Tự hào về sự phát triển vươn lên của tỉnh Hà Giang

10:54, 15/08/2021

BHG - Năm 2021 là năm lẻ, với tỉnh Hà Giang là năm có nhiều ngày kỷ niệm. Ngày 20.8.1891 là Ngày thành lập tỉnh ta và năm nay là năm thứ 130 tỉnh Hà Giang có tên trên bản đồ nước ta. Ngày 26.3.1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên thăm làm việc với tỉnh Đảng bộ; ngày 27.3 Bác nói chuyện với đồng bào trong tỉnh. Năm 2021 tỉnh ta kỷ niệm 60 năm Bác Hồ đến Hà Giang. Ngày 1.10.1991, tỉnh Hà Giang được tái lập và chính thức đi vào hoạt động của một tỉnh mới được tái lập, vì vậy năm 2021 là năm kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh.

Tp Hà Giang nằm hai bên bờ sông Lô. ảnh: Tư Liệu
Tp Hà Giang nằm hai bên bờ sông Lô. ảnh: Tư Liệu

Ba Ngày kỷ niệm nêu trên, mỗi ngày có ý nghĩa riêng, song đều là lịch sử đã qua của tỉnh ta. Nhìn lại lịch sử để khẳng định chặng đường đã qua là một chặng đường phát triển của tỉnh miền núi vùng cao. Cách đây 40 – 50 năm nghe khẩu hiệu mà là chủ trương của Đảng ta là mau phát triển để “miền núi tiến kịp miền xuôi”, rất nhiều người cho đó chỉ là khẩu hiệu, chứ bao giờ miền núi mới tiến kịp miền xuôi, thậm chí có người còn khẳng định không bao giờ. Trước khi xem xét bây giờ (2021) miền núi tiến đến đâu? ta hãy xem lại điểm khởi đầu của Hà Giang ở đâu và như thế nào.

Nhìn trên bản đồ Pháp in năm 1890 chưa có tên Hà Giang, chỉ có hai cái tên: HAYAN và Yên Biên (vị trí thành phố hiện nay). Bản đồ cũng do Pháp in năm 1945 đã có Hà Giang, vì ngày 20.8.1891 toàn quyền Đông Dương của Pháp đã quyết định thành lập tỉnh Hà Giang. Theo sử sách ghi thì năm 1930 (sau khi Pháp cai trị 43 năm) tỉnh Hà Giang mới có 4 trường công, 12 trường làng có 18 giáo viên, với 421 học sinh. Đó là số học sinh của các nhà giàu hoặc con cái các quan chức, còn dân thường và người nghèo không được học, do đó 98% dân mù chữ. Còn lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ cho dân, toàn tỉnh mới có 1 bác sỹ, 5 y sỹ. Đến năm 1960 (chính quyền của nhân dân quản lý mới có 15 năm) mà về giáo dục, toàn tỉnh đã có 68 trường quốc lập, 15 trường dân lập, với 5.455 học sinh và 15 trường cấp II có 526 học sinh, 1 trường cấp III với 33 học sinh, tổng số giáo viên các cấp là 581 người, ngoài ra còn 402 lớp vỡ lòng với 9.222 học sinh, như vậy năm 1960 tỉnh ta đã có 99 trường với 15.236 học sinh, tăng gấp 6,2 lần về trường, 32 lần về giáo viên và 36 lần về học sinh. Mới 15 năm chế độ Việt Nam dân chủ cộng hoà đã khác rất xa chế độ thực dân và phong kiến. Đến năm 2020, sau 55 năm nhân dân làm chủ thì sự nghiệp giáo dục đã phát triển vượt bậc, tất cả các xã và thôn đều có trường, không chỉ trẻ đến tuổi học tiểu học mà các cháu mẫu giáo cũng được đi học. Toàn tỉnh hiện có 616 trường, 10.126 lớp, 15.095 giáo viên và 180.106 học sinh. Tỷ lệ người biết chữ lên 98%, đảo ngược con số 98% mù chữ thành 98% người biết chữ.

Khu vực đồi Tỉnh ủy
Khu vực đồi Tỉnh ủy

Về y tế, nếu năm 1930 chỉ có 1 bác sỹ, 5 y sỹ chủ yếu chăm sóc sức khoẻ cho quân lính của Pháp và các quan chức cấp tỉnh thời Pháp. Đến năm 1975 ba mươi năm nhà nước ta quản lý đã có 8 bệnh xá, 9 bệnh viện huyện, đến năm 2000 cứ 1 vạn dân đã có 39 bác sỹ, 50 y sỹ, 46 y tá, 6 dược sỹ cao cấp, gần 8 dược sỹ trung cấp và 9 dược tá. Không chỉ các loại dịch bệnh đối với người mà cả dịch bệnh gia súc, gia cầm đều được dập tắt. Điển hình dịch não mô cầu đầu năm 1992 tại Mèo Vạc được tập trung dập tắt kịp thời.

