Ấm áp Ngày hội Đại đoàn kết ở Sui Thầu

15:54, 09/11/2018

BHG - Theo chân lãnh đạo xã Chiến Phố (Hoàng Su Phì), chúng tôi đến thôn Sui Thầu vào một ngày đầu Đông; khung cảnh nơi đây núi non hùng vỹ mà nên thơ hiện ra với “biển mây” bồng bềnh, đồi thông non như rì rào khúc hát... Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân ấm ấp, dạt dào tình mến thương nơi xóm nhỏ Sui Thầu…

Trò chơi đẩy gậy thu hút sự tham gia và cổ vũ của đông đảo người dân.
Trò chơi đẩy gậy thu hút sự tham gia và cổ vũ của đông đảo người dân.

Thôn Sui Thầu có 106 hộ, 521 khẩu; gồm 2 dân tộc Nùng và Mông sinh sống. Những ngày đầu tháng 11, hòa chung không khí nô nức, vui tươi của các thôn, xóm, tổ dân cư trên khắp miền cực Bắc; thôn Sui Thầu tưng bừng tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam (18.11.1930 – 18.11.2018). Ngay từ sáng sớm, khi màn sương vẫn giăng kín những ngọn núi, sườn đồi; già trẻ, gái trai trong những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất, nô nức đến trụ sở thôn để tham gia ngày hội.

Tại sân thể thao, những trò chơi dân gian được diễn ra trong không khí náo nhiệt và hào hứng; đám thanh niên sôi nổi tranh tài trong các phần thi bắn nỏ, đẩy gậy, đánh cù, nhảy bao bố… Còn đám chị em phụ nữ hồ hởi đánh yến, đi cà kheo và giao lưu văn nghệ. Những lời ca, tiếng hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ; ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước được cất lên chân chất, mộc mạc từ những người dân lao động cần cù, quanh năm miệt mài trên những thửa ruộng, vạt nương. Gương mặt ai nấy cũng ánh lên niềm vui trong không khí đầm ấm, hòa thuận của tình làng, nghĩa xóm.

Một điểm nhấn đặc biệt trong ngày hội chính là bữa cơm đại đoàn kết, bữa cơm được tổ chức từ sự đóng góp của bà con trong thôn; đơn giản, ít tốn kém nhưng đầy ắp sự gắn kết cộng đồng và tình làng, nghĩa xóm. Trường thôn Nùng Văn Năm cho biết: Năm nay, thôn mổ một con lợn để tổ chức bữa cơm đại đoàn kết. Từ sáng sớm, mỗi hộ đã cử một người đến trụ sở thôn để hộ nhau công việc bếp núc. Đàn ông thì thịt lợn, chị em thì nhặt rau, rửa bát đũa, gọt hoa quả... Mỗi người một tay, không khí thật ấp áp; tiếng cười nói rôm rả khắp một vùng…

Kết thúc phần hội, mọi người tập hợp tại trụ sở thôn, nghe Ban Công tác Mặt trận thôn báo cáo kết quả thực hiện 5 nội dung Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh” năm 2018. Dưới sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã; nhân dân trong thôn luôn đoàn kết, thi đua lao động sản xuất và giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế. Từ đầu năm đến nay, bà con đã đóng góp trên 400 ngày công tu sửa, mở mới đường giao thông với tổng chiều dài gần 1 km, xây dựng 3 công trình vệ sinh, chỉnh trang khuôn viên nhà cửa, trụ sở thôn sạch đẹp. Cùng đó, vận động con em trong độ tuổi đến trường đầy đủ; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên. Tại ngày hội, lãnh đạo xã Chiến Phố đã trao Giấy khen cho các cá nhân có thành tích tiêu biểu trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và Giấy chứng nhận Gia đình văn hóa 3 năm liền cho các hộ đạt danh hiệu. Chị Lại Thị Khọt, một trong số các hộ được trao Giấy chứng nhận Gia đình văn hóa hồ hởi cho biết: “Nhận được danh hiệu này, tôi và gia đình hết sức phấn khởi và hứa sẽ cố gắng nhiều hơn nữa; trồng nhiều lúa, ngô, nuôi thêm trâu, bò để có thêm thu nhập cho các con ăn học đến nơi, đến chốn. Vận động gia đình, anh em dòng họ không vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, tích cực lao động, sản xuất để xây dựng cuộc sống ấm no hơn”.

