Nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Lô Lô ở Mèo Vạc

17:05, 29/01/2016

BHG- Chớm Xuân, khi những hạt mưa nhè nhẹ, lất phất bay, những bông hoa đào, hoa mận hé nụ, chúng tôi có dịp đến thăm Làng Văn hóa dân tộc Lô Lô xóm Sảng Pả A, thị trấn Mèo Vạc (Mèo Vạc). Là một trong những dân tộc ít người ở Hà Giang, nhưng đến nay người Lô Lô ở Sảng Pả A vẫn giữ nguyên vẹn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. 

Thiếu nữ Lô Lô may thổ cẩm.
Thiếu nữ Lô Lô may thổ cẩm.

Dẫn chúng tôi đi dọc trong xóm, ông Lò Sì Páo, dân tộc Lô Lô, với 55 tuổi đời song đã có 32 năm làm trưởng xóm, đặc biệt ông vừa vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú - ông Páo cho biết: Xóm Sảng Pả A có 118 hộ gia đình thì có 63 hộ là dân tộc Lô Lô, sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi, dệt thổ cẩm và buôn bán nhỏ trong những ngày chợ phiên. Tuy là xóm nằm tại trung tâm huyện, nhưng người dân trong ở đây vẫn giữ được những nét văn hóa, thể hiện rất rõ trong đời sống, sinh hoạt hàng ngày, trong lễ hội và trong trang phục, nhất là trang phục phụ nữ. Năm 2007 xóm Sảng Pả A được công nhận là Làng Văn hóa du lịch của huyện Mèo Vạc.

Sau khi đi vào hoạt động, huyện Mèo Vạc đầu tư xây dựng nhà văn hóa để phục vụ cho các hoạt động tham quan, du lịch cũng như các hoạt động của xóm. Thành lập Đội văn nghệ dân gian là những người có năng khiếu, nhiệt tình, am hiểu các làn điệu, nhạc cụ truyền thống của dân tộc Lô Lô. Những năm qua, Đội văn nghệ xóm Sảng Pả A luôn phục vụ tốt các đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch và đặc biệt trong dịp Lễ hội Chợ tình Khau Vai hay các ngày lễ lớn được tổ chức hàng năm tại huyện. Bên cạnh đó, Đội văn nghệ còn tham gia biểu diễn tại các tỉnh và T.Ư... Ngoài ra xóm còn thành lập Nhóm thêu thổ cẩm Lô Lô với 24 thành viên. Chị Lùng Thị Minh, Trưởng nhóm cho biết: Hầu hết phụ nữ Lô Lô đều phải học thêu thùa, may vá từ khi còn tấm bé, để lúc lớn lên có thể tự tạo cho mình những bộ trang phục đẹp nhất. Trang phục của người phụ nữ Lô Lô được làm rất công phu, trang trí các loại hoa văn tinh xảo như hình tam giác, hình vuông, hình quả thảo quả… Khăn quấn đầu được trang trí bằng các mô típ hoa văn và các tua vải màu sắc sặc sỡ. Để hoàn thiện một bộ trang phục phải mất 2 đến 3 năm mới xong.

Các thành viên Nhóm dệt thổ cẩm Lô Lô giới thiệu sản phẩm với du khách.
Các thành viên Nhóm dệt thổ cẩm Lô Lô giới thiệu sản phẩm với du khách.

Theo chị Lò Thị Hoa, thành viên Nhóm thêu thổ cẩm chia sẻ: Người phụ nữ Lô Lô không dùng khung mà chỉ cầm miếng vải để thêu, các đường kim mũi chỉ được xử lý rất khéo léo và tinh tế. Sản phẩm mà Nhóm làm ra chủ yếu là hàng lưu niệm như thổ cẩm, trang phục, hàng trang sức... Ngoài trồng trọt và chăn nuôi, hàng tháng các thành viên trong nhóm đều có thu nhập trên 2 triệu đồng từ nghề thêu các sản phẩm. 

Người Lô Lô có nhiều lễ hội, nhưng tiêu biểu là Lễ mừng ngô mới và Lễ hội cầu mưa. Theo ông Lò Sì Páo: Do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, chỉ trồng được một vụ ngô vào cuối mùa xuân sang đầu mùa hè, nên thường thu hoạch vào tháng 9 và tháng 10. Sau khi thu hoạch xong, người dân tiến hành tổ chức lễ mừng ngô mới. Trong ngày lễ thường có các lễ vật như rượu, xôi, gà hoặc lợn được tổ chức tại một mảnh nương đã thu hoạch xong. Họ mời thầy cúng đến làm lễ cảm tạ thần nông, tổ tiên, trời đất và cầu khấn cho năm sau mưa thuận, gió hoà, làm cho mùa màng tốt tươi... Lễ mừng ngô mới được duy trì hàng năm và được tổ chức trang trọng nhưng tiết kiệm.

