Tích cực tuyên truyền về phát triển nông nghiệp gắn với du lịch

16:38, 08/05/2019

BHG - Là một trong số những tỉnh còn gặp nhiều khó khăn nhất cả nước, nhưng Hà Giang cũng được biết đến là một địa chỉ của rất nhiều sản vật đặc trưng như mật ong Bạc hà, thịt bò Vàng, cam Sành, chè Shan tuyết, hồng Không hạt, các sản phẩm từ cây Tam giác mạch. Với nhiều di sản thiên nhiên và văn hóa đặc biệt, Hà Giang đã và đang là địa chỉ du lịch hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Góp phần quảng bá cho mảnh đất, con người và những sản vật của Hà Giang, những năm qua Báo Hà Giang đã tích cực tuyên truyền về phát triển nông nghiệp gắn với du lịch.

 Thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ), một điểm dừng chân trên Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn
Thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ), một điểm dừng chân trên Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2015 – 2020 xác định 2 khâu “đột phá”, trong đó có đột phá về ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất; 5 chương trình trọng tâm, trong đó có các chương trình như: Chương trình Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng Nông thôn mới; Chương trình Phát triển dược liệu gắn với xóa đói giảm nghèo; Chương trình phát triển du lịch gắn với phát triển bền vững.

Trên cơ sở đó, những năm qua tỉnh ta có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp gắn với phát triển du lịch. Đồng thời chú trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành du lịch – dịch vụ với mục tiêu xây dựng Hà Giang trở thành Trung tâm du lịch Quốc gia. Với những lợi thế về các di sản mang tầm quốc gia và thế giới, đứng trước xu hướng phát triển hiện nay, Hà Giang đã và đang xác định và lựa chọn hướng đi với sự kết hợp giữa phát triển nông nghiệp với du lịch một cách rõ ràng.

Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2015 – 2020, với các mục tiêu thực hiện như Chương trình Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; các chương trình, mục tiêu phát triển du lịch của tỉnh, tầm nhìn đến năm 2030 hay việc đưa ra nhiều cơ chế, chính sách, kêu gọi và thu hút đầu tư của tỉnh nhằm thúc đẩy phát triển lĩnh vực nông nghiệp, du lịch đã giúp Hà Giang bước đầu gặt hái những thành quả. Trong đó, phải kể đến việc tỉnh tích cực hỗ trợ người nông dân, thúc đẩy phát triển và xây dựng các sản phẩm đặc trưng của địa phương, được cấp chỉ dẫn địa lý như: Cam Sành Hà Giang, Hồng không hạt Yên Minh, Mật ong Bạc hà Mèo Vạc, chè Shan tuyết Hà Giang, bò Vàng… Từ đó, giúp nâng cao giá trị các sản phẩm, gắn tên các sản phẩm đặc trưng với các địa phương, trở thành những điểm nhấn thu hút du lịch.

Những nỗ lực trong việc thực hiện các chính sách của tỉnh trong hỗ trợ phát triển nông nghiệp như Nghị quyết 86, 209 của HĐND tỉnh hay Nghị quyết 35 về hỗ trợ phát triển du lịch…, Chương trình mỗi làng quê một sản phẩm, Chương trình 1 triệu tấn xi măng xây dựng Nông thôn mới, cơ chế đầu tư có thu hồi hay các chính sách hỗ trợ, khuyến khích thanh niên nông thôn khởi nghiệp…, đã góp phần không nhỏ giúp cho người dân ở các vùng quê không ngừng vươn lên. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh được giảm nhanh qua các năm, đến nay toàn tỉnh có trên 30 xã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới.

Xác định vai trò và trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, quảng bá phát triển nông nghiệp, du lịch và các chương trình, mục tiêu phát triển KT – XH của tỉnh, thời gian qua Báo Hà Giang luôn linh hoạt, bám sát các mục tiêu phát triển của Đảng bộ, chính quyền tỉnh, bám sát thực tiễn, đồng thời nắm bắt hướng và nhu cầu phát triển để có thể xây dựng kế hoạch tuyên truyền một cách sâu sát, thiết thực nhất. Trong đó, Báo đặc biệt chú trọng tuyên truyền về việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường và phát triển du lịch để khai thác những tiềm năng lợi thế của tỉnh. Chú trọng tuyên truyền Chương trình Tái cơ cấu Nông nghiệp theo hướng phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu, nâng cao hiệu quả canh tác trên diện tích đất và giá trị sản phẩm; đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, thương hiệu nông nghiệp của tỉnh theo hướng từ định tính sang định lượng…

Báo xây dựng đội ngũ phóng viên có thiên hướng tuyên truyền theo các mảng, đồng thời phân phóng viên theo dõi từng lĩnh vực “đột phá”, “chương trình trọng tâm” của tỉnh, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp – du lịch. Đồng thời chủ động phối hợp, ký kết chương trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền với các ngành chức năng như Nông nghiệp, Khoa học và công nghệ, Tài nguyên và môi trường, Văn hóa thể thao và du lịch, các địa phương…, để kịp thời tiếp cận, nắm bắt thông tin phục vụ tuyên truyền.

Trên cơ sở đó, thời lượng và các chuyên mục tuyên truyền dành cho lĩnh vực nông nghiệp, du lịch của địa phương trên mặt báo là rất lớn, được linh hoạt lồng nghép với các lĩnh vực khác. Vì thế, Báo Hà Giang đã và đang góp phần phản ánh khá đậm nét về tình hình phát triển nông nghiệp của địa phương; những thành quả của việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, phát triển du lịch; việc xây dựng chỉ dẫn địa lí cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh… Công tác tuyên truyền của Báo cũng chú trọng nêu bật tiềm năng chưa được khai thác trong lĩnh vực nông nghiệp – du lịch, đồng thời kêu gọi thu hút đầu tư vào lĩnh vực phát triển nông nghiệp thế mạnh của tỉnh. Kêu gọi liên kết đầu tư, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của Hà Giang.