Chủ tịch UBND xã Chiến Phố, Lù Seo Seng chia sẻ: Thấm sâu lời dạy của Bác: “Tất cả các dân tộc đều phải đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ nhau như anh em một nhà”, cấp ủy, chính quyền xã luôn chú trọng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong đó, việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết ở các thôn, bản đã thực sự trở thành hoạt động ý nghĩa, góp phần gắn kết và thắt chặt tình cảm xóm giềng, cộng đồng dân cư; tạo nền tảng thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT – XH ở địa phương.

Khi phần lễ và phần hội kết thúc, cũng là lúc những mâm cơm được dọn ra; mọi người già trẻ, gái trai cùng nhau quây quần ăn uống, chuyện trò vui vẻ. Bữa cơm là dịp để bà con ngồi lại với nhau, chia sẻ tâm tư tình cảm và cả những khúc mắc sau những ngày lao động vất vả, bận rộn. Từ đó, những mâu thuẫn, tranh chấp nảy sinh trong cộng đồng dân cư được tháo gỡ; chén rượu nồng nâng lên, mọi hiểu lầm như được xóa tan. Tinh thần đoàn kết, tình cảm xóm giềng ngày càng thêm khăng khít, gắn bó.

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Sở Văn hóa TT&DL khảo sát tổ chức các hoạt động văn hóa tại huyện Mèo Vạc

BHG - Ngày 29.10, Đoàn công tác Sở Văn hóa TT&DL do đồng chí Nguyễn Hồng Hải, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa TT&DL làm Trưởng đoàn đã đi khảo sát hiện trạng một số khu vực dự kiến tổ chức các hoạt động văn hóa tại huyện Mèo Vạc. Cùng đi có đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Anh Sơn (Hà Nội) và lãnh đạo huyện Mèo Vạc.

30/10/2018
Lễ đặt tên Trưởng thành - nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Mông

BHG - Tỉnh ta có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc đều có những phong tục, tập quán, nét sinh hoạt riêng; được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Trong đó, Lễ đặt tên Trưởng thành của dân tộc Mông là nét văn hóa đặc sắc vẫn được lưu giữ đến ngày nay. Việc làm Lễ đặt tên Trưởng thành có ý nghĩa hết sức quan trọng với người con trai dân tộc Mông, nó đánh dấu sự trưởng thành và có một cái tên mới với dòng họ, cộng đồng; cũng như trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Lễ đặt tên Trưởng thành của dân tộc Mông được tuân thủ theo những quy định, cách làm của các thế hệ ông cha đi trước thì mới được Tổ tiên và dòng họ công nhận. Người con trai muốn làm Lễ đặt tên Trưởng thành thì phải có độ tuổi từ 20 trở lên và đã có con đầu lòng. 

27/10/2018
Hoàng Su Phì thực hiện hiệu quả Đề án 84 của UBND tỉnh

BHG - Các em học sinh đến trường đầy đủ hơn, được học tập trong môi trường giáo dục tốt, mạnh dạn hơn trong giao tiếp và ứng xử, có điều kiện phát triển cả về thể lực và trí lực thông qua những hoạt động ngoài giờ lên lớp, chất lượng dạy và học được nâng lên đáng kể… Đó là những kết quả tích cực từ Đề án 84 của UBND tỉnh "Chuyển học sinh Tiểu học từ điểm trường về trường chính" trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì.

 

09/11/2018
Hiệu quả từ Chương trình "Nâng bước em tới trường"

BHG - Tỉnh ta có 6 huyện biên giới đặc biệt khó khăn; cuộc sống của người dân thiếu thốn đủ bề… nên 12 Đồn Biên phòng (ĐBP) trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động gắn bó với đồng bào. Một trong những hoạt động đầy tính nhân văn - đó là Chương trình "Nâng bước em tới trường". Là tỉnh có gần 300 km đường biên giới với nước bạn Trung Quốc, đời sống KT-XH còn nhiều khó khăn; trên địa bàn còn không ít trẻ em nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như: Cha, mẹ mất sớm hoặc cha mất, mẹ đi lấy chồng bên nước bạn, đi lao động không trở về… Vì thế, sự chung tay, hỗ trợ của các ĐBP cùng các tấm lòng hảo tâm, giúp trẻ đặc biệt khó khăn ở các địa phương có ý nghĩa rất thiết thực. 

 

09/11/2018