Dành nguồn lực tốt nhất cho năm học mới

09:43, 06/09/2018

BHG - Những ngày này, cùng với các trường học trên cả nước, hơn 200 nghìn học sinh các cấp học của tỉnh đã bước vào năm học mới. Với sự nỗ lực của các thầy, cô giáo, sự đồng thuận của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, năm học mới 2018-2019 kỳ vọng sẽ thu được những kết quả đáng khích lệ.

Học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn (thành phố Hà Giang) tham gia bán hàng ủng hộ “Quỹ chung tay tiếp sức bạn đến trường” do nhà trường tổ chức.       Ảnh: THU PHƯƠNG
Học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn (thành phố Hà Giang) tham gia bán hàng ủng hộ “Quỹ chung tay tiếp sức bạn đến trường” do nhà trường tổ chức. Ảnh: THU PHƯƠNG

Nỗ lực đảm bảo cơ sở vật chất

Đợt lũ lịch sử vừa qua đã gây thiệt hại nặng về người và tài sản tại huyện Quản Bạ, trong đó nặng nhất phải kể đến xã Lùng Tám Đến Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lùng Tám, những ngày cuối tháng 8, chúng ta bắt gặp không khí khẩn trương của thầy, trò đang cùng nhau dọn dẹp sân trường, lớp học, trồng cây xanh nhằm bảo đảm mỹ quan và môi trường học tập xanh, sạch đẹp để đón chào năm học mới.

Thầy Vàng Xuân Sơn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học 2018 – 2019, nhà trường dự kiến có 320 học sinh; trong đó, có 184 em lưu trú tại trường; trường có 14 phòng học của các khối và 9 phòng lưu trú học sinh. Thầy Sơn cũng cho biết, đợt lũ lịch sử vừa qua khiến bùn, đất, đá tràn vào một số lớp học. Ngay sau đó, nhà trường đã huy động giáo viên kiểm tra lại cơ sở vật chất, rà soát toàn bộ trang, thiết bị phục vụ công tác dạy và học, khắc phục những ảnh hưởng do mưa lũ gây ra.

Tráng Mí Vá, học sinh lớp 9B của trường đang cùng các bạn và thầy giáo sửa lại bóng điện tại bếp ăn, ngừng tay em cho biết: Do nhà xa nên trường tạo điều kiện cho ở lưu trú, em cùng các bạn vào học từ ngày 20.8, hôm nay nhà trường huy động học sinh, giáo viên sửa lại bóng điện, quét mạng nhện, chuẩn bị đón năm học mới.

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học xã Lùng Tám, được hỗ trợ xây mới 6 phòng học kiên cố, 6 phòng làm việc nội bộ cho cán bộ, giáo viên và 6 phòng lưu trú cho các em học sinh. Hiệu trưởng nhà trường, thầy Tạ Văn Kha cho biết: Hiện nay, nhà trường đang thiếu lớp học nên phải bố trí, tận dụng không gian hợp lý làm phòng học, tất cả đang nỗ lực tạo mọi điều kiện tốt nhất phục vụ công tác dạy và học của cô, trò trong năm học mới.

Trưởng phòng Giáo dục huyện Quản Bạ Lê Trung Thành cho biết: Năm học 2018 – 2019, huyện có 780 lớp, 16.829 học sinh từ bậc Mầm non đến THCS. Để năm học mới diễn ra theo đúng kế hoạch và đạt hiệu quả cao, ngành Giáo dục Quản Bạ đã chỉ đạo các trường bị ảnh hưởng do thiên tai kịp thời khắc phục, tu sửa lại lớp học, phòng lưu trú, các công trình phụ trợ. Cùng với đó, triển khai tới các trường, huy động tối đa học sinh trong độ tuổi đến lớp, giảm tối đa tỷ lệ trẻ bỏ học giữa chừng, học sinh đi học không đúng độ tuổi, thực hiện tốt công tác tuyển sinh vào các lớp đầu cấp.

Mang mõ gõ từng nhà

Cô Nguyễn Thị Cảnh, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lao Và Chải có thâm niên giảng dạy tại vùng cao Yên Minh hơn 20 năm, cô hiểu rõ tâm tư, hoàn cảnh gia đình các em học sinh nơi đây. Những ngày đầu năm học mới, học sinh lớp đầu cấp chưa đến đủ, em thì chưa muốn đi học, có em còn theo cha mẹ lên nương, rẫy trên núi cao chưa về. Cô tâm sự: Đầu năm học, để vận động các em đến trường đầy đủ, giáo viên phải nắm rõ hoàn cảnh, phong tục, tập quán của từng gia đình. Đồng thời, thường xuyên đến nhà thăm hỏi, trò chuyện, thậm chí cùng lên nương, rẫy bẻ ngô, làm cỏ… giữ mối quan hệ chặt chẽ với các trưởng thôn để bám nắm, tuyên truyền các gia đình không để con em nghỉ học, bỏ học giữa chừng.

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lao Và Chải có 9 điểm trường với 444 học sinh, nhiều điểm cách xa trường chính hơn 10 km, điều kiện đi lại rất khó khăn. Trước ngày khai giảng năm học mới, nhà trường đã huy đông, vận động được 422 em đến trường, đạt 95% - cô Cảnh cho biết thêm.

