Loại bỏ những "rào cản" phát triển du lịch

07:46, 06/05/2015

BHG - Sản phẩm du lịch (DL) chưa đa dạng, chưa mang tính đặc thù thể hiện rõ thế mạnh, còn trùng lặp với các tỉnh lân cận; việc khai thác yếu tố văn hóa bản địa còn hạn chế; chất lượng nguồn lực du lịch vừa thiếu, vừa yếu; cơ sở lưu trú, nhà hàng chưa đáp ứng yêu cầu; công tác quảng bá, xúc tiến chưa được đẩy mạnh... Đây là những rào cản cần loại bỏ để tỉnh ta sớm đạt mục tiêu trở thành vùng trọng điểm DL Quốc gia, vùng kết nối giữa Đông Bắc - Tây Bắc.

Tính đến thời điểm hiện tại, mặc dù các yếu tố cốt lõi của DL chưa phát triển như mong muốn, nhưng lượng du khách đến tỉnh ta đã tăng nhanh với con số 650 nghìn lượt vào năm 2014, tăng 25% so với năm 2013, doanh thu đạt gần 600 tỷ đồng. Dự báo của cơ quan chuyên môn xác định, năm 2015 lượng khách DL sẽ đạt khoảng 800 nghìn lượt, trong đó khách quốc tế đạt 250 nghìn lượt, doanh thu DL bình quân hàng năm trên 25%, chiếm 35% tỷ trọng GDP của tỉnh. Tuy nhiên, qua hội thảo chuyên đề về phát triển DL mới đây, phần lớn ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học đều cho rằng: DL tỉnh ta còn nhiều hạn chế, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư tại các khu, điểm DL thiếu đồng bộ, nhất là trong thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt, các doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư phát triển DL.

Múa khèn Mông tại chợ tình Khâu Vai (Mèo Vạc). Ảnh: huy Toán
Múa khèn Mông tại chợ tình Khâu Vai (Mèo Vạc). Ảnh: huy Toán

Theo kết quả nghiên cứu của Vụ Xã hội - Ban Kinh tế T.Ư: Thời gian qua, tỉnh ta có nhiều chủ trương, chính sách, thể hiện rõ quyết tâm, khẳng định nỗ lực rất lớn trong phát triển DL. Nhưng, kết quả đạt được chưa tương xứng tiềm năng vốn có, chưa khai thác triệt để lợi thế tự nhiên của vùng, hệ thống sản phẩm DL còn nghèo, đơn điệu. Cho đến nay, tài nguyên DL tự nhiên, nhân văn chưa được thống kê, đánh giá, phân loại và xếp hạng để quản lý khai thác một cách bền vững, hiệu quả. Điều này dẫn tới, tài nguyên DL thì nhiều, nhưng lại khai thác theo kiểu ăn sổi, mới dừng ở bề nổi, khai thác cái sẵn có, chưa phát huy giá trị tài nguyên. Việc khai thác bừa bãi, cạn kiệt tài nguyên DL gắn với quá trình cạnh tranh và trách nhiệm các bên không rõ ràng, dẫn tới nguy cơ suy thoái nhanh giá trị tài nguyên. Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng tiếp cận điểm đến còn nghèo, thiếu đồng bộ, chất lượng thấp, chưa kết nối thành mạng lưới; cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở lưu trú và dịch vụ DL đã, đang phát triển, nhưng nhìn chung về tầm cỡ quy mô, tính chất tiện nghi, phong cách sản phẩm DL còn nhỏ lẻ, vận hành chưa chuyên nghiệp, chưa hình thành được hệ thống khu DL Quốc gia với thương hiệu nổi bật. Đối với nguồn nhân lực DL, tuy có nhiều đổi mới nhưng vẫn chưa đáp ứng được về kỹ năng chuyên nghiệp, hội nhập; lực lượng lao động tuy đông nhưng tỷ lệ đào tạo bài bản còn thấp. Công tác quản lý Nhà nước về DL chậm được đổi mới, thủ tục hành chính rườm rà, chồng chéo. Nhận thức về DL cả ở cấp quản lý Nhà nước, quản lý kinh doanh và trong dân còn thấp, chưa đầy đủ, còn khoảng cách xa so với yêu cầu phát triển.

Nói về đường đi cho DL, PGS.TS Phạm Trương Hoàng - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ nhiều thông tin, gợi mở cách làm rất thú vị. Theo ông, tỉnh ta nằm trong khu vực giàu tài nguyên DL cảnh quan, sinh thái, đặc biệt Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn tạo ra nét độc đáo riêng biệt. Giá trị mang tầm quốc tế của CVĐC là cơ sở xây dựng hình ảnh, thu hút khách DL từ nhiều luồng khác nhau. Lợi thế về vị trí địa lý của tỉnh mở rộng hơn khi Cửa khẩu Thanh Thủy được nâng cấp thành Cửa khẩu Quốc tế, tạo cơ hội khai thác thị trường hàng trăm triệu dân khu vực Nam Trung Quốc, biến Hà Giang thành một trong những điểm chung chuyển DL quốc tế.

