Hà Giang

Người truyền "lửa" Then cho thế hệ trẻ Quản Bạ

09:50, 21/02/2019

BHG - Nhiều năm kiên trì với niềm đam mê hát Then, cái duyên với “nghề” Then đã trở thành cầu nối để ông Nguyễn Mạnh Thông, thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ) trở thành người truyền dạy hát Then, đàn tính cho thế hệ trẻ trong các trường phổ thông trên địa bàn. Với mong muốn gìn giữ nét đẹp bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Tày, ông Thông luôn cố gắng truyền dạy nghệ thuật hát Then, đàn Tính cho thật nhiều thế hệ, để tiếng Then vang mãi đến tận mai sau.

Ông Nguyễn Mạnh Thông trò chuyện về nghệ thuật hát Then.
Ông Nguyễn Mạnh Thông trò chuyện về nghệ thuật hát Then.

Gặp ông Nguyễn Mạnh Thông vào một ngày nông nhàn, chào đón chúng tôi trong ngôi nhà truyền thống của người Tày tại thôn Bảo An, thị trấn Tam Sơn, được ông Thông chia sẻ về niềm đam mê với hát Then. Ông sinh năm 1962, là người dân tộc Tày sinh ra và lớn lên ở Quản Bạ. Bên cạnh cuộc sống mưu sinh của gia đình thì “món ăn” tinh thần không thể thiếu với ông là hát Then. Ông Thông kể: “Tôi bắt đầu học hát Then từ gia đình mình, nhà tôi có truyền thống hát Then từ đời cụ đến bố tôi. Từ bé tôi đã được nghe nhiều điệu Then nên nó dần thấm vào người”.

Niềm yêu thích hát Then cứ tự nhiên lớn dần, trở thành đam mê của ông mỗi lúc rảnh rỗi. Hiện nay, ông Thông là Chủ tịch Hội Nghệ nhân dân gian của thị trấn Tam Sơn và Đội trưởng Đội văn nghệ dân gian của thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, chuyên biểu diễn nghệ thuật Then cho du khách xa gần thưởng thức. Năm 2007, ông Thông tham gia Liên hoan đàn Tính, hát Then toàn quốc và đạt giải Nhì. Với lòng yêu thích hát Then, ông tự mình tìm tòi sáng tác các bài Then mới, học hỏi các bài Then từ các nghệ nhân khác. Ông Thông chia sẻ: “Dân tộc Tày có nhiều nhóm như: Tày Nùng, Tày đen, Tày hoa, rồi mỗi địa phương lại có giọng nói khác nhau nên mình có thể sáng tác nhiều bài hát cho phù hợp với giọng Then của từng vùng”.

Từ năm 2014, ông Thông bắt đầu dạy cho học sinh các khối ở Trường THCS thị trấn Tam Sơn. Ông cho biết: “Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, thực hiện Đề án đưa giáo dục truyền thống vào dạy ở các trường phổ thông trên địa bàn, Phòng Giáo dục huyện Quản Bạ đã đến liên hệ, nhờ tôi dạy cho học sinh trong các trường trên địa bàn. Từ đó đến nay, tôi bắt đầu tham gia nhiều khóa dạy hát Then, đàn Tính cho các cháu nhỏ từ cấp 1 đến cấp 2”. Ngoài dạy ở các trường học, ông Thông còn dạy miễn phí cho học sinh vào dịp Hè theo các lớp năng khiếu do Đoàn Thanh niên tổ chức. Bà con trong vùng biết đến ông cũng thường xuyên đến nhà nhờ ông dạy hát Then trong những lúc nông nhàn. Ông Thông chia sẻ, kỷ niệm đáng nhớ với ông là dạy hát Then cho các cháu nhỏ, thường thì học sinh từ lớp 4 – 5 dễ dạy hơn, do các cháu có nhiều sự tập trung, tiếp thu nhanh. Có một số cháu sau khi học xong ở trên lớp thì yêu thích lại đến nhà nhờ ông dạy tiếp. Để giúp đỡ bà con học hát Then, nhà ông Thông lúc nào cũng có 4 – 5 chiếc đàn Tính và những tuyển tập bài hát Then do ông sưu tầm hoặc sáng tác.

