Gìn giữ giá trị văn hóa vùng Công viên Địa chất

09:02, 03/01/2019

BHG - Theo Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, tỉnh ta được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch và giữ vị trí quan trọng trong phát triển du lịch vùng và cả nước. Một phần “hồn” không thể thiếu làm nên sự độc đáo của du lịch Hà Giang là sự đa dạng của bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số. Giữ gìn nét văn hóa riêng có đang tạo nên sự khác biệt và hấp dẫn cho du lịch vùng Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá (CVĐCTC CNĐ) Đồng Văn.

Phụ nữ dân tộc Mông xuống chợ với cuộn lanh trên tay - nét đẹp văn hóa vùng Công viên Địa chất.
Phụ nữ dân tộc Mông xuống chợ với cuộn lanh trên tay - nét đẹp văn hóa vùng Công viên Địa chất.

Đến với CNĐ Đồng Văn hôm nay, vẫn còn nguyên vẻ hoang sơ, hùng vĩ; du khách thập phương không chỉ được đắm chìm trong “vương quốc” của đá tai mèo, mà còn được lạc vào không gian văn hóa độc đáo, riêng có của vùng cao Hà Giang. Với văn hóa lâu đời, bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng Cao nguyên đã dệt nên một bức tranh đầy màu sắc sinh động cho Công viên Địa chất. Đến với Hà Giang vào các mùa trong năm, đâu đó du khách có thể tình cờ tham gia vào một lễ hội, nghi thức truyền thống như: Lễ hội Gầu tào, múa khèn của dân tộc Mông; Cấp sắc của dân tộc Dao; múa Trống của dân tộc Giấy; Cầu mùa của dân tộc Lô Lô; Lễ hội Lồng tồng dân tộc Tày; Lễ hội chợ tình Khâu Vai; Lễ hội hoa Tam giác mạch…

Đặc biệt, Cao nguyên đá có số lượng di sản vật thể và phi vật thể rất lớn. Năm 2018, CVĐCTC CNĐ Đồng Văn đã được UNESCO tái công nhận lần thứ hai, đó là nhờ sự quan tâm, bảo tồn các giá trị văn hóa, địa chất, địa mạo của chính quyền và người dân địa phương. Trở thành những tài nguyên du lịch giá trị, hấp dẫn du khách đến tham quan, trải nghiệm và nghiên cứu.

Trong những năm qua, được sự quan tâm lớn của Chính phủ thông qua các chương trình, dự án và sự hỗ trợ của Mạng lưới CVĐCTC (GGN), các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học trong và ngoài nước, sự hưởng ứng của cư dân địa phương, tỉnh ta đã đẩy mạnh việc xây dựng, bảo tồn và phát triển CVĐCTC CNĐ Đồng Văn.

Phó Giám đốc Sở VH, TT&DL tỉnh, Triệu Thị Tình cho biết: “CVĐCTC CNĐ Đồng Văn đã hoàn thành tốt một số nội dung theo tiêu chí của Mạng lưới GGN. Hình ảnh CNĐ Đồng Văn được bạn bè thế giới và người dân trong nước biết đến. Đặc biệt là những tiến bộ rõ rệt về bảo tồn văn hóa thông qua nhận thức của người dân trên vùng CVĐCTC được nâng lên, lợi ích từ xây dựng CVĐCTC đã có tác động tích cực đến cuộc sống của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH và du lịch, giảm nghèo, từng bước rút ngắn khoảng cách phát triển với các vùng miền. Từ khi CVĐCTC CNĐ Đồng Văn gia nhập Mạng lưới GGN năm 2010 đến nay đã đạt được một số chỉ tiêu cụ thể như số lao động được giải quyết việc làm đạt 5.379 người; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 34,55%; thu nhập bình quân đầu người đạt 14,16 triệu đồng”.

