Hồ Chí Minh với việc chỉ đạo Cách mạng tháng Tám

09:46, 19/08/2021

Thắng lợi Cách mạng tháng Tám - 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam mới là một trong những thắng lợi nổi bật, vĩ đại nhất của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX, là mốc son chói lọi trong lịch sử ngàn năm của dân tộc. Thắng lợi đó gắn liền trực tiếp với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là nơi hội tụ tình cảm, niềm tin cả nước

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là nơi hội tụ tình cảm, niềm tin của nhân dân cả nước.

ảnh: Tư Liệu

 

Tầm nhìn xa trông rộng

Trước những biến đổi nhanh chóng của tình hình thế giới vào những năm 30 của thập kỷ XX, nhất là sự xuất hiện của chủ nghĩa phát xít và nguy cơ chiến tranh thế giới thứ 2 xảy ra giữa các nước lớn, Hồ Chí Minh dự báo sẽ tác động đến cách mạng Việt Nam. Vì thế, Người đã có báo cáo trình bày ý kiến của mình với Quốc tế Cộng sản và xin được về nước trực tiếp chỉ đạo cách mạng. Khi phát xít Đức đánh chiếm Pháp, Người cho rằng: “Pháp mất nước là một cơ hội rất thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước ngay để tranh thủ thời cơ”. Vậy là sau bao năm bôn ba, tháng 2 năm 1941, Người về Cao Bằng, lấy hang Pắc Pó làm trụ sở để chỉ đạo cách mạng. Sau một thời gian nắm bắt tình hình trong và ngoài nước cũng như phong trào cách mạng đang diễn ra, Người triệu tập và trực tiếp chủ trì Hội nghị T.Ư 8 (khóa I) của Đảng từ ngày 10 - 19.5.1941. Tại hội nghị, Người phân tích và nhận định rằng mặc dù phát xít Đức, Ý, Nhật đang mở rộng chiến tranh, chúng đánh vào Liên Xô và các nước đồng minh, nhưng nhất định chúng sẽ thất bại và đây là thời cơ lớn đối với cách mạng nước ta. Trên cơ sở nhận định sáng suốt đó, Người nêu ra sự chuyển hướng chiến lược quan trọng, đó là tất cả tập trung cho nhiệm vụ giải phóng dân tộc, tạm gác chủ trương về ruộng đất. Lúc này phải giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, đặt nhiệm vụ chống đế quốc lên trước, nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng dầu. Chủ trương đó phản ánh nhãn quan chính trị nhạy bén, tầm nhìn chiến lược sắc sảo, tư duy lý luận gắn với thực tiễn sâu sắc. Chính vì vậy mà chủ trương đó đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, đã thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh của mọi tầng lớp nhân dân chống lại bè lũ cướp nước và bọn tay sai; mở đầu cho phong trào quần chúng đứng lên làm Cách mạng tháng Tám.

Mít tinh Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội ngày 19/8/1945. Ảnh: Tư liệu/http://baotintuc.vn
Mít tinh Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội ngày 19/8/1945. Ảnh: Tư liệu/http://baotintuc.vn

 Tổ chức lực lượng làm cách mạng

Điều có tính chất quyết định cho thắng lợi của Cách mạng tháng Tám đó là việc Hồ Chí Minh đã chủ trương thành lập Mặt trận Việt Minh. Cùng với sự ra đời của Mặt trận Việt Minh là sự phát triển mạnh mẽ của các đoàn thể trong Mặt trận như Nông dân cứu quốc, Công nhân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Nhi đồng cứu quốc… Dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh và hiệu triệu “cứu quốc” của các đoàn thể, mà mọi tầng lớp nhân dân yêu nước được tập hợp đoàn kết lại, lôi cuốn mạnh mẽ vào phong trào đứng lên đánh đổ thực dân xâm lược, giành độc lập tự do. Thành lập Mặt trận Việt Minh là một sáng tạo của Hồ Chí Minh đáp ứng yêu cầu của lịch sử. Khi Đảng hoạt động bí mật thì chính Mặt trận - nơi tập hợp quần chúng đông đảo - là cầu nối quan trọng giữa Đảng với quần chúng, là tiêu biểu cho khối đại đoàn kết dân tộc. Có thể nói sự ra đời của Mặt trận Việt Minh là yếu tố quyết định cho thắng lợi Cách mạng tháng Tám.

