Các địa phương sẵn sàng vào "mùa gieo chữ"

15:03, 12/08/2018

BHG - Năm học mới đang đến gần, để đảm bảo tốt cho công tác dạy và học, huyện Quang Bình và Mèo Vạc đang tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, sẵn sàng vào “mùa gieo chữ”.

Tính đến thời điểm này, mọi chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho năm học mới đã được ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Quang Bình khẩn trương hoàn tất.

Đồng chí Lý Việt Hùng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quang Bình, cho biết: Năm học 2018 – 2019, toàn huyện có tổng số trên 14.000 học sinh (gồm 3 cấp học là Mầm non, Tiểu học và THCS) với hơn 1.000 cán bộ, giáo viên (CB,GV). Thực hiện kế hoạch năm học mới, cấp học THCS sẽ bắt đầu học từ ngày 20.8 và cấp học Mầm non, Tiểu học từ ngày 27.8, ngay từ đầu tháng 8, huyện đã thực hiện rà soát số lượng học sinh các cấp; tập huấn chính trị và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho toàn thể CB,GV; đồng thời, thực hiện cấp phát sách giáo khoa, vở viết cho học sinh thuộc diện ưu tiên.

Thầy, trò Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Yên Thành (Quang Bình) vệ sinh trường, lớp học.  Anh: Yến Vũ

Thầy, trò Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Yên Thành (Quang Bình) vệ sinh trường, lớp học.

Anh: Yến Vũ

Phòng GD&ĐT huyện cũng tích cực chỉ đạo các đơn vị trường học tu sửa cơ sở vật chất, nhà lớp học; phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động học sinh đến trường đầy đủ vào đầu năm học mới. Năm học này, huyện Quang Bình sẽ thành lập mới 3 đơn vị trường học Phổ thông dân tộc Bán trú (PTDTBT) Tiểu học gồm: Tân Nam, Yên Thành và Hương Sơn. Để đảm bảo học sinh tại các trường có điều kiện học tập, rèn luyện tốt, huyện bố trí kinh phí tu sửa những phòng học đã xuống cấp; xây dựng nhà lưu trú giáo viên, phòng ở, bếp ăn cho học sinh bán trú; bổ sung bàn ghế, các trang thiết bị phục vụ học tập...

Đến thăm Trường PTDTBT Tiểu học Yên Thành (xã Yên Thành) những ngày này, các thầy, cô giáo trong trường đang tích cực chuẩn bị cho năm học mới. Chị Diệp Thị Huyền, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Năm học này, nhà trường có 39 CB,GV, 348 học sinh với 18 lớp (trong đó có 190 học sinh thuộc diện bán trú). Việc huy động học sinh đến trường đạt 100%. Nhà trường đã tổ chức cho 100% CB,GV đi bồi dưỡng chính trị, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ; dọn dẹp, sửa chữa, trang trí các phòng, lớp học, nhà lưu trú giáo viên, phòng ở và bếp ăn cho học sinh bán trú... tại trường chính và 2 điểm trường Đồng Tiến, Thượng Bình, đến nay, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của nhà trường đều được sắm sửa đầy đủ.

Đối với Trường PTDTBT Tiểu học Tân Nam (xã Tân Nam), công tác chuẩn bị cho năm học mới vẫn còn một số khó khăn. Phó Hiệu trưởng nhà trường Hoàng Thanh Tùng cho hay: Năm học này, trường có 322 học sinh với 18 lớp học (11 lớp tại trường chính và 7 lớp tại 4 điểm trường: Nặm Qua, Lùng Chún, Minh Hạ, Phủ Lá). Để đáp ứng nhu cầu học tập, rèn luyện của các em trong năm học mới, nhà trường đã tập trung giáo viên dọn dẹp, tu sửa các phòng lớp học. Tuy nhiên đến thời điểm này, công trình nhà ở cho học sinh bán trú tại trường chính vẫn chưa hoàn thiện (do thời tiết mưa bão cản trở việc thi công), một số trang thiết bị dạy học đã cũ, nhà trường sẽ cố gắng khắc phục trong thời gian sớm nhất.

Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho năm học mới của huyện Quang Bình đã cơ bản hoàn tất, các trường học trên địa bàn huyện đã sẵn sàng bước vào năm học mới với mục tiêu nỗ lực nâng cao chất lượng GD&ĐT.

Để chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất cho năm học mới, UBND huyện Mèo Vạc chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát, thống kê và lập danh mục các phòng học, điểm trường bị xuống cấp để tiến hành tu sửa, đầu tư xây mới... Đồng thời, bố trí nguồn vốn tu sửa 4 công trình với kinh phí 4,5 tỷ đồng; UBND các xã, thị trấn tổ chức tu sửa 22 đầu điểm với kinh phí 2,75 tỷ đồng. CB,GV các trường học sau khi trả phép vào đầu tháng 8.2018, khẩn trương dọn dẹp vệ sinh trường, lớp học; tham gia bồi dưỡng chính trị Hè; xét duyệt các chế độ của học sinh; tham gia bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ; thực hiện công tác phổ cập giáo dục…

Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, Mua Hồng Sinh cho biết: Để tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh, huyện đã chỉ đạo sửa chữa cơ sở vật chất trường, lớp học, điểm trường và hoàn thành trước năm học mới. Tuy nhiên, do thời tiết bất thường, mưa nhiều nên thời gian thi công một số công trình bị kéo dài. Trước tình trạng đó, huyện đang đôn đốc các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình; chỉ đạo các đơn vị trường học bố trí chỗ ăn, ở cho học sinh bán trú đảm bảo hợp lý, giúp các em yên tâm học tập. Các trường tổ chức thi lại, phụ đạo cho học sinh yếu, học sinh chưa đạt chuẩn kiến thức kỹ năng; tăng cường tiếng Việt, ôn tập cho học sinh trước năm học mới...

