Huyện Đồng Văn sẵn sàng cho mùa Lễ hội "Hoa Tam giác mạch" lần thứ IV năm 2018

14:46, 06/11/2018

BHG - Với chủ đề “Cao nguyên đá rạng rỡ những mùa hoa”, Lễ hội “Hoa Tam giác mạch” lần thứ IV năm 2018 tỉnh ta sẽ chính thức khai mạc vào ngày 23.11 tại trung tâm huyện lỵ Đồng Văn, thời điểm này, cùng với các huyện vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, các phòng, ban, đoàn thể trong huyện đang tích cực hoàn thành các công đoạn chuẩn bị, sẵn sàng cho mùa Lễ hội.

Hoa Tam giác mạch nở rộ tại xã Sủng Là thu hút du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng.
Hoa Tam giác mạch nở rộ tại xã Sủng Là thu hút du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng.

Nhằm phục vụ cho Lễ hội, xã Lũng Cú được huyện giao trồng 15ha hoa Tam giác mạch. Để hoàn thành đúng tiến độ, xã đã phân công thành viên BCĐ phụ trách từng hộ gia đình có diện tích đất nằm trong vùng quy hoạch, tuyên truyền các hộ về cơ chế, chính sách, thời vụ trồng; chỉ đạo cán bộ chuyên môn thu gom hạt Tam giác mạch màu đỏ trồng đủ diện tích giao. Thời gian trồng chia làm 2 đợt, đợt 1 trồng từ ngày 22 – 30.8, đợt 2 trồng từ ngày 2.10 đến 8.10 nhân dân đã trồng xong 100% diện tích theo quy hoạch. Hiện nay, cây hoa sinh trưởng và phát triển tốt, đang chuyển màu hồng.

Lễ hội Hoa Tam giác mạch năm 2018 nhằm tôn vinh các giá trị di sản văn hóa và sức sống mãnh liệt của đồng bào các dân tộc trên Cao nguyên đá cũng như khẳng định thương hiệu du lịch của tỉnh Hà Giang gắn với loài hoa mang tên Tam giác mạch. Đây là cơ hội lớn để quảng bá đến khách du lịch trong và ngoài nước về Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn một lần nữa được UNESCO công nhận. Để Lễ hội diễn ra thành công, ngay từ đầu tháng 9, UBND huyện Đồng Văn đã ban hành kế hoạch gieo trồng Hoa Tam giác mạch cũng như công tác chuẩn bị các hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội đến tất cả các đơn vị, các phòng, ban chuyên môn. Lễ hội “Hoa Tam giác mạch” lần thứ IV năm 2018 sẽ diễn ra nhiều hoạt động như: Triển lãm ảnh Công viên Địa chất, tái hiện lại không gian văn hóa chợ Phố cổ Đồng Văn; tổ chức Hội thi, trình diễn quay sản phẩm mật ong Bạc hà và Hội thảo khoa học bàn về các giải pháp nâng cao giá trị của sản phẩm mật ong Bạc hà tại huyện Đồng Văn; Hội thi bò đẹp huyện Đồng Văn lần thứ II năm 2018; Ẩm thực bittet thịt bò trên Cao nguyên đá; tái hiện lại cuộc sống sinh hoạt hàng ngày tại khu di tích Nhà Vương; giới thiệu sản phẩm mỳ Tam giác mạch; hoạt động du lịch trải nghiệm; tổ chức con đường hoa tại Phố cổ Đồng Văn và lựa chọn gương mặt thương hiệu Hoa Tam giác mạch … 

Du khách chụp ảnh lưu niệm cùng Hoa Tam giác mạch tại xã Lũng Cú
Du khách chụp ảnh lưu niệm cùng Hoa Tam giác mạch tại xã Lũng Cú.

