Gìn giữ nghề thêu, dệt lanh trên Cao nguyên đá

09:27, 11/11/2017

BHG - Nhằm lưu giữ những nét độc đáo của nghề thêu, dệt lanh, Hội Phụ nữ huyện Đồng Văn đã thành lập “Tổ hợp tác dệt, nhuộm, thêu và gia công sản phẩm thổ cẩm du lịch” (Tổ hợp tác), với mong muốn mang đến cho du khách những món quà đặc trưng khi tham quan Cao nguyên đá.

Các thành viên Tổ hợp tác thêu họa tiết lên từng tấm vải lanh.
Các thành viên Tổ hợp tác thêu họa tiết lên từng tấm vải lanh.

Tổ hợp tác thành lập tháng 9.2017, đặt tại di tích Dinh thự nhà Vương, xã Sà Phìn (Đồng Văn) - một trong những trung tâm du lịch của huyện với nhiều lợi thế để quảng bá, đưa sản phẩm tiếp cận với du khách. Tổ gồm 15 thành viên từ 18 - 35 tuổi, họ đều là người dân địa phương, có đam mê và mong muốn gắn bó với nghề. Tổ hợp tác được mở theo chương trình dạy nghề cho phụ nữ, học viên được học thành thục quy trình tạo ra một sản phẩm thổ cẩm bằng lanh: Từ dệt lanh, nhuộm vải, thêu họa tiết và may thành sản phẩm hoàn thiện. Cả các sản phẩm gia công chủ yếu như túi, ví đựng điện thoại di động, hộp đựng bút hay tranh treo tường, ga, gối, chăn... được thêu tay theo họa tiết của người Mông trắng. Tùy theo độ khó của họa tiết, mỗi sản phẩm được thêu hoàn thiện trong khoảng từ 1 – 2 ngày.

Xuất phát từ một lớp dạy nghề ngắn hạn, Tổ hợp tác đã tạo cơ hội cho nhiều chị em có cơ hội tìm kiếm việc làm. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, 90% thành viên của Tổ có hoàn cảnh khó khăn, hoặc từng bị bạo lực gia đình. Chị Vàng Thị Cầu, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Đồng Văn, cũng là giáo viên dạy chính cho các chị em, cho biết: “Chúng tôi đã đi từng nhà học viên, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, động viên họ tham gia để có một nghề ổn định, tự nuôi sống bản thân, gia đình”. Mới đây, Tổ hợp tác đã gửi các sản phẩm thủ công đi giới thiệu, trưng bày tại Hà Nội và đã có rất nhiều cá nhân, tập thể mua và đặt hàng. Chị Cầu cùng một số chị em đã thiết lập được các đầu mối mua hàng, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Với giá bán dao động từ 100 nghìn đồng cho các sản phẩm túi, ví đến gần 3 triệu đồng đối với chăn, tranh treo tường, một số chị em tay nghề thành thạo có thu nhập từ 3 – 5 triệu đồng/1 tháng.

Chị Sùng Thị Sy, thôn Sà Phìn A cho biết: “Mình mới học 1 tháng, nhưng đã thêu được các họa tiết khó. Tham gia vào Tổ, các chị em đều giúp nhau nên học rất nhanh. Mình cũng muốn có một nghề để kiếm tiền cho con đi học chữ.” Ngoài chị Sy, còn có rất nhiều thành viên đã thành thạo và có thu nhập ổn định. Đặc biệt, trong Tổ còn có em Vàng Mí Vừ, thành viên nam duy nhất, nhỏ tuổi nhất, nhưng thêu tay rất khéo. Chia sẻ với chúng tôi, chị Cầu cho biết: “Các thành viên rất chăm chỉ, họ ý thức được ý nghĩa của công việc. Không chỉ tạo nguồn thu nhập cho gia đình, tạo công việc ổn định cho bản thân, giúp họ có được một nghề cụ thể mà còn gìn giữ nét văn hóa của đồng bào mình. Dự định, trong tương lai chúng tôi sẽ thành lập Hợp tác xã để mở rộng quy mô cho nhiều người cùng có cơ hội làm việc, cải thiện kinh tế gia đình.”

Nằm ẩn sâu trong ngôi làng nhỏ giữa mênh mông núi đá, những đôi tay khéo léo của các chị em Tổ hợp tác dệt, nhuộm, thêu và gia công sản phẩm thổ cẩm du lịch đang thành thục thêu từng nét họa tiết hoa văn tinh sảo lên những tấm thổ cẩm. Khung cảnh ấy như xua tan bớt đi cái lạnh se sắt của vùng sơn cước. Những người phụ nữ Mông cần mẫn đang gìn giữ một phần trong văn hóa của dân tộc mình - nghề thêu, dệt lanh trên Cao nguyên đá.

Bài, ảnh: My Ly


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đồng Văn nỗ lực chỉnh trang đô thị

BHG-Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa, Lễ hội Hoa Tam giác mạch chính thức diễn ra với nhiều hoạt động được tổ chức tại huyện Đồng Văn. Ngoài việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết theo yêu cầu của Ban tổ chức, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Đồng Văn đang tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện một cách linh hoạt, huy động nội lực để chỉnh trang đô thị, tạo diện mạo, tầm vóc mới của huyện cực Bắc Tổ quốc trong mắt bạn bè trong nước và quốc tế.

31/10/2017
Thủ tướng dự chương trình nghệ thuật "Vang mãi bài ca tháng Mười"

Tối 29/10, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân đã dự chương trình nghệ thuật "Vang mãi bài ca tháng Mười", sự kiện được tổ chức nhân kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười Nga (7/11/1917-7/11/2017).

30/10/2017
Đặc sắc không gian văn hóa, du lịch và giới thiệu sản phẩm Hà Giang tại Hà Nội

BHG - Tối 27.10, tại khu vực nhà Bát Giác, thuộc vườn hoa Lý Thái Tổ, Quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội. UBND tỉnh Hà Giang đã khai mạc không gian trưng bày văn hóa, du lịch và sản phẩm du lịch đặc trưng các dân tộc tỉnh Hà Giang. 

29/10/2017
Nậm Hồng - Khởi sắc từ phát triển du lịch cộng đồng

BHG - Nằm cách trung tâm huyện Hoàng Su Phì khoảng 40 km, thôn Nậm Hồng, xã Thông Nguyên là nơi sinh sống của 37 hộ đồng bào dân tộc Dao đỏ. Nơi đây có những thửa ruộng bậc thang trải dài trên các sườn đồi đã được công nhận danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia, bên cạnh đó là vùng chè Shan tuyết cổ thụ Phìn Hồ cùng với những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Dao - đó là điều kiện thuận lợi để thôn Nậm Hồng phát triển du lịch cộng đồng.

27/10/2017