Dưới bàn tay khéo léo
Nhiều sản phẩm phong phú, đẹp mắt được chính bàn tay khéo léo của những người phụ nữ Lô Lô làm ra.

Lễ hội Cầu mưa thường diễn ra vào đầu tháng 3 (âm lịch) hàng năm, với những nghi thức độc đáo, được lưu truyền từ đời này tới đời khác, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Đây là một lễ hội tín ngưỡng phồn thực, họ tâm nguyện, cầu khấn, ước ao năm nay có nhiều hạt mưa rơi xuống tưới cho nương rẫy ngày càng xanh tốt, cho dân bản được mùa, đời đời no ấm. Đồ để tế lễ bao gồm gà trống, chó, thanh kiếm bằng gỗ hoặc sắt, bát nước, chén rượu; ống hương bằng tre tượng trưng cho 4 phương trời, cùng với hương, giấy vàng, bạc. Một vật tế lễ không thể thiếu được trong lễ hội cầu mưa của đồng bào Lô Lô đó là trống đồng và đàn nhị. Thông qua việc tổ chức lễ hội, bà con dân tộc Lô Lô còn truyền dạy cho con cháu của mình niềm tự hào và giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc. Ngoài ra, đồng bào Lô Lô còn có vốn văn hoá dân gian phong phú, thể hiện qua những điệu múa, làn điệu dân ca, truyện cổ tích...

Nói về công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa quý báu của đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó có dân tộc Lô Lô, đồng chí Nguyễn Cao Cường, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: Hiện nay, cùng với sự phát triển và giao thoa giữa các dân tộc trên địa bàn huyện, nhiều bản sắc riêng đã và đang có nguy cơ bị mai một. Do đó huyện thường xuyên tuyên truyền cho người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, đồng thời lựa chọn những nét văn hóa đặc sắc tiêu biểu đưa vào trường học; cùng với đó hàng năm phối hợp cùng với các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động văn hóa – văn nghệ, các lễ hội dân gian…

Chia tay xóm Sảng Pả A khi những tia nắng cuối chiều khuất sau rừng đá, nhưng những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào nơi đây vẫn sáng mãi trong tâm hồn chúng tôi. Với những tiềm năng, thế mạnh cùng những nét văn hóa đặc sắc, hy vọng Làng văn hóa du lịch xóm Sảng Pả A sẽ luôn là địa chỉ quen thuộc của du khách trên khắp mọi miền đất nước khi đến với Mèo Vạc. 

Hát múa trong Lễ hội Cầu mưa.
Hát múa trong Lễ hội Cầu mưa.

Bài, ảnh: THANH THỦY - PHAN MẠNH 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Huyện Đồng Văn sơ kết công tác giáo dục

BHG- Chiều 28.1, huyện Đồng Văn tổ chức hội nghị Sơ kết công tác giáo dục học kỳ I, đề ra phương hướng, nhiệm vụ học kỳ II, năm học 2015 - 2016. 

29/01/2016
"Lưng chừng núi, lưng chừng mây, không nửa chừng tính cách"

(Xuân 2016)- "Từ miền Nam xuôi ngược đường ra Bắc, mang theo câu hò điệu lý chín dòng sông, mang theo tấm lòng quê hương miệt vườn.." là bài hát mà Đoàn Báo Tây Ninh hát tặng Báo bạn Hà Giang làm quà gặp mặt lần đầu tiên...

29/01/2016
Viết từ một mùa hoa

(Xuân 2016)- Mùa đông trước, Cao nguyên đá Đồng Văn rực sáng trên bản đồ du lịch cả nước khi những cánh hoa Tam giác mạch li ti nhuộm hồng đồi nương, gọi hàng vạn bước chân phiêu lãng đến đắm mình trong sắc hoa, sắc núi. Cả cao nguyên rộn rã tiếng chân người. 

29/01/2016
Giáo dục - Đào tạo thành phố: "Gặt hái" thành công toàn diện

(Xuân 2016) - Tiếp tục kiên trì đổi mới căn bản, toàn diện công tác giáo dục – đào tạo (GD-ĐT) theo Nghị quyết Trung ương 8, khóa XI, năm học 2014 – 2015, ngành GD&ĐT thành phố đã gặt hái được những thành công khá toàn diện. 

28/01/2016