Hà Giang

Ngược miền cực Bắc: Kỳ II- Độc đáo Ngày hội văn hóa dân tộc Mông

08:32, 25/03/2015

BHG- Mèo Vạc – địa bàn tiêu biểu cho các khu định cư của cộng đồng dân tộc Mông ở Hà Giang. Người Mông cư trú xen kẽ với các dân tộc: Dao, Lô Lô, Pu Péo, Cờ Lao, Tày, Giấy... Như một sự tình cờ không hẹn trước, Ngày hội văn hóa dân tộc Mông huyện Mèo Vạc lần thứ nhất diễn ra sau hai ngày chúng tôi đặt chân lên mảnh đất biên cương. Cả thị trấn Mèo Vạc hôm ấy rộn rã với các hoạt động mang đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào Mông nơi đây. Lâu lắm rồi chúng tôi mới nghe lại câu nói:

[links()]

“...Con chim có tổ

Người Mông ta cũng có quê

Quê ta Mèo Vạc...”

Xếp hàng rào đá – nét văn hóa độc đáo của người Mông.
Xếp hàng rào đá – nét văn hóa độc đáo của người Mông.

Hơn 5 giờ sáng, khi núi rừng vẫn chưa muốn tỉnh giấc bởi cái se lạnh đặc trưng miền sơn cước nhưng từ những con đường nhỏ men theo triền đá, các chàng trai, cô gái Mông xúng xính trong trang phục truyền thống đã nhanh chóng dắt tay nhau tụ hội về sân vận động trung tâm huyện Mèo Vạc. Trong đám đông ấy, tôi nhận ra nghệ nhân Giàng Mí Pó ở thôn Ha Cá, xã Khâu Vai – người quen cách đây đã khá lâu. Gặp lại tôi Pó mừng lắm! Khoác vội chiếc khèn lên vai, Pó bắt chặt tay tôi:

- Lâu lắm không thấy chú. Hôm nào quay lại thăm bà con nhé!

- Anh yên tâm. Chắc chắn em sẽ vào – Tôi nói.

Nghe vậy anh Pó lại cười khà khà. Hỏi ra mới biết, anh cùng đoàn Nghệ nhân của xã tham gia Ngày hội văn hóa và tiết mục chính là giao lưu múa khèn. Anh Pó bảo: Đối với người Mông, cây khèn đã gắn với quan niệm sống, văn hóa sống và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu. Trải qua bao thời gian, thay đổi của cuộc sống nhưng tình yêu và sự gắn bó của người con trai Mông với cây khèn vẫn vậy. Tiếng khèn tìm bạn của các chàng trai Mông không chỉ khiến các cô gái phải đỏ mặt làm duyên, mà còn say đắm để rồi không thể kìm lòng tự nguyện xòe ô xoay tròn theo vòng múa nhịp nhàng, khỏe khoắn nhưng không kém phần duyên dáng, tình tứ. Những giai điệu ấy còn đánh thức tiếng lòng của bất kỳ ai từng nghe xem một lần.

Chúng tôi may mắn được đi nhiều nơi, đến nhiều vùng miền nhưng có lẽ ít nơi nào hùng vĩ như Cao nguyên đá Đồng Văn. Đá chen chân, dựng thành lũy vững vàng nơi biên ải. Đá cũng tạo nên cái nghèo khó cho đồng bào khi chỉ biết trông vào cây ngô, cây lúa. Thế nhưng, đồng bào Mông nơi đây đã biết thuần phục đá để chở che cho mầm xanh sinh sôi. Từ bao đời, đồng bào Mông ở Hà Giang sống chung với đá, buồn vui với đá và khi rời bỏ thế gian này họ cũng về với đá. Những dãy núi đá xám miên man không còn thô cứng và vô cảm với người bạn gần gũi với nó. Người Mông ở vùng Cao nguyên đá không chỉ sống với đá, xây nhà bằng đá mà còn tạc lên những hàng rào đá tuyệt đẹp. Cuộc sống đã chắt chiu cho dân bản một nét văn hóa độc đáo “có một không hai”.