Về phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Nếu chính quyền thực dân phong kiến quản lý dân chỉ chăm lo thu thuế, không lo cuộc sống của dân, thì khi cách mạng thắng lợi chính quyền đã về tay nhân dân và tập trung lo cuộc sống của nhân dân. Khi giành được chính quyền, Đảng và nhà nước ta đã tập trung vận động và giáo dục cho nhân dân thay đổi nhận thức cũ, xóa bỏ tư tưởng thời phong kiến - thực dân, đó là sự phân chia giai cấp (giàu, nghèo) và chia rẽ dân tộc. Vận động nhân dân thiết lập nhận thức mới với tư tưởng lấy dân làm chủ không phân biệt chia rẽ mà mọi người đều bình quyền, bình đẳng, sống hoà hợp. Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành chủ trương lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, toàn dân không phân biệt dân tộc đông người hay ít người, người giàu hay nghèo, người miền xuôi hay miền ngược, vùng cao hay vùng thấp. Tất cả đều là anh em cùng máu đỏ da vàng phải đoàn kết, thương yêu nhau và giúp đỡ nhau cùng xây dựng cuộc sống mới, tiến tới ấm no hạnh phúc, đó là lý tưởng của Đảng, mục tiêu đi tới của mọi dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Sau khi đổi mới về tư tưởng, Đảng và chính quyền của dân hướng dẫn nhân dân đổi mới phương thức lao động sản xuất từ lao động cá thể sang tổ đổi công, bình công chấm điểm và xây dựng hợp tác xã, là lao động tập thể. Từ hàng ngàn đời lao động cá thể theo hộ gia đình, sang lao động đông người, gây khí thế lao động hăng say và đua nhau cùng làm, không khí sôi nổi, tiếp đến là các hợp tác xã thi đua hướng dẫn xã viên tích cực đưa giống mới có năng suất cao kết hợp bón phân đủ, đúng thời vụ, làm cỏ sục bùn, thâm canh tăng năng suất cây trồng để không ngừng nâng cao sản lượng lương thực, cơ sở nâng cao mức sống. Do đó nếu những năm 1922 - 1930 dưới thời thực dân phong kiến, năng suất lúa trong tỉnh chỉ 10 tạ/ha đến 12 tạ/ha thì những năm 1970 - 1980 các hợp tác xã đạt năng suất 24 - 30 tạ/ha, các hợp tác điển hình còn đạt 50 tạ/ha như Lâm Đồng - Mè Thượng, xã Phương Thiện. Thời kỳ tiếp theo, dưới ánh sáng của Đại hội VI – Đại hội đổi mới nền kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng có sự phát triển đột phá. Trong lĩnh vực nông nghiệp, năng suất lúa trong tỉnh tiếp tục tăng cao từ 36,9 tạ/ha năm 1995 lên 42 tạ/ha năm 2000, năng suất tăng dẫn đến bình quân lương thực đầu người cũng tăng, nếu những năm 1990 - 1994 bình quân 250 - 260kg đầu người/năm, thì 1995 là 280kg, năm 2000 đạt 305 và năm 2020 đạt 470kg/người/năm. Kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, tỷ lệ đói nghèo ngày càng được giảm xuống. Nếu theo tiêu chí cũ những năm 1991 - 1995 thì nay đã cơ bản hết hộ đói chỉ còn hộ nghèo. Từ năm 1996 đến nay, dù nước ta đã nhiều lần nâng tiêu chí đói nghèo lên cao, nhưng đến nay tỉnh ta chỉ còn 22% số hộ nghèo và không còn hộ đói.

