Hà Giang

Hóa giải tranh chấp nguồn nước gần 45 năm qua trên dãy Sảng Phùng Sư

08:36, 31/01/2015

 

Dòng nước mát trên dải Sảng Phùng Sư sau hòa giải vẫn luôn tươi mát tưới cho gần 700 ha cây lương thực/năm. Ảnh: NHẬT HỒNG
Dòng nước mát trên dải Sảng Phùng Sư sau hòa giải vẫn luôn tươi mát tưới cho gần 700 ha cây lương thực/năm. Ảnh: NHẬT HỒNG

Đường mùa khô, chẳng phải ổ trâu, ổ voi mà là một con đường uốn mình khô khốc đến trơ lì đá rồi lại... đá! Chúng tôi phải lần mò mãi trên đoạn đường 12 km mới đến được xã Ngán Chiên (Xín Mần). Trên độ cao gần 1.300m, mùa này toàn gió đùa với gió. Nhắc lại câu chuyện tranh chấp nguồn nước đầu nguồn trên dãy Sảng Phùng Sư xảy ra từ những năm 1960, mọi người dân trong vùng ai cũng tỏ tường, vì thời gian tranh chấp kéo dài suốt hơn 45 năm mới được hóa giải. Lời giải của bài toán ấy là gì...?

Có một bữa cơm ăn giữa chợ quê:

