Hà Giang

Nhân rộng các mô hình hiệu quả trong giáo dục

16:06, 30/09/2016

BHG - Thời gian qua, Sở GD&ĐT đã triển khai, nhân rộng nhiều mô hình giáo dục hiệu quả, là “đòn bẩy” góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Nổi bật như: Tổ chức các hoạt động giáo dục gắn với việc “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; mô hình Đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy trong các trường học; chú trọng rèn luyện kỹ năng sống...

Hiện nay, toàn tỉnh có 853 trường học và cơ sở giáo dục với tổng số hơn 220.000 học sinh, sinh viên. Với mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, Sở GD&ĐT thường xuyên đẩy mạnh triển khai, nhân rộng các hình thức, phương pháp giáo dục mới, đem lại hiệu quả thiết thực. Mô hình tổ chức các hoạt động giáo dục gắn với việc “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” được các nhà trường chú trọng thực hiện tốt với việc xây dựng môi trường, cảnh quan sư phạm “sáng - xanh – sạch - đẹp và văn minh”; xây dựng các Thư viện thân thiện, Thư viện ngoài trời, Thư viện trong lớp học, tạo thói quen về “văn hóa đọc” cho cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên tại các huyện Quang Bình, Bắc Mê, Quản Bạ, Bắc Quang...

Học sinh Trường THCS Quang Trung (thành phố Hà Giang) thích thú với mô hình Thư viện sách ngoài trời.
Học sinh Trường THCS Quang Trung (thành phố Hà Giang) thích thú với mô hình Thư viện sách ngoài trời.

Thầy giáo Lê Văn Thắng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Xín Cái (Mèo Vạc) cho biết: Mặc dù cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, song nhà trường luôn tích cực đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, làm tốt công tác vận động học sinh đến trường, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác dạy và học nơi vùng biên Tổ quốc. Để đảm bảo duy trì sỹ số học sinh, nhà trường cử các thầy cô giáo phụ trách từng thôn, bản; khi có học sinh nghỉ học, bỏ học tự do, các thầy cô sẽ đến tận nhà để vận động phụ huynh và các em đến trường, đến lớp.

Song song với việc đổi mới phương pháp học tập, các trường cũng đẩy mạnh việc giáo dục đạo đức, giá trị sống, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh; tổ chức các hoạt động giáo dục gắn với di sản như: Cho học sinh học tập, tham quan trực tiếp tại các điểm di sản, danh lam thắng cảnh và qua hình ảnh, video clip; tổ chức các hình thức sân khấu hóa cho học sinh, tiêu biểu là các trường của huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì, Xín Mần... Sở GD&ĐT cũng phối hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh tổ chức phát sóng phim “Chuyện chúng mình” từ ngày 20.3.2016. Phim dài 365 tập, nhằm trang bị những kiến thức, kỹ năng ứng xử, giao tiếp cho học sinh, sinh viên. Đồng thời giúp các bậc phụ huynh trong việc hiểu và nắm bắt diễn biến tâm sinh lý của lớp trẻ để việc giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh hiệu quả hơn.

Cùng với đó, mô hình Đưa văn hóa truyền thống vào truyền dạy trong các nhà trường đã được các đơn vị trường học trên toàn tỉnh thực hiện nghiêm túc, thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Nhiều trường đã liên hệ với địa phương mời các Nghệ nhân dân gian hướng dẫn học sinh tham gia học hát then, hát cọi, múa khèn... (Hoàng Su Phì, Xín Mần, Mèo Vạc...); tổ chức cho học sinh thi trang phục các dân tộc, thi hát dân ca, thi các môn thể thao truyền thống (đẩy gậy, kéo co...); xây dựng Góc trưng bày các trang phục dân tộc, nhạc cụ truyền thống các dân tộc, đồ dùng sinh hoạt và sản phẩm đặc trưng của địa phương... Mô hình này góp phần bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ nhận thức và hiểu biết sâu sắc hơn về văn hóa truyền thống các dân tộc, nâng cao ý thức, tinh thần đoàn kết gắn bó trong cộng đồng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa.

