Thu hút du khách từ các lễ hội

07:16, 31/03/2015

BHG- Toàn tỉnh hiện có khoảng 26 lễ hội được tổ chức mỗi năm, chủ yếu là các lễ hội dân gian truyền thống, phản ánh sự đa dạng trong đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Hiện nay, khi du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, các lễ hội này mang thêm “sứ mệnh”: Thu hút khách du lịch.

Lễ dâng hương miếu Ông, miếu Bà trong Tuần văn hóa du lịch Lễ hội Chợ tình Khau Vai.
Lễ dâng hương miếu Ông, miếu Bà trong Tuần văn hóa du lịch Lễ hội Chợ tình Khau Vai.

Hà Giang là địa phương có nhiều dân tộc cùng sinh sống, kéo theo sự đa dạng trong đời sống văn hóa, tâm linh; đã có nhiều lễ hội mang đậm nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số được tổ chức như: Lễ hội Nhảy Lửa của người Pà Thẻn; Lễ Cấp Sắc của người Dao; Lễ hội Gầu Tào của người Mông; Tết Khu Cù tê của người La Chí; Lễ hội Múa Trống của dân tộc Giáy... Bên cạnh đó, mấy năm gần đây, để cổ vũ tinh thần lao động sản xuất, tạo không khí vui vẻ đón Xuân và đáp ứng nhu cầu của người dân... trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số lễ hội hiện đại như: Lễ hội Đường phố; Lễ hội chọi trâu, chọi dê, chọi bò, chọi chim, đấu ngựa, đua thuyền, đua mảng... Các lễ hội mới góp phần  làm phong phú, đa dạng thêm các hoạt động văn hóa trên địa bàn tỉnh; tuy nhiên, sự xuất hiện tràn làn các lễ hội theo kiểu “ăn theo” của các địa phương đang đặt ra cho ngành chức năng nhiều vấn đề  trăn trở trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội.

Có thể dễ dàng điểm qua Lễ hội Chọi trâu xã Trung Thành (Vị Xuyên) nay đã xuất hiện ở Quang Bình, Bắc Quang; TP Hà Giang; Lễ hội Chọi dê xuất phát từ các huyện phía Tây, thì nay các huyện Quản Bạ, Mèo Vạc, Bắc Mê, Bắc Quang... đều tổ chức. Các lễ hội này phần lớn dồn dập diễn ra vào dịp đầu Xuân không chỉ gây nên sự nhàm chán, manh mún mà còn chưa tạo được dấu ấn riêng; phạm vi tổ chức chỉ mới dừng lại ở cấp xã, sức lan tỏa không lớn, chủ yếu phục vụ nhu cầu của người dân địa phương và chưa hấp dẫn để thu hút khách du lịch.

Gần đây, lượng khách du lịch đến với Hà Giang tăng lên đáng kể, nguyên nhân là do sức hút từ các lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, di sản và điểm du lịch hấp dẫn; nếu có sự hấp dẫn về lễ hội, thì chỉ duy nhất có Tuần văn hóa du lịch Lễ hội Chợ tình Khau Vai thu hút được đông đảo du khách. Là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch nhưng hiệu quả mà ngành này mang lại cho sự phát triển kinh tế chưa cao; để thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, du lịch Hà Giang cần được “nâng tầm”, trong đó có văn hóa về lễ hội.

Thực tế, các hoạt động văn hóa lễ hội trên địa bàn tỉnh ta hiện nay cơ bản vẫn giữ được bản sắc văn hóa, nguyên bản sơ khai, không có các hiện tượng mê tín, dị đoan và các hoạt động thương mại hóa. Tuy nhiên công tác tổ chức và quản lý lễ hội cần đi vào nề nếp, tạo điểm nhấn riêng biệt của Hà Giang. Mới đây, nhằm tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 565/UBND - VX ngày 14.2, yêu cầu các cơ quan, đơn vị chủ trì tổ chức lễ hội, ngày hội phải chịu trách nhiệm về kế hoạch, chương trình, nội dung, quy mô, tần suất, thời gian tổ chức, bảo đảm tổ chức lễ hội, ngày hội tiết kiệm, hiệu quả, tránh phô trương, lãng phí; phù hợp với phong tục tập quán, truyền thống văn hóa của các dân tộc tại địa phương; nghiêm cấm các hoạt động đổi tiền lẻ để hưởng phí chênh lệch tại các cơ sở đền chùa; thực hiện nếp sống văn minh trong sinh hoạt văn hóa, tín ngương và lễ hội...

Trăn trở về việc đưa lễ hội trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc  mang tính vùng miền, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Lâm Tiến Mạnh chia sẻ: “Sở VHTT&DL đang trình UBND tỉnh sớm ban hành quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; các lễ hội phải gắn với đời sống văn hóa của người dân địa phương và đặc điểm vùng miền; phân bố theo các điểm, tua du lịch, thời gian tổ chức lễ hội phải gắn với mùa du lịch (đặc biệt là các lễ hội mới); không chồng chéo, trùng lặp về thời gian, địa điểm để tạo thương hiệu riêng như: Lễ hội Chọi bò ở các huyện vùng cao gắn với Lễ hội Khèn Mông, Lễ hội Chợ tình Khau Vai; chọi dê ở các huyện phía Tây gắn với mùa lúa chín trên ruộng bậc thang... Có giải pháp hiệu quả trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội để nâng tầm lễ hội nhưng không phá vỡ bản sắc nguyên bản sẵn có của lễ hội...”.

Với sự đa dạng, phong phú về văn hóa tín ngưỡng của người dân địa phương và sự quảng bá về du lịch, hy vọng những lễ hội đặc sắc mang đậm nét Hà Giang sẽ trở thành điểm đến trong cẩm nang du lịch của du khách gần xa.

BIỆN LUÂN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Quản Bạ phát huy hiệu quả hoạt động của Hội Nghệ nhân dân gian

BHG- Huyện Quản Bạ có 13 xã, thị trấn với 18 dân tộc sinh sống gồm dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng và một số người dân tộc ít người khác... Mỗi dân tộc có những nét văn hóa truyền thống riêng biệt và các lễ hội lớn như: Lễ Cấp Sắc của dân tộc Dao, Lễ hội Gầu tào dân tộc Mông, Lễ hội Lồng Tồng dân tộc Tày... Cùng với sự đa dạng bản sắc văn hóa dân tộc như hát giao duyên, hát then, hát cọi, thổi khèn; các làng nghề đúc, rèn, nghề dệt lanh... 

31/03/2015
Những trăn trở về nền giáo dục

BHG- Sau khi đọc xong Thư ngỏ của Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh gửi ngành Giáo dục tỉnh, tôi lục lại ký ức và những dòng tâm sự của mình trên Facebook mà tôi đã chia sẻ cách đây hơn 1 năm, với nội dung:

31/03/2015
Hang Lùng Khúy – Vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ

BHG - Hang Lùng Khúy (theo cách gọi của người dân) mới được phát hiện, nằm trên địa bàn thôn Lùng Khúy, xã Quản Bạ (Quản Bạ). Hang động có vẻ đẹp nguyên sơ với nhiều nhũ đá lộng lẫy...

30/03/2015
Thành phố Hà Giang tổ chức Lễ hội Đền Xuân Ất Mùi 2015

BHG- Ngày 28.3 (tức 9.2 âm lịch), TP Hà Giang tổ chức khai mạc Lễ hội Đền Xuân Ất Mùi 2015. 

30/03/2015