Quẩy tấu – vật bất ly thân của đồng bào Mông.
Quẩy tấu – vật bất ly thân của đồng bào Mông.

Những phiến đá ngỡ như vô tri, vô giác đã tạo nên nhiều cảnh đẹp nhẹ nhàng, thơ mộng. Bên cạnh hàng rào đá, sắc trắng của hoa mận, sắc hồng của hoa đào, sắc vàng của hoa cải và cả những chiếc váy của người phụ nữ Mông vắt lên hàng rào đá, trông như những bông hoa giữa núi rừng! Người già kể: Chọn được nơi có địa hình tương đối bằng phẳng để làm nhà, nhưng nhiều đá quá, bà con bê đá xếp gọn vào một góc. Sau đó, có gia đình nghĩ ra cách khéo léo xếp những hòn đá lởm chởm, đủ kích cỡ thành hàng rào quanh nhà để phòng kẻ xấu và thú dữ. Thế là nhà này bắt chước nhà kia, người này học người kia. Hàng rào đá xuất hiện ở bốn huyện vùng cao núi đá: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc chẳng biết từ lúc nào...

“Theo chân” các hoạt động trong Ngày hội văn hóa dân tộc Mông, chúng tôi được nghe nhiều về đời sống văn hóa của đồng bào nơi đây. Việc trình diễn các hoạt động như: Lễ cúng 30 Tết; giới thiệu về cây lanh trong đời sống sinh hoạt và tâm linh của dân tộc Mông, các công đoạn dệt thành vải lanh; giới thiệu nghề đan quẩy tấu; Lễ đặt tên người đàn ông Mông trưởng thành; Lễ ăn hỏi; Lễ hội Gầu Tào; trò chơi tung còn; đánh sảng; giao lưu ẩm thực... đã làm cho du khách phần nào hiểu được phong tục, tập quán cũng như các nghề truyền thống gắn bó với đồng bào Mông trên miền đá gian khó. Trong số các nhóm du khách say sưa trải nghiệm ở Ngày hội, chúng tôi ấn tượng với nhóm thanh niên 5 người là những chàng trai, cô gái trẻ khoác trên mình chiếc áo in hình cờ Tổ quốc. Nhóm bạn ấy có người quê ở Hà Nội, người quê Hải Dương và có cả anh bạn người Nghệ An. Lần đầu tiên đến với mảnh đất Mèo Vạc nên bạn trẻ Hoàng Anh Tuấn, quê Hải Dương không khỏi ngỡ ngàng:

- Quả thật, Cao nguyên đá hùng vĩ quá! Lên đây mới thấy người dân mình trên này kiên cường anh ạ.

- Bọn em thích nhất mấy chiếc quẩy tấu – Người bạn bên cạnh tiếp lời.

Rồi cả nhóm bảo nhau nhất định sẽ mua mỗi người một chiếc nhỏ về làm kỷ niệm. Tuy nhiên, khi tôi hỏi: Có biết chiếc quẩy tấu quan trọng với người Mông ra sao không? Các bạn trẻ chỉ lắc đầu không biết rằng chiếc quẩy tấu là vật bất li thân của đồng bào Mông tự ngàn đời nay. Người già ở các bản bảo rằng: Sống ở miền sơn cước đèo cao, dốc thẳm, lối bước gập ghềnh nên chẳng thể gánh gồng, vậy là người Mông sáng tạo ra chiếc quẩy tấu. Ở bản Mông, ngay từ khi mới sinh ra, đứa trẻ đã được làm quen với quẩy tấu khi cùng mẹ lên nương, xuống chợ. Đồng bào Mông quan niệm: Mọi sự tồn tại đều phải gắn liền với lao động sản xuất và khi mang theo chiếc quẩy tấu bên mình sẽ cảm thấy vững chãi hơn, tự tin hơn trước thiên nhiên, núi rừng bởi đó là biểu tượng của sự cần cù, thu vén. Vào ngày Tết truyền thống của người Mông, chiếc quẩy tấu được đặt lên bàn thờ ở vị trí trung tâm. Chính chiếc quẩy tấu đã góp một phần không nhỏ làm nên vẻ đẹp khỏe khoắn, lắng đọng của đất và người Mông...

