Lan tỏa giá trị nhân văn đến cộng đồng

15:54, 19/04/2019

BHG - Mỗi năm một lần, đá núi Khâu Vai lại thức giấc bởi những bước chân hẹn thề tìm về ngày hội chợ tình “phong lưu”. Tròn 100 mùa Xuân, câu chuyện tình yêu đẹp, mang nhiều giá trị nhân văn sâu sắc của nàng Út và chàng Ba được người dân trên Cao nguyên đá gìn giữ và phát huy; có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng; trở thành nét văn hóa đặc sắc về tình yêu, tình người nơi biên cương Tổ quốc.

Các đôi trai, gái tìm hiểu nhau qua tiếng sáo tại Chợ tình Khâu Vai.                                                                                     Ảnh: Tư Liệu
Các đôi trai, gái tìm hiểu nhau qua tiếng sáo tại Chợ tình Khâu Vai. Ảnh: Tư Liệu

Cuộc sống của người dân Khâu Vai hôm nay đã có nhiều khởi sắc: Những con đường bê - tông nông thôn mới len lỏi giữa bạt ngàn đá núi, giúp đôi chân bà con đi nương đỡ nhọc nhằn; ngôi trường mới khang trang, rộn ràng tiếng nô đùa của trẻ nhỏ; những cô gái tuổi đôi mươi được tự do lựa chọn người mình yêu thương để lấy làm chồng. Nhưng trong rất nhiều điều đổi thay ấy, nét đẹp văn hóa của phiên chợ “phong lưu” vẫn được gìn giữ vẹn nguyên.

Nếu chuyện tình đẫm nước mắt của chàng Ngưu Lang và nàng Chức Nữ, mỗi năm chỉ được gặp nhau một lần vào đêm 7.7 âm lịch trên cầu Ô Thước mang vẻ kỳ bí, huyễn hoặc của yếu tố thần tiên, cổ tích thì câu chuyện tình đẹp nhưng buồn của chàng Ba và nàng Út lại lấy đi nước mắt của bao người bởi sự giản dị, mộc mạc, rất đời thường và giá trị nhân văn sâu sắc. Mặc dù yêu nhau tha thiết, muốn được ở bên nhau nhưng họ lại không đành lòng nhìn hai dòng họ hỗn chiến, đổ máu. Chàng Ba và nàng Út quyết định hy sinh hạnh phúc riêng của mình và hẹn đến ngày 27.3 âm lịch hàng năm sẽ gặp lại nhau tại nơi này, để quan tâm, sẻ chia với nhau về cuộc sống. Từ đó, câu chuyện tình yêu của chàng Ba và nàng Út trở thành huyền thoại trong ký ức của người dân Cao nguyên đá.

Vào ngày 27.3 âm lịch hàng năm, những người phụ nữ quanh năm vất vả trên đá núi, chọn cho mình bộ váy áo đẹp nhất, xuống chợ khi mặt trời vừa ló rạng, màn sương đêm còn vương vấn bước chân phong tình. Các chàng trai không quên mang theo chiếc khèn Mông, chiếc sáo tốt nhất để gọi bạn tình da diết, xốn xang như cách mà một thế kỷ trước, chàng Ba đã gửi lời yêu đến nàng Út.

Trải qua thời gian, tình yêu đẹp của chàng Ba và nàng Út đã được cộng đồng hóa và lan tỏa mạnh mẽ, để hôm nay, Khâu Vai không chỉ là không gian hò hẹn của bao cặp tình nhân yêu nhau nhưng không lấy được nhau, mà trở thành không gian văn hóa đặc sắc, gọi mời. Ở đó, có những người chưa yêu, đang yêu hay cả những cặp vợ chồng đã cưới nhau đều tìm về để nguyện cầu một tình yêu thủy chung, son sắt. Và những người đến với Khâu Vai hôm nay không chỉ  là những người con của Cao nguyên đá mà còn đông đảo du khách thập phương. Đây là minh chứng về ý nghĩa nhân văn của Chợ tình Khâu Vai và sức lan tỏa của nó đối với đời sống cộng đồng. Câu chuyện tình buồn thuở nào giờ đã trở thành biểu tượng cho sự bất tử của tình yêu đôi lứa. Ở một góc nhìn khác, giá trị nhân văn của câu chuyện tình buồn còn thể hiện ở sự hy sinh cao cả. Họ yêu nhau nhưng đã hy sinh hạnh phúc riêng để bảo vệ gia đình, người thân; sự thuận hòa giữa các dân tộc và bình yên cho các bản làng.