Để làm cơ sở và nòng cốt cho đấu tranh chính trị, Hồ Chí Minh đã cho xây dựng lực lượng vũ trang. Đầu tiên là thành lập đội vũ trang Cao Bằng, đội làm nhiệm vụ bảo vệ căn cứ cách mạng, huấn luyện chính trị quân sự cho các đội tự vệ, dân quân du kích địa phương, hậu thuẫn cho các cuộc đấu tranh của quần chúng. Tiếp đến, để đáp ứng yêu cầu phát triển của cách mạng, Hồ Chí Minh quyết định thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (ngày 22.12.1944). Ngay sau khi thành lập, đội đã gây được tiếng vang lớn với chiến thắng diệt gọn 2 đồn địch ở Phang Khắt và Nà Ngần. Uy tín của đội lan tỏa khắp cả nước, từ đó mà nhiều địa phương đã chủ động thành lập các đội vũ trang. Để đẩy mạnh việc chuẩn bị khởi nghĩa, Người cùng T.Ư Đảng đã tổ chức Hội nghị quân sự Bắc Kỳ thống nhất sáp nhập các lực lượng vũ trang thành Việt Nam giải phóng quân và đặt nhiệm vụ quân sự lên hàng đầu. Cùng với lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang không ngừng lớn mạnh đã tạo điều kiện vô cùng quan trọng cho thắng lợi của Cách mạng tháng Tám.

Một trong những sáng tạo về tập hợp lực lượng của Hồ Chí Minh đó là tranh thủ sự ủng hộ quốc tế. Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều hoạt động ngoại giao dồn dập nhằm tranh thủ mọi lực lượng ở ngoài nước. Người đã trực tiếp gặp Chu Ân Lai - đại diện cho Đảng Cộng Sản Trung Quốc để bàn phối hợp hoạt động cách mạng giữa hai nước, cử người đi Diên An để mở rộng quan hệ quốc tế, củng cố đường dây liên lạc với Quốc tế Cộng Sản… Tháng 2.1942, Người đích thân đi Trung Quốc gặp đại diện chính phủ Tưởng Giới Thạch. Người đã tham gia cải tổ tổ chức người Việt ở Trung Quốc, đó là Việt Nam cách mạng đồng minh hội, nhằm tranh thủ kêu gọi những người yêu nước trong tổ chức người Việt đứng về phía cách mạng. Người đã quyết định gặp đại diện Mỹ ở Côn Minh để bàn phương thức hợp tác Việt Minh - Mỹ. Thực hiện kế hoạch hợp tác vô cùng nhạy cảm đó, Mỹ đã giúp Việt Nam một số súng đạn, thuốc men, điện đài và cả một số quân tình nguyện để huấn luyện cho lực lượng vũ trang Việt Nam về sử dụng vũ khí, điện đài và kỹ thuật quân sự. Những hoạt động quốc tế đó đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của Cách mạng tháng Tám.