Trong Ngày hội văn hóa dân tộc Mông, dẫu bận nhiều việc nhưng ông Hầu Minh Lợi, Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc vẫn dành cho chúng tôi thời gian để sẻ chia về đời sống của bà con nhân dân nơi mảnh đất biên cương đầy nắng và gió. Đặc biệt, lần đầu tiên tổ chức Ngày hội văn hóa Mông nhằm phát huy các giá trị văn hoá, làm phong phú thêm các hoạt động trong đời sống văn hoá tinh thần, tâm linh của nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Mèo Vạc; quảng bá, giới thiệu, tạo dấu ấn tốt đẹp đối với nhân dân và du khách về những nét đẹp văn hóa truyền thống và phong tục tập quán của đồng bào địa phương. Đồng thời, tạo sân chơi lành mạnh, thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc và góp phần phát triển nghề truyền thống của các dân tộc gắn với phát triển du lịch vùng Công viên địa chất Toàn cầu - CNĐ ĐV.

Ngày hội văn hóa dân tộc Mông quả thực là một hoạt động văn hóa độc đáo. Nếu chỉ cần một lần ngồi bên bát thắng cố nghi ngút khói – đặc sản “có một không hai” và nhấp chén rượu ngô, ăn chút mèn mén cũng đủ thấy lòng ấm áp. Đối với chúng tôi, chuyến ngược miền cực Bắc lần này là một kỷ niệm không thể nào quên! Điều chúng tôi tin tưởng đó là đói nghèo sẽ dần lùi xa khỏi xóm làng người Mông và “phên giậu” của Tổ quốc sẽ luôn vững vàng.

kÝ SỰ: KIM TIẾN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Sức trẻ mở đường Hạnh phúc

BHG- Ngoài công sức của đồng bào các dân tộc Hà Giang, nếu không có tinh thần, phẩm chất thanh niên xung phong (TNXP) theo tư tưởng của Bác Hồ: "Đâu cần, thanh niên có/Đâu khó, có thanh niên" thì không có con đường Hạnh phúc (ĐHP) – Hà Giang như ngày hôm nay. 

25/03/2015
Cần tăng cường công tác huy động học sinh sau Tết

BHG- Tình trạng học sinh nghỉ học sau Tết Nguyên đán lâu nay luôn là "bài toán khó" đối với ngành Giáo dục tỉnh nhà. Hàng năm, mặc dù cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như các đơn vị trường học đã thực hiện nhiều giải pháp duy trì sĩ số học sinh nhằm đảm bảo công tác dạy và học, nhưng dường như thực trạng này... "đâu vẫn vào đấy"!.

25/03/2015
Ngược miền cực Bắc: Kỳ I- Hành trình về vùng đất danh thắng và di sản

Tiết trời ấm áp sau những ngày Tết Nguyên đán Ất Mùi như mang về miền Cao nguyên đá sức sống căng tràn của mùa Xuân. Trong hành trình ngược lên miền Cao nguyên đá, vẫn cung đường quanh co như sợi dây thừng vắt mình bên lưng núi với những dãy núi đá sừng sững, điệp trùng giăng lũy, giăng thành nhưng mỗi lần đến với nơi đây, chúng tôi luôn có cảm nhận khác lạ về vùng đất biên cương cực Bắc Tổ quốc – Mèo Vạc, điểm cuối cùng con đường mang tên Hạnh phúc.

24/03/2015
Khánh thành, bàn giao điểm trường Tiểu học B thôn Thượng Lâm, xã Minh Tân

BHG- Sáng 20.3, Chương trình "Tháng ba biên giới" với sự phối hợp giữa Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Báo Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh và Tỉnh đoàn, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh đã tổ chức Lễ khánh thành, bàn giao điểm trường Tiểu học B ở thôn Thượng Lâm, xã Minh Tân (Vị Xuyên). Dự buổi lễ có lãnh đạo huyện; đại diện các nhà tài trợ và đông đảo người dân...

21/03/2015