Hồi ức đại thắng mùa xuân 1975: Chiến thắng của sự đồng lòng ​

10:27, 25/04/2020

Sau 45 năm giải phóng, những nhân chứng từng sống và chiến đấu trong mùa xuân 1975 vẫn không khỏi bồi hồi, xúc động khi nhớ về sự kiện lịch sử này. 

Giao lưu nhân chứng lịch sử “Hồi ức đại thắng mùa xuân 1975” tại Đăk Lăk.
Giao lưu nhân chứng lịch sử “Hồi ức đại thắng mùa xuân 1975” tại Đăk Lăk.

Trong không khí cả nước kỷ niệm 45 năm giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước, những nhân chứng lịch sử ở tỉnh Đăk Lăk đã có dịp giao lưu, chia sẻ với thế hệ trẻ những hồi ức về đại thắng mùa xuân 1975.

Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975 đã mở màn thắng lợi cho chiến dịch Tây Nguyên, tạo bước ngoặt lịch sử quan trọng, thúc đẩy nhanh tiến trình của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, với đỉnh cao là thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau 45 năm giải phóng, những nhân chứng từng sống và chiến đấu trong mùa xuân 1975 vẫn không khỏi bồi hồi, xúc động khi nhớ về sự kiện lịch sử này.

Đã thành thông lệ cứ mỗi dịp tháng 3 tới, tháng 4 về, những cựu chiến binh, những nhân chứng lịch sử của đại thắng mùa xuân năm 1975, hiện đang sinh sống tại tỉnh Đăk Lăk, lại gặp gỡ ôn lại ký ức của một thời khói lửa. Những mái đầu đã điểm bạc, nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên gương mặt mang nét thời gian.

Bà Nguyễn Thị Minh Trinh, nguyên Phó đoàn công tác chính trị như sống lại những ngày tháng hừng hực khí thế tiến công, khát khao giải phóng của mùa xuân năm 1975. Khi đó, thắt lòng gửi con nhỏ mới 2 tuổi cho cơ quan tiền phương, bà xâm nhập vào nội thành Buôn Ma Thuột, móc nối, xây dựng các cơ sở phục vụ cách mạng.

Quân giải phóng chiếm Sở chỉ huy sư đoàn 23 Ngụy ngày 10/3/1975 (Ảnh tư liệu  Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk)
Quân giải phóng chiếm Sở chỉ huy sư đoàn 23 Ngụy ngày 10/3/1975 (Ảnh tư liệu Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk)

Trong ký ức của bà Trinh, các cơ sở bên trong họ rất quyết tâm, đối với cách mạng khi có thời cơ là họ tham gia: “Nhờ đó tôi nắm được tình hình địch, và phân công từng bộ phận cơ sở kết hợp với đoàn, một là vận động binh lính ra ngũ, thứ hai là tham gia diệt ác phá kềm, thứ ba là đưa quần chúng nổi dậy. Trong tình hình đó chúng tôi chọn một vài thằng ác ôn khét tiếng mà diệt trừ, thì từ đó phá được kềm, và tạo cho quần chúng nổi dậy”.

Mùa xuân năm ấy, cựu chiến binh Trịnh Ngọc Bổ tham gia đội binh vận tại H11, khu vực phía đông tỉnh Đăk Lăk. 21 tuổi, 4 năm chiến đấu, 4 lần bị thương. Nhưng ký ức ấn tượng nhất của ông là trận đánh không nổ phát súng nào mà vẫn chiến thắng, bắt 28 tù binh, thu trên 50 vũ khí các loại, giải phóng xã Krông Pách, quận Phước An (bây giờ là xã Ea Kly, huyện Krông Păk).

Ông Trịnh Ngọc Bổ hào hứng nhớ lại, đêm 28/2, đội công tác chúng tôi gồm có 9 tay súng, làm thí điểm giải phóng một xã trong lúc quận Phước An chưa giải phóng, Buôn Ma Thuột chưa giải phóng: “Chúng tôi dùng loa kêu gọi anh em binh sĩ và chính quyền hãy mau chóng ra đầu hàng, quân giải phóng đã bao vây, nếu anh em nào chống trả sẽ bị tiêu diệt. Chúng tôi kêu gọi khoảng hơn 10 phút, dùng loa hô rất lớn, khí thế hừng hực, và địch đã đầu hàng”.

Một trong những người lính trực tiếp tham gia trận chiến giải phóng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975, cựu chiến binh Hồ Quảng Trị, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 25, bồi hồi: đơn vị của ông có nhiệm vụ tấn công Tổng kho Mai Hắc Đế. Yếu tố bất ngờ cùng với sự hiệp đồng chặt chẽ của các lực lượng, Buôn Ma Thuột đã được giải phóng sau hơn 30 giờ nổ súng, trong niềm vui mong chờ của người dân.

