Hà Giang

Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang tham luận 4 giải pháp với Quốc hội trong triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia

17:12, 27/07/2021

BHG - Ngày 27.7, Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV tiến hành thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang do đồng chí Lý Thị Lan, Phó Trưởng đoàn đã có bài phát biểu tham luận về vấn đề này. Báo Hà Giang điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài tham luận.

Kính thưa: Chủ tọa kỳ họp

Kính thưa: Quốc hội

Là đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang, đơn vị được triển khai trực tiếp các Chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ, tôi bày tỏ quan điểm đồng tình và đánh giá cao báo cáo về 2 chương trình mục tiêu quốc gia và báo cáo thẩm tra đã trình tại kỳ họp. Đồng bào nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang và các vùng nông thôn, miền núi, dân tộc thiểu số và biên giới của cả nước rất phấn khởi và tiếp tục mong chờ triển khai hiệu quả của 3 chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và chương trình phát triển tổng thể kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021-2030. Có thể nói, nguồn lực dành cho 2 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2021 chưa được nhiều nhưng diện mạo của vùng nông thôn, miền núi, biên giới, dân tộc thiểu số đã có sự thay đổi lớn, cuộc sống của người dân đã được cải thiện, tạo niềm tin rất lớn cho đồng bào dân tộc thiểu số và người dân vào Đảng và Chính phủ.

Đồng chí Lý Thị Lan, Phó Trưởng đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang
Đồng chí Lý Thị Lan, Phó Trưởng đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang

Về 3 chương trình xây dựng mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2026, tôi nhận thấy về quan điểm, mục tiêu và các giải pháp đã chỉ đạo rất rõ ràng, vấn đề là khâu tổ chức, xây dựng kế hoạch và thực hiện lồng ghép 3 chương trình mục tiêu này cần đạt được hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm rất cần thiết là vì các lý do:

1. Đối tượng của 3 chương trình đều tập trung vào người dân nông thôn, hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, người dân tộc thiểu số, các huyện, các xã nghèo, vùng đặc biệt khó khăn miền núi.

2. Về mục tiêu tiếp nối thành công của hai chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 và phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2030 là chương trình lồng ghép của 118 chính sách đang có hiệu lực triển khai tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Do đó, nhiệm vụ và giải pháp của 3 chương trình mục tiêu giai đoạn này rất nặng nề và khó khăn do các địa phương là vùng lõi nghèo, có địa hình chia cắt, kinh tế - xã hội và hạ tầng còn nhiều khó khăn, tỷ lệ tái nghèo, hộ nghèo phát sinh còn cao. Vì vậy, để tổ chức triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia nói trên, tôi mạnh dạn đề xuất với Quốc hội một số giải pháp sau:

Thứ nhất: Chính phủ chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia phối hợp rà soát, phân tích, đánh giá, làm rõ nội dung để tránh bỏ sót hoặc trùng lắp các chương trình. Các địa phương cần chủ động rà soát, đánh giá lại các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới để có giải pháp, đề xuất kịp thời hỗ trợ cho các đối tượng thực sự thoát nghèo bền vững.

Thứ hai: Đề nghị Chính phủ bố trí nguồn ngân sách Trung ương đầy đủ ngay từ đầu để triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, ưu tiên nguồn lực phát triển sinh kế cho người dân, đảm bảo phát triển lâu dài, bền vững.

Thứ ba: Trong phân bổ nguồn vốn đầu tư công trung hạn cần quan tâm phối hợp các nguồn lực để kết nối cơ sở hạ tầng giao thông liên vùng giữa các tỉnh miền núi, dân tộc thiểu số, biên giới còn nhiều khó khăn, thách thức với các vùng phát triển động lực và trung tâm phát triển như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Cụ thể, như kết nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai với Tuyên Quang và tỉnh Hà Giang kết nối các tỉnh Tây Nguyên với Thành phố Hồ Chí Minh để tạo sự giao thương các vùng miền, thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng miền núi khó khăn, biên giới phát triển.

