Một kỷ niệm với bác Phạm Đình Dy

08:51, 02/07/2016

BHG - Với đam mê ngược về quá khứ, đặc biệt là những câu chuyện từ các bác, các chú nguyên là lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, tôi nhiều lần được tiếp xúc và được nghe tâm sự về một hành trình vươn lên đầy mạnh mẽ của miền đất địa đầu Hà Giang trong công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội, đổi mới đất nước... Một trong số những cuộc nói chuyện với các nhân chứng lịch sử đặc biệt, là kỷ niệm với cố Bí thư Tỉnh ủy Hà Tuyên (nay là Hà Giang – Tuyên Quang), bác Phạm Đình Dy.

Cách đây chừng 5 – 6 năm, nhân một dịp tỉnh ta tổ chức sự kiện lớn, có mời bác Dy lên dự. Trong quá trình tác nghiệp ở sự kiện đó, tôi có nghe giới thiệu tên bác Dy. Ngay lập tức tôi đã lên phương án, chuẩn bị cho một cuộc gặp gỡ hiếm có với người được coi là “kiến trúc sư trưởng” con đường Hạnh Phúc. Giữa giờ giải lao, tôi tiến đến bên một ông lão với bộ trang phục rất giản dị và đề nghị, cháu nghe nói về bác đã lâu và chưa lần nào được nghe bác nói chuyện, đặc biệt là về con đường Hạnh Phúc. Sau lời đề nghị được gặp gỡ đó, bác Dy nói, tớ mới lên, còn rất mệt, nhưng thấy cậu muốn tìm hiểu về lịch sử, được thôi...

Chừng 8h tối, theo như đã hẹn, tôi tìm đến nhà khách Sông Miện, nơi bác Dy và các bác nguyên lãnh đạo qua các thời kỳ được bố trí nghỉ. Bác Dy hỏi qua về tôi, rồi hỏi về Tòa soạn Báo Hà Giang, bác nói tôi vẫn thường nhận được báo Hà Giang do các anh gửi. Tờ báo có nội dung rất tốt, qua tờ báo tôi biết được rất nhiều thông tin về tỉnh. Rồi bác nói, thấy cậu đam mê lịch sử, tôi mới tâm sự, tôi không thích kể công trạng đâu, nói chỉ cho vui thôi, để các cậu biết ngày xưa vất vả là như thế.

Câu chuyện với bác Dy kéo dài đến quá 0 giờ, chủ yếu xoay quanh con đường Hạnh Phúc, trong đó có cả những câu chuyện mà bác Dy nói, phần này tôi nói vui để cậu biết thôi nhé, cậu không nên ghi lại. Nhưng xuyên suốt câu chuyện là hình ảnh về một thời kỳ mà tinh thần thống nhất, đoàn kết và ý chí vượt lên khó khăn đã giúp cho thế hệ những người như bác Dy để lại nhiều dấu ấn trong sự phát triển của Hà Giang. Trong suốt câu chuyện về quá khứ, mặc dù bác Dy luôn rất kiệm lời kể về bản thân mình, nhưng tôi luôn hướng bác Dy đến câu chuyện gắn với cuộc đời bác ở Hà Giang, từ xuất phát điểm là cán bộ Ty Giao thông Hà Giang. 

Trải qua những năm tháng là lãnh đạo, thường xuyên về với cơ sở bằng cách...  đi bộ và đặc biệt có những chi tiết rất thú vị là bác Dy dù là lãnh đạo về cơ sở cũng sẵn sàng bỏ tiền túi để góp với nhà bếp tiền ăn trưa, ăn tối như thường. Bác Dy nói, trong cuộc đời công tác, tôi rất khâm phục anh Nguyễn Văn Xã (Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang), một người rất có tầm nhìn, làm việc khoa học, luôn khiêm tốn, hết mình với công việc và rất cầu thị. Ông là một hình ảnh vì dân và đặc biệt Bí thư Xã rất quan tâm đến sự nghiệp giao thông của Hà Giang.

Trong câu chuyện dài, bác Dy luôn nhắc đến từ nhân dân và ông khẳng định, không nên nói cá nhân nào có công cả. Cũng chính từ tư tưởng lấy dân làm gốc ấy, mà qua câu chuyện làm con đường Hạnh Phúc kỳ công bác Dy kể với tôi, nó không chỉ đơn thuần mang yếu tố chuyên môn, kỹ thuật, mà nó còn mang ý nghĩa chính trị, an ninh và đặc biệt là ý nghĩa dân sinh rất sâu sắc.