“Ngày 10/3 đánh ở đây là mình cũng dứt điểm 85 – 90% rồi, còn lại số ít chống cự, sau đó xe tăng mình ào vô nữa, cuối ngày 11 là giải phóng hết luôn. Ngay ngày 10/3 đánh vô thành phố Buôn Ma Thuột thì nhân dân đã treo cờ rộ rồi, cờ giải phóng treo lên rồi, nhân dân quá phấn khởi”- cựu chiến binh Hồ Quảng Trị nhớ lại.

 Đồng bào Tây Nguyên mừng chiến thắng (Ảnh tư liệu TTXVN).
Đồng bào Tây Nguyên mừng chiến thắng (Ảnh tư liệu TTXVN).

Là một trong hai người may cờ trong những năm kháng chiến ở khu căn cứ H4 - Đăk Lăk, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, cho biết, nhiều người đã hy sinh, đã bị thương để giữ từng tấc vải, từng lá cờ Tổ quốc bởi đây là nhiệm vụ thiêng liêng. 45 năm đã qua, bà vẫn xúc động khi nhớ lại những ngày đại thắng: “May ngày may đêm, chong đèn dầu may suốt đêm, không ai tưởng tượng được năm 1975 giải phóng đại thắng mùa xuân như vậy, mà đến bây giờ nhắc lại vẫn hồi hộp không tưởng tượng được.

Nói về chiến thắng Tây Nguyên trong đại thắng mùa xuân năm 1975, ông Lê Chí Quyết, Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban quân quản thị xã Buôn Ma Thuột, tâm sự, 2 nguyên nhân cơ bản, tạo thuận lợi nhất là quân và dân rất tốt; thứ hai là đồng bào các dân tộc Kinh – Thượng ở đây rất đoàn kết. Điều đó đã tạo nên sức mạnh toàn diện cho 3 mũi giáp công quân sự, chính trị, binh vận.

Lễ hội đường phố (tháng 3/2019) tại khu vực Tượng đài chiến thắng Buôn Ma Thuột.
Lễ hội đường phố (tháng 3/2019) tại khu vực Tượng đài chiến thắng Buôn Ma Thuột.

Sau khi giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, quân chủ lực tiến về Sài Gòn, còn các lực lượng địa phương phát động quần chúng nổi dậy diệt ác, phá kềm, truy quét tàn quân địch. Đến ngày 24/3/1975, tỉnh Đắk Lắk đã hoàn toàn được giải phóng. Ủy ban quân quản Buôn Ma Thuột tập trung lực lượng vãn hồi trật tự trị an, khôi phục cuộc sống cho nhân dân, đặc biệt là giải quyết nạn đói.

Ông Lê Chí Quyết, cho biết, trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ trước đây Buôn Ma Thuột là một thị xã sống không có sản xuất, sống nhờ gạo chợ nước sông, cho nên thời kỳ đó là mấy vạn dân đói cơm khát nước thiếu gạo thiếu thực phẩm. UBND tỉnh phải xin cấp trên là cho mở tất cả các kho lương thực thực phẩm của quân địch để lại, thứ hai là mua chịu lương thực thực phẩm từ các kho tư nhân, để giải quyết cái ăn cho dân.

Đoàn kết một lòng đã góp phần làm nên chiến thắng Buôn Ma Thuột, mở đầu cho chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi, tiến tới đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước. Đoàn kết cũng là sức mạnh để Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk, khắc phục vết thương chiến tranh, đạt được những chiến công mới trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế xã hội, chăm lo đời sống cho bà con các dân tộc./.

Theo vov.vn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thủ tướng chỉ thị tiếp tục các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới

Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị 19/CT-TTg về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.

25/04/2020
Bộ Tư lệnh BĐBP kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Mèo Vạc

BHG - Ngày 24.4, Thiếu tướng Lê Đức Thái, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra, thăm, tặng quà cán bộ, chiến sỹ BĐBP Hà Giang đang thực hiện nhiệm vụ tại các chốt kiểm dịch biên giới trên địa bàn huyện Mèo Vạc. Cùng đi có đồng chí Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Sở Ngoại vụ và huyện Mèo Vạc.

 

25/04/2020
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT kiểm tra thiệt hại do thiên tai tại Xín Mần

BHG - Ngày 24.4, đồng chí Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đã đi kiểm tra tình hình thiệt hại do mưa đá và gió lốc tại huyện Xín Mần. Cùng đi có đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo Sở NN&PTNT và huyện Xín Mần.

24/04/2020
UBKT Tỉnh ủy tổ chức Kỳ họp lần thứ 47

BHG - Ngày 21.4, UBKT Tỉnh ủy tổ chức Kỳ họp thứ 47, đồng chí Lê Quang Minh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy chủ trì. Tại kỳ họp, UBKT Tỉnh ủy đã xem xét, kết luận một số nội dung.

24/04/2020