Thứ tư: Hôm nay ngày 27.7 chúng ta tưởng nhớ và tri ân đến các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh đã hy sinh cho công cuộc giải phóng dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ. Với Hà Giang chúng tôi trân trọng đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm, đẩy nhanh tiến độ rà phá bom mìn, vật nổ gắn với tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Sau 42 năm kết thúc chiến tranh, diện tích rà phá bom mìn của tỉnh Hà Giang mới chỉ đạt 1/3 tổng diện tích cần rà phá. Hiện còn khoảng 1.372 liệt sĩ chủ yếu nằm ở trên hơn 10.000 ha diện tích ô nhiễm bom mìn tại các vùng lõi biên giới, nên chưa thể tiến hành tìm kiếm, quy tập. Nếu càng kéo dài thời gian rà phá bom mìn thì cơ hội tìm kiếm các liệt sĩ càng gặp nhiều khó khăn. Việc làm sạch diện tích ô nhiễm bom mìn cũng là điều kiện căn cơ để thực hiện giải quyết việc thiếu đất sản xuất cho người dân vùng biên giới Hà Giang, giúp người dân yên tâm sản xuất là những cột mốc sống nơi biên cương phên giậu của Tổ quốc và đạt được đúng mục tiêu của 3 chương trình quốc gia giai đoạn 2021-2025 tại tỉnh Hà Giang.

Kính thưa Quốc hội!

 Ba Chương trình mục tiêu quốc gia (Giảm nghèo bền vững, Xây dựng Nông thôn mới, Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số Miền núi) là các chương trình có sức lan tỏa lớn được Chính phủ và các bộ ngành Trung ương quan tâm đầu tư nguồn lực. Các địa phương có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và huy động được sự vào cuộc mạnh mẽ của người dân. Để các chương trình này thực hiện có hiệu quả cao cần được lồng ghép đồng bộ các giải pháp và nguồn lực, trong đó nguồn lực xã hội hóa cũng rất quan trọng.

Tại Hà Giang trong 2 năm qua, bằng nguồn lực xã hội hóa của các tổ chức, cá nhân trong cả nước.  Cán bộ, đảng viên, và nhân dân trong tỉnh đã thực hiện chương trình hỗ trợ làm nhà ở cho cho Cựu chiến binh nghèo, gia đình chính sách, hộ nghèo các xã biên giới, đến nay đã hoàn thành 4.704 căn nhà, dự kiến đến tháng 8.2021 hoàn thành 5.013 căn nhà kiên cố cho Nhân dân đảm bảo an cư, lạc nghiệp, giảm nghèo bền vững; Hiện tỉnh Hà Giang tiếp tục tạo sinh kế cho người dân thông qua Chương trình hỗ trợ cải tạo vườn tạp cho người dân nông thôn, DTTS với mục tiêu thay đổi tư duy sản xuất, đảm bảo cải thiện dinh dưỡng, từng bước sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Tôi tin tưởng rằng với sự triển khai đồng bộ, mạnh mẽ và có hiệu quả của 3 chương trình MTQG giai đoạn 2021-2026 nêu trên sẽ là điều kiện tiên quyết để thực hiện xóa đói giảm nghèo bền vững đối với vùng nông thôn, miền núi, biên giới điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn như Hà Giang và các tỉnh miền núi, biên giới của cả nước nói chung

Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội!


Cùng chuyên mục

Uống nước nhớ nguồn và nghĩa cử của xã hội ta

Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng ghi rõ: "Cần thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an sinh con người". Đây cũng là nội dung quan trọng về "định hướng XHCN" trong cơ chế thị trường hiện nay. Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội cần hết sức lưu ý đến chính sách người có công với cách mạng. Trong quá trình đấu tranh cách mạng giành chính quyền và qua hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới...

27/07/2021
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn: Siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19

BHG - Sáng 27.7, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh có buổi làm việc với lãnh đạo các sở, ngành về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Dự buổi làm việc có đồng chí Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành.

27/07/2021
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội

Sau khi được Quốc hội khóa XV bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thực hiện nghi thức tuyên thệ nhậm chức theo quy định của Hiến pháp.

26/07/2021
Đại hội đại biểu phụ nữ huyện Quang Bình lần thứ IV

BHG - Sáng 26.7, Hội LHPN huyện Quang Bình tổ chức Đại hội đại biểu phụ nữ lần thứ IV, nhiệm kỳ 2021 – 2026. Đây là đơn vị được Hội LHPN tỉnh chọn làm đại hội điểm để rút kinh nghiệm tổ chức đại hội đại biểu phụ nữ cấp huyện. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tới các điểm cầu trên toàn tỉnh để đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19. Tham dự Đại hội có lãnh đạo Hội LHPN tỉnh, huyện Quang Bình.

26/07/2021