Bài trừ hủ tục – Trách nhiệm của cả cộng đồng

21:28, 10/02/2022

BHG - Hà Giang – vùng đất địa đầu Tổ quốc đa sắc màu văn hóa với 19 dân tộc anh em cùng sinh sống; mỗi dân tộc có phong tục, tập quán riêng biệt. Mặc dù cấp ủy, chính quyền các cấp vào cuộc, triển khai quyết liệt các giải pháp xây dựng đời sống văn hóa, văn minh nhưng hiện nay trong đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh còn không ít hủ tục, tập quán lạc hậu, trở thành rào cản phát triển KT – XH.

Các chàng trai, cô gái người Mông ở Mèo Vạc trong ngày du Xuân.
Các chàng trai, cô gái người Mông ở Mèo Vạc trong ngày du Xuân.

Mỗi dân tộc trên địa bàn tỉnh đều có giá trị văn hóa độc đáo. Đó chính là lợi thế để phát triển du lịch, mang lại cuộc sống ấm no cho đồng bào; nhưng, với sự phát triển của xã hội, nhiều tập tục trở nên lạc hậu, lỗi thời, thậm chí trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Đơn cử, đồng bào Mông là dân tộc có số lượng đông nhất so với các dân tộc khác trên địa bàn tỉnh. Đời sống văn hóa người Mông đa dạng, nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp nhưng cũng có không ít hủ tục cần bài trừ.

Tục “kéo vợ” của người Mông là một nét đẹp, một bản sắc văn hóa truyền thống được lưu giữ qua nhiều đời đến ngày nay. “Kéo vợ” thể hiện tình yêu mãnh liệt, khát vọng có một gia đình hạnh phúc của chàng trai, cô gái Mông mà không có sự ép buộc. Tục “kéo vợ” gắn liền với tục “vỗ mông” của đồng bào nơi đây. Khi hoa Đào, hoa Mận bung nở khắp núi rừng là lúc các chàng trai, cô gái Mông diện cho mình bộ trang phục đẹp nhất đi chơi Tết. Chàng trai Mông khỏe khoắn, dẻo dai bên chiếc khèn; cô gái Mông xúng xính với chiếc váy rực rỡ sắc màu, khéo léo hòa cùng điệu múa khèn của chàng trai. Mỗi người đều đưa ánh mắt tìm nhau trong ngày hội Xuân; khi chàng trai, cô gái tìm được người mình thích, cô gái sẽ e thẹn tách khỏi đám đông chờ đợi chàng trai của mình, khi đó chàng trai sẽ đến và dùng tay vỗ vào mông cô gái, nếu cô gái ưng thuận thì vỗ nhẹ lại vào mông chàng trai. Nếu hai người quyết định đến bên nhau trọn đời, trọn kiếp thì cô gái sẽ hẹn chàng trai đến một nơi nhất định để chờ chàng trai kéo tay về nhà ra mắt bố mẹ.

Chàng trai, cô gái người Mông ở Mèo Vạc thể hiện tình càm qua tiếng khèn, điệu nhảy - một nét đẹp trong văn hóa người Mông.
Chàng trai, cô gái người Mông ở Mèo Vạc thể hiện tình càm qua tiếng khèn, điệu nhảy - một nét đẹp trong văn hóa người Mông.

Trước xu thế phát triển, hiện nay tục “kéo vợ” của người Mông đang bị biến tướng, các đối tượng xấu lợi dụng. Mới đây, mạng xã hội lan truyền video clip một thiếu niên người Mông “bắt vợ” gây xôn xao dư luận. Qua tìm hiểu, sự việc xảy ra trên địa bàn thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi (Mèo Vạc); thiếu niên trong clip là G.M.C, sinh năm 2006, trú thôn Hấu Chua, xã Giàng Chu Phìn (Mèo Vạc), đang theo học tại Trường Cao đẳng nghề Thái Nguyên. Mặc dù cô gái (sinh sống tại xã Pải Lủng – Mèo Vạc) cự tuyệt nhưng C vẫn cố tình lôi đi với mục đích kéo về làm vợ theo phong tục người Mông. Điều đáng nói, trong khi nam thiếu niên có hành động “bắt vợ”, nhiều người chứng kiến không can ngăn mà coi đó là tập tục vốn có, chỉ đến khi có mặt của Công an xã Pả Vi, mọi việc mới dừng lại. Bí thư Đảng ủy xã Pả Vi Lê Văn Quý cho biết: Khi nhận tin báo có sự việc xảy ra, xã đã cử lực lượng Công an xuống xử lý kịp thời và phối hợp với cấp ủy, chính quyền nơi nam thiếu niên sinh sống có biện pháp tuyên truyền, xử lý vi phạm.

Qua vụ việc cho thấy, điều lo ngại nhất đối với các thiếu nữ miền sơn cước chính là nét đẹp của tục “kéo vợ” đang dần trở thành hủ tục “bắt vợ”, gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong cuộc sống, như: Tình trạng hôn nhân cận huyết; ép buộc quan hệ trong tuổi vị thành niên; trẻ em bỏ học vì phải lập gia đình sớm; dễ lây lan các bệnh truyền nhiễm; dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng để thực hiện hành vi mua, bán người… Không chỉ riêng hủ tục “bắt vợ”, nhiều phong tục, tập quán lỗi thời của cộng đồng các dân tộc đang khiến nhiều gia đình luẩn quẩn trong vòng đói, nghèo.

