Hà Giang

Bản Lạn đìu hiu du khách (!)

15:43, 01/04/2015

BHG- Trong khi có hàng ngàn lượt du khách đến với các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Hà Giang trong dịp Xuân  ẤT Mùi vừa qua thì Làng văn hoá du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng NTM thôn Bản Lạn, thị trấn Yên Phú (Bắc Mê) lại rơi vào tình trạng “ế khách” du lịch. Nguyên nhân được ngành chức năng địa phương đưa ra là do thiếu chuyên nghiệp trong cách làm và sự đơn điệu các sản phẩm du lịch.

Các nhà lưu trú được xây dựng thân thiện với môi trường, cảnh quan nhưng không có bóng dáng khách du lịch.
Các nhà lưu trú được xây dựng thân thiện với môi trường, cảnh quan nhưng không có bóng dáng khách du lịch.

Làng văn hoá du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng NTM thôn Bản Lạn được đầu tư xây dựng theo tuyên bố Panhou. Sau 3 năm triển khai thực hiện, Bản Lạn đã đạt 8/10 tiêu chí theo quy định. Có thể khẳng định, chất lượng cuộc sống của người dân Bản Lạn đã có sự “thay da, đổi thịt” khi đạt nhiều tiêu chí xây dựng Nông thôn mới: 100% số hộ ở Bản Lạn đã làm xong đường nhánh vào nhà, di dời chuồng trại, có công trình nước sạch, nhà vệ sinh, nhiều hộ trong thôn được gắn biển mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp”. Bản Lạn chỉ có 47 hộ, nhưng chỉ còn 1 hộ nghèo do mới tách hộ, phấn đấu hết năm 2015, Bản Lạn sẽ xóa nghèo; nhiều mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao phát triển mạnh.

Thăm Bản Lạn khi bóng chiều đang buông dần sau dãy núi, du khách có cảm giác như đang khám phá một thung lũng nhỏ, hẹp chạy dọc theo con suối, mờ ảo trong khói chiều; những hàng đào, mận hai bên con đường dẫn vào thôn đang mùa trĩu quả, những ngôi nhà mới mang đậm nét văn hóa người Tày khang trang, sạch đẹp, tiếng máy sao chè rền vang, không khí vui chơi thể thao của người dân sôi động cả khoảng sân nhà văn hóa...

Với mục đích xây dựng Bản Lạn thành điểm du lịch hấp dẫn, huyện Bắc Mê đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ người dân mua chăn, màn, ga, gối, đệm làm cơ sở lưu trú phục vụ và đón tiếp khách du lịch với số tiền hàng chục triệu đồng, có thể đảm bảo đón tiếp từ 20 – 50 khách du lịch lưu trú, mua sắm trang phục và dụng cụ sinh hoạt của đồng bào dân tộc Tày trưng bày tại nhà văn hoá cộng đồng của thôn; tổ chức các lớp tập huấn về hướng dẫn khách du lịch, nấu ăn, vệ sinh ATTP cho các hộ tham gia, ra mắt Ban quản lý Làng văn hoá, tổ An ninh - Trật tự, Tổ Ẩm thực, HTX sản xuất và chế biến chè; Đội văn nghệ của thôn thường xuyên luyện tập, đáp ứng tốt nhu cầu của khách du lịch. Khi đến với Bản Lạn, du khách có thể được ngắm cảnh núi non hùng vĩ, hòa cùng nhịp sống với người dân, cùng lao động sản xuất, vui chơi thể thao, nghe câu then, câu cọi tha thiết, gọi mời...

Theo đề án được phê duyệt, sự đầu tư về cơ sở vật chất và cuộc sống của người dân đã thực sự được nâng cao; tuy nhiên, trên thực tế, trong những năm qua, Bản Lạn đón rất ít khách du lịch, mỗi năm chỉ vài chục lượt người. Theo Trưởng thôn Nguyễn Văn Tuyên, thì ngay cả trong những ngày thôn tổ chức Lễ hội Lồng Tồng và các hoạt động văn hóa vui Xuân, cũng chỉ có vài lượt khách nước ngoài vào tham quan, xong họ đi ngay, tuyệt nhiên không có một du khách nào lưu trú.

