Dệt lanh - nét đẹp trong văn hóa truyền thống dân tộc Mông

15:58, 30/09/2016

BHG - Cây lanh đã gắn bó với đồng bào dân tộc Mông ở Hà Giang từ bao nhiêu đời nay. Người phụ nữ Mông luôn gắn liền với nghề trồng lanh, dệt vải và trở thành biểu tượng cho sự dẻo dai, cần cù và khéo léo. Những bộ váy, áo của người Mông được dệt từ sợi lanh đã tạo nên những sắc màu rực rỡ cho các phiên chợ và được khách du lịch yêu thích. Đó còn là sản phẩm truyền thống đặc sắc thấm đượm tinh hoa văn hóa đồng bào dân tộc Mông vùng Cao nguyên đá.

Nghề dệt vải lanh truyền thống đã có từ lâu đời gắn liền với phong tục tập quán và những nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào nơi cực Bắc của Tổ quốc. Bất cứ người phụ nữ Mông nào cũng biết se lanh, dệt vải và tự may trang phục cho cả gia đình. Không khó để bắt gặp hình ảnh người phụ nữ Mông trên đường đi làm, đi chợ phiên, đi gặp người yêu,... luôn se lanh, nối sợi; sợi lanh như vật bất ly thân của họ. Trải qua bao thế hệ, người Mông đã tạo nên một nền văn hóa đặc sắc về lanh, từ kỹ thuật canh tác đến việc sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống. Cây lanh được đồng bào dân tộc Mông tận dụng triệt để, cây lanh được tước vỏ lấy sợi, thân cây làm chất đốt; lá, rễ dùng làm thuốc chữa bệnh, thức ăn cho gia súc và làm phân bón; hạt cây lanh có thể làm thành bánh...

Công đoạn tạo hoa văn trên vải lanh.                              Ảnh: Hồng Hà
 

 

Công đoạn tạo hoa văn trên vải lanh. Ảnh: Hồng Hà

Cây lanh còn là một trong những vật linh thiêng được sử dụng trong hầu khắp các phong tục, tín ngưỡng của người Mông trong dựng vợ gả chồng, ngày cúng, giỗ, lễ, Tết. Lanh còn là một biểu tượng trong các khúc hát giao duyên với nhiều ý nghĩa, cung bậc của tình yêu, tình vợ chồng. Theo quan niệm của đồng bào dân tộc Mông, vải lanh được coi là sự gắn kết bền chặt giữa con người và thế giới tâm linh tồn tại từ bao đời. Họ cho rằng, sợi lanh là sợi chỉ dẫn đường cho người chết về với Tổ tiên và đầu thai trở lại làm người. Nghề trồng lanh, dệt vải đã có từ lâu đời gắn liền với phong tục tập quán và những nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào dân tộc Mông. Suốt chiều dài lịch sử, cây lanh và nghề dệt lanh luôn là phần không thể thiếu trong văn hóa đặc sắc của người Mông. Dù họ định cư ở đâu, phụ nữ Mông luôn dành một mảnh đất ẩm để gieo hạt lanh. Khi những cơn mưa đầu mùa xuất hiện cũng là người dân nơi đây bắt đầu vào vụ trồng lanh. Họ chăm sóc cây lanh rất cẩn thận. Khi cây lanh trưởng thành họ sẽ thu hoạch, đem phơi khô rồi tách vỏ xe sợi dệt vải may quần áo cho cả gia đình. Trong đời sống của đồng bào dân tộc Mông vùng Cao nguyên đá, nghề dệt thổ cẩm có vị trí rất quan trọng. Người Mông ưa chuộng vải lanh, bởi nó có độ bền chắc, thông thoáng và không bị mốc. Hành trình từ cây lanh trở thành bộ quần áo thổ cẩm bền đẹp thì người phụ nữ ngoài sự cần cù, khéo léo phải dồn hết tâm tư tình cảm vào đó.

Quá trình hình thành tấm vải lanh phải trải qua rất nhiều công đoạn cầu kỳ. Trong đó có rất nhiều công đoạn khó, đòi hỏi sự nhẫn nại, bền bỉ từ việc trồng lanh, thu hoạch, phơi khô, tước vỏ cho đến se sợi, lên khung, dệt vải, nhuộm chàm, vẽ sáp ong... Bí quyết để một tấm vải lanh bền đẹp không chỉ nhờ đôi bàn tay khéo léo, tỷ mỷ của người phụ nữ mà còn ở kỹ thuật nhuộm chàm và vẽ sáp ong rất đặc biệt. Để cho thớ vải không phai màu theo thời gian người phụ nữ Mông phải nhuộm vải rất nhiều lần với những bí quyết riêng. Sau đó đem hong khô để vẽ sáp ong lên đó. Đây chính là 2 công đoạn rất vất vả, mất nhiều thời gian.

