Khó khăn trong phát triển các homestay ở Đồng Văn

09:39, 20/06/2019

BHG - Những năm gần đây, homestay trở thành loại hình du lịch được ưa chuộng tại thị trấn Đồng Văn, mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, loại hình homestay tại thị trấn Đồng Văn vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Du khách nước ngoài tham gia trò chơi dân gian tại H’mông homestay, thị trấn Đồng Văn.
Du khách nước ngoài tham gia trò chơi dân gian tại H’mông homestay, thị trấn Đồng Văn.

Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, loại hình này chưa thực sự được các cấp, ngành và những hộ làm dịch vụ du lịch quan tâm đúng mức. Nhiều du khách đánh giá sản phẩm du lịch cộng đồng tại các làng văn hóa du lịch trên địa bàn huyện còn khá đơn điệu; cơ sở vật chất chưa được đầu tư; đội ngũ quản lý và hướng dẫn viên chưa chuyên nghiệp…

Hiện nay, đa số các gia đình làm dịch vụ homestay trên địa bàn huyện Đồng Văn mới chỉ đáp ứng được về dịch vụ ăn uống, nghỉ và thưởng thức các tiết mục văn nghệ, chưa khai thác được những đặc sắc văn hóa của đồng bào dân tộc vùng cao. Ông Hoàng Quốc Thân, chủ Nhà cổ homestay, thị trấn Đồng Văn cho biết: Homestay của gia đình phục vụ chỗ nghỉ và dịch vụ ăn uống cho các đoàn khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Ngoài ra, các đoàn có nhu cầu sẽ tổ chức chương trình văn nghệ. Tuy nhiên, thông thường chỉ du khách nước ngoài muốn khám phá văn hóa theo hình thức trải nghiệm; đối với khách nội địa homestay chưa phải là lựa chọn hàng đầu. Không những vậy, một số homestay tự ý điều chỉnh giá và không đảm bảo chất lượng phục vụ đã ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín các homestay trên địa bàn huyện.

Hiện, chính sách hỗ trợ phát triển homestay cũng còn nhiều hạn chế. Toàn huyện Đồng Văn có trên 100 homestay, trong đó mới có 16 homestay nhận được sự hỗ trợ theo Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh. Những homestay còn lại vẫn chưa có nguồn hỗ trợ phù hợp để tu sửa, xây dựng theo đúng tiêu chuẩn. Anh Sùng Mí Dình, chủ homestay, thôn Xóm Mới, thị trấn Đồng Văn chia sẻ: Khó khăn lớn nhất khi phát triển homestay chính là phải luôn đổi mới để phục vụ khách nhưng vẫn phải giữ được bản sắc dân tộc. Đổi mới các hoạt động trải nghiệm, đa dạng các hình thức giao lưu văn hóa, văn nghệ,… những điều đó đều cần có sự đầu tư, hỗ trợ dài hạn. Bên cạnh đó, khách nước ngoài là đối tượng phục vụ chính của các homestay, nhưng hầu hết chủ các homestay không giao tiếp được với họ mà phải thông qua hướng dẫn viên. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự giao lưu, tìm hiểu văn hóa giữa du khách và người dân…

Việc tận dụng cơ sở vật chất có sẵn của gia đình để phát triển là một lợi thế, cũng là thách thức đối với mỗi homestay. Đa số chủ các homestay đều chưa được đào tạo bài bản về kinh doanh, du lịch nên kiến thức về làm du lịch chưa nhiều, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Vì vậy, để homestay thực sự là loại hình thu hút khách du lịch, góp phần thúc đẩy du lịch của huyện Đồng Văn rất cần có sự quan tâm, đầu tư và hướng dẫn phát triển đúng hướng, phù hợp. Trong đó, chú trọng tới việc mở các lớp tập huấn về kỹ năng giao tiếp và quản lý cho người dân địa phương để họ tham gia hiệu quả vào các hoạt động du lịch… Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp, người dân phát triển thêm các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng của từng vùng để vừa có thể quảng bá văn hóa dân tộc, vừa đem lại thu nhập.

Ông Nguyễn Trung Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết: Để tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh homestay, huyện đã có những kế hoạch cụ thể để quy hoạch, phát triển và có sự đầu tư phù hợp về cơ sở vật chất, từng bước nâng cao chất lượng các homestay. Chúng tôi cũng ưu tiên đầu tư xây dựng các homestay, tạo điều kiện mở rộng kết nối và quảng bá các homestay đủ tiêu chuẩn đến du khách thông qua Trang thông tin du lịch của huyện. Đặc biệt chú trọng tuyên truyền việc giữ gìn văn hóa bản địa, những nét văn hóa truyền thống vốn có của đồng bào trên Cao nguyên đá. Định hướng để du lịch cộng đồng phát triển đúng hướng và bền vững là gắn với phát triển kinh tế địa phương, tôn trọng những giá trị văn hóa bản địa, giá trị cộng đồng. Bên cạnh đó, người dân cũng cần chủ động, tích cực học hỏi, đầu tư về cơ sở vật chất, kỹ năng nghiệp vụ và phối hợp chặt chẽ với những hộ cùng làm trên địa bàn để phục vụ du khách được tốt hơn.

Bài, ảnh: My Ly


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Công ty Cổ phần In đồng hành cùng Báo Hà Giang

BHG - Đồng hành, cùng chia sẻ, đó là những cụm từ được nhắc đến nhiều trong mối quan hệ giữa Báo Hà Giang và Công ty Cổ phần (CTCP) In Hà Giang. Và trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, giá trị của những hành động đó rất đáng trân trọng. Ðến CTCP In Hà Giang khi màn đêm buông xuống, tôi hòa cùng tiếng máy chạy đều đều và những công nhân miệt mài thao tác bên cỗ máy, những chồng báo mới in còn thơm mùi mực. 

20/06/2019
Khuôn Lùng, mảnh đất nhiều trầm tích văn hóa

BHG - Khuôn Lùng, mảnh đất cửa ngõ phía Nam huyện Xín Mần, là nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Tày. Nơi đây cũng chứa đựng nhiều trầm tích xa xưa về nguồn gốc của người Tày, gắn với truyền thuyết đức Ông, đức Bà - những người có công khai phá và gây dựng nên vùng đất này, tới nay vẫn được bà con trong xã và các địa phương lân cận thờ phụng.

 

20/06/2019
Sẵn sàng "vượt vũ môn"!

BHG - Kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, Hội đồng thi Sở GD-ĐT Hà Giang có 20 điểm thi, 224 phòng với 5.180 thí sinh đăng ký dự thi. Hiện tại, các trường học, địa phương cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị; các thí sinh sẵn sàng "vượt vũ môn"! Thành phố Hà Giang có 3 điểm thi gồm: Trường THPT Chuyên, Trường THPT Lê Hồng Phong và Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh. Đến thời điểm hiện tại, Ban chỉ đạo kỳ thi thành phố đã, đang rà soát mọi công tác chuẩn bị tại các điểm thi về...

19/06/2019
Thư ký Tòa soạn "Người gác cửa" của tờ báo

BHG - Trong một cơ quan báo chí, mỗi bộ phận, mỗi người như một mắt xích trong một cỗ máy để truyền nối, liên kết với nhau vận hành cùng nhịp, cùng hướng để xuất bản được một tờ báo hoặc đăng tải một tác phẩm báo chí trên trang báo điện tử. Như vậy, bộ phận nào cũng quan trọng, mỗi một người đều giữ một vị trí quan trọng.

 

19/06/2019