Để đảm bảo sỹ số học sinh, cấp ủy, chính quyền các xã phân công cán bộ phụ trách các thôn vận động học sinh đến trường; các tổ chức chính trị, xã hội vào cuộc tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của gia đình và học sinh về công tác giáo dục…

Hiện, trên địa bàn huyện có 58 trường học, gồm: 19 trường Mầm non; 15 trường Phổ thông DTBT Tiểu học; 3 trường Tiểu học; 16 trường Phổ thông DTBT THCS; 2 trường THCS; 1 trường Phổ thông DTNT; 1 trường THPT; 1 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - GDTX huyện. Toàn huyện có 7 trường đạt chuẩn Quốc gia. Cấp học Mầm non có 16 nhóm trẻ với 296 học sinh, mẫu giáo 319 lớp với trên 6.500 học sinh. Cấp Tiểu học có 519 lớp với trên 11 nghìn học sinh. Cấp THCS có 181 lớp với trên 5.800 học sinh. Toàn huyện có 1.600 người làm việc trong ngành Giáo dục; trong đó, cán bộ quản lý trường học 142 người; giáo viên trực tiếp giảng dạy 1.358 người; nhân viên phục vụ 100 người.

Đồng chí Lâm Quang Hưng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mèo Vạc cho biết: Ngoài việc phối hợp với Ban Tuyên giáo Huyện ủy tổ chức bồi dưỡng chính trị Hè cho đội ngũ CB,GV; Phòng chỉ đạo các trường tổng hợp, rà soát nhu cầu sách giáo khoa, đồ dùng học tập năm học 2018 - 2019 đối với những học sinh được Nhà nước hỗ trợ. Đối với những học sinh không thuộc diện được hưởng hỗ trợ, Phòng đã chỉ đạo các trường tuyên truyền, vận động học sinh ủng hộ sách giáo khoa cho thư viện nhà trường; kêu gọi các tổ chức, cá nhân từ thiện ủng hộ. Để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, huyện đẩy mạnh việc đổi mới phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ; tăng tỷ lệ huy động trẻ đến trường ở bậc Mầm non; hạn chế tình trạng học sinh bỏ học;…

Với sự chủ động chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho năm học mới,  giúp Mèo Vạc có tâm thế phấn đấu “mùa gieo chữ” thắng lợi.

YẾN VŨ - KIM TIẾN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nâng cao năng lực cạnh tranh và sức hấp dẫn cho ngành du lịch tỉnh

BHG - Tiếp tục Chương trình đào tạo "Xây dựng kế hoạch triển khai chương trình hành động tái cơ cấu ngành kinh tế tỉnh Hà Giang đến năm 2030" do UBND tỉnh phối hợp với Trường Chính sách công và quản lý Fulbright (Đại học Fulbright Việt Nam) tổ chức; sáng 31.7, các nhóm tiến hành thảo luận và bàn giải pháp phát triển ngành du lịch tỉnh.

 

31/07/2018
Đoàn T.Ư Hội khuyến học Việt Nam làm việc với Hội khuyến học tỉnh

BHG - Ngày 27.7, Đoàn T.Ư Hội Khuyến học (HKH) Việt Nam do đồng chí Bùi Thị Kim Dung - Ủy viên Ban kiểm tra HKH Việt Nam làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với HKH tỉnh nhằm đánh giá công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, nhất là Quyết định 281 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020.

28/07/2018
Hội thảo liên kết phát triển sản phẩm du lịch trong vùng Bắc Quang, Vị Xuyên, thành phố Hà Giang

BHG - Ngày 26.7, Sở Văn hóa TT&DL phối hợp với UBND huyện Bắc Quang, Vị Xuyên và thành phố Hà Giang tổ chức Hội thảo "Liên kết phát triển sản phẩm du lịch trong vùng Bắc Quang, Vị Xuyên và thành phố Hà Giang". Dự Hội thảo có đồng chí Trần Đức Quý, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND Vị Xuyên, Bắc Quang và thành phố Hà Giang...

27/07/2018
Dấu xưa thành cổ Lam Kinh

BHG - Hòa trong nắng và gió cùng dòng xe xuôi ngược trên Quốc lộ 47, đầu tháng Bảy, Đoàn cán bộ, phóng viên Báo Hà Giang có chuyến hành hương về nguồn, thăm Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh - cái nôi của khởi nghĩa Lam Sơn; nơi phát tích dòng họ Đế vương có công bình Ngô giữ nước. Nơi đây còn được coi là kinh đô thứ hai của nước Đại Việt với nhiều ý nghĩa, giá trị lịch sử - văn hoá thiêng liêng.

 

27/07/2018