Quang Bình bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống thông qua giờ học ngoại khóa trong nhà trường

16:21, 05/12/2018

BHG - Sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết số 02 - NQ/HU ngày 5.10.2015 của BCH Đảng bộ huyện Quang Bình về bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống thông qua giờ học ngoại khóa trong nhà trường; đến nay, kết quả ấn tượng nhất là trên 70% học sinh (HS) người dân tộc thiểu số (DTTS) bậc Trung học cơ sở (THCS) biết hát các làn điệu dân ca, điệu múa truyền thống, biết sử dụng nhạc cụ của dân tộc; hầu hết các em đều biết và tham gia các môn thể thao, trò chơi dân gian.

Buổi học hát Then, đàn Tính của học sinh Trường PTDT Nội trú THCS huyện Quang Bình.
Buổi học hát Then, đàn Tính của học sinh Trường PTDT Nội trú THCS huyện Quang Bình.

Đến thăm Trường PTDT Nội trú THCS huyện Quang Bình, đơn vị đầu tiên được lựa chọn thực hiện thí điểm nội dung đưa văn hóa truyền thống vào trường học; chúng tôi nhận thấy ở mỗi góc lớp, sân trường đều có những nhóm học trò đang say sưa các hoạt động văn hóa, văn nghệ cùng các trò chơi dân gian… Qua tìm hiểu, thầy giáo Nguyễn Xuân Bắc, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Đây là buổi sinh hoạt ngoại khóa định kỳ 4 buổi/ tuần nhằm vun đắp, giữ gìn, tôn vinh nét văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; đồng thời giúp cho các thế hệ HS hiểu biết sâu rộng phong tục, tập quán của quê hương mình. Nhìn các em thuần thục sử dụng đàn Tính, hát Then, hát giao duyên, thổi và múa khèn Mông, bắn nỏ, đẩy gậy, đi cà kheo, đánh yến,... đó là cả quá trình nỗ lực, cố gắng của tập thể nhà trường. Năm học 2016 - 2017, khi bắt đầu triển khai, chúng tôi gặp không ít khó khăn do giáo viên và HS chưa hiểu rõ ngôn ngữ của nhau. Để việc đưa văn hóa truyền thống vào truyền dạy thuận lợi, trường giao cho mỗi thầy, cô giáo phụ trách từng dân tộc; các loại hình khó tiếp cận sẽ được các nghệ nhân trực tiếp hướng dẫn nên các em rất hào hứng tham gia. Đến nay, cơ bản HS đều nắm vững kỹ năng hát dân ca và nhạc cụ các dân tộc".

Em Long Quỳnh Anh, HS lớp 9A, Trường PTDT Nội trú THCS huyện Quang Bình chia sẻ: "Ngoài duy trì các tiết học ngoại khóa vào thứ 2 hàng tuần, trường đều tổ chức cho chúng em múa, hát dân ca, dân vũ lồng ghép các trò chơi dân gian. Bây giờ, em đã biết múa gậy Sênh Tiền của dân tộc Mông, hòa tấu nhạc cụ Pí Lè của dân tộc Dao và biết đánh cù, múa sạp, đánh đàn Tính dân tộc Tày. Em cảm thấy vinh dự, tự hào về truyền thống văn hóa độc đáo, hấp dẫn của địa phương và sẽ cố gắng rèn luyện, học tập để đạt thành tích cao hơn nữa".

Dựa vào những hiệu ứng tích cực từ trường làm điểm và trên cơ sở cuốn tài liệu "Sơ lược văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang"; năm học 2017 - 2018, tổng số 16 trường học bậc THCS đã sử dụng làm cẩm nang để giới thiệu cho HS nắm bắt về kiến trúc nhà ở, trang phục, nghề thủ công, các lễ hội dân gian, ẩm thực truyền thống các dân tộc trên địa bàn huyện. Trong đó, đối với hát Then, đàn Tính dân tộc Tày được triển khai truyền dạy tại 14 trường; 5 trường tổ chức loại hình thổi và múa khèn Mông; 9 trường truyền dạy hát dân ca dân tộc Dao đỏ; 5 trường ở xã Bằng Lang, Xuân Giang, Vĩ Thượng, Yên Thành, thị trấn Yên Bình thành lập câu lạc bộ sở thích múa, hát các làn điệu dân tộc... Không những thế, nhiều trường còn chủ động phối hợp với các nghệ nhân, người DTTS tổ chức giảng dạy văn hóa truyền thống cho HS trong dịp Hè.

