Đối mặt với thách thức giữa đại ngàn

15:52, 21/06/2019

BHG - Trong cuộc đời làm báo, chúng tôi sẽ không thể quên chuyến tác nghiệp vào một nơi tưởng như bình yên, nhưng lại vô cùng vất vả và thách thức. Thách thức không phải bởi lo sợ thú rừng hay đèo cao, vực sâu mà bởi ánh mắt của lâm tặc lẩn khuất trong khu rừng đặc dụng Phong Quang (Vị Xuyên).

Phóng viên Duy Tuấn tại hiện trường vụ phá rừng đặc dụng Phong Quang.
Phóng viên tại hiện trường vụ phá rừng đặc dụng Phong Quang.

Tháng 10.2018, nhận được thông tin cơ sở cung cấp về những cây Nghiến cổ thụ bị lâm tặc đốn hạ tại rừng đặc dụng Phong Quang, chúng tôi lập tức lên đường với quyết tâm tiếp cận hiện trường. Những con đường mòn đá lổm nhổm, có chỗ dốc đứng tức ngực, chỗ trơn trượt với đầy cành cây rừng quất vào mặt. Nhiều thân Nghiến cổ thụ to vài người ôm vẫn còn đó trong rừng; lấp ló những nhành Phong lan tím trắng, vàng xen giữa tiếng chim hót từ những dáng cây cổ thụ gợi nên hình ảnh một khu rừng bình yên, nhưng thực tế lại không yên bình.

Đi cùng tôi hôm ấy là D.T, phóng viên trẻ đầy năng nổ, nhiệt huyết. Cả 2 nhập vai những người đi mua dê của bà con. Cho dù đã đi đến nhiều khu rừng trên dải đất Việt Nam, nhưng khi lọt vào giữa rừng đặc dụng Phong Quang, chúng tôi đều có cảm nhận chung về một đại ngàn thiên thu hiếm có - khu rừng thuộc địa bàn thôn Lũng Chuối II, xã Minh Tân (Vị Xuyên), nơi bắt đầu của những dấu hiệu không chào đón những vị khách lần đầu vào đây.

Bắt đầu hiện ra từ các hẻm núi đá, các sườn núi chênh vênh là một rồi hai, ba, bốn điểm… có những thân Nghiến to bị lâm tặc “xẻ thịt”. Bị lực lượng chức năng phát hiện, lâm tặc phải bỏ dở việc khai thác và tạm rút đi. Tại các bãi khai thác vẫn còn màu đỏ vàng của mùn cưa, những lưỡi cưa máy, dao quắm, can xăng…

Khác với nhiều khu rừng trong cả nước, rừng đặc dụng Phong Quang có đặc thù là người dân sống xen kẽ; trên đường đi, chúng tôi bắt gặp vài người dân đi lấy củi, chăn bò, làm nương. Tiếp cận các hiện trường khai thác gỗ Nghiến trái phép không hề dễ, bởi phải leo lên những vạt núi đá, trèo xuống những hủm đá tai mèo sắc nhọn, đầy cây bụi chằng chịt. Nhưng đó không phải là sự nguy hiểm mà chính sự lượn lờ của một vài người đàn ông mới khiến chúng tôi lo lắng. Vì thế, việc tác nghiệp phải nhanh, bằng những phương tiện tác nghiệp cực gọn. Dù vậy, khi ra khỏi rừng, nghe bà con kể về những cái bẫy lâm tặc gài lại để trả thù lực lượng chức năng hoặc một vài vụ việc đổ máu xảy ra vài năm trước trong cuộc chiến bảo vệ rừng của lực lượng chức năng với lâm tặc mới thấy ớn lạnh.

Gần một ngày đi như chạy trong rừng, trong không gian đầy cây với hoa lá tưởng yên bình ấy, nhưng chúng tôi đều có cảm giác rằng, đi đến đâu cũng có ánh mắt theo dõi từ các lùm cây, hốc đá. Chúng tôi kết thúc một ngày trong rừng bằng nõn của hai cây chuối rừng ngọt và thơm đến lạ. Trong chiếc thẻ nhớ ghi đầy hình ảnh, clips về các điểm phá rừng, điều đó thực sự khiến chúng tôi xót xa.