Đặc biệt, Báo Hà Giang tích cực phối hợp với các ngành, các địa phương trong việc tuyên truyền, nêu bật những ưu điểm cũng như phản ánh kịp thời những hạn chế trong quá trình sản xuất các sản phẩm nông nghiệp mũi nhọn. Trong đó, có thể khẳng định việc tuyên truyền đã làm tốt việc quảng bá các sản phẩm lợi thế của Hà Giang được sản xuất ở một môi trường sạch, được tỉnh và các ngành chức năng tập trung đầu tư thông qua việc quyết liệt ứng dụng quy trình sản xuất VietGAP, sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Do đó, các sản phẩm thân thiện với môi trường, có chất lượng tốt, được người tiêu dùng đánh giá cao.

Thông qua công tác tuyên truyền của Báo Hà Giang, góp phần làm nổi bật những vùng quê, những sản phẩm giàu tiềm năng phát triển nông nghiệp, du lịch của tỉnh như: Vùng trồng cam gồm các huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên; vùng phát triển dược liệu tại các huyện 30a của tỉnh; vùng phát triển đàn ong mật Bạc hà Cao nguyên đá, bò Vàng Cao nguyên đá; phát triển chè hữu cơ; vùng dồn điền, đổi thửa, phát triển sản xuất 3 vụ/năm ở các huyện Bắc Quang, Quang Bình…

Song song với việc tuyên truyền, quảng bá, Báo thường xuyên có các bài viết phản ảnh về những vấn đề hạn chế trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp ở địa phương như việc phản bác những thông tin về sản phẩm nông nghiệp đội lốt, giả danh Hà Giang; phản ánh tình trạng chậm trễ trong triển khai các dự án đầu tư, các dự án thiếu hiệu quả; việc chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất các sản phẩm nông nghiệp; phản ánh tình trạng muôi ong mật thiếu khoa học, bừa bãi của các tổ chức, cá nhân ngoài tỉnh…

Với việc tích cực tuyên truyền về nông nghiệp gắn với du lịch của Báo Hà Giang cùng với công tác tuyên truyền của tỉnh và các cơ quan báo chí khác góp phần làm nổi bật hình ảnh về vùng đất, con người, những sản vật của Hà Giang. Từ những kết quả đó, năm 2018 lượng du khách đến Hà Giang đạt trên 1 triệu lượt, doanh thu từ du lịch và dịch vụ du lịch của tỉnh đạt gần trên 1.100 tỷ đồng. Hiện nay, trong tổng số hơn 15 tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư vào Hà Giang, có hơn nửa đầu tư vào lĩnh vực du lịch, nông nghiệp. Đó là những con số cho thấy Hà Giang đang từng bước xác định đúng tiềm năng, lợi thế của mình, từng bước vượt lên, biến khó khăn thành cơ hội phát triển.

                                                                             Bài, ảnh: Huy Toán


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Lễ dâng hương Miếu Ông, Miếu Bà

BHG - Nằm trong chuỗi hoạt động của Lễ hội 100 năm Chợ tình Khâu Vai và Công bố Bằng tái công nhận Công viên Địa chất toàn cầu Unesco Cao nguyên đá Đồng Văn lần 2, chiều 30.4 (tức 26.3 âm lịch) các hộ dân thôn Khâu Vai, xã Khâu Vai (Mèo Vạc) tổ chức Lễ dâng hương tại Miếu Ông, Miếu Bà để tỏ lòng thành kính, cảm phục tình yêu mãnh liệt của chàng Ba và nàng Út. Dự Lễ dâng hương có lãnh đạo huyện Mèo Vạc cùng đông đảo du khách.

30/04/2019
Khai trương Làng văn hoá du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi

BHG - Nằm trong chuỗi các hoạt động Lễ hội 100 năm Chợ tình Khâu Vai và công bố Bằng tái công nhận Công viên Địa chất toàn cầu Unesco Cao nguyên đá Đồng Văn lần thứ 2, chiều 29.4, UBND huyện Mèo Vạc tổ chức Lễ khai trương Làng văn hoá du lịch cộng đồng (DLCĐ) dân tộc Mông, thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi.

30/04/2019
Độc đáo Lễ cúng Thần rừng, Thần núi đỏ của người Giấy xã Má Lé

BHG - Lễ cúng Thần rừng và Thần núi đỏ của người Giấy, xã Má Lé (Đồng Văn) có từ lâu đời và trở thành hoạt động thường niên. Theo người già trong làng kể lại, Thần rừng và Thần núi đỏ là hai anh em. Thần rừng cai quản toàn bộ khu rừng của làng Má Lé, thần ngự ở cây to nhất trong khu rừng để che chở cho dân làng không bị thú dữ quấy phá; đồng thời, cung cấp nguồn nước sạch cho dân làng. 

28/04/2019
Lễ hội khèn Mông huyện Đồng Văn lần thứ VI

BHG - Trong 2 ngày 27 và 28.4, huyện Đồng Văn đã tổ chức Lễ hội khèn Mông lần thứ VI, năm 2019. Dự Lễ có các đồng chí: Ly Mí Lử, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy – Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo huyện Đồng Văn, Yên Minh, Mèo Vạc cùng đông đảo người dân và du khách.

28/04/2019