Có 2 con bò của nhân dân 2 xã Ngán Chiên và Trung Thịnh đóng góp (mỗi xã 1 con) được làm thịt, nấu thắng cố, cả làng ăn ngay giữa chợ Ngán Chiên vào cuối năm 2010. Bữa cơm giữa chợ đánh dấu như một “mốc son” sau hơn 40 năm nhân dân 2 xã “gần mặt, nhưng cách lòng”. Tại sao vậy? Chỉ vì một nguồn nước trên dải núi Sảng Phùng Sư đã chia đôi nỗi lòng người dân 2 xã với lý do: Nguồn nước Sảng Phùng Sư là của.. anh hay là của... tôi !?(của nhân dân xã Ngán Chiên hay của Trung Thịnh). Chuyện kể lại: Từ những năm 1960, con nước đầu nguồn dải núi Sảng Phùng Sư chảy xuôi giữa 2 thôn: Hô Sán thuộc xã Ngán Chiên và thôn Nấm Ta, xã Trung Thịnh. Từ bao đời nay, nguồn nước ví như dòng máu nuôi sống cơ thể con người. Nguồn nước ấy, ngày qua ngày cứ như thiếu hụt đi so với sức khai phá làm ruộng nương của đồng bào 2 thôn gần nhau nói riêng và đồng bào 2 xã nói chung. Một ngày kia, nơi nguồn nước chảy xuôi ấy đã xảy ra các cuộc ẩu đả giữa đồng bào Hô Sán và Nấm Ta vì dòng nước mát. Ông Giàng Seo Cù, nguyên Ủy viên thư ký UBND xã Ngán Chiên kể: Tranh chấp nguồn nước xảy ra bức bối nhất là những năm 1962 - 1963. Có 2 lý do chính dẫn đến tranh chấp là sự phát triển của con người ngày một đông lên và do quá trình khai thác lâm sản trên núi làm cạn kiệt dần nước đầu nguồn. Cuộc sống thì cần phải có nước, thế là xảy ra tranh chấp. Tranh chấp khi chia nguồn nước chảy sang bên thôn này nhiều, thôn kia ít... Ông Cù thở dài: Sự thiếu hiểu biết, lòng ích kỷ và tư duy chiếm đoạt của con người đã làm nảy sinh sự đố kỵ, ích kỷ về quyền lợi của mình về nước trên Sảng Phùng Sư. Và cũng từ đấy, các cuộc tranh chấp, chửi bới, thậm chí vác dao, cầm gậy mỗi khi mùa vụ trồng cấy; cứ thế tiếp diễn kéo dài năm này qua năm khác, mùa này đến mùa kia... Tuy tranh chấp có lúc gay gắt nhưng vẫn còn “cái tình con người” làng bên, bản dưới níu kéo con dao, cây gậy của họ lại chưa cho phép nó vượt qua giới hạn. Ông Cù cho biết thêm: Sự tranh chấp kéo dài theo các đơn kiện cáo lẫn nhau của đồng bào 2 thôn qua rất nhiều nhiệm kỳ Đại hội và HĐND từ xã lên huyện, rồi lên đến cả UBND tỉnh Hà Tuyên những năm 1975 - 1980 vẫn chưa chấm dứt. Đến khi chia tách tỉnh Hà Tuyên về thành Hà Giang vẫn còn tiếp diễn. Ông Cù bảo: Con nước thì chảy xuôi, người dân 2 thôn thì cứ kiện “chảy ngược”? Chính quyền cơ sở đứng ra hòa giải mãi vẫn chưa bên nào nghe bên nào. Cùng đi, ông Hoàng Sào Pin, nguyên cán bộ Hội Cựu chiến binh xã Trung Thịnh tiếp lời: Ngày sắp xảy ra cuộc ẩu đả giữa đồng bào 2 bên cuối năm 1962, tôi và anh Cù đã phải dàn xếp mãi dân mới chịu bỏ dao, buông gậy. Ông Pin giải thích: Đất đâu cũng của nhà Giời và nước đâu cũng của nhà Giời, còn người dân xã nọ, dân xã kia, đâu cũng là dân Cụ Hồ, cháu con nước Việt sao lại...? Rồi ông bảo: Anh em trong nhà như “một mẹ đẻ ra” đánh nhau rồi lại chữa thuốc mà thôi! Ích gì? Ông Cù lần nữa kể lại bao chuyện kiện tụng kéo dài hơn 40 năm kể từ ngày con nước Sảng Phùng Sư xảy ra tranh chấp. Cuối cùng ông Cù kết luận: Có 1 điểm quan trọng nhất mà sinh thời Bác Hồ có dạy đồng bào khi lên Hà Giang:.. “Không sợ thiếu, mà chỉ sợ không công bằng”. Bác còn nói:.. “Đồng bào Mông, Mường, La Chí, hay người Dao, người Tày, người Kinh... vẫn là anh em một nhà...”!  Ông Cù, ông Pin cho rằng người xưa nói rất đúng: Đánh nhau vì chia gạo – Mời nhau ăn cơm! Quay sang tôi ông Cù hỏi, anh có hiểu điều đó nghĩa gì không? Nói rồi ông Cù giải thích: Cán bộ chúng tôi đã thiếu suy xét một điều là “chia nước theo diện tích” trồng cấy và số hộ sinh sống ở 2 thôn trong 2 xã. Chọn cách chia đều trên đem ra trước các cuộc họp bàn với nhân dân. Cả hệ thống Đảng, chính quyền cùng vào cuộc vận động: Nói cho dân biết, giải thích cho dân hiểu thật sâu, thật nhuần nhuyễn. Rất rất nhiều cuộc họp bàn thảo với dân như thế đã giải tỏa bao thắc mắc hơn 40 năm kiện tụng, tranh chấp kéo dài. Ông Cù tự bứt tai mình, rồi cũng như tự nói với chính ông vậy: Bốn mươi lăm năm kiện tụng kéo dài chỉ vì sự thiếu suy xét của cán bộ, thiếu hiểu biết của người dân. Nếu đúng là chìa khóa “nút thắt” của sự tranh chấp nằm ở ngay trong sự “công bằng” đó là chia nguồn nước theo diện tích trồng cấy và số người sử dụng là lời giải. Ấy vậy mà phải mất 45 năm tròn mới tìm thấy, gỡ bỏ nó đi đấy cháu ạ. Với tôi, sự tranh chấp kéo dài phải chăng đó không phải là lỗi lầm? Chỉ có thể giải thích bằng tính phát triển của lịch sử theo từng giai đoạn của nhận thức xã hội phát triển mà thôi. Sau bàn bạc chia nước đầu nguồn Sảng Phùng Sư được thống nhất thì cuối mùa Đông năm 2010, ngay tại chợ xã Ngán Chiên bây giờ, có 1 bữa cơm do người dân 2 xã, 2 thôn cùng ngồi lại mổ bò nấu cơm ăn chung ngay giữa trời đất. Người dân nơi đây gọi bữa cơm đó là bữa cơm “Đại đoàn kết” ngay giữa chợ quê. Thịt bò nấu thắng cố, cơm nấu bằng những hạt gạo trắng trong uống nước nguồn Sảng Phùng Sư của đồng bào các thôn 2 xã góp lại lại nấu nước Sảng Phùng Sư để cùng ngồi ăn, cùng uống rượu, cùng cười nói hả hê...!

Trụ sở xã Ngán Chiên nơi đầu nguồn nước Sảng Phùng Sư được xây dựng khang trang. Ảnh: Nhật Hồng
Trụ sở xã Ngán Chiên nơi đầu nguồn nước Sảng Phùng Sư được xây dựng khang trang. Ảnh: Nhật Hồng

5 năm trở lại đây:

