Lũng Pù rộn ràng Tết sớm

14:47, 14/01/2019

BHG - Dù trong cái rét ngọt đặc trưng của vùng sơn cước khiến cả miền đá xám Lũng Pù (Mèo Vạc) chìm trong sương mù, nhưng khắp làng trên, xóm dưới, những bước chân trẩy hội của người dân nơi đây vẫn rộn ràng; bởi, hiện đang là thời điểm đồng bào Mông đón Tết sớm.

Đồng bào Mông ở Lũng Pù rộn ràng trẩy hội Tết sớm.
Đồng bào Mông ở Lũng Pù rộn ràng trẩy hội Tết sớm.

Ngay từ tờ mờ sáng, khi đất trời vẫn đang giao hòa bởi sương lạnh, trên những con đường nhỏ, từng tốp người đã nô nức cùng di chuyển về khu vực trung tâm xã để tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao. Đâu đó, trong mỗi nếp nhà cũng rộn lên tiếng nói, cười; chúc nhau năm mới, ngô, gạo đầy nhà; trâu, bò, lợn, gà đầy chuồng. Đối với người Mông, đón Tết sớm đã trở thành truyền thống từ lâu đời, Tết sớm bắt đầu trước Tết Nguyên đán đúng một tháng. Hiện nay, ở một số xã trên địa bàn huyện Mèo Vạc, người Mông chuyển sang đón Tết trùng với Tết Nguyên đán,  nhưng ở Lũng Pù vẫn giữ nét văn hóa độc đáo của dân tộc.

Thi cày nương trong ngày Tết.
Thi cày nương trong ngày Tết.

Những ngày này, Đào phai ở Lũng Pù chưa kịp nở nhưng không khí mùa Xuân đã tràn ngập trong mỗi nếp nhà; hiện hữu trong lời tâm tình, chúc tụng. Với người Mông, ngày Tết không chỉ là quãng thời gian nghỉ ngơi, gia đình sum họp, tổ chức các lễ hội để cầu mùa màng bội thu, mà còn là thời điểm để những đôi trai gái đi tìm tổ ấm cho riêng mình… Chẳng khó để bắt gặp những chàng trai Mông khỏe mạnh, tinh tế bên chiếc khèn; cô gái Mông xúng xính trong bộ trang phục truyền thống, e ấp như bông hoa rừng; khéo léo hòa cùng điệu múa khèn. Họ cùng nhau trò chuyện, tâm tình…, khi cặp đôi ưng thuận nhau, họ lặng lẽ tách khỏi đám đông rồi “vỗ mông” trao gửi yêu thương. Người Mông cho rằng, “vỗ mông” vừa thể hiện tính chất phát, vừa táo bạo nhưng cũng không kém phần ý nhị. Vì thế, tục này có từ lâu đời trong đời sống và trở thành nét văn hóa đặc trưng riêng có của người Mông.

Giữa không khí rộn rã ngày Xuân, anh Giàng Mí Phình, Phó Chủ tịch UBND xã Lũng Pù, vui mừng kể cho chúng tôi nghe về những đổi thay trong cuộc sống đồng bào Mông nơi đây. Anh nói, ở Lũng Pù hiện có 11 dòng họ Mông cùng sinh sống; trong đó, dòng họ Lầu có số lượng đông nhất với trên 100 hộ. Người Mông ăn Tết theo dòng họ và tổ chức phần lễ, phần hội riêng biệt; nên thời gian tổ chức phần lễ khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết các dòng họ đều hoàn thành phần lễ trước ngày mùng 1 tháng 12 (âm lịch) và cùng nhau tham gia các hoạt động trong những ngày hội. Những năm gần đây, đời sống của người dân được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm; nên năm nay, các dòng họ Mông trên địa bàn xã đều tổ chức đón Tết vui tươi, đầm ấm. Xã Lũng Pù tổ chức một số hoạt động văn hóa và trò chơi dân gian, như: Đánh yến, kéo co, đẩy gậy, ném còn, thi cày nương, cắt mía…, nhằm tạo sự phấn khởi cho bà con và động viên người dân ăn Tết vui vẻ.