Bên cạnh hoạt động văn nghệ quần chúng, với vai trò là Chủ tịch Hội Nghệ nhân gian của thị trấn, ông Thông thường xuyên tuyên truyền cho bà con hiểu về nét đẹp của hát Then, vận động bà con từ bỏ các hủ tục không còn thích hợp trong các lễ cúng của người Tày. Ông Thông chia sẻ: “Hiện nay có nhiều người vẫn còn mê tín dị đoan nên tôi thường tuyên truyền để bà con cải biến những cái cũ chưa phù hợp, gìn giữ những nét đẹp trong phong tục truyền thống của dân tộc mình”.

Hy vọng, với niềm đam mê hát Then, đàn Tính sẽ giúp ông Thông tiếp tục lưu truyền điệu Then, tiếng đàn Tính vang vọng mãi trên núi rừng vùng Cao nguyên đá.  

Bài, ảnh:  LÊ HẢI


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Người La Chí xã Bản Phùng gìn giữ nghề dệt vải truyền thống

BHG - Xã Bản Phùng (Hoàng Su Phì) có trên 95% dân số là đồng bào dân tộc La Chí. Mặc dù sự giao thoa về văn hóa diễn ra ngày càng phổ biến, song người La Chí ở Bản Phùng vẫn gìn giữ được nét văn hóa truyền thống của dân tộc; thể hiện qua ngôn ngữ, tín ngưỡng văn hóa và những lễ hội mang đậm màu sắc. Đặc biệt phải kể đến trang phục, phụ nữ La Chí hiện vẫn tự dệt và may quần áo cho các thành viên trong gia đình; qua đó, đã lưu giữ và phát huy nghề trồng bông, dệt vải truyền thống.

 

21/02/2019
Ngành Giáo dục huyện Bắc Mê quan tâm chăm lo học sinh bán trú

BHG - Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự tận tình chăm lo của đội ngũ cán bộ, giáo viên ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Bắc Mê, đời sống sinh hoạt của học sinh (HS) dân tộc bán trú (DTBT) đã được cải thiện; HS được học tập, rèn luyện, hoàn thiện nhân cách và kỹ năng sống trong môi trường tương đối đầy đủ. Trong năm học 2017-2018, ngành GD&ĐT Bắc Mê đã tập trung đổi mới công tác quản lý...

21/02/2019
Trường PTDT Nội trú THCS - THPT Yên Minh, nhiều mô hình giáo dục kiến thức, kỹ năng cho học sinh

BHG - Trường Phổ thông dân tộc (PTDT) Nội trú THCS - THPT Yên Minh thuộc sự quản lý trực tiếp của Sở Giáo dục và Đào tạo; tuy còn gặp nhiều khó khăn, nhưng thành tích giáo dục của nhà trường những năm qua luôn được đánh giá cao. Điều đó có sự đóng góp không nhỏ từ những mô hình giáo dục kiến thức, kỹ năng cho học sinh được triển khai từ nhiều năm nay. Cô giáo Triệu Thu Hằng, Bí thư Đoàn trường, cho biết...

21/02/2019
Khai trương Đại lý vé máy bay

BHG - Sáng 20.2, tại Trung tâm Thông tin - Xúc tiến Du lịch tỉnh, Sở VH,TT&DL phối hợp với Công ty Cổ phần Du lịch và Dịch vụ Hy Vọng (Hà Nội) tổ chức Lễ Khai trương Đại lý vé máy bay tỉnh Hà Giang. Tới dự có các đồng chí: Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyền Hồng Hải, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở VH,TT&DL; lãnh đạo Chi nhánh Tổng Công ty hàng không Việt Nam khu vực miền Bắc; đại diện các sở, ban, ngành và các Công ty Lữ hành trên địa bàn tỉnh.

 

20/02/2019