Trong những năm gần đây, nghề dệt lanh đang là hướng thoát nghèo cho đồng bào dân tộc Mông khi kết hợp với phát triển du lịch. Tại các điểm du lịch trên Cao nguyên đá, ngoài những sản phẩm váy áo truyền thống, người phụ nữ Mông còn năng động tạo ra nhiều mẫu sản phẩm mới phục vụ khách du lịch như: Khăn quàng cổ, ví, túi xách, vỏ gối, khăn trải bàn, tấm nệm,... từ lanh với nhiều màu sắc và các hoạ tiết hoa văn tinh tế. Đây là những sản phẩm thiết thực trong đời sống hàng ngày lại vừa túi tiền nên rất được khách du lịch ưa chuộng. Có thể kể đến HTX Lanh Lùng Tám, của huyện Quản Bạ. Về Lùng Tám, vẫn nghe thấy tiếng thoi đưa lách cách của các mẹ, các chị và những cô gái ở tuổi cập kê. Nhưng những sản phẩm từ cây lanh đó không chỉ để dùng mà còn dệt thêm những sản phẩm tiêu dùng hàng ngày làm đồ lưu niệm để phục vụ du khách. Tiếng lành đồn xa, nhiều khách du lịch trong nước cũng như nước ngoài khi lên vùng Cao nguyên đá Hà Giang du lịch đã tìm đến Lùng Tám để được trực tiếp tìm hiểu kỹ thuật dệt lanh của người Mông... Từ đó, đời sống của đồng bào dân tộc Mông ở đây cũng được nâng lên, các sản phẩm từ vải lanh ngày càng nhiều, chất lượng và có mặt ở các nước trên thế giới.

Hà Giang - vùng Cao nguyên đá không chỉ có với những dãy núi mênh mông trùng điệp. Nơi đây còn chứa đựng những nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Trong đó, nghề dệt lanh của dân tộc Mông mang ý nghĩa hết sức to lớn đối với văn hóa truyền thống dân tộc, là một minh chứng sinh động thể hiện đức tình cần cù, chịu thương chịu khó của đồng bào đã vượt qua mọi khó khăn, khắc nghiệt của tự nhiên để xây dựng đời sống ngày càng tươi đẹp.

Phạm Hoan


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Huyện Bắc Mê tổ chức Lễ phát động hưởng ứng "tuần lễ học tập suốt đời", Kỷ niệm 20 năm ngày khuyến học Việt Nam (02.10.1996 – 02.10.2016)

BHG- Ngày 29.9, UBND huyện Bắc Mê đã tổ chức Lễ phát động hưởng ứng "tuần lễ học tập suốt đời" và kỷ niệm 20 năm ngày khuyến học Việt Nam (02.10.1996 – 02.10.2016).

30/09/2016
Giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về Công viên Địa chất từ các trường học

BHG- Với nhiều dân tộc anh em cùng chung sống, đời sống KT – XH còn rất nhiều khó khăn, mặt bằng dân trí không đồng đều, là những khó khăn có thể thấy rõ trong quá trình tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn (CVĐCTC – CNĐĐV) trên chính vùng Công viên. 

29/09/2016
Đồng Văn, nỗ lực vì "trái tim" Lễ hội

BHG- Theo kế hoạch, Lễ hội Hoa Tam giác mạch của tỉnh lần thứ hai năm 2016 sẽ được tổ chức tại huyện Đồng Văn vào trung tuần tháng 10 tới. 

29/09/2016
Đến Hoàng Su Phì thưởng thức cá chép… Ruộng bậc thang!

BHG- Không chỉ là vùng đất của những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ, bồng bềnh trong mây, uốn lượn theo dáng núi làm bao du khách mải mê chiêm ngưỡng, mà đến Hoàng Su Phì vào mùa lúa chín du khách còn bị níu chân bằng món ẩm thực vô cùng thú vị, đậm chất quê: Cá chép… Ruộng bậc thang.

29/09/2016