Một phóng sự ảnh phản ánh chân thực vụ phá rừng đặc dụng Phong Quang tại khu Lũng Chuối II, xã Minh Tân được đăng tải trên Báo Hà Giang điện tử. Câu chuyện đã được chuyển tải đến các ngành chức năng, UBND tỉnh lập tức có một cuộc họp với các ngành, địa phương về vụ việc Báo Hà Giang nêu. Tại cuộc họp đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến đã nói, nếu Báo Hà Giang không nêu sự thật sẽ mãi bị vùi sâu trong rừng. Qua đó, hoan nghênh Báo Hà Giang, biểu dương phóng viên dũng cảm thâm nhập thực tế, phản ánh vụ việc.

Nhiều năm làm báo, có những lần chúng tôi được lãnh đạo tỉnh khen về nỗ lực phát hiện và thâm nhập thực tế để phản ánh kịp thời những vấn đề bất cập cũng như những tấm gương ở cơ sở. Nhưng lần tham gia phản ánh vụ việc phá rừng ở khu Lũng Chuối II, rừng đặc dụng Phong Quang năm 2018 khiến chúng tôi nhớ mãi về sự động viên, chỉ đạo quyết liệt của tỉnh. Sau lần đó, công tác quản lý, bảo vệ rừng được siết chặt hơn, có những đối tượng bị bắt vì liên quan đến phá rừng đặc dụng Phong Quang; một số cá nhân, đơn vị bị phát hiện với những việc làm tiêu cực, gây ảnh hưởng đến công tác quản lý, bảo vệ rừng.

NHÓM PV


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tập trung chỉ đạo tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia 2019

BHG - Để kỳ thi THPT Quốc gia 2019 trên địa bàn tỉnh diễn ra nghiêm túc, trung thực, công bằng và an toàn, ngày 20.6.2019, Chủ tịch UBND tỉnh có Công văn số 1915/UBND-VHXH về việc tập trung chỉ đạo tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, giao Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố rà soát kỹ lưỡng cán bộ tham gia tổ chức kỳ thi; quán triệt tinh thần trách nhiệm, kỷ luật; xử lý kỷ luật nghiêm khắc cán bộ coi thi,

21/06/2019
"Cá chép hóa Rồng"… từ Sán Sả Hồ!

BHG - Kỷ niệm 94 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam thầy và trò Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Sán Sả Hồ, huyện Hoàng Su Phì, gửi về Hà Nội phẩm vật quý "Cá chép hóa Rồng" tặng Nhà báo lão thành Phan Quang - cây đại thụ của báo chí nước nhà. Tấm phù điêu "Cá chép hóa Rồng" được chạm bằng gốc cây gỗ quý - tác phẩm mỹ thuật dưới dạng sản phẩm dân dụng cổ truyền Việt.

 

 

 

21/06/2019
Nỗi niềm "phóng viên… đài huyện"

BHG - "Gọi là phóng viên (PV) cho sang, chứ thực chất chúng tôi là cán bộ Tổ Thông tin, tuyên truyền lưu động của Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Du lịch (VHTT&DL) huyện. Nhưng trên đôi vai của mình, chúng tôi đảm nhiệm trọng trách của một PV, nhà báo thực thụ". Chia sẻ của nhà báo Nguyễn Chí Cường (Trung tâm VHTT&DL huyện Bắc Quang) cũng là nỗi niềm chung của rất nhiều PV sau khi sáp nhập Đài Truyền thanh – Truyền hình với Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Du lịch thành Trung tâm VHTT&DL huyện, thành phố.

 

 

21/06/2019
Mỗi chuyến đi, một kỷ niệm

BHG - Gắn bó với nghề báo ở mảnh đất biên cương cực Bắc của Tổ quốc, nơi mà điều kiện KT - XH còn rất nhiều khó khăn; với nhiều người, đó sẽ là sự vất vả cùng những gian khổ, thiệt thòi; nhưng với tôi và những đồng nghiệp đã và đang sống với niềm đam mê nghề thì đó lại là những trải nghiệm, sự tích lũy vốn sống, sự hiểu biết đáng quý. Sau mỗi chuyến tác nghiệp ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa; những người làm báo chúng tôi lại trở về với ăm ắp kỷ niệm và càng thấy yêu nghề, say nghề và gắn bó hơn với mảnh đất còn nhiều gian khó này.

 

 

21/06/2019