Một góc thành phố Hà Giang
Một góc thành phố Hà Giang

Về cơ sở hạ tầng, nếu thời thực dân phong kiến chủ yếu sử dụng đường mòn với người đi bộ và đường thủy để vận chuyển hàng hoá. Và từ năm 1957 – 1959 chỉ một tuyến Quốc lộ 2 từ Hà Nội lên đến Thanh Thủy, thì đến năm 1959 – 1960 tỉnh ta bắt đầu khởi công con đường ô tô từ Hà Giang đi Đồng Văn – Mèo Vạc (đường Hạnh Phúc) và đường ô tô từ Bắc Quang đi Hoàng Su Phì, đến năm 1965 sau khi hoàn thành 2 tuyến đường trên, thì những năm tiếp theo, tỉnh ta liên tiếp đạt được những tiêu chí lớn trong lĩnh vực giao thông: Năm 2002 tất cả các xã trong tỉnh đã có đường ô tô lát đá hoặc đường đất đến trung tâm; 100% huyện có đường nhựa. Năm 2020 đạt 100% số xã có đường nhựa hoặc bê tông, 100% số thôn bản trong tỉnh có đường ô tô đến trung tâm, trong đó 38% là đường bê tông; riêng ba huyện vùng cao khó khăn Đồng Văn 73%, Hoàng Su Phì 69,8%, Xín Mần 69,5% số thôn có đường bê tông. Vì giao thông là mạch máu và tạo điều kiện cho phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội và an ninh - quốc phòng. Đảng bộ và nhân dân tập trung phát triển giao thông, đến nay cơ bản đã chấm dứt cảnh cán bộ tỉnh, huyện và xã cuốc bộ xuống cơ sở đến với dân của thế kỷ 19 – 20. Hệ thống trường học, cơ sở khám điều trị bệnh và trụ sở làm việc từ tỉnh đến xã đã được cứng hóa, nhà tầng sạch đẹp và khang trang. Nếu thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 toàn dân chỉ sống đèn dầu, ánh lửa thì đến nay nhân dân trong tỉnh từ vùng thấp đến vùng cao, nơi đô thị cũng như nơi sâu xa, hẻo lánh đã có đèn diện chiếu sáng, cảnh vác củi để đun nấu đã giảm xuống đáng kể, thay vào đó là bếp điện hoặc bếp ga. Trong nhà có điện thắp sáng, có ti vi xem, nhà nào cũng có điện thoại để liên hệ, kết bạn, thông tin cho nhau những điều vui, buồn.

Trải qua 130 năm thành lập tỉnh, trong đó có 75 năm chính quyền nhân dân quản lý và 60 năm nhân dân các dân tộc Hà Giang thực hiện 8 lời căn dặn của Bác Hồ khi người lên thăm tỉnh nhà, nhân dân Hà Giang tự hào đã sống đoàn kết, đi theo con đường của Đảng, biết ơn Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra con đường phát triển, được toàn dân thực hiện, cùng cả nước vươn  lên một tầm cao mới. Nhân dân Hà Giang tự hào và thầm hứa tuyệt đối tin tưởng vào đường lối của Đảng và Bác Hồ, tiếp tục phấn đấu để không ngừng đưa tỉnh Hà Giang phát triển, đến năm 2030 là tỉnh có kinh tế xã hội phát triển khá trong khu vực trung du miền núi phía Bắc và đến năm 2045 Hà Giang trở thành tỉnh có kinh tế - xã hội ở mức trung bình khá của cả nước như Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII của Đảng bộ tỉnh đã đề ra.

        Triệu Đức Thanh


Cùng chuyên mục

Tổ đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri tại huyện Yên Minh và Tp. Hà Giang

BHG - Ngày 13.8, Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Yên Minh gồm các ông, bà: Vũ Mạnh Hà, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Hoàng Văn Vịnh, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Ngô Xuân Nam, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Yên Minh; Nùng Thị Sứ, Chủ tịch Hội LHPN xã Đông Minh, huyện Yên Minh đã có buổi tiếp xúc cử tri tại 2 xã Hữu Vinh và Mậu Duệ.

14/08/2021
Thủ tướng phát động phong trào thi đua đặc biệt "Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19"

Sáng 14/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương chủ trì cuộc họp của Hội đồng và phát động phong trào thi đua đặc biệt "Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19".

 

14/08/2021
Mèo Vạc tổng kết Đề án về cải tiến tổ chức đám tang trong vùng đồng bào dân tộc Mông

BHG - Ngày 13.8, Huyện ủy Mèo Vạc tổ chức hội nghị trực tuyến từ huyện đến xã tổng kết thực hiện Đề án 13-ĐA/HU ngày 2.8.2019 của BTV Huyện ủy về cải tiến tổ chức đám tang trong vùng đồng bào dân tộc Mông, giai đoạn 2019 - 2020 và những năm tiếp theo. Tham dự có đồng chí Trần Mạnh Lợi, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy.

14/08/2021
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn làm việc tại Bắc Mê

BHG - Sáng 13.8, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh có buổi làm việc với lãnh đạo xã Lạc Nông và thị trấn Yên Phú (Bắc Mê), nắm bắt tình hình phát triển KT – XH 7 tháng đầu năm; phương hướng, nhiệm vụ các tháng cuối năm 2021. Dự buổi làm việc có lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh; lãnh đạo huyện Bắc Mê.

13/08/2021