Hà Giang

Khó khăn trong công tác dạy và học ở Liên Hiệp

06:51, 23/04/2015

BHG- Thật xót xa khi phải hình dung việc các cháu lớp nhà trẻ, mẫu giáo đến lớp 1 học ghép trong cùng một không gian – Nhà Hội trường kiêm nhà Văn hóa thôn (sau đây, gọi tắt là điểm trường), với điều kiện cơ sở vật chất (CSVC) nghèo nàn: Không có quạt điện ngày oi bức, không nguồn nước sinh hoạt và không có cả nhà vệ sinh... Thực tế đáng trăn trở này, đã và đang tồn tại qua nhiều thập kỷ tại điểm trường thôn Đi và thôn Tân Thành 3 của xã Liên Hiệp (Bắc Quang).

Nhiều thôn không có điểm trường MN đang là thực trạng chung cho sự nghiệp “trồng người” ở xã Liên Hiệp Trong ảnh: Giờ sinh hoạt của các bé lớp MN 3-5 tuổi, tại Hội trường thôn Đi.
Nhiều thôn không có điểm trường MN đang là thực trạng chung cho sự nghiệp “trồng người” ở xã Liên Hiệp Trong ảnh: Giờ sinh hoạt của các bé lớp MN 3-5 tuổi, tại Hội trường thôn Đi.

Cơ sở vật chất nghèo nàn

Về điểm Trường Mầm non (MN) thôn Đi những ngày nắng cuối Xuân, bao cháu nhỏ vẫn thỏa sức vui chơi, học tập mặc mồ hôi thấm ướt áo mà chưa bao giờ có quạt điện để xoa dịu cái nóng. “Chỉ cách đây vài tháng, Hội trường thôn (HTT) Đi mới được kéo điện, giúp cô, trò có điện thắp sáng. Còn ước muốn về chiếc quạt điện, sử dụng khi trời nắng nóng tại điểm trường, không biết đến bao giờ mới trở thành hiện thực!”, cô giáo Dương Thị Oanh chia sẻ. Chung hoàn cảnh trên, đầu tháng 4.2015, HTT Tân Thành 3 mới được kéo điện sinh hoạt. Thế nhưng, hạng mục trên vẫn chưa hoàn thành do thiếu nguồn kinh phí đầu tư, mặc dù con số này chưa vượt quá 7 triệu đồng (theo tính toán của thôn). “Với điều kiện kinh tế khó khăn, có lẽ, chúng tôi phải làm tờ trình xin UBND xã Liên Hiệp hỗ trợ một phần kinh phí. Phần còn lại, thôn sẽ huy động nguồn xã hội hóa trong dân để hoàn thiện đường điện thắp sáng”, Trưởng thôn Tân Thành 3, Hoàng Ngọc Vĩnh trăn trở.

Song hành với khó khăn trên, tại các điểm trường đều không có công trình nước sinh hoạt và công trình nhà vệ sinh. Do vậy, việc các cháu sau giờ hoạt động ngoài trời, học tạo hình hoặc nô đùa khiến chân tay lấm bẩn sẽ không có nước để rửa chân, tay. Hơn nữa, mọi nhu cầu vệ sinh của trẻ ở điểm trường thôn Đi đều sử dụng chung một chiếc bô (đặt ở góc lớp). Sau buổi học, chiếc bô này được các cô vệ sinh bằng cách... đổ trực tiếp ra môi trường xung quanh, vì không có công trình xả thải! Bất tiện nhất là việc, sau khi đi vệ sinh, các cô nuôi dạy trẻ phải sử dụng phần nước uống của mình (mang sẵn từ nhà đến lớp), dùng vào việc vệ sinh cho các cháu... Còn các bé lớp nhà trẻ, mẫu giáo và cả tiểu học của điểm trường thôn Tân Thành 3 cùng vệ sinh chung tại góc sân nhà HTT. “Điều này khiến không khí bị ô nhiễm nhưng chúng tôi không có cách giải quyết vấn đề một cách tốt hơn. Ban đầu, các cô giáo cũng đào hố, che lá cọ để các bé, nhất là học sinh lớp 1 có chỗ vệ sinh. Nhưng “công trình” này nhanh chóng phải rỡ bỏ, vì thôn Tân Thành 3 cần sử dụng phần đất trên vào mục đích khác”, cô Hoàng Thị Tỉnh giãi bày. Còn với các cô, việc giải quyết nhu cầu vệ sinh trở nên vô cùng bất tiện, khi ngày nào cũng phải xuống nhà dân... xin giải quyết vấn đề riêng.