Đồng chí Nguyễn Trung Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Thời điểm này, huyện Đồng Văn đã hoàn thành quy hoạch trồng hoa phục vụ Lễ hội tại các điểm quy hoạch của huyện, đảm bảo yếu tố điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật như: Tổ chức được các điểm cho du khách ngắm hoa, biểu diễn văn nghệ dân gian và tổ chức các hoạt động trò chơi dân gian truyền thống, đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, có hướng dẫn viên… Các điểm trồng hoa thành lập tổ tự quản để thống nhất quản lý, chăm sóc, bảo vệ, thu phí tham quan; chủ động thiết kế, tạo hình hoa đảm bảo mỹ quan, phù hợp với con người và thiên nhiên, không trùng lặp hình khối trong cùng 1 khu vực trồng hoa. Thời gian gieo trồng hoa kéo dài từ tháng 10 đến hết tháng 11, tập trung vào trà chính vụ để hoa nở rộ phục vụ Lễ hội. Địa điểm trồng nhiều hoa tại các xã Vần Chải, Lũng Thầu, Sủng Là, Phố Cáo, Phố Là, Sà Phìn và Lũng Cú…

Tin tưởng rằng, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, Lễ hội Hoa Tam giác mạch lần thứ IV năm 2018 của tỉnh sẽ để lại ấn tượng sâu đậm cho khách du lịch trong vào ngoài nước khi đến Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn.

Nguyễn Thị Hồng (Trường Chính trị tỉnh)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Sở Văn hóa TT&DL khảo sát tổ chức các hoạt động văn hóa tại huyện Mèo Vạc

BHG - Ngày 29.10, Đoàn công tác Sở Văn hóa TT&DL do đồng chí Nguyễn Hồng Hải, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa TT&DL làm Trưởng đoàn đã đi khảo sát hiện trạng một số khu vực dự kiến tổ chức các hoạt động văn hóa tại huyện Mèo Vạc. Cùng đi có đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Anh Sơn (Hà Nội) và lãnh đạo huyện Mèo Vạc.

30/10/2018
Lễ đặt tên Trưởng thành - nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Mông

BHG - Tỉnh ta có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc đều có những phong tục, tập quán, nét sinh hoạt riêng; được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Trong đó, Lễ đặt tên Trưởng thành của dân tộc Mông là nét văn hóa đặc sắc vẫn được lưu giữ đến ngày nay. Việc làm Lễ đặt tên Trưởng thành có ý nghĩa hết sức quan trọng với người con trai dân tộc Mông, nó đánh dấu sự trưởng thành và có một cái tên mới với dòng họ, cộng đồng; cũng như trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Lễ đặt tên Trưởng thành của dân tộc Mông được tuân thủ theo những quy định, cách làm của các thế hệ ông cha đi trước thì mới được Tổ tiên và dòng họ công nhận. Người con trai muốn làm Lễ đặt tên Trưởng thành thì phải có độ tuổi từ 20 trở lên và đã có con đầu lòng. 

27/10/2018
Miên man những sắc màu trên Cao nguyên đá

BHG - Lên Cao nguyên đá Hà Giang đúng thời điểm mùa Tam giác mạch (TGM) bung hoa, bạn sẽ bị choáng ngợp giữa những rừng hoa bạt ngàn. Khắp sườn núi đá tai mèo, dưới những thung lũng, người dân  gieo trồng nhiều Tam giác mạch và đến khi hoa nở, du khách mới ngẩn ngơ trước sắc thắm miên man. Cứ mỗi độ tháng 10, vào lúc cuối Thu, đầu Đông; ấy là lúc Hà Giang lại trở thành điểm hẹn du lịch được nhiều người lựa chọn, bởi lúc này đang là thời kỳ hoa TGM nở rộ, khoe sắc rực rỡ. Dọc con đường Hạnh phúc (Quốc lộ 4C) từ thành phố Hà Giang qua bốn huyện Cao nguyên đá: Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn...

26/10/2018
Phố chợ cổ Đồng Văn cần những giá trị truyền thống để hướng tới tương lai

BHG - Phố chợ cổ Đồng Văn từng là một trong những địa điểm hấp dẫn du khách nhất trên Công viên địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Hấp dẫn bởi kiến trúc, quy hoạch xưa và đặc biệt hấp dẫn bởi một thời đây là không gian văn hóa chợ nổi tiếng, độc đáo và thơ mộng nhất trên đất Hà Giang.     Tôi còn nhớ hơn chục năm trước, khi lên Đồng Văn trong buổi sớm se lạnh cuối Thu, ánh nắng sớm chiếu vào phố chợ cổ Đồng Văn như tạo nên một bức tranh đẹp đến xao lòng. Nắng vàng vờn trên những mái ngói nhuốm màu thời gian, sắc mầu trang phục của đồng bào các dân tộc xuống chợ là những điều còn đọng mãi trong tôi và biết bao người đã từng đến đây. 

26/10/2018