Gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc Cờ Lao

09:15, 25/03/2019

BHG - Sinh sống rải rác ở các huyện Hoàng Su Phì, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc; cộng đồng dân tộc Cờ Lao trên địa bàn tỉnh là một trong những dân tộc rất ít người của cả nước. Dù vậy, những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo vẫn được các thế hệ người Cờ Lao gìn giữ và lưu truyền từ đời này qua đời khác, tạo nên điểm nhấn riêng biệt trong sắc màu độc đáo của 19 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn.

Nghi lễ cúng Thành Hoàng của dân tộc Cờ Lao Hoàng Vần Thùng ở xã Túng Sán (Hoàng Su Phì).
Nghi lễ cúng Thành Hoàng của dân tộc Cờ Lao, ở xã Túng Sán (Hoàng Su Phì).

Đến các bản: Phìn Sư, Tà Chải, Khu Trù Sán, Túng Quá Lìn (xã Túng Sán, Hoàng Su Phì) có thể dễ dàng bắt gặp những bản làng người Cờ Lao nằm nép mình bên sườn đồi xen giữa những thửa ruộng bậc thang và những đồi chè xanh mướt dưới chân Tây Côn Lĩnh. Cùng cán bộ văn hóa xã, đến thăm gia đình ông Min Phà Dù, thôn Phìn Sư, ngôi nhà thơm mùi gỗ, mới được dựng giữa bốn bề ruộng bậc thang. Đon đả pha trà mời khách, ông Dù chia sẻ: “Bây giờ họ làm nhà xây, nhà sàn bê – tông nhiều lắm, nhưng gia đình tôi vẫn làm nhà gỗ truyền thống của dân tộc. Ngày trước mình được sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà gỗ, bây giờ muốn lưu giữ lại kiến trúc nhà ở truyền thống cho đời con, đời cháu”. Nhà ở truyền thống của người Cờ Lao có cấu trúc 3 gian, 2 trái, mái thấp lợp gianh hoặc móng vầu, vách đan bằng tre; mỗi ngôi nhà đều có 2 cửa. Hiện, hầu hết các gia đình đã lợp bằng tấm Phipro - xi - măng, ghép ván xung quanh, song về cơ bản vẫn giữ nguyên hình dáng của ngôi nhà truyền thống.

Phụ nữ Cờ Lao trong trang phục truyền thống.
Phụ nữ Cờ Lao trong trang phục truyền thống.

Đang mặc quần vải, áo sơ mi, thấy khách đến nhà, chị Min Thị Sáng, thôn Phìn Sư nhanh chóng thay bộ trang phục truyền thống. Trong bộ váy áo mang sắc xanh đặc trưng, các thiếu nữ Cờ Lao trông thật xinh đẹp và duyên dáng. Giữa cuộc sống hiện đại, người Cờ Lao vẫn luôn có ý thức gìn giữ trang phục truyền thống của dân tộc. “Những ngày lễ, tết hay những dịp cưới hỏi, chúng tôi đều mặc trang phục truyền thống. Nam mặc áo tứ thân, khuy vải, làm từ vải mộc nhuộm lá chàm. Nữ mặc áo dài tứ thân, xẻ tà 2 bên, cài cúc chéo, trang trí những khoanh vải nhiều màu ở ống tay và phần trên ngực áo kết hợp với váy hoặc quần dài cùng màu, tạo nên nét đẹp duyên dáng, dịu dàng cho phụ nữ Cờ Lao. Ngày nay, ít nhà tự trồng được bông làm vải thủ công, phần lớn các chị, các mẹ mua vải sẵn ngoài chợ về và may vá theo kiểu dáng truyền thống” – chị Sáng chia sẻ.

Cùng với nét đẹp trong trang phục, người Cờ Lao còn lưu giữ một kho tàng âm nhạc dân gian đồ sộ gồm những bài hát dân ca được lưu truyền miệng trong cộng đồng. Khách đến nhà, bên bếp lửa ấm cúng, các thiếu nữ Cờ Lao cất lên lời ca mời rượu: “Một chén rượu. Đầy lại đầy hơn. Nhờ anh nói hộ lòng em. Đang tràn đầy nhiều điều như mười chén rượu. Rượu ở trên môi, tâm sự ở trong tim…”. Các chàng trai khi gặp cô gái mình thương cũng sẽ mượn lời ca, tiếng hát để thổ lộ tâm tình: “Bố mẹ nói anh không theo hàng lối. Quyền cao chức trọng anh chẳng mơ. Chỉ mong về sau có em giúp anh mọi sự...”. Cứ như thế, âm nhạc luôn hiện hữu trong đời sống của người Cờ Lao, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu và được các thế hệ luôn trân trọng gìn giữ, lưu truyền.