Người vùng cao là thế, họ vất vả, gian nan, sống bám đá và vươn lên giữa bạt ngàn núi đá tai mèo sắc nhọn, nhưng luôn coi trọng lời ước hẹn và thẳm sâu là một trái tim chân tình. Họ trân trọng Chợ tình Khâu Vai như trân trọng giá trị cốt lõi trong truyền thống văn hóa dân tộc; tôn trọng người vợ, người chồng của mình. Bởi thế, Khâu Vai không dành chỗ cho những ghen tuông, đố kỵ; mà đêm Khâu Vai là không gian lắng đọng của tình yêu, của tình người tha thiết; mong muốn được quan tâm, sẻ chia sau bao ngày xa cách; để ngày mai, khi chợ tan, họ lại vội vã trở về với những ngã rẽ khác nhau. Nơi đó, cuộc sống và hạnh phúc thường ngày đang chờ họ.

Ai một lần đến, một lần yêu và nhớ... sẽ lại tìm về Khâu Vai để nguyện cầu hạnh phúc, như lời thầm kín, lắng sâu của chuyện tình đôi lứa; như sợi dây kết nối quá khứ đến tương lai hạnh phúc. Đó chính là giá trị nhân văn làm nên phiên chợ “phong lưu” 100 tuổi ngày nay.

BIỆN LUÂN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Huyện Vị Xuyên tổ chức Hội thi "Tìm hiểu văn hóa truyền thống các dân tộc"

BHG - Ngày 18.4, UBND huyện Vị Xuyên phối hợp với Phòng GD&ĐT huyện tổ chức Hội thi "Tìm hiểu văn hóa truyền thống các dân tộc" năm học 2018 – 2019. Tới dự có đồng chí Vi Hữu Cầu, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Vị Xuyên; lãnh đạo UBND huyện, Phòng GD&ĐT; thầy, cô giáo và các em học sinh…

19/04/2019
Hội thảo giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông

BHG - Ngày 19.4, Trường PTDT Nội trú THPT tỉnh tổ chức Hội thảo giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông. Tham dự có Ban Giám hiệu, thầy cô giáo trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) và một số trường THCS&THPT trên địa bàn thành phố. Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về công tác triển khai chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh. Theo đó, việc đổi mới phương pháp dạy học đang được các nhà trường...

19/04/2019
Đồng Văn đón hơn 40 nghìn lượt khách du lịch trong quý I.2019

BHG - Theo số liệu thống kê, quý I. 2019, huyện Đồng Văn đã đón 5.708 đoàn khách du lịch, tương đương 44.720 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm. Trong đó, có 1.492 đoàn khách quốc tế, bằng 6.164 lượt người, tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Các điểm thu hút lượng lớn khách du lịch là: Cột cờ Quốc gia Lũng Cú (xã Lũng Cú), Dinh thự nhà Vương (xã Sà Phìn), Phố cổ Đồng Văn (thị trấn đồng Văn)…

 

19/04/2019
Trường THCS Ngọc Hà tổ chức Ngày Sách Việt Nam năm 2019

BHG - Ngày 18.4, Trường THCS Ngọc Hà (thành phố Hà Giang) phối hợp với Thư viện tỉnh tổ chức Ngày hội đọc sách năm 2019, hưởng ứng Ngày sách Việt Nam 21.4, Ngày sách và bản quyền thế giới 23.4. Dự ngày hội đọc sách có lãnh đạo Thư viện tỉnh; Trung tâm Văn hóa Thông tin và Du lịch Thành phố Hà Giang, đông đảo giáo viên và học sinh.

 

19/04/2019