Viết từ một mùa hoa

16:49, 29/01/2016

(Xuân 2016)- Mùa đông trước, Cao nguyên đá Đồng Văn rực sáng trên bản đồ du lịch cả nước khi những cánh hoa Tam giác mạch li ti nhuộm hồng đồi nương, gọi hàng vạn bước chân phiêu lãng đến đắm mình trong sắc hoa, sắc núi. Cả cao nguyên rộn rã tiếng chân người. Tam giác mạch trở thành đề tài trong câu chuyện của người Hà Giang từ vùng cao đến trung tâm huyện lỵ và các xã. Nhiều người dân lâu nay lam lũ với những gốc ngô, giờ trồng Tam giác mạch đã trở thành triệu phú nhờ bán vé cho khách vào chụp ảnh. Hoặc xay, trộn làm bánh, nấu rượu Tam giác mạch giúp khách du lịch mang về làm quà...

Tam giác mạch đang mang đến sức quyến rũ mới cho Cao nguyên đá Hà Giang.
Tam giác mạch đang mang đến sức quyến rũ mới cho Cao nguyên đá Hà Giang.

Sau niềm hân hoan cùng người bản xứ, tôi lãng đãng trong sương muộn giữa rừng mây phủ trắng biên thùy, bên chén rượu ngô nhâm nhi cùng món lẩu Tam giác mạch ngút khói, chợt nhớ câu chuyện với hai thiếu nữ người Mông và Cao Lan: Vàng Thị Mai và Hoàng Thị Bích, đều là học sinh lớp 11, Trường PTDT Nội trú tỉnh Hà Giang, đồng chủ nhiệm Đề tài nghiên cứu khoa học Khai thác giá trị cây Tam giác mạch trồng trên cao nguyên đá Đồng Văn cho phát triển du lịch hồi cuối năm 2014. Tam giác mạch trong kí ức của Mai thật đẹp. Đó không chỉ là ngày cả nhà lên nương vỡ đất trồng “chez”- tên Tam giác mạch theo cách gọi của người Mông - mà còn là chuỗi thời gian no đủ nhất của đồng bào khi vụ ngô vừa kết thúc. Sống giữa đá núi, khi cái rét bắt đầu đổ xuống, cả vùng đất này trở nên xám ngắt thì trên những nương ngô, từ dưới những hốc đá, Tam giác mạch bắt đầu tách ra khỏi hạt, bật lên những mầm lá mảnh mai, ngạo nghễ bất chấp giá rét để vươn mình. Khoảng 7- 8 tuần sau, Tam giác mạch bắt đầu trổ hoa, xòe những cánh mỏng li ti đón nhận sương giá, rồi chắt chiu cóp nhặt, nuôi dưỡng thành những hạt mạch hình trái tim, ôm chặt đài hoa chờ đến ngày thu hoạch.

Vàng Thị Mai đã luôn trăn trở bởi vô số câu hỏi “Khách du lịch vì Tam giác mạch đã đến thăm Đồng Văn. Vậy nhưng họ lên cũng chỉ để chụp ảnh với hoa, ngồi bên hoa, hít căng lồng ngực mùi ngai ngái của hoa, của đất, của mồ hôi người lao động xong rồi về. Người trồng hoa, rõ ràng, chưa nhặt được tiền từ những người vì hoa mà đến. Tại sao vậy? Tam giác mạch, ngoài để ngắm còn giá trị gì khác? Liệu có thể làm tăng thời gian lưu trú của khách từ những sản phẩm của Tam giác mạch?

Hiện thực hóa ý tưởng, Mai và Bích đã chọn, ghi chép tỉ mỉ hoạt động của người địa phương xoay quanh những hạt Tam giác mạch để phân tích, kết hợp lắng nghe, tham khảo ý kiến khách du lịch, nhóm tác giả đã xây dựng đề tài theo nhiều hướng khác nhau. Mai bảo: Ngoài việc trồng để làm bánh, nấu rượu phục vụ nhu cầu gia đình, em muốn mọi người trồng Tam giác mạch tại những điểm có tầm nhìn rộng, điệp trùng giữa núi non để tạo vẻ đẹp cho Cao nguyên đá... Đề tài của nhóm Vàng Thị Mai, Hoàng Thị Bích đã nghĩ ra ý tưởng mang đến cho du khách những trải nghiệm tuổi thơ của mình, những khi cùng bà thức thâu đêm giã mạch để làm những chiếc bánh nướng kịp bán phiên chợ sáng, hoặc ngồi xòe tay ủ ấm bên bếp lửa chờ nấu mẻ rượu Tam giác mạch chỉ đủ đưa cay trong những ngày rét buốt. Khai thác công dụng của cây Tam giác mạch để làm thuốc Đông y chữa một số bệnh...

Hai em Vàng Thị Mai (trái), Hoàng Thị Bích (phải) xem lại Đề tài “Phát huy giá trị Tam giác mạch phục vụ du lịch”.
Hai em Vàng Thị Mai (trái), Hoàng Thị Bích (phải) xem lại Đề tài “Phát huy giá trị Tam giác mạch phục vụ du lịch”.

Rất hào hứng, Mai “vẽ” trước mắt tôi bức tranh màu hồng từ những cánh Tam giác mạch rằng: Anh biết không, sau khi đến ngắm, chụp ảnh với hoa, du khách sẽ được thuyết minh, hướng dẫn cách làm bánh, nấu rượu... như cách người xưa đã làm. Những hoạt động này gắn với nhau sẽ tạo thành chuỗi khép kín, đủ hấp dẫn để giữ khách ở lại Cao nguyên đá lâu hơn. Từ đây họ sẽ hiểu đất, người Hà Giang hơn. Trong quá trình đó, em tin sẽ có những hoạt động phát sinh, và người địa phương sẽ “sống được” nhờ những khoản thu hợp lí.