Trực tiếp tới những thôn, bản vùng sâu, vùng xa: Khuổi Hao, Xì Phải, Là Lũng, Chế Quà... của xã Lao Và Chải để vận động học sinh đến trường, thầy Hoàng Quốc Biển chia sẻ: Học trò vùng sâu còn rất nhiều vất vả, nhiều em vì điều kiện gia đình khó khăn đành phải nghỉ học, bỏ học. Nếu các thầy, cô không quan tâm, vận động thì các em sẽ nghỉ luôn. Chính vì vậy, tôi và các đồng nghiệp luôn tìm hiểu phong tục, tập quán, từ đó có hướng tuyên truyền, vận động, thuyết phục phù hợp. “Mỗi khi lên lớp, tôi luôn có phương pháp dạy phù hợp để các trò thoải mái tinh thần bước vào bài học. Trước mỗi tiết học, tôi đều dành 5-10 phút cho các em văn nghệ, không những thế, trong cặp giáo viên không chỉ là giáo án, có lúc còn kèm theo vài cái bánh, kẹo để động viên, khuyến khích, tạo niềm vui cho các em. Nhờ vậy, sỹ số luôn được duy trì, không em nào bỏ học”, thầy Biển tâm sự.

Còn cô Nguyễn Thị Tuyến được Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lao Và Chải giao vận động 7 học sinh tại thôn Ngán Chải, cô tâm sự: Vận động 7 em ở thôn xa, hẻo lánh của xã quả là vất vả, nhưng tôi luôn nỗ lực hết mình. Đến thời điểm này, đã vận động được 4 em, còn 3 em mỗi lần tôi đến nhà đều đi vắng, có các bậc phụ huynh thường đưa ra lý do cho con nghỉ học. Thế nhưng, sau nhiều lần vận động, các bậc phụ huynh đã hiểu và cho con em đến trường.

Bà Nguyễn Thị Kim Hoa, Phó trưởng Phòng Giáo dục huyện Yên Minh cho biết: Năm học 2018-2019, ngành Giáo dục huyện quản lý 55 trường, gồm 18 trường Mầm non, 19 trường Tiểu học và 18 trường THCS; trong đó, có 27 Trường Phổ thông Dân tộc bán trú. Ngay khi kết thúc năm học 2017 – 2018, phòng đã quán triệt tới Ban Giám hiệu và giáo viên các trường thực hiện nghiêm công tác cắt, trả phép, nắm chắc lịch tập huấn, bồi dưỡng kiến thức trong dịp Hè; đảm bảo cơ sở vật chất cho năm học mới và vận động học sinh đến trường. Điều khó khăn ở vùng cao là công tác vận động học sinh tới trường vì địa hình đồi núi, đường giao thông cách trở, nhận thức của các bậc phụ huynh còn hạn chế… Chính vì vậy, ngành Giáo dục huyện đã, đang nỗ lực tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các nhà trường bước vào năm học mới với nhiều kỳ vọng mới.

HOÀNG CỪ (TTXVN)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Quản Bạ chú trọng đầu tư, nâng cấp nhà vệ sinh các trường học

BHG - Bước vào năm học mới, các trường học trên địa bàn huyện Quản Bạ đang tập trung tu sửa cơ sở vật chất. Đặc biệt, thời gian qua, huyện đã quan tâm chỉ đạo, đầu tư nâng cấp hệ thống nhà vệ sinh (NVS) cho các trường học; nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường. Đây là hoạt động có ý nghĩa, khi trên địa bàn có số lượng lớn học sinh ở bán trú. Đến thăm Trường THCS Tam Sơn (thị trấn Tam Sơn), là trường chuẩn cấp Quốc gia; bước vào năm học mới 2018 - 2019...

31/08/2018
Huyện Quang Bình tổ chức chương trình nghệ thuật Chào mừng Kỷ niệm 73 năm ngày Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2.9

BHG - Tối ngày 30.8, huyện Quang Bình tổ chức Chương trình nghệ thuật Chào mừng Kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng 8 (19.8.1945 – 19.8.2018) và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2.9.1945 – 2.9.2018). Đến dự có lãnh đạo huyện Quang Bình cùng đông đảo bà con nhân dân trên địa bàn. Với chủ để "Tự hào Tổ quốc Việt Nam", chương trình nghệ thuật đem đến cho khán giả nhiều tiết mục ca, múa, nhạc đặc sắc, được chuẩn bị kỹ lưỡng...

31/08/2018
Người ươm "mầm xanh" trên đá

BHG - Những năm gần đây, chất lượng giáo dục của huyện Đồng Văn có nhiều chuyển biến tích cực, xuất hiện nhiều giáo viên giỏi, điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước. Tiêu biểu trong số đó là cô Nguyễn Thị Thêu,  giáo viên Trường Tiểu học xã Phố Cáo - người con đất Ninh Bình, lập nghiệp trên miền đá Đồng Văn. Là người con vùng xuôi lên công tác trong ngành Giáo dục ở nơi khó khăn, công việc của cô là nuôi dạy các em học sinh lớp 1...

30/08/2018
Hội thi kể chuyện về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh lần thứ I, năm 2018

BHG - Ngày 29.8, Cụm thi đua số 1, Công đoàn viên chức tỉnh đã tổ chức Hội thi kể chuyện về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh lần thứ I, năm 2018 tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Công nghệ. Tới dự có đồng chí Sèn Chỉn Ly, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh, Công đoàn viên chức tỉnh cùng đông đảo đoàn viên, thanh niên, nhân dân trên địa bàn.

30/08/2018