Bác Dy xúc động nói với tôi rằng, làm đường Hạnh Phúc, quan điểm của tôi là đường phải có dân, phục vụ đời sống nhân dân. Con số hơn 2,2 triệu ngày công làm con đường là con số mà tôi nhớ cả đời. Cùng với vai trò của lực lượng thanh niên xung phong các tỉnh, ngày công của đồng bào các dân tộc Hà Giang chiếm gần một nửa đấy. Người dân đi làm đường rất cực nhọc, cơm đùm, cơm nắm, chịu khổ cực để gánh vác sự nghiệp chung. Vì thế, nếu các anh có viết thì phải viết làm sao để thể hiện được tinh thần của nhân dân. Con đường có công lao của thanh niên xung phong, nhưng không thể không nhắc đến công lao của đồng bào các dân tộc Hà Giang. Thành công vĩ đại là của nhân dân, không thuộc về riêng ai cả. Bản thân tôi cũng chỉ là một trong số nhiều anh em cán bộ giao thông, cán bộ của tỉnh cùng tham gia góp sức. Trong điều kiện khó khăn của cả nước, đường Hạnh Phúc được làm nên bằng tinh thần cộng sản, không ai nghĩ đến chuyện ăn bớt, cắt xén, trên dưới đồng lòng vì sự nghiệp.

Nói về quá khứ, không quên nhắc đến hiện tại, bác Phạm Đình Dy bày tỏ phấn khởi khi được thấy sự chuyển mình, vươn lên của Hà Giang. Đồng thời, bác bày tỏ niềm tin với sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền sự vươn lên của Hà Giang trong tương lai.

Một ngày tháng 6, tôi nhận được tin nhắn rất buồn của một người bạn, người cũng có cùng niềm đam mê ngược về quá khứ... “vậy là bác Phạm Đình Dy đã ra đi!”. Tôi ngược lên dốc Bắc Xum, từ Cổng trời Quản Bạ nhìn về xa xa, nghe làn gió mùa hạ rít lên như biết khóc!. Con đường Hạnh Phúc vẫn còn đây, in khắc hình ảnh một trong số những con người đầy nghiêm túc, trách nhiệm và cống hiến vì sự nghiệp của nhân dân.   

    Huy Toán


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Văn hóa tộc người gắn với phương thức sản xuất trên Cao nguyên đá

BHG- "Thổ canh hốc đá" (TCHĐ), phương thức sản xuất độc đáo không chỉ phản ánh cuộc sống vô vàn khó khăn, vất vả mà còn là bức tranh phản chiếu nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc trên Cao nguyên đá (CNĐ) Đồng Văn. Họ gùi đất, xếp đá thành nương, chăm sóc mỗi ngày để những hạt ngô được nảy mầm xanh tốt. Trải qua bao thế hệ, phương thức sản xuất độc đáo ấy đã được Bộ VHTT&DL vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

30/06/2016
Quang Bình đẩy mạnh khai thác tiềm năng thế mạnh để phát triển du lịch

BHG- Nằm dọc theo tuyến Quốc lộ 279, huyện Quang Bình nối liền với các điểm du lịch nổi tiếng như Bảo Yên, Bắc Hà, Sa Pa của tỉnh Lào Cai; khu du lịch Panhou của huyện Hoàng Su Phì và các làng du lịch cộng đồng của huyện Bắc Quang và huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. 

30/06/2016
Đường Hạnh Phúc, con đường dẫn đến "trái tim" của đá

BHG- Trên trái đất, chỗ nào có những bước chân con người, chỗ đó có đường. Con đường trở nên bình dị, nó là sản phẩm của một quá trình phát triển của xã hội. Nhưng, ở Cao nguyên đá Đồng Văn (CNĐĐV), con đường lại trở thành một di sản, di sản của quá trình chinh phục đá bằng tinh thần đoàn kết, bằng ý chí của con người. Để từ đó, tạo ra một con đường dẫn đến "trái tim" của đá – đường Hạnh Phúc trên CNĐĐV.

30/06/2016
Đêm giao lưu âm nhạc, nhạc sỹ Nguyễn Trùng Thương

BHG - Tối 28.6, tại Trung tâm Văn hóa – Triển lãm tỉnh (TP. Hà Giang), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh tổ chức Đêm nhạc, nhạc sỹ Nguyễn Trùng Thương gắn với chào mừng Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016-2021 và kỷ niệm 15 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28.6.2001-2016)…

29/06/2016