Bẵng một năm, đến mùa hoa cuối năm ngoái, tôi thực sự ngỡ ngàng khi thấy những đồi hoa ngút ngàn, những hộp bánh, rượu Tam giác mạch bày bán la liệt ở các điểm bán hàng cho khách du lịch như “giấc mơ” Mai, Bích đã “vẽ” trong đề tài của mình. Để có ngày Hội hoa lạ nhất nước, tôi còn biết rằng huyện Đồng Văn đã lập hẳn một “Ban Tam giác mạch” gồm lãnh đạo các phòng để chỉ đạo việc trồng hoa, mở hội. Hoa trồng kín triền núi. Khách du lịch khắp nơi đổ về tạo nên “cơn sốt” chưa từng có ở miền biên viễn. Nhiều hộ dân qua mùa hoa đã thu được tiền triệu từ việc bán vé cho khách vào chụp ảnh, làm bánh, nấu rượu. Một vài bạn trẻ từ vùng thấp cũng đã lên đây thuê đất trồng hoa, làm kinh kế... Hàng loạt dịch vụ du lịch khác ở Đồng Văn, Yên Minh, Mèo Vạc, Quản Bạ và cả thành phố Hà Giang trong mùa hoa này cũng được “lên ngôi”, “thắng lớn”.

Hà Giang đã xây dựng được thương hiệu cho du lịch của mình với hình ảnh hoa Tam giác mạch. Chỉ trong thời gian ngắn, hình ảnh về hoa cũng như Lễ hội hoa Tam giác mạch đã trở thành thỏi “nam châm” hút khách từ khắp mọi miền đất nước. Lượng khách đổ về Hà Giang tăng gấp nhiều lần, khách sạn, nhà hàng không đáp ứng đủ cho nhu cầu của du khách. Du lịch Hà Giang đã có sự thay đổi hết sức ngoạn mục.

Ai cũng hiểu “đại thắng” Tam giác mạch là “trái ngọt” từ những nỗ lực của chính quyền địa phương. Đề tài của Mai và Bích đoạt giải nhất trong “Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh Trung học” do sở Giáo dục & Đào tạo tổ chức, suy cho cùng vẫn chỉ là đề tài của riêng hai cô gái trẻ được sinh ra giữa Cao nguyên đá. Tuy nhiên, sẽ không quá lạc quan khi qua đó có thể tin rằng, thế hệ kế tiếp ở Cao nguyên đá bắt đầu có những trăn trở để phát huy nội lực, tiềm năng của địa phương, vươn lên thoát nghèo. Là thắng lợi bước đầu, tất nhiên sẽ còn nhiều cái để bàn tiếp. Nhưng có thể thấy sự tương đồng về ý tưởng phát huy lợi thế của hoa Tam giác mạch để làm du lịch, từ đó tăng thêm nguồn thu cho tỉnh, cho chính người dân, của hai cô gái trẻ và những người đứng đầu tỉnh. Việc cả người dân và chính quyền cùng tìm thấy “cái mới” trong vô số cái cũ sắp bị lãng quên để phát huy, tạo thành sức mạnh, lợi thế trong cuộc chiến phát triển kinh tế-xã hội của quê hương chính là điều rất đáng mừng. Đó là “thắng lợi” quan trọng nhất trong công cuộc xây dựng và phát triển của mảnh đất Cao nguyên đá khô cằn và xa xôi!

DƯƠNG QUANG TIẾN (Báo Nhân Dân)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

"Lưng chừng núi, lưng chừng mây, không nửa chừng tính cách"

(Xuân 2016)- "Từ miền Nam xuôi ngược đường ra Bắc, mang theo câu hò điệu lý chín dòng sông, mang theo tấm lòng quê hương miệt vườn.." là bài hát mà Đoàn Báo Tây Ninh hát tặng Báo bạn Hà Giang làm quà gặp mặt lần đầu tiên...

29/01/2016
Huyện Đồng Văn sơ kết công tác giáo dục

BHG- Chiều 28.1, huyện Đồng Văn tổ chức hội nghị Sơ kết công tác giáo dục học kỳ I, đề ra phương hướng, nhiệm vụ học kỳ II, năm học 2015 - 2016. 

29/01/2016
Quan tâm tư vấn việc làm đối với sinh viên "học nghề"

(Xuân 2016) - Hiện nay, học nghề và nhận thức về việc học nghề dần thay đổi. Trong năm học 2015 - 2016, Trường Cao đẳng Nghề đặc biệt quan tâm đến việc tư vấn việc làm cho học sinh, sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp. Tích cực liên kết với các công ty có nhu cầu tuyển dụng để đào tạo và cung cấp nguồn lao động có tay nghề phù hợp. 

28/01/2016
Giáo dục - Đào tạo thành phố: "Gặt hái" thành công toàn diện

(Xuân 2016) - Tiếp tục kiên trì đổi mới căn bản, toàn diện công tác giáo dục – đào tạo (GD-ĐT) theo Nghị quyết Trung ương 8, khóa XI, năm học 2014 – 2015, ngành GD&ĐT thành phố đã gặt hái được những thành công khá toàn diện. 

28/01/2016