Những "báu vật nhân văn sống" trên bản làng cực Bắc

17:11, 26/01/2018

BHG - Lần đầu tiên, những Nghệ nhân dân gian thuộc lĩnh vực tín ngưỡng dân gian trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được vinh danh. họ là những "báu vật nhân văn sống", có công thực hành, lưu giữ và truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể cho các thế hệ sau.

Nghi thức thờ cúng Tổ tiên của đồng bào dân tộc Dao thôn Nà Thác, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) đang được các nghệ nhân gìn giữ và truyền dạy cho thế hệ sau.
Nghi thức thờ cúng Tổ tiên của đồng bào dân tộc Dao thôn Nà Thác, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) đang được các nghệ nhân gìn giữ và truyền dạy cho thế hệ sau.

Ngày 25.9.2017, BTV Tỉnh ủy ban hành Đề án số 19-ĐA/TU thí điểm phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian” thuộc lĩnh vực tín ngưỡng dân gian trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các nghệ nhân là những người nắm giữ bí quyết thờ cúng Tổ tiên; thờ cúng theo phong tục tập quán, tín ngưỡng dân tộc thiểu số; có uy tín cao trong cộng đồng dân cư, giúp người dân trong thôn thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng không vì mục đích kinh tế; tích cực tuyên truyền, vận động, tham gia gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc; phòng, chống mê tín dị đoan và sự xâm nhập của các đạo lạ, tín ngưỡng mới trái với phong tục tập quán của dân tộc mình… được lấy phiếu tín nhiệm ở nơi cư trú và được các ngành, các cấp có thẩm quyền xét duyệt để được Chủ tịch UBND tỉnh tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian”. 

Để được vinh danh hôm nay, có những người đã theo thầy học từ nhỏ; có người là “truyền nhân” đời thứ 5 trong gia đình làm nghề thầy cúng; có người đã thực hành hàng trăm lượt tín ngưỡng mỗi năm; có những người có số học trò truyền dạy từ 50 – 80 người; lại có người luôn giúp đỡ các  gia đình khó khăn trong thôn vươn lên phát triển kinh tế; có những người đã được nhận Huân, Huy chương các loại do Nhà nước trao tặng.

Nghệ nhân Phượng Chòi Quấy, xã Tân Nam (Quang Bình) chia sẻ: “Khi mới 12 tuổi, tôi đã đam mê và theo thầy học các tín ngưỡng dân gian của đồng bào dân tộc Dao, đến năm 19 tuổi tôi có thể thực hành các nghi lễ cúng theo phong tục tập quán của dân tộc mình. Hơn 27 năm theo nghề, tôi đã truyền dạy cho nhiều thế hệ học trò mà bây giờ nhiều người trong số họ đã trưởng thành, có thể thay tôi thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng dân gian”.

Bên cạnh việc nắm giữ và truyền dạy văn hóa tín ngưỡng dân gian, các nghệ nhân còn là những người gương mẫu, đi đầu trong các phong trào thi đua ở thôn, bản; tích cực vận động gia đình và bà con nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các quy ước, hương ước tại địa phương; vươn lên xóa đói, giảm nghèo và là cộng tác viên tích cực của các trường học trong việc truyền dạy giá trị văn hóa của các dân tộc cho học sinh địa phương theo Nghị quyết 02 của BCH Đảng bộ tỉnh về đưa kỹ năng sống và văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số giảng dạy trong các trường học trên địa bàn tỉnh.

Nghệ nhân Đặng Văn Đạt, xã Yên Cường (Bắc Mê) cho biết: “Việc truyền dạy các nghi lễ, tín ngưỡng dân gian cho thế hệ trẻ là trách nhiệm của những người đi trước như chúng tôi; trong dòng chảy của sự hội nhập về văn hóa, tôi mong muốn văn hóa tín ngưỡng của đồng bào dân tộc thiểu số được thế hệ mai sau gìn giữ và phát huy, để giữ lại những “hồn cốt” của dân tộc mình”.

Là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với sự đa dạng, phóng phú về tín ngưỡng và văn hóa dân gian; 22 Nghệ nhân dân gian thuộc 7/19 dân tộc, chủ yếu tập trung ở các dân tộc có tỷ lệ dân số đông vừa được UBND tỉnh vinh danh quả thực chỉ mới là con số nhỏ, bởi hiện nay toàn tỉnh có 175/195 xã, phường, thị trấn có Hội Nghệ nhân dân gian với trên 6.000 hội viên, trong đó lĩnh vực tín ngưỡng dân gian có trên 2.242 hội viên. Để những “báu vật nhân văn sống” không bị lãng quên, các cấp, các ngành cần tạo điều kiện thuận lợi cho các nghệ nhân hoạt động ở cơ sở; quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần và lựa chọn những người có thành tích, đề nghị phong tặng các danh hiệu cao hơn do Chủ tịch nước trao tặng.

Trên những bản làng xa xôi nơi cực Bắc của Tổ quốc; họ tiếp tục hành trình gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, đưa ý Đảng đến gần với lòng dân.

Bài, ảnh: AN GIANG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Trường Mầm non và Trường PT DTBT Tiểu học xã Bạch Đích đón Bằng công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1, giai đoạn 2018-2022.

BHG - Sáng 26.1, 2 Trường Mầm non Bạch Đích và Trường PT DTBT Tiểu học Bạch Đích (Yên Minh) long trọng tổ chức Lễ đón Bằng công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1, giai đoạn 2018-2022. Tới dự có lãnh đạo UBND huyện, đại diện các phòng, ban chuyên môn; lực lượng vũ trang trên địa bàn; Ban giám hiệu các trường học trên địa bàn, thầy cô giáo và học sinh. 

26/01/2018
Khai mạc Kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 9 cấp thành phố năm học 2017-2018

BHG - Sáng 26.1, tại Trường THCS Yên Yên, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố đã tổ chức Khai mạc Kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 9 cấp thành phố, năm học 2017-2018. Tham dự kỳ thi năm nay có 442 học sinh đến từ 8 trường học trên địa bàn thành phố, trong đó có 355 học sinh lớp 9, 86 học sinh lớp 8 và 1 học sinh lớp 7 tham gia thi vượt cấp. 

26/01/2018
Công bố bộ Đề thi tham khảo THPT quốc gia năm 2018

Ngày 24.1, Bộ GD&ĐT chính thức công bố Bộ Đề thi tham khảo THPT quốc gia năm 2018 để đáp ứng yêu cầu của các em học sinh và xã hội.Đây là đề tham khảo duy nhất được công bố trong năm học này, cũng được coi là đề chuẩn cấu trúc và sát nhất với đề thi THPT QG 2018.

25/01/2018
Chợ huyện Đồng Văn - sắc màu văn hóa vùng cao

BHG - Ngoài cảnh đẹp thiên nhiên hoang sơ hùng vĩ, ở Hà Giang còn có các chợ phiên vô cùng độc đáo, những phiên chợ từ lâu đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong đời sống của người dân vùng cao. Với sắc màu văn hóa riêng biệt của từng dân tộc, những phiên chợ vùng biên cương đã tạo nên sự hấp dẫn và sức sống trường tồn bởi chợ phiên không đơn thuần là nơi mua bán, là thước đo giàu nghèo của một vùng, mà còn là nơi giao lưu văn hóa giữa các dân tộc cùng sinh sống trên mảnh đất Hà Giang.

20/01/2018