Em Chảo Thị Minh, học sinh lớp 7A trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Xín Cái, cho hay: Ngoài việc học trên lớp, vào chiều thứ 3 và thứ 5 hàng tuần, em đều tham gia lớp học hát, múa khèn Mông do các Nghệ nhân dân gian địa phương giảng dạy. Lớp học làm em thêm hiểu và yêu thích văn hóa truyền thống dân tộc mình. Thêm nữa, sau giờ học trên lớp, Minh và các bạn, thầy cô cùng trồng rau xanh, chăm sóc bồn hoa theo mô hình “Trường học nông trại” rất vui và bổ ích. Hiện nay, lớp Minh có một “nông trại” rau hơn 15m2, vừa cung cấp đủ rau xanh cho các bữa ăn hàng ngày, vừa góp phần tạo cảnh quan xanh mát trong khuôn viên nhà trường.

Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, hiện nay các trường học trong toàn tỉnh đã và đang triển khai, nhân rộng hàng chục mô hình giáo dục hiệu quả; không những góp phần đổi mới, nâng cao công tác dạy và học trong các nhà trường mà còn tạo dựng được môi trường giáo dục lành mạnh, thoải mái tăng cường khả năng tư duy, sáng tạo của học sinh; đồng thời tăng cường cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT hiện nay.

Bài, ảnh: YẾN VŨ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Huyện Bắc Mê tổ chức Lễ phát động hưởng ứng "tuần lễ học tập suốt đời", Kỷ niệm 20 năm ngày khuyến học Việt Nam (02.10.1996 – 02.10.2016)

BHG- Ngày 29.9, UBND huyện Bắc Mê đã tổ chức Lễ phát động hưởng ứng "tuần lễ học tập suốt đời" và kỷ niệm 20 năm ngày khuyến học Việt Nam (02.10.1996 – 02.10.2016).

30/09/2016
Dệt lanh - nét đẹp trong văn hóa truyền thống dân tộc Mông

BHG - Cây lanh đã gắn bó với đồng bào dân tộc Mông ở Hà Giang từ bao nhiêu đời nay. Người phụ nữ Mông luôn gắn liền với nghề trồng lanh, dệt vải và trở thành biểu tượng cho sự dẻo dai, cần cù và khéo léo. Những bộ váy, áo của người Mông được dệt từ sợi lanh đã tạo nên những sắc màu rực rỡ cho các phiên chợ và được khách du lịch yêu thích. Đó còn là sản phẩm truyền thống đặc sắc thấm đượm tinh hoa văn hóa đồng bào dân tộc Mông vùng Cao nguyên đá.

30/09/2016
"Ươm mầm tương lai" cho "đá mồ côi" ở Miền đá xám

BHG - Chúng tôi về Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Mèo Vạc vào một ngày thu, khi trường đang chuẩn bị kỷ niệm 45 năm thành lập. Nhưng câu chuyện giữa chúng tôi với các thầy, cô nơi đây lại không phải nói về hành trình 45 năm của trường, mà là một việc làm chưa có tiền lệ. Đó là một lớp học mang tên "ươm mầm tương lai" cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà chúng tôi ví như những hòn "đá mồ côi" ở Miền đá xám Mèo Vạc. 

30/09/2016
Đến Hoàng Su Phì thưởng thức cá chép… Ruộng bậc thang!

BHG- Không chỉ là vùng đất của những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ, bồng bềnh trong mây, uốn lượn theo dáng núi làm bao du khách mải mê chiêm ngưỡng, mà đến Hoàng Su Phì vào mùa lúa chín du khách còn bị níu chân bằng món ẩm thực vô cùng thú vị, đậm chất quê: Cá chép… Ruộng bậc thang.

29/09/2016