Giữ gìn bản sắc văn hóa để phát triển du lịch

09:47, 04/11/2018

BHG - Văn hóa (VH) là nguồn tài nguyên vô giá tạo nên sức hút du lịch (DL) riêng cho từng địa phương; ngược lại, hoạt động DL là cầu nối để giới thiệu, quảng bá, phát huy giá trị di sản, văn hóa với du khách trong và ngoài nước. Việc bảo tồn, phát huy giá trị VH truyền thống gắn với phát triển DL là bài toán song hành đang được tỉnh ta vận dụng linh hoạt và hiệu quả.

Là địa bàn sinh sống của 19 dân tộc với nhiều nét VH đa dạng, độc đáo, cùng hệ thống di tích thiên nhiên, lịch sử phong phú; Hà Giang có điều kiện thuận lợi để tạo ra các sản phẩm DL hấp dẫn, đặc sắc, có tính cạnh tranh cao. Để bảo tồn và phát triển VH gắn với DL, ngày 29.3.2013, Tỉnh ủy ban hành Chương trình số 62-CTr/TU về “Phát triển văn hóa gắn với du lịch giai đoạn 2013-2020” với mục tiêu: “Lấy VH để phát triển DL, lấy DL để bảo tồn, phát triển VH”. Theo đó, các địa phương tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, các thiết chế VH, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển DL; bảo tồn các di sản VH vật thể, phi vật thể của đồng bào các dân tộc; tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa đã được Nhà nước và tỉnh xếp hạng; phát huy các lễ hội truyền thống, nghi lễ tín ngưỡng dân gian, các làn điệu dân ca, dân vũ; xây dựng các làng VHDL tiêu biểu gắn với xây dựng Nông thôn mới để phục vụ DL…

Thi giã bánh Giầy tại Lễ hội Chợ tình Khau Vai (Mèo Vạc) thu hút đông đảo du khách.
Thi giã bánh Giầy tại Lễ hội Chợ tình Khau Vai (Mèo Vạc) thu hút đông đảo du khách.

Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện chương trình của Tỉnh ủy, nhận thức của cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương về bảo tồn VH gắn với phát triển DL được nâng lên đáng kể. Nhiều loại hình DL được hình thành và phát triển như: DL di sản, DL lễ hội, DL văn hóa ẩm thực, DL bảo tàng, DL sinh thái… Việc xúc tiến, quảng bá và đầu tư cho phát triển VH, DL được quan tâm đúng mức với nhiều dự án và công trình quy mô lớn được triển khai thực hiện. Các làng nghề truyền thống được đầu tư phát triển, tạo ra các sản phẩm DL độc đáo. UBND tỉnh ban hành Bộ tiêu chí ứng xử văn minh DL Hà Giang; công nhận 7 làng VHDL tiêu biểu gắn với xây dựng Nông thôn mới theo tiêu chí Panhou; bảo tồn không gian văn hóa chợ phiên.

 Ngoài việc đầu tư, tôn tạo, trùng tu các công trình kiến trúc, nghệ thuật mang đậm nét văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số như: Phố cổ Đồng Văn, Dinh thự nhà Vương, tỉnh đã xây dựng sản phẩm du lịch mới dựa trên tiềm năng văn hóa di sản như: Tour “Chinh phục đỉnh Chiêu Lầu Thi”; “Cung đường Cán Tỷ - Cổng Thành”; “Dù lượn trên Cao nguyên đá”; Hẻm vực Tu Sản; khám phá động Lùng Khúy; ẩm thực vùng cao; khôi phục và phát triển các lễ hội đặc sắc mang đậm nét VH cộng đồng dân tộc như: Lễ hội Gầu Tào, Lễ hội Chợ tình Khau Vai, Lễ hội Khèn Mông, Lễ hội Hoa Tam giác mạch, Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn. Đặc biệt, mới đây, Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn đã xuất sắc vượt qua kỳ Tái thẩm định, tiếp tục được trao danh hiệu của UNESCO nhiệm kỳ năm 2018 - 2022; đây là thành quả cho những nỗ lực của tỉnh trong việc xây dựng và phát triển di sản văn hóa gắn với phát triển DL trong 4 năm qua.

Du khách nước ngoài trải nghiệm văn hóa dân tộc Tày tại  Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Tha, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang).
Du khách nước ngoài trải nghiệm văn hóa dân tộc Tày tại Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Tha, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang).

Đến nay, toàn tỉnh có trên 50 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng cấp Quốc gia, cấp tỉnh; có những di tích đã trở thành “địa chỉ đỏ” trên cung đường du lịch vùng cực Bắc Tổ quốc. Nhờ phát triển các sản phẩm DL độc đáo dựa trên lợi thế về di sản, VH; DL Hà Giang đã có nhiều khởi sắc, ngày càng thu hút đông đảo du khách. Trong 9 tháng đầu năm, đã có trên 900 nghìn lượt du khách đến Hà Giang.

Trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, các phong tục, tập quán truyền thống tốt đẹp, bản sắc văn hóa của các dân tộc bị ảnh hưởng bởi sự du nhập của văn hóa hiện đại là điều khó tránh khỏi. Mối quan hệ biện chứng giữa phát triển DL và bảo tồn, phát huy giá trị VH nếu không được nhìn nhận một cách khách quan, đầy đủ, có định hướng thì sự phát triển DL “nóng” sẽ kéo theo những hệ lụy làm mất dần bản sắc văn hóa truyền thống.

Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển DL trở thành ngành kinh tế “mũi nhọn” đã nhấn mạnh: “Phát triển DL bền vững; bảo tồn và phát huy các di sản VH và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên…”. Rõ ràng, muốn phát triển DL bền vững, phải song hành với bảo tồn văn hóa. Để giải quyết mối quan hệ này, trong thời gian tới, tỉnh cần giải quyết hài hòa mối quan hệ và quyền lợi của các bên tham gia, nhất là cộng đồng địa phương với tư cách là chủ nhân của di sản trong các hoạt động bảo vệ, quản lý và khai thác di sản; huy động nguồn lực phục vụ công tác trùng tu, bảo tồn di sản; tiếp tục phát triển các sản phẩm DL độc đáo dựa trên tiềm năng di sản VH; đặc biệt thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trong phát triển DL; xử lý nghiêm các sai phạm trong phát triển DL làm ảnh hưởng đến di sản văn hóa, cảnh quan và phá vỡ quy hoạch.

Bài, ảnh: BIỆN LUÂN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Sở Văn hóa TT&DL khảo sát tổ chức các hoạt động văn hóa tại huyện Mèo Vạc

BHG - Ngày 29.10, Đoàn công tác Sở Văn hóa TT&DL do đồng chí Nguyễn Hồng Hải, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa TT&DL làm Trưởng đoàn đã đi khảo sát hiện trạng một số khu vực dự kiến tổ chức các hoạt động văn hóa tại huyện Mèo Vạc. Cùng đi có đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Anh Sơn (Hà Nội) và lãnh đạo huyện Mèo Vạc.

30/10/2018
Lễ đặt tên Trưởng thành - nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Mông

BHG - Tỉnh ta có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc đều có những phong tục, tập quán, nét sinh hoạt riêng; được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Trong đó, Lễ đặt tên Trưởng thành của dân tộc Mông là nét văn hóa đặc sắc vẫn được lưu giữ đến ngày nay. Việc làm Lễ đặt tên Trưởng thành có ý nghĩa hết sức quan trọng với người con trai dân tộc Mông, nó đánh dấu sự trưởng thành và có một cái tên mới với dòng họ, cộng đồng; cũng như trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Lễ đặt tên Trưởng thành của dân tộc Mông được tuân thủ theo những quy định, cách làm của các thế hệ ông cha đi trước thì mới được Tổ tiên và dòng họ công nhận. Người con trai muốn làm Lễ đặt tên Trưởng thành thì phải có độ tuổi từ 20 trở lên và đã có con đầu lòng. 

27/10/2018
Miên man những sắc màu trên Cao nguyên đá

BHG - Lên Cao nguyên đá Hà Giang đúng thời điểm mùa Tam giác mạch (TGM) bung hoa, bạn sẽ bị choáng ngợp giữa những rừng hoa bạt ngàn. Khắp sườn núi đá tai mèo, dưới những thung lũng, người dân  gieo trồng nhiều Tam giác mạch và đến khi hoa nở, du khách mới ngẩn ngơ trước sắc thắm miên man. Cứ mỗi độ tháng 10, vào lúc cuối Thu, đầu Đông; ấy là lúc Hà Giang lại trở thành điểm hẹn du lịch được nhiều người lựa chọn, bởi lúc này đang là thời kỳ hoa TGM nở rộ, khoe sắc rực rỡ. Dọc con đường Hạnh phúc (Quốc lộ 4C) từ thành phố Hà Giang qua bốn huyện Cao nguyên đá: Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn...

26/10/2018
Phố chợ cổ Đồng Văn cần những giá trị truyền thống để hướng tới tương lai

BHG - Phố chợ cổ Đồng Văn từng là một trong những địa điểm hấp dẫn du khách nhất trên Công viên địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Hấp dẫn bởi kiến trúc, quy hoạch xưa và đặc biệt hấp dẫn bởi một thời đây là không gian văn hóa chợ nổi tiếng, độc đáo và thơ mộng nhất trên đất Hà Giang.     Tôi còn nhớ hơn chục năm trước, khi lên Đồng Văn trong buổi sớm se lạnh cuối Thu, ánh nắng sớm chiếu vào phố chợ cổ Đồng Văn như tạo nên một bức tranh đẹp đến xao lòng. Nắng vàng vờn trên những mái ngói nhuốm màu thời gian, sắc mầu trang phục của đồng bào các dân tộc xuống chợ là những điều còn đọng mãi trong tôi và biết bao người đã từng đến đây. 

26/10/2018