. Sẽ không thể quên, những ngày đi xe máy dưới trời nắng cháy da hay di chuyển trên những đoạn đường bùn nhầy nhụa; phía dưới là vực sâu, phía trên đất sũng nước có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào. Các anh em phóng viên thường bảo nhau: “Đi càng khó, viết càng dễ”. Có những chuyến công tác vượt rừng, về nơi không đường, không điện; thậm chí đi ban đêm để kịp làm việc ngày hôm sau. Chính chuyến đi đó, đã mang lại cảm xúc mạnh mẽ, giúp phóng viên sáng tác ra những tác phẩm lay động lòng người, có tác động xã hội mạnh mẽ.

Không thể kể hết những khó khăn, gian khổ của những người làm báo nơi địa đầu Tổ quốc, chúng tôi luôn cảm thấy tự hào khi được sống và cống hiến sức lực cho sự phát triển của vùng đất nơi địa đầu Tổ quốc. Dù còn nhiều khó khăn, xong chúng tôi luôn xác định: Bằng trách nhiệm và lòng yêu nghề, chúng tôi đang nỗ lực hoàn thành sứ mệnh của người phóng viên để góp phần xây dựng Báo Hà Giang xứng đáng là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, là diễn đàn của nhân dân; trở thành “cầu nối” đưa các nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống.

Bài, ảnh: KIM TIẾN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đối mặt với thách thức giữa đại ngàn

BHG - Trong cuộc đời làm báo, chúng tôi sẽ không thể quên chuyến tác nghiệp vào một nơi tưởng như bình yên, nhưng lại vô cùng vất vả và thách thức. Thách thức không phải bởi lo sợ thú rừng hay đèo cao, vực sâu mà bởi ánh mắt của lâm tặc lẩn khuất trên khu rừng đặc dụng Phong Quang (Vị Xuyên). Tháng 10.2018, nhận được thông tin cơ sở cung cấp về những cây Nghiến cổ thụ bị lâm tặc đốn hạ tại rừng đặc dụng Phong Quang; chúng tôi lập tức lên đường với quyết tâm tiếp cận hiện trường. Những con đường mòn đá lổm nhổm

21/06/2019
Tập trung chỉ đạo tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia 2019

BHG - Để kỳ thi THPT Quốc gia 2019 trên địa bàn tỉnh diễn ra nghiêm túc, trung thực, công bằng và an toàn, ngày 20.6.2019, Chủ tịch UBND tỉnh có Công văn số 1915/UBND-VHXH về việc tập trung chỉ đạo tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, giao Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố rà soát kỹ lưỡng cán bộ tham gia tổ chức kỳ thi; quán triệt tinh thần trách nhiệm, kỷ luật; xử lý kỷ luật nghiêm khắc cán bộ coi thi,

21/06/2019
"Cá chép hóa Rồng"… từ Sán Sả Hồ!

BHG - Kỷ niệm 94 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam thầy và trò Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Sán Sả Hồ, huyện Hoàng Su Phì, gửi về Hà Nội phẩm vật quý "Cá chép hóa Rồng" tặng Nhà báo lão thành Phan Quang - cây đại thụ của báo chí nước nhà. Tấm phù điêu "Cá chép hóa Rồng" được chạm bằng gốc cây gỗ quý - tác phẩm mỹ thuật dưới dạng sản phẩm dân dụng cổ truyền Việt.

 

 

 

21/06/2019
Nỗi niềm "phóng viên… đài huyện"

BHG - "Gọi là phóng viên (PV) cho sang, chứ thực chất chúng tôi là cán bộ Tổ Thông tin, tuyên truyền lưu động của Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Du lịch (VHTT&DL) huyện. Nhưng trên đôi vai của mình, chúng tôi đảm nhiệm trọng trách của một PV, nhà báo thực thụ". Chia sẻ của nhà báo Nguyễn Chí Cường (Trung tâm VHTT&DL huyện Bắc Quang) cũng là nỗi niềm chung của rất nhiều PV sau khi sáp nhập Đài Truyền thanh – Truyền hình với Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Du lịch thành Trung tâm VHTT&DL huyện, thành phố.

 

 

21/06/2019