Kịp thời nắm bắt thời cơ

Với tầm cao trí tuệ, với kinh nghiệm hoạt động thực tiễn phong phú, Hồ Chí Minh và Đảng ta đã nắm bắt thời cơ cách mạng, kịp thời đề ra chủ trương và kế hoạch tổng khởi nghĩa. Tháng 8.1945, phát xít Đức đầu hàng Đồng minh, ở Đông Dương quân đội Nhật hoảng loạn, phong trào cách mạng cả nước sôi sục, Hồ Chí Minh khẳng định lúc này thời cơ đã đến, dù hy sinh tới đâu cũng phải dành cho được độc lập dân tộc. Người nói: “Cần tranh thủ từng giây, từng phút, tình hình sẽ biến chuyển nhanh chóng, không thể để lỡ cơ hội”. Người đã quyết định triệu tập Đại hội đại biểu quốc dân ở Tân Trào và phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền trước khi quân Đồng minh vào nước ta. Ngay sau đó, Người trực tiếp gửi thư kêu gọi tổng khởi nghĩa tới đồng bào cả nước, trong đó khẳng định: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến, đồng bào toàn quốc hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta…”. Đáp ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, triệu người như một đứng lên tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa thành công. Ngay sau thắng lợi Cách mạng tháng Tám, người đã soạn thảo Tuyên ngôn độc lập, ấn định ngày 2.9.1945 là ngày ra mắt quốc dân và tuyên bố sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Nghiên cứu những chủ trương sáng suốt và sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Cách mạng tháng Tám, chúng ta có đủ bằng chứng lịch sử để khẳng định sự thành công của Cách mạng tháng Tám là kết quả của một quá trình tổ chức lực lượng, chuẩn bị các điều kiện, đến nắm bắt thời cơ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

TS. Đặng Duy Báu


Cùng chuyên mục

Hội đồng lý luận tỉnh họp cho ý kiến vào các dự thảo qui chế, chương trình, kế hoạch hoạt động

BHG - Chiều 18.8, tại phòng họp BTV Tỉnh ủy, đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng lý luận (HĐLL) tỉnh chủ trì cuộc họp đóng góp ý kiến vào các dự thảo về Qui chế hoạt động, Chương trình hoạt động giai đoạn 2021 - 2025 và Kế hoạch hoạt động quí IV năm 2021 và năm 2022. Dự họp có các đồng chí: Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Hội đồng; Vũ Mạnh Hà, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng cùng các đồng chí thành viên Hội đồng.

18/08/2021
Khắc sâu trong tim lời Bác Hồ dạy năm xưa - Kỳ 2: Những lời dạy của Hồ Chủ tịch về công tác cán bộ ở Hà Giang

BHG - Tháng 3.1961, tỉnh Hà Giang đón chào Chủ tịch Hồ Chí Minh lên thăm. 60 năm đã qua, ký ức về chuyến thăm đặc biệt của Người vẫn còn in đậm trong các nhân chứng là cán bộ, đảng viên và nhân dân Hà Giang. Nhân kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh Hà Giang (1891 – 2021), kỷ niệm 60 năm, ngày Bác lên thăm (1961 – 2021) Báo Hà Giang điện tử có loạt bài viết "Khắc sâu trong tim lời Bác Hồ dạy năm xưa", hồi tưởng về chuyến thăm lịch sử và những lời dạy quý báu của Người với Đảng bộ, chính quyền và đồng bào Hà Giang.

18/08/2021
Khắc sâu trong tim lời Bác Hồ dạy năm xưa - Kỳ 2: Những lời dạy của Hồ Chủ tịch về công tác cán bộ ở Hà Giang
BHG - Sinh thời, Hồ Chủ tịch luôn khẳng định, “Cán bộ là gốc của mọi công việc”. Người nhấn mạnh, “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Vì thế, trong những năm tháng hoạt động cách mạng, lãnh đạo đất nước, về với các địa phương, các bộ, ngành, Người luôn nhắc đến công tác cán bộ, công tác lãnh đạo. Chuyến thăm và làm việc với Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Hà Giang tháng 3.1961 là chuyến thăm đầu tiên và duy nhất của Người đến với mảnh đất địa đầu Tổ quốc. Nhưng, trong lần lên thăm duy nhất ấy, Người đã để lại những lời căn dặn hết sức quý báu, trong đó có những lời dạy liên quan đến công tác cán bộ, lãnh đạo ở Hà Giang.
18/08/2021
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn kiểm tra một số dự án tại Xín Mần

BHG - Sáng 18.8, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đi kiểm tra một số dự án trên địa bàn huyện Xín Mần. Cùng đi có đồng chí Hà Thị Minh Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành và huyện Xín Mần. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đi kiểm tra tình hình thực hiện dự án nâng cấp, cải tạo đường từ km 90 (đường Bắc Quang – Xín Mần) đi cửa khẩu Xín Mần (giai đoạn 2)...

18/08/2021