Bắc Mê giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc

15:08, 02/03/2018

BHG - Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, những năm qua, huyện Bắc Mê đã có nhiều giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn; góp thêm nét mới trong xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân.

Đội văn nghệ các thôn, bản ở xã Yên Cường trong ngày Tết Độc lập, tại di tích lịch sử Căng Bắc Mê.
Đội văn nghệ các thôn, bản ở xã Yên Cường trong ngày Tết Độc lập, tại di tích lịch sử Căng Bắc Mê.

Huyện Bắc Mê hiện có 15 dân tộc, đa số là dân tộc Kinh, Tày, Mông, Dao và một số dân tộc thiểu số (DTTS) khác sinh sống. Để gìn giữ những phong tục, nghi lễ thuộc về nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, đồng thời biết dung nạp văn hóa của các dân tộc anh em; việc bảo tồn bản sắc văn hóa vốn đã như một chỉnh thể, lại được kết tinh hài hòa thêm những nét đẹp đa sắc thái.

Có thể tìm thấy những nét đẹp thuộc về phong tục, tập quán đã ăn sâu vào máu thịt của đồng bào các dân tộc, như: Lễ hội Lồng tồng của người Tày; cúng thần Rừng của dân tộc Pu Béo; cầu mùa của dân tộc Dao; Lễ hội Gọi Trăng của dân tộc Tày, xã Yên Định; Lễ hội Gàu tào ở xã Phiêng Luông… Nhiều loại hình nghệ thuật, nhạc cụ dân tộc đáng quý như: Đàn tính Tày, nhị Tày, sáo Tày, khèn Mông, khèn môi Mông, kèn của người Dao đã, đang được bảo tồn và phát huy.

Nét nổi bật trong công tác bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống đó là: Cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị tích cực hưởng ứng thi đua đăng ký xây dựng cơ quan, làng, bản, gia đình văn hóa,... gắn với các tiêu chí trong việc gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Nhiều nghệ nhân tiêu biểu của huyện được cử đi tham dự các lễ hội trong tỉnh và các huyện giáp danh như: Lễ hội Lồng Tông (xuống đồng) của người Tày ở Na Hang (Tuyên Quang), Bảo Lâm, Bảo Lạc (Cao Bằng); qua đó, khơi dậy niềm tự hào và lòng quyết tâm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trong huyện.

Các lễ hội như: Nghi lễ Cấp sắc của người Dao; Lễ hội Lồng Tông của người Tày, cúng ăn mừng lúa mới, thủ tục ma chay, cưới hỏi, nhận cha, mẹ nuôi,… của đồng bào các dân tộc được khôi phục và phát huy. Bên cạnh đó, còn có các làn điệu dân ca như: Hát quan làng của người Dao tuyển, làn điệu then, khắp nôm Tày, dân ca Giáy, dân ca Dao, dân ca Mông. Đặc biệt, thông qua các ngày hội văn hóa, hội diễn, hội thi, của huyện đã lồng ghép việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; qua đó, thu hút đông đảo các nghệ nhân là đồng bào các dân tộc trong huyện tham gia.

Xã Lạc Nông có 564 hộ, 2.892 khẩu; trong đó, có 27 nghệ nhân dân gian. Nhiều nghệ nhân đồng bào DTTS vẫn còn lưu giữ một số nghề truyền thống như: Nghề chạm bạc, rèn dao, cuốc... Ngoài các làn điệu dân ca cần được lưu truyền, thì các loại hình văn hóa phi vật thể như tiếng nói, chữ viết, thơ, ca,… vẫn lưu truyền qua các thế hệ. Sự trao truyền này còn được diễn ra trong các hoạt động văn hóa dân gian thông qua lễ hội, hội thi, hội diễn nên ngày càng có điều kiện để bảo tồn và phát triển.

Ông Sầm Quang Vần, Nghệ nhân dân gian (sinh 1952), trú tại thôn Nà Pâu, xã Lạc Nông chia sẻ: Là người con của dân tộc Tày, thế hệ như chúng tôi dù không biết hết được các nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình; nhưng cũng hiểu được giá trị của nó đối với đời sống sinh hoạt hàng ngày của người Tày. Chính vì vậy, tôi đã sáng tác được những bài thơ, bài hát của người Tày như: Bài thơ “Công việc anh nông dân”, bài hát cọi “Nhờ ơn Đảng mọi cần bấu lo dân rác”, “Mon dè”, “Nải”…

Ông Lưu Bá Cường, Trưởng phòng Văn hóa - TT&DL huyện Bắc Mê cho biết: Để đẩy mạnh công tác giữ gìn, bảo tồn, phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống trong đồng bào các DTTS trên địa bàn, đòi hỏi cần có sự quan tâm lãnh, chỉ đạo sát sao, kịp thời của các cấp ủy, chính quyền các cấp; sự phối kết hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa MTTQ và các ban, ngành, đoàn thể của huyện trong công tác tuyên truyền; đặc biệt là sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc tạo điều kiện cho các hoạt động liên quan đến việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc của huyện thực sự phát huy được hiệu quả.

Bài, ảnh: Văn Quân


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hội Văn học Nghệ thuật thành phố gặp mặt đầu Xuân Mậu Tuất 2018

BHG - Ngày 27.2,  tại phường Trần Phú, thành phố Hà Giang, Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) thành phố tổ chức gặp mặt hội viên đầu Xuân Mậu Tuất năm 2018. Hội VHNT thành phố hiện có 35 hội viên, đa số là hội viên cao tuổi, đặc biệt có nhiều hội viên trên 80 tuổi nhưng luôn gương mẫu, tích cực sáng tác và nhiệt tình trong hoạt động VHNT. 

27/02/2018
Dòng họ 10 năm liền làm tốt công tác khuyến học

BHG - Dòng họ Hoàng, thôn Nà ác là một trong những dòng họ đã sinh sống lâu đời tại xã Phú Linh, đây là một dòng họ hiếu học và đã làm tốt công tác khuyến học trong 10 năm liền. Ngay khi chưa có chủ trương khuyến học khuyến tài xây dựng xã hội học tập của Đảng và Nhà nước, từ cuối những năm 1960 dòng họ đã có một người tốt nghiệp đại học chính quy, cũng là người đầu tiên của xã đạt trình độ này...

26/02/2018
Giải đua ngựa huyện Vị Xuyên lần thứ nhất

BHG - Trong 2 ngày 24 và 25.2 (mùng 9, 10 tháng Giêng Âm lịch), tại Sân vận động trung tâm, huyện Vị Xuyên đã tổ chức Giải đưa ngựa lần thứ Nhất năm 2018. Dự lễ khai mạc giải đua có các đồng chí Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND huyện; các phòng, ban, đoàn thể và lãnh đạo các xã, thị trấn trong huyện cùng đông đảo bà con nhân dân thị trấn Vị Xuyên.

26/02/2018
Sắc xuân trên Cao nguyên đá Đồng Văn

BHG - Cứ mỗi độ xuân về, trên những nẻo đường, thôn xóm trên Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn lại rực rỡ sắc màu của các loài hoa cải, đào, mận, lê… tạo nên bức tranh Xuân tươi mới, rộn ràng. Mùa Xuân trên Cao nguyên đá đẹp quyến rũ bởi những sắc màu của hoa, dọc trên những con đường, trên những ngọn núi, bên những ngôi nhà, bờ rào đá lại rực lên sắc hồng thắm của hoa đào, màu trắng tinh khôi của hoa mận, hoa mơ, màu vàng của hoa cải, hoa cúc… 

26/02/2018