Khó khăn khi học ghép

Theo nhận xét của nhiều cô nuôi dạy trẻ ở xã Liên Hiệp: Đến lớp, được giao tiếp bằng tiếng Việt, giúp trẻ tự tin, xóa dần sự bất đồng ngôn ngữ khi các em đều là con của đồng bào các dân tộc thiểu số: Tày, Nùng, Dao,... Đặc biệt, dưới sự uốn nắn, dạy bảo của cô về bài học lễ phép giúp các bé chăm ngoan, biết vâng lời và hình thành nhiều thói quen tốt như: Biết đi vệ sinh, vứt rác đúng nơi quy định, giữ quần áo sạch sẽ,... Thế nhưng, do không có điểm trường MN, phải học ghép nhiều lớp tại Nhà HTT khiến việc chăm sóc, dạy bảo trẻ của cô giáo thêm nhọc nhằn.

Chỉ với chiều rộng 75 m2, cùng các bức vách bằng gỗ và mái lá cọ đang xuống cấp nhưng HTT Tân Thành 3 vẫn là nơi sinh hoạt, học tập của 47 cháu thuộc các lớp: Nhà trẻ, MN và cấp tiểu học (với 12 học sinh của lớp 1G). Theo đó, để đảm bảo không gian cho cả 3 lớp học, khoảng 1/3 HTT đầu tiên được kê bục cao, có cây tre bao xung quanh, tạo thành chiếc “cũi” lớn ngăn không cho các bé của lớp 24-36 tháng tuổi “lấn” diện tích của lớp MN 3-5 tuổi sinh hoạt bên dưới. Riêng một nửa HTT còn lại được ngăn làm đôi bởi bức tường gỗ, dành không gian học tập cho cấp tiểu học. Cô giáo Hoàng Thị Tỉnh, giáo viên dạy lớp 1G chia sẻ: Việc nhiều lớp cùng học ghép trong một không gian như thế này, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng dạy và học của cô, trò. Bởi việc sinh hoạt, học tập của các bé ở từng lớp học khác nên trong cùng một không gian, khó có thể tập trung sự chú ý của các bé vào hoạt động mà cô đang hướng dẫn. Nhiều khi tôi phải ngừng giảng bài, chờ các lớp bên cạnh qua tiết học hát, kể chuyện,... thì mới tiếp tục giảng bài cho học sinh”...

Khắc phục khó khăn về CSVC, sự hạn chế trong công tác dạy học (học ghép, trang trí lớp theo chủ điểm) khi học nhờ HTT, bao cô giáo ở Liên Hiệp đã nâng niu, dạy bảo các em nhỏ bằng tình yêu nghề, sự mến trẻ của mình. Nhưng thiết nghĩ, đó mới chỉ là yếu tố cần chứ chưa đủ. Biết bao thế hệ phụ huynh và giáo viên ở Liên Hiệp vẫn luôn mong đợi sự sẻ chia, giúp sức của các cấp, ngành để các em nhỏ đồng bào dân tộc thiểu số có môi trường học tập theo đúng nghĩa, như chính lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân”.

THU PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xín Mần tổ chức Lễ khai hội Đền thần Hoàng Vần Thùng lần thứ II

BHG- Ngày 22.4, UBND thị trấn Cốc Pài (Xín Mần), Ban Quản lý Đền thần Hoàng Vần Thùng đã tổ chức lễ khai hội lần thứ II. 

23/04/2015
Công bố Quyết định công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Tết Khu Cù Tê

BHG- Tối 20.4, tại xã Bản Phùng, UBND huyện Hoàng Su Phì tổ chức công bố Quyết định công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Tết Khu Cù Tê của dân tộc La Chí; Quyết định xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh khu mộ cổ Hoàng Vần Thùng tại xã Bản Phùng, Bản Máy. /o:p>

 

21/04/2015
Phát triển dịch vụ du lịch theo hướng đồng bộ, đậm nét văn hóa đặc trưng

BHG- Phát triển dịch vụ - du lịch là một hướng mũi nhọn của tỉnh trong phát triển kinh tế, xây dựng Hà Giang trở thành điểm du lịch tầm cỡ trong và ngoài nước là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh ta, nhất là khi tỉnh ta sở hữu một trong hai Công viên địa chất Toàn cầu của khu vực Đông Nam Á. Việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, những di tích địa mạo, địa chất để phát triển ngành Du lịch đang cần sự quan tâm sát sao của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp.

21/04/2015
Ngành Giáo dục và Đào tạo tổng kết phong trào thi đua yêu nước và Biểu dương điển hình tiên tiến giai đoạn 2010 – 2015

BHG- Sáng 21.4, ngành Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tỉnh tổ chức Hội nghị Tổng kết phong trào thi đua yêu nước và biểu dương gương điển hình tiên tiến giai đoạn 2010 – 2015. 

21/04/2015