Người Cờ Lao có nhiều lễ hội, trong đó đặc trưng nhất là lễ cúng Hoàng Vần Thùng. Lễ cúng thường được tổ chức vào tháng 7 âm lịch hàng năm, diễn ra tại miếu Thành Hoàng được lập trên đỉnh núi cao nhất của dải Tây Côn Lĩnh. Trước khi cúng tế, các gia đình trong làng sẽ góp gà, lợn, gạo, rượu, bánh, hoa quả… để thầy cúng tiến hành lễ tế. Kết thúc phần lễ, các gia đình quây quần bên mâm cơm và những chén rượu nồng. Các nghệ nhân, các chàng trai cô gái lại có dịp trổ tài trên các loại nhạc cụ truyền thống, thi hát dân ca, hát đối đáp giao duyên và tham gia các môn thể thao truyền thống, tạo nên không khí hết sức sôi động, thể hiện tính gắn bó, đoàn kết trong cộng đồng.

Giữa nhịp sống hiện đại, sự giao thoa văn hóa diễn ra ngày càng phổ biến, nhưng các thế hệ tộc người Cờ Lao ở tỉnh ta vẫn luôn có ý thức trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Trong mỗi nếp nhà nhỏ xinh nép mình giữa những thửa ruộng bậc thang uốn lượn, các thiếu nữ Cờ Lao vẫn miệt mài khâu vá trang phục truyền thống và những làn điệu dân ca vẫn vang vọng khắp nương chè: “Người thương ơi, nếu có nhớ đến em thì hãy lên đỉnh núi cao nhất của dãy Tây Côn Lĩnh. Sẽ gặp em trong muôn ngàn sắc hoa của núi rừng quê hương…”.

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Người giữ nghề dệt truyền thống tại xã Du Già

BHG - Từ sạp hàng bán các sản phẩm dệt thủ công đầy màu sắc tại chợ phiên xã Du Già (Yên Minh), chúng tôi tìm đến nhà chị Nguyễn Thị Liên, thôn Làng Khác A để tìm hiểu về nghề dệt truyền thống của dân tộc Tày nơi đây. Chúng tôi đến nhà, đúng lúc chị Liên đang dệt vải; những sợi tơ nhiều màu được đôi bàn tay khéo léo đan dệt thành những hoa văn rất tinh tế. Ngừng tay dệt, chị Liên kể về cơ duyên đến với nghề; ban đầu...

22/03/2019
Sắc màu du lịch Hà Giang tại Nha Trang

BHG - Bên bờ biển đẹp nhất của tỉnh Khánh Hòa – Nha Trang, địa phương thu hút trên 6 triệu lượt khách và doanh thu từ du lịch đạt gần 1 tỷ USD năm 2018, tỉnh Hà Giang vừa phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức thành công Chương trình Xúc tiến, quảng bá du lịch "Hà Giang – Di sản và hoa". Sau nhiều ngày chuẩn bị, ngay từ sáng sớm 17.3, Không gian văn hóa, du lịch và các sản phẩm du lịch Hà Giang ở Quảng trường 2/4 thành phố Nha Trang mở cửa đón khách tham quan.

20/03/2019
Hội thi giáo viên làm Tổng phụ trách Đội giỏi cấp tỉnh, lần thứ VII

BHG - Từ ngày 18 đến 22.3, tại trường THCS Yên Biên (T.P Hà Giang), Sở GD&ĐT tổ chức Hội thi giáo viên làm Tổng phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh giỏi cấp tỉnh lần thứ VII. Tới dự có lãnh đạo Sở GĐ&ĐT, Tỉnh đoàn; đại diện Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố và các thí sinh. Hội thi được tổ chức từ ngày 18 đến 22.3 với sự tham gia của 45 giáo viên làm Tổng phụ trách Đội ở các trường Tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh. Các thí sinh sẽ trải qua 4 phần thi, gồm thi sáng kiến kinh nghiệm về công tác Đội và phong trào thiếu nhi...

18/03/2019
Chương trình nghệ thuật "Sắc màu Cao nguyên đá" tại thành phố Nha Trang

BHG - Tiếp tục hoạt động bên lề Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Hà Giang tại Khánh Hòa, tối 17.3, tỉnh ta tổ chức Chương trình nghệ thuật mang tên "Sắc màu Cao nguyên đá" tại quảng trường 2.4, thành phố Nha Trang. Tới dự có các đồng chí: Triệu Tài Vinh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XIV đơn vị tỉnh Hà Giang; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đào Công Thiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa; Hà Văn Siêu, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch; lãnh đạo Sở VH,TT&DL một số tỉnh, thành phố…

18/03/2019