Qua tìm hiểu được biết, tuy Bản Lạn được đầu tư xây dựng theo các tiêu chí Làng văn hoá du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng NTM, nhưng các sản phẩm du lịch cộng đồng ở Bản Lạn rất đơn điệu; trong khi việc sản xuất nông nghiệp của người dân thực hiện theo mùa vụ và phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, du khách khi lưu trú ở Bản Lạn ngoài việc cùng người dân đi hái chè, sao chè, nghe hát then, hát cọi, chơi thể thao thì không có hoạt động văn hóa nào đặc sắc; không có điểm du lịch khám phá hấp dẫn ngoài việc ngắm núi non, không có món ẩm thực đặc trưng để níu giữ du khách, thậm chí không có sản phẩm truyền thống làm quà lưu niệm và đặc biệt cho đến cuối năm 2014, sóng điện thoại duy nhất là Viettel cũng mới được phủ sóng, các dịch vụ du lịch hầu như không có. Chưa kể, nguồn kinh phí xây dựng hạn hẹp, chưa đúng tiến độ, trình độ và nhận thức của một số ít hộ nhân dân về vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế của địa phương chưa cao, công tác xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch của huyện nói chung và của Làng văn hóa du lịch tiêu biểu nói riêng chưa được đầu tư thích đáng, các ngành chức năng của huyện dường như đang đứng ngoài cuộc; công tác phát triển và quản lý du lịch còn lúng túng, bất cập, việc phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương chưa thực sự đem lại hiệu quả hấp dẫn để thu hút nhân dân đầu tư, vào cuộc.

Trưởng thôn Bản Lạn, Nguyễn Văn Tuyên chia sẻ thêm: “Một vài du khách nước ngoài ghé thăm Bản Lạn, họ muốn ở lại để được khám phá, trải nghiệm cùng cuộc sống người dân, nhưng lại “thất vọng” ra về vì các hoạt động ở đây đơn điệu và nhàm chán. Người dân chỉ biết đón khách du lịch khi họ đến, còn làm thế nào để hấp dẫn, gọi mời và níu chân họ thì vẫn còn là những câu hỏi chưa thể tự trả lời...”?

Theo tìm hiểu của phóng viên, đìu hiu khách du lịch cũng đang là tình trạng chung đối với các điểm du lịch khác trên địa bàn huyện Bắc Mê. Bản Lạn sẽ đạt tiêu chí xây dựng Nông thôn mới, nhưng để thực sự trở thành một điểm du lịch hấp dẫn, mang lại nguồn thu nhập cho người dân thì cần thiết phải “xốc lại” từ công tác quản lý, tổ chức thực hiện, quảng bá du lịch đến việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tạo thương hiệu riêng để gọi mời và giữ chân du khách. Với lợi thế đặc thù của mình, Bắc Mê đang hướng đến phát triển du lịch, dịch vụ thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Mong muốn trong thời gian tới, những điểm du lịch trên địa bàn huyện sẽ không rơi vào tình trạng... “đìu hiu” (!?)

SÔNG GÂM


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Quản Bạ phát huy hiệu quả hoạt động của Hội Nghệ nhân dân gian

BHG- Huyện Quản Bạ có 13 xã, thị trấn với 18 dân tộc sinh sống gồm dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng và một số người dân tộc ít người khác... Mỗi dân tộc có những nét văn hóa truyền thống riêng biệt và các lễ hội lớn như: Lễ Cấp Sắc của dân tộc Dao, Lễ hội Gầu tào dân tộc Mông, Lễ hội Lồng Tồng dân tộc Tày... Cùng với sự đa dạng bản sắc văn hóa dân tộc như hát giao duyên, hát then, hát cọi, thổi khèn; các làng nghề đúc, rèn, nghề dệt lanh... 

31/03/2015
Những trăn trở về nền giáo dục

BHG- Sau khi đọc xong Thư ngỏ của Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh gửi ngành Giáo dục tỉnh, tôi lục lại ký ức và những dòng tâm sự của mình trên Facebook mà tôi đã chia sẻ cách đây hơn 1 năm, với nội dung:

31/03/2015
Thu hút du khách từ các lễ hội

BHG- Toàn tỉnh hiện có khoảng 26 lễ hội được tổ chức mỗi năm, chủ yếu là các lễ hội dân gian truyền thống, phản ánh sự đa dạng trong đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Hiện nay, khi du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, các lễ hội này mang thêm "sứ mệnh": Thu hút khách du lịch.

31/03/2015
Triển khai Đề án giáo dục kỹ năng sống cho học sinh phổ thông

BHG- Ngày 30.3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý chủ trì buổi làm việc với một số sở, ngành, các huyện, thành phố và trường học trên địa bàn về triển khai thực hiện đề án "Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2020". Dự buổi làm việc có đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ngành và các huyện, thành phố.

31/03/2015