Qua trao đổi, đồng chí Chẳng Thị Liên, Phó Chủ tịch UBND huyện Quang Bình khẳng định: "Đa số HS trên địa bàn huyện là con em đồng bào DTTS, vì vậy, việc đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy trong các nhà trường là cần thiết. Bằng nhiều nội dung, hình thức truyền dạy phong phú, đa dạng các em dễ dàng tiếp thu văn hóa dân tộc mình mà còn biết thêm văn hóa các dân tộc khác; từ đó,  nêu cao tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau trong học tập và nâng cao kỹ năng sống. Năm học 2018 - 2019, Phòng GD&ĐT huyện đưa tiêu chí văn hóa truyền thống vào truyền dạy trong nhà trường làm căn cứ xét thi đua để khích lệ các đơn vị trường học, HS tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 02 của BCH Đảng bộ huyện. Thông qua đó, góp phần quảng bá, giới thiệu nét văn hóa đặc trưng của đồng bào DTTS đến mọi miền đất nước".

Bài, ảnh: MỘC LAN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Gìn giữ kiến trúc truyền thống vùng Cao nguyên đá

BHG - Những năm gần đây, vùng Cao nguyên đá có sự đổi thay mạnh mẽ. Bên cạnh thành quả đổi thay của đời sống KT – XH, có những giá trị đứng trước nguy cơ bị mai một, đó là kiến trúc truyền thống. Biểu hiện đầu tiên là chất lợp truyền thống - ngói âm dương ở các làng bản dần được thay thế bằng Phi - bờ - rô xi - măng hoặc những mái tôn xanh, đỏ. Những ngôi nhà trước đây trình tường, bờ rào đá nay dần được thay thế bởi chất liệu gạch làm từ bột đá…

 

30/11/2018
Nét đẹp truyền thống trong đám cưới của dân tộc Pà Thẻn

BHG - Hà Giang có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, chính vì vậy, có rất nhiều phong tục, tập quán cũng như những nét đặc sắc trong văn hóa của mỗi dân tộc. Đặc biệt, tại xã Tân Bắc (Quang Bình) vẫn còn lưu giữ được những nét văn hóa độc đáo trong Lễ cưới của người Pà Thẻn. Xã Tân Bắc hiện có 10 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, dân tộc Pà Thẻn chiếm 46%. Tìm hiểu về Lễ cưới của người Pà Thẻn, chúng tôi có dịp về Tân Bắc nhân Lễ hội Nhảy lửa được tổ chức vào cuối tháng 11 vừa qua. 

30/11/2018
Dấu ấn những mùa hoa Tam giác mạch

BHG - Đêm khai mạc Lễ hội Hoa Tam giác mạch lần thứ IV đã thành công tốt đẹp, để lại những dấu ấn vô vùng sâu sắc trong lòng du khách. 4 năm qua, với sự nỗ lực không ngừng của cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân trên vùng Cao nguyên đá; hoa Tam giác mạch đã, đang trở thành biểu tượng, thương hiệu du lịch Hà Giang. Với nhiều hoạt động trải dài từ tháng 10 đến hết tháng 12 tại 4 huyện vùng cao, Lễ hội Hoa Tam giác mạch đã đem đến cho du khách những trải nghiệm thực tế thú vị với sự hội tụ những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc trên Cao nguyên đá. 

30/11/2018
Lễ hội Văn hóa dân tộc Nùng huyện Xín Mần

BHG - Ngày 28.11, tại xã Cốc Rế, UBND huyện Xín Mần tổ chức Lễ hội Văn hóa dân gian dân tộc Nùng cụm xã lần thứ nhất năm 2018. Đến dự có Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND huyện; đại diện các ban, ngành, đơn vị trường học của huyện; lãnh đạo và người dân 6 xã trong cụm gồm: Cốc Rế, Thu Tà, Tả Nhìu, Nấm Dẩn, Ngán Chiên, Trung Thịnh. Trong khuôn khổ lễ hội sẽ diễn ra Hội thi văn hóa dân gian như: Hát lướn, múa ngựa giấy, kéo đàn nhị, chà bóng vải đen, thi người đẹp trang phục dân tộc Nùng, thêu trang phục, trình diễn lễ hội cúng rừng dân tộc Nùng.

29/11/2018