Người Mông rất mến khách, bởi họ quan niệm, ngày Tết càng đông khách thì càng gặp nhiều may mắn. Tết này, chúng tôi được chung vui không khí ngày Xuân sớm tại gia đình anh Lầu Nỏ Sèo, thôn Quán Xí, xã Lũng Pù. Dù cái lạnh như cứa vào da thịt, nhưng chúng tôi luôn cảm thấy ấm áp bởi sự đón tiếp niềm nở và đầy ắp tình người. Mâm cỗ đãi khách có đủ thịt, rau, mèn mén, canh tẩu chúa và không thể thiếu chút rượu ngô cay nồng. Bữa ăn ngày Tết của người Mông không phân biệt già trẻ, gái trai, đàn ông hay phụ nữ và người Mông tiếp khách cởi mở, chân tình. Anh Sèo bảo với chúng tôi: “Mình là Trưởng dòng họ nên gia đình ăn Tết trước, sau đó anh em trong họ lần lượt tổ chức. Nhà nào có lợn mổ lợn, có gà mổ gà; nhưng phải tiết kiệm và theo từng hoàn cảnh. Năm nay, gia đình mình chăn nuôi phát triển nên mổ lợn ăn Tết để cùng động viên anh em trong dòng họ tiếp tục cố gắng vươn lên, không để đói, nghèo”.

Chia tay miền đá Lũng Pù khi chiều muộn, trên những con đường sương giăng mù mịt, chúng tôi vẫn gặp những chàng trai, cô gái Mông rảo bước giữa tiết trời lạnh tê tái. Có lẽ, tình cảm yêu thương đong đầy của những đôi trai gái ấy đã xua tan đi cái lạnh; giống như ý chí kiên cường của đồng bào Mông nơi đây đã không khuất phục thiên nhiên khắc nghiệt để mang lại những mùa Xuân no ấm.

Bài, ảnh: KIM TIẾN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Mùa Xuân, mùa lễ hội truyền thống

BHG - Hà Giang - mảnh đất cực Bắc Tổ quốc với 19 dân tộc anh em sinh sống, tạo nên những sắc màu đa dạng về văn hóa. Trong đó phải kể đến các lễ hội truyền thống gắn với đời sống tâm linh và tín ngưỡng của bà con miền núi cao mỗi khi trời đất bước vào Xuân. Tới Hà Giang trong dịp Tết đến Xuân về, du khách sẽ được hòa mình vào không khí lễ hội đặc sắc mang dấu ấn văn hóa của những tộc người là chủ nhân mảnh đất Cao nguyên...

31/12/2018
Nét đặc sắc trong Lễ cưới của người Tày Bắc Quang

BHG - Tỉnh ta có nhiều dân tộc sinh sống. Chính sự hòa nhập của nhiều dân tộc đã tạo cho địa phương những nét văn hóa độc đáo. Cùng góp chung trong nền văn hóa phong phú đó, phải kể tới dân tộc Tày với trên 130.000 người, xếp thứ 2 sau dân tộc Mông; tập trung ở huyện Bắc Quang, Bắc Mê, Vị Xuyên, Xín Mần, Hoàng Su Phì… Nét đẹp trong văn hóa người Tày là những lễ hội mang tính cộng đồng như: Cầu mùa, cúng các thần linh mỗi một vùng mang đậm chất riêng  và đặc biệt là đám cưới của người Tày ở Bắc Quang với những nét văn hóa độc đáo.

31/12/2018
Dấu ấn ngành Du lịch

BHG - 2018 tiếp tục là một năm thành công của hoạt động du lịch khi số lượng khách đến Hà Giang đạt trên 1,1 triệu lượt người, tăng 7,5% so với năm 2017; doanh thu đạt trên 1.150 tỷ đồng; các sản phẩm du lịch và dịch vụ ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu của du khách.

31/12/2018
Chương trình giao hữu thể thao - giao lưu văn nghệ Kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập huyện Bắc Mê

BHG - Ngày 27.12, hướng đến Lễ kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập huyện (1.1.1984 – 1.1.2019) và chào năm mới 2019, huyện Bắc Mê đã long trọng tổ chức Giải giao hữu thể thao và giao lưu văn nghệ. Tới dự, có đồng chí Bùi Văn Tuân, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Bắc Mê; lãnh đạo huyện, cùng đông đảo người dân trên địa bàn huyện đến xem và cổ vũ.

28/12/2018