Trước xu thế phát triển, hội nhập toàn cầu diễn ra gây thêm áp lực mâu thuẫn giữa phát triển và bảo tồn các giá trị di sản văn hóa. Văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc vùng CVĐCTC đang có nguy cơ bị mai một bởi tác động của kinh tế thị trường, ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai... Do đó phong tục tập quán, tiếng nói, chữ viết và trang phục truyên thống đang ngày càng mai một. Để tiếp tục gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình di sản văn hóa, giải quyết những thách thức nêu trên, trong thời gian tới tỉnh có định hướng tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các nhà quản lý, nhà đầu tư và cộng đồng về bảo tồn và phát triển các giá trị di sản văn hóa theo hướng khai thác đi đôi với bảo tồn. Tiếp tục xây dựng các điểm du lịch cộng đồng tại các bản làng dân tộc, điển hình như Đề án Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ xã Pả Vi (Mèo Vạc). Củng cố, nâng cao chất lượng các làng đã được công nhận với các tiêu chí phù hợp để xây dựng làng du lịch cộng đồng đa trải nghiệm. Hướng dẫn, hỗ trợ đầu tư, nâng cấp các cơ sở homestay theo tiêu chuẩn ASEAN. Từ đó, gắn lợi ích của việc bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch, đảm bảo sinh kế cho người dân sẽ là hướng bảo tồn văn hóa truyền thống bền vững nhất.

Bài, ảnh: Hải Lê


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nét đặc sắc trong Lễ cưới của người Tày Bắc Quang

BHG - Tỉnh ta có nhiều dân tộc sinh sống. Chính sự hòa nhập của nhiều dân tộc đã tạo cho địa phương những nét văn hóa độc đáo. Cùng góp chung trong nền văn hóa phong phú đó, phải kể tới dân tộc Tày với trên 130.000 người, xếp thứ 2 sau dân tộc Mông; tập trung ở huyện Bắc Quang, Bắc Mê, Vị Xuyên, Xín Mần, Hoàng Su Phì… Nét đẹp trong văn hóa người Tày là những lễ hội mang tính cộng đồng như: Cầu mùa, cúng các thần linh mỗi một vùng mang đậm chất riêng  và đặc biệt là đám cưới của người Tày ở Bắc Quang với những nét văn hóa độc đáo.

31/12/2018
Dấu ấn ngành Du lịch

BHG - 2018 tiếp tục là một năm thành công của hoạt động du lịch khi số lượng khách đến Hà Giang đạt trên 1,1 triệu lượt người, tăng 7,5% so với năm 2017; doanh thu đạt trên 1.150 tỷ đồng; các sản phẩm du lịch và dịch vụ ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu của du khách.

31/12/2018
Mùa Xuân, mùa lễ hội truyền thống

BHG - Hà Giang - mảnh đất cực Bắc Tổ quốc với 19 dân tộc anh em sinh sống, tạo nên những sắc màu đa dạng về văn hóa. Trong đó phải kể đến các lễ hội truyền thống gắn với đời sống tâm linh và tín ngưỡng của bà con miền núi cao mỗi khi trời đất bước vào Xuân. Tới Hà Giang trong dịp Tết đến Xuân về, du khách sẽ được hòa mình vào không khí lễ hội đặc sắc mang dấu ấn văn hóa của những tộc người là chủ nhân mảnh đất Cao nguyên...

31/12/2018
Chương trình giao hữu thể thao - giao lưu văn nghệ Kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập huyện Bắc Mê

BHG - Ngày 27.12, hướng đến Lễ kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập huyện (1.1.1984 – 1.1.2019) và chào năm mới 2019, huyện Bắc Mê đã long trọng tổ chức Giải giao hữu thể thao và giao lưu văn nghệ. Tới dự, có đồng chí Bùi Văn Tuân, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Bắc Mê; lãnh đạo huyện, cùng đông đảo người dân trên địa bàn huyện đến xem và cổ vũ.

28/12/2018