Mùa Đông này, tôi trở lại xã Ngán Chiên để thấy sự đổi thay sau bữa cơm Đại đoàn kết được coi là lịch sử của một vùng đất đa sắc tộc, giàu bản sắc và thấm đậm tình người. Ngay tại Chợ trung tâm xã Ngán Chiên hôm nay cách đây 5 năm trước tổ chức bữa cơm lấy tên “Đại đoàn kết” đã thấy: Nhà cửa, trụ sở, trường học, chợ, khang trang, xanh, sạch, kênh mương dẫn nước trên Sảng Phùng Sư về trung tâm xã dọc ngang, trong vắt... Ông Giàng Seo Cù đã lên lão. Gặp lại tôi, ông Cù hể hả: Đã 5 năm qua, nhà báo đi đâu mới về? Vẫn bước chân thoăn thoát ngày nào đưa tôi trở lại đầu nguồn nước Sảng Phùng Sư vừa đi vừa kể: Dân bây giờ đoàn kết lắm, làm ăn cũng giỏi, cái đói đi lâu lắm không còn về bản về thôn nữa rồi cháu ạ. Kể từ ngày hòa giải nguồn nước đến nay, nước chảy êm ả hơn, ruộng đồng được mùa hơn. Hô Sán là thôn đổi thay nhận thấy rõ nhất đấy: Hiện nay, thôn có 37 hộ đồng bào Mông sinh sống. Có 20% diện tích lúa cấy 2 vụ/năm. Năng suất bình quân năm 2014 đạt trên 52,5 tạ/ha. Ngay gia đình bác Cù mỗi năm thu trên 6,5 tấn thóc, gần 3 tấn ngô, chưa kể đậu lạc, chăn nuôi 5 con trâu, chục con lợn..., nuôi 6 người ăn. Chủ tịch UBND xã Ngán Chiên, Lù Văn Tinh cho biết: Theo đánh giá của 2 xã Ngán Chiên và Trung Thịnh từ ngày hòa giải xong, nước Sảng phùng Sư tưới tiêu cho gần 700 ha diện tích trồng cấy của cả 2 bên. Tại thôn Nấm Ta, xã Trung Thịnh có 57 hộ, gần 300 con người sinh sống, nghèo đói cũng đã gần hết. Chủ tịch UBND xã Trung Thịnh, Nguyễn Văn Toản thừa nhận: Nấm Ta nói riêng, xã Trung Thịnh nói chung chiếm quá nửa dân số, diện tích canh tác sống nhờ nguồn nước Sảng Phùng Sư. Sau 5 năm hòa giải, nguồn nước Sảng Phùng Sư đã mang lại cho đồng bào những mùa vụ bội thu. Cuộc sống có nước sạch, ăn ở sạch đã đẩy hết bệnh tật ra khỏi nhà. Theo khảo sát đánh giá mới nhất, hết năm 2014, số hộ nghèo trong xã  Trung Thịnh đã giảm từ trên 67,5% năm 2010 xuống còn 31,84% và xã Ngán Chiên còn 31% (chuẩn nghèo mới). Được biết thêm: Kể từ ngày hòa giải, có nước ổn định, các thôn của cả 2 xã đã chủ động sử dụng nguồn nước vào trồng cấy, tăng vụ giúp cho công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống ngày một no ấm. Theo các anh lãnh đạo 2 xã cho biết: Sức lan tỏa của tinh thần Đại đoàn kết từ khi hóa giải đã gắn kết đồng bào 2 xã với nhau. Các phiên chợ xã Ngán Chiên, Trung Thịnh đồng bào tụ họp nhau lại trao đổi hàng hóa. Cái đói đi qua, cái nghèo giảm dần, cuộc sống đổi thay từng ngày trong mỗi gia đình.

Rời 2 xã ở phía Đông Sông Chảy, tôi ghi đậm dấu ấn tinh thần Đại đoàn kết các dân tộc nơi đây khi tinh thần ấy luôn cháy nồng trong lòng dân tộc. Sức mạnh ấy là sức mạnh bất diệt chiến thắng bất cứ kẻ thù nào kể cả giặc ngoại xâm, giặc đói, giặc rét. Mùa Đông đã dần đi qua, hoa đào trên dải Sảng Phùng Sư đã chớm nở. Đâu đó, tiếng khèn Mông vang dậy, câu hát lượn... thoảng trong làn gió núi!

              Xuân 2015

Ký sự Nguyễn Mạnh Hùng


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Mèo Vạc tăng cường giải pháp giữ ấm cho học sinh trong mùa Đông

HGO- Mèo Vạc là huyện vùng cao núi đá thường có sương mù dày đặc vào buổi sáng, đặc biệt là vào những ngày Đông giá rét. 

31/01/2015
Tổng kết Chương trình Hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc

Sáng 30.1, tại huyện Mộc Châu, Sơn La, UBND tỉnh Sơn La phối hợp với Ban chỉ đạo Chương trình Hợp tác phát triển du lịch (HTPT DL) 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng (TBMR) tổ chức Hội nghị Tổng kết Chương trình HTPT DL năm 2014; triển khai nhiệm vụ hợp tác năm 2015. 

30/01/2015
Hoa đào khoe sắc trên Cao nguyên đá

Thời điểm này, không khí Xuân bắt đầu gõ cửa từng ngôi nhà trên Cao nguyên đá. 

29/01/2015
Bàn giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng giáo dục đào tạo ở vùng khó khăn

Chiều 28.1.2015, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) tổ chức Hội nghị bàn giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng GD - ĐT ở vùng khó khăn. 

29/01/2015