Mặc dù khẳng định có nhiều lợi thế, nhưng PGS.TS Phạm Trương Hoàng cũng thẳng thắn chỉ rõ, DL tỉnh ta còn nhiều khó khăn, hạn chế khả năng liên kết vùng. Hạn chế đầu tiên chính là hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt đường giao thông chưa phát triển. Tại một số địa bàn DL, không gian hẹp cùng với điều kiện cơ sở hạ tầng hạn chế đã cản trở sự phát triển quy mô lớn; điều kiện cơ sở phục vụ DL còn hạn chế, số lượng khách sạn, nhà nghỉ chưa nhiều, chất lượng chưa cao. Điều quan trọng hơn cả là việc định vị sản phẩm, với ý nghĩa xây dựng một hình ảnh riêng của DL Hà Giang trong mắt du khách. Hệ thống sản phẩm DL của tỉnh có nhiều tiềm năng, vấn đề nằm ở khả năng sáng tạo, xây dựng và phát triển để nó tinh túy, độc đáo. Đi cùng với đó là quá trình thể hiện sản phẩm, diễn giải giá trị, tạo trải nghiệm và kết gắn các sản phẩm. Cao nguyên đá Đồng Văn có giá trị mang tính Toàn cầu, nhưng giải thích nó thế nào, sản phẩm DL cộng đồng có những điểm gì khác, điểm gì độc đáo, điểm gì đem lại sự trải nghiệm cho khách vẫn là những bài toán chưa được giải rõ ràng - PGS.TS Phạm Trương Hoàng đặt vấn đề.

Còn đại diện Tổng cục DL chỉ rõ, Hà Giang cần tập trung xây dựng bộ sản phẩm DL đặc thù mang màu sắc riêng, hình thành chuỗi giá trị cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu từng nhóm thị trường mục tiêu. Sản phẩm DL hiện có chưa thể hiện được nét nổi bật và đặc trưng riêng tạo sự khác biệt, chất lượng dịch vụ chưa cao dẫn tới giá trị gia tăng thấp. Sau chặng đường dài quanh co, sản phẩm DL chỉ dừng lại ngắm cảnh quan thiên nhiên, chụp hình, tham quan di tích hoặc thưởng thức vài món ăn truyền thống thì chưa thỏa mãn mong đợi của du khách đến Hà Giang. Đồng thời, qua thông tin phản hồi của những người đi trước, người đi sau sẽ lựa chọn các điểm đến ở Lào Cai, Tuyên Quang, Lạng Sơn... có sản phẩm đa dạng hơn, chất lượng dịch vụ cao hơn, hành trình thuận tiện hơn nhưng có cùng những cảm nhận về phong cảnh, phương thức giao lưu với đồng bào và cùng mức chi phí.

Nghiên cứu về định hướng phát triển DL của các nhà khoa học, nhà quản lý đã chỉ rõ những “lỗ hổng” cần sớm được loại bỏ. Kết thúc bài viết, chúng tôi xin mượn lời của PGS.TS Phạm Trương Hoàng với những tâm huyết của nhà nghiên cứu, mong ngành chức năng, doanh nghiệp lữ hành, người làm DL quan tâm: Hà Giang đang có nhiều cơ hội phát triển DL cũng như liên kết với các địa phương lân cận, nhưng còn nhiều việc cần phải làm để thực sự có vị trí trong mạng lưới DL khu vực, trong cả nước và kết nối quốc tế. Trước hết, cần có những định hướng rõ ràng về tập trung phát triển cơ sở hạ tầng; cần định vị, xây dựng một hình ảnh DL riêng, xây dựng cơ chế hợp tác và chương trình hành động cụ thể cho quá trình hợp tác, phát triển DL trong khu vực...

THIÊN THANH


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hang Rồng - điểm nhấn mới về du lịch trên Cao nguyên đá

BHG- Đến với Công viên Địa chất Toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn, bạn sẽ được đắm chìm trong cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ; được trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc vùng cao, say đắm lòng người. Bởi, đây chính là vùng đất có tiềm năng du lịch lớn nhất, khi tạo hóa ban cho cấu tạo địa chất đặc biệt. 

30/04/2015
Quang Bình sức trẻ!

Quang Bình yêu dấu của chúng ta

Theo Đảng, Bác Hồ bước tiến xa

Đảng bộ, nhân dân cùng ý chí

Quyết tâm phấn đấu dựng quê nhà.

30/04/2015
Nếu có ước muốn trong cuộc đời này

40 năm đã qua rồi

Bạn bè tôi ngấp nghé tuổi 60

Đứa lên ông, kẻ lên bà, có người đã mất

Đứa nhiều lo toan cuộc đời chật vật

Đứa gặp may, thành đạt ung dung

Bạn bè tôi giờ khắp Bắc, Nam, Trung

Có những đứa theo nghề nông học

Lo cái ăn chật vật cho đời

29/04/2015
Cây Bồ đề ở Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn

Cây Bồ Đề có từ khi những linh hồn liệt sĩ về đây yên nghỉ

Cây cứ lớn xanh - xanh màu áo lính

Tán lá tỏa rộng - vòng tay mẹ chở che con khuya sớm...

Trong gió rì rào – tiếng mẹ ru...

29/04/2015