Trình diễn xay ngô của người Mông ở Mèo Vạc thu hút khách du lịch tham quan, trải nghiệm.
Trình diễn xay ngô của người Mông ở Mèo Vạc thu hút khách du lịch tham quan, trải nghiệm.

Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc Nguyễn Cao Cường chia sẻ: Nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện quyết tâm, quyết liệt, chỉ đạo tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh và đạt nhiều kết quả tích cực; tuy nhiên, còn một số hủ tục ăn sâu vào nếp sống, nếp nghĩ người dân. Giải quyết tình trạng đó, huyện triển khai nhiều giải pháp linh hoạt; xây dựng các chương trình, đề án; thực hiện theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”; nêu cao trách nhiệm nêu gương; phát huy vai trò già làng, trưởng bản, người có uy tín. Mới đây, huyện ban hành công văn yêu cầu các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn tăng cường, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và xử lý vi phạm về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; huy động cả hệ thống chính trị địa phương vào cuộc tuyên truyền phòng, chống và bài trừ hủ tục tảo hôn, các hành vi vi phạm đạo đức, trái với thuần phong, mỹ tục. Công an các xã, thị trấn tăng cường tuần tra, kiểm soát, đảm bảo an ninh trật tự tại các khu vực người dân tụ tập, tổ chức các hoạt động vui chơi. Làm tốt công tác huy động học sinh đúng độ tuổi đến trường, chống tình trạng học sinh bỏ học, tảo hôn…

Có thể nói, những năm qua, đời sống các dân tộc trên địa bàn tỉnh được nâng lên rõ rệt; nhiều chương trình, chính sách, dự án của Đảng, Nhà nước và của tỉnh đi vào cuộc sống đã giúp đồng bào các dân tộc vươn lên thoát khỏi đói nghèo. Đặc biệt, ngày 10.5.2021, BTV Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 09 về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng bài trừ hủ tục lạc hậu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh”, cùng với đề tài “Nghiên cứu thực trạng và giải pháp bài trừ một số tập tục lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang” như một “luồng gió mới” khi xác định rõ những hủ tục, tập quán lạc hậu cần bài trừ; chỉ ra nguyên nhân và đưa ra giải pháp sát thực tiễn, giải quyết tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tục “kéo vợ”; mê tín, dị đoan, cúng bái khi trong nhà có người ốm đau; tang ma giết mổ nhiều gia súc, gia cầm, uống nhiều rượu, để người chết trong nhà nhiều ngày, chưa đưa người chết vào áo quan, việc chôn cất người chết còn nông; làm chuồng trại gia súc gần nhà, không có nhà vệ sinh, vứt rác bừa bãi...

Để thay đổi tư duy, nhận thức của người dân và bài trừ các hủ tục không phải là chuyện “một sớm, một chiều”. Ngoài những giải pháp căn cơ được cả hệ thống chính trị triển khai một cách đồng bộ, thiết nghĩ cần nêu cao trách nhiệm của cả cộng đồng bài trừ hủ tục, cùng chung tay xây dựng cuộc sống văn minh, tiến bộ, để Hà Giang luôn vững vàng nơi địa đầu cực Bắc.

Bài, ảnh: Kim Tiến


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tăng mức trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc

Bộ Nội vụ vừa ban hành Thông tư 02/2022/TT-BNV hướng dẫn thực hiện điều chỉnh tăng mức trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc. Thông tư 02/2022/TT-BNV áp dụng với cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 130-CP ngày 20/6/1975 của Hội đồng Chính phủ và Quyết định số 111-HĐBT ngày 13/10/1981 của Hội đồng Bộ trưởng (gọi là cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc).

10/02/2022
Lễ công bố Chương trình Sức khỏe học đường, giai đoạn 2021 – 2025
BHG - Chiều 10.2, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Lễ công bố Chương trình Sức khỏe học đường, giai đoạn 2021 – 2025 bằng hình thức trực tuyến đến các tỉnh, thành phố. Dự buổi lễ có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ...
10/02/2022
Giao ban Ban điều hành Chuyển đổi số tỉnh
BHG - Sáng 10.2, tại trụ sở UBND tỉnh, Ban điều hành Chuyển đổi số (CĐS) tỉnh tổ chức hội nghị giao ban đánh giá kết quả CĐS năm 2021; triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2022. Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban điều hành CĐS tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có các đồng chí: Hoàng Gia Long, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.
10/02/2022
Ngày Xuân pha một ấm chè
BHG - Cùng với những thú vui như du Xuân, gặp gỡ bạn bè hàn huyên bên mâm cơm, chén rượu thì ngồi bên bàn chè trò chuyện tâm tình là niềm vui lành mạnh nhất của mỗi